Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

TỔ CHỨC TIẾP VẬN, VẬN CHUYỂN HÀNG CHI VIỆN CHIẾN LƯỢC Ở CHIẾN TRƯỜNG MIỀN ĐÔNG NAM BỘ



Đại tá, PGS, TS. Hồ Sơn Đài*  
Ngang nhiên xé bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, từ cuối năm 1954, đế quốc Mỹ bắt đầu thực hiện chính sách thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, sử dụng bạo lực phản cách mạng chống phá quyết liệt phong trào cách mạng miền Nam. Không còn con đường nào khác, nhân dân miền Nam phải vùng lên tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Để chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng LĐVN quyết định mở đường vận tải chiến lược Bắc Nam trên bộ và trên biển. Trên biển, trong những năm đầu của thập niên 60, hàng hóa, vũ khí trang bị từ miền Bắc đã cập các cửa biển ở miền Trung và miền Tây Nam Bộ.

Riêng ở miền Đông Nam Bộ, Trung ương Cục và Khu ủy miền Đông chọn cửa biển Lộc An (nay thuộc huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và cửa biển Cần Giờ (nay thuộc huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh) làm bến tiếp nhận.
Cửa biển Lộc An nằm phía hạ lưu sông Ray, một con sông nhỏ dài chừng 75km, bắt nguồn từ suối Gia Liêu, chảy xuống phía nam huyện Xuyên Mộc (Đồng Nai) qua Xuyên Mộc - Long Đất rồi đổ ra Biển Đông. Cửa biển Cần Giờ nằm về phía nam cửa biển Lộc An chừng 20km, nơi hợp lưu của nhiều con sông lớn chảy ra biển mà lớn nhất là sông Đồng Nai, con sông bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên, có nhiều phụ lưu chảy qua các tỉnh miền Đông và đến địa phận Nhà Bè (thành phố Hồ Chí Minh) thì hợp với sông Sài Gòn chảy qua các con sông Lòng Tàu, Đồng Tranh, Ngã Bảy và đổ ra cửa Cần Giờ.
Để tổ chức tiếp nhận hàng chi viện của Trung ương ở các cửa biển, từ đó tiếp tục vận chuyển về các căn cứ ở miền Đông Nam Bộ, đầu năm 1962, Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền quyết định thành lập Đoàn vận tải 555 (do Dương Quang Đông phụ trách). Đầu năm 1963, Đoàn 555 phát triển thành đơn vị cấp trung đoàn, lấy phiên hiệu là Đoàn 1500, do Mai Văn Vĩnh làm Đoàn trưởng. Nhiệm vụ của Đoàn là tổ chức tiếp nhận vũ khí trang bị trực tiếp từ các ''chuyến tàu không số'' ngoài biển vào các cửa biển Lộc An, Cần Giờ và tiếp chuyển hàng từ các cửa biển ở miền Trung Nam Bộ đưa lên.
Ngay sau ngày thành lập, Đoàn 555 khẩn trương triển khai công tác khảo sát địa điểm tiếp nhận hàng, xây dựng kho tàng, bến bãi, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nắm tình hình địch, đồng thời tổ chức các đoàn thủy thủ vượt biển dò đường mở tuyến ra Bắc, xây dựng hành lang bảo vệ ven biển.
Sau chuyến đi thăm dò đầu tiên (tháng 5-1961), ngày 27 tháng 2 năm 1962, một tổ công tác gồm 6 chiến sĩ, do Nguyễn Sơn phụ trách, trên chiếc ghe có trọng tải 2 tấn và máy 8 sức ngựa rời bến Xuyên Mộc ra khơi. Sau gần 3 tháng vật lộn với biển cả, đấu tranh với kẻ thù, ngày 15 tháng 5 năm 1962, tổ công tác về đến Hà Nội. Tại đây họ được biên chế vào Đoàn vận tải 759, trực tiếp lái những con tàu bí mật đưa vũ khí về cửa biển Lộc An.
Tại Xuyên Mộc, đến cuối tháng 9 năm 1963, công việc xây dựng bến bãi, triển khai lực lượng và phương tiện tiếp nhận, vận chuyển của Đoàn 1500 đã hoàn tất. Đêm 3 tháng 10 năm 1963, chiếc tàu đầu tiên mang bí số 21, do Lê Văn Một làm thuyền trưởng, chở 20 tấn vũ khí (gần 1.500 khẩu súng trường kèm mỗi khẩu 1.000 viên đạn, 50 khẩu tiểu liên, 24 khẩu trung liên và đại liên, 2 khẩu ĐK57, 10 khẩu cối 60 ly, 20.000 trái mìn, lựu đạn, 5 tấn thuốc nổ TNT; tất cả còn mới nguyên, được bôi lớp mỡ bảo quản và bọc trong bao nilon kín). Khi tàu vừa cập bến Lộc An, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 1500 cùng 600 dân công địa phương đã nhanh chóng vận chuyển từ con tàu bị mắc cạn ngoài biển vào đất liền và về các vị trí cất giữ an toàn.
Tiếp sau chuyến tàu đêm 3 tháng 10 năm 1963, nhiều con tàu khác của Đoàn Hải quân 125 tiếp tục chuyển vũ khí vào Lộc An. Đêm 22 tháng 12 năm 1964, tàu 56 do Nguyễn Quốc Thắng làm thuyền trưởng chở 75 tấn hàng vào Bến Tranh. Đêm 1 tháng 2 năm 1965, con tàu vỏ sắt do Lê Quốc Thân làm thuyền trưởng chở 70 tấn vũ khí cũng theo sông Ray đổ lên Bến Tranh. Số vũ khí nói trên đã được trang bị cho lực lượng chủ lực Miền và bộ đội các tỉnh Khu 7, Khu 6 để tiến hành chiến dịch Bình Giã (chiến dịch đầu tiên ở Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước) và các trận đánh, chiến dịch lớn sau đó như Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bàu Bàng.
Từ tháng 3 năm 1965, địa điểm tiếp nhận vũ khí tại Lộc An bị lộ, địch tăng cường kiểm soát bằng không quân và hải quân trên biển, oanh tạc, nã pháo và mở nhiều trận càn vào vùng căn cứ của ta ở ven biển. Bom đạn địch cày xới nát ấp Lộc An, Hồ Tràm; tàn phá khu căn cứ, ruộng rẫy cùng nhà cửa của nhân dân trong vùng. Những cán bộ, chiến sĩ còn lại trong Đoàn 1500 được lệnh rời căn cứ, hành quân về Phước Long thành lập Đoàn 86 tiếp nhận vũ khí từ đoạn cuối tuyến đường Trường Sơn. Đoàn 1500 bàn giao lại cho Đoàn hậu cần 84 (đóng căn cứ ở Hắc Dịch) tiếp tục làm nhiệm vụ tiếp nhận, tạo nguồn và vận tải hàng hóa về các chiến trường ở miền Đông Nam Bộ.
Trong lúc chuẩn bị tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên tại Lộc An, Đoàn 1500 triển khai một lực lượng, do Phạm Văn Bích phụ trách, xuống Đồng Tranh tổ chức một đầu cầu đón nhận hàng từ Bến Tre chở lên (qua Đoàn 702 của Miền xây dựng kho tàng cất giữ tại căn cứ Rừng Sác). Từ tiểu đội 7 người ban đầu (lấy từ Đoàn 1500), lực lượng tăng dần nhờ quân số bổ sung do cấp trên đưa về và tuyển thêm thanh niên huyện Cần Giờ. Đến cuối tháng 10 năm 1963, đơn vị đã phát triển thành một tiểu đoàn thiếu, lấy phiên hiệu đơn vị 340B (340 là mật danh của huyện Cần Giờ). Chỉ huy sở đặt bên bờ một con rạch nhỏ ở khu vực sông Cá Ngay. Tại đây có hệ thống thông tin liên lạc thông suốt đến các bộ phận trong đơn vị và về Bộ chỉ huy quân sự Miền. Cách sở chỉ huy 1.000m, thuộc khu vực sông Cá Ngay, rạch Tràm, Đầm Bui, bộ đội xây dựng lán trại và hệ thống kho chứa hàng. Kho là những chiếc "sàn" trên doi đất khô, ẩn mình dưới những tán cây rậm rạp, dài từ 10 - 15m, rộng 6 - 10m, cách mặt đất 0,8 - 1m, có hệ thống chống lún bằng vô số cây cài đỡ nhau trên vùng đất sình lầy. Mỗi sàn có sức chứa 5 - 10 tấn. Kho được xây dựng thành từng cụm, mỗi cụm có nhiều đường ra vào khác nhau. Bên cạnh các con sông rạch tự nhiên, bộ đội còn tạo ra những con ''tắt'' (mương, lạch) để vận chuyển hàng xuyên qua rừng dẫn đến các cụm kho một cách bí mật và thuận lợi. Phương tiện vận tải hàng từ bến nhận về kho và từ kho chuyển đi là những chiếc ghe có sức chở 600 - 800kg. Tháng 5 năm 1963, đơn vị 340B bắt đầu nhận những chuyến hàng đầu tiên từ Bến Tre lên.
Tại Lộc An, các chuyến hàng cập bến có dấu hiệu bị lộ. Trong lúc đó, vũ khí từ Bến Tre đưa lên đã chất đầy các kho ở Rừng Sác. Trước tình hình ấy, Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo tạm dừng việc tiếp nhận hàng ở Lộc An, thiết lập tuyến vận tải Cần Giờ - Hắc Dịch, tiếp chuyển vũ khí của Trung ương qua Rừng Sác về các chiến trường miền Đông Nam Bộ. Tuyến vận tải gồm hai cung đoạn. Đoạn vận tải thủy bắt đầu từ cửa biển Cần Giờ (nhận qua
Đoàn 702
tại "tắt" Lý Trung), băng qua Rừng Sác, lên bờ Đông sông Thị Vải (tại ba bến: Bến Đá, Bà Phóng, Ông Trịnh), vượt qua quốc lộ 15, núi Thị Vải về Hắc Dịch - căn cứ của tỉnh Bà Rịa. Từ Hắc Dịch, hàng sẽ được tiếp chuyển về khu A (chiến khu Đ) để giao kho các đơn vị ở miền Đông Nam Bộ. Thực hiện chỉ thị của Trung ương Cục, Ban chỉ huy Đoàn 1500 cử Đoàn phó Lê Minh Thịnh đưa một trung đội của Đoàn 1500 rời Xuyên Mộc về Hắc Dịch xây dựng lực lượng và căn cứ tiếp nhận. Trung đội này được phát triển thành Đại đội 445B (mật danh đơn vị vũ trang tập trung của tỉnh Bà Rịa). Đại đội chuẩn bị phương tiện vận tải bộ (bao tải, đòn khiêng…), xây dựng kho chứa hàng và xác định lộ trình vận tải. Kho chứa hàng là những chiếc hầm bí mật hoặc những đoạn địa đạo được ngụy trang kín đáo, nằm rải rác trong khu rừng căn cứ Hắc Dịch. Ngoài ra, các bộng cây đại thụ cũng được sử dụng làm kho, có bộng cây chứa được cả tấn hàng.
Tổng cộng lực lượng của 445B và 340B lên đến 200 người; Lê Minh Thịnh và Phạm Văn Bính là Chỉ huy trưởng và Chỉ huy phó chung của cả hai đơn vị. Trung tâm chỉ huy đặt gần khu vực kho ở Hắc Dịch. Chỉ huy sở phía trước đặt tại Rừng Sác. Hai chỉ huy sở thường xuyên liên lạc trực tiếp với nhau bằng vô tuyến điện để xác định ngày giờ, số lượng, phương thức, bến bãi và tín hiệu, ám hiệu giao nhận hàng. Cuối tháng 10 năm 1963, chuyến hàng đầu tiên chở vũ khí khởi hành từ Rừng Sác qua hai cung đoạn vận tải thủy - bộ, về đến Hắc Dịch an toàn, mở đầu cho quá trình vận tải liên tục và có hiệu quả trên tuyến Cần Giờ - Hắc Dịch - đường Hồ Chí Minh trong Rừng Sác.
Quá trình hoạt động của tuyến vận tải Cần Giờ - Hắc Dịch diễn ra lặng lẽ, bí mật và vô cùng quyết liệt. Trên chặng vận tải thủy, từ kho tạm dừng, hàng được bộ phận tiếp nhận vào kho chuyển ra vòm Đầm Bui, rồi bộ phận vận tải "sang mạn'', cắt Rừng Sác, vượt sông Lòng Tàu, hướng phía đông bắc lên sông Thị Vải. Đoạn trọng điểm của chặng vận tải này là sông Lòng Tàu - đường thủy độc đạo nối Sài Gòn với Biển Đông. Trên con đường huyết mạch này, địch có lực lượng tuần tiễu hỗn hợp lớn, sử dụng các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt. Cứ 30 phút có một chiếc C.123 bay trinh sát dọc sông, ba lượt tàu tuần tiễu thuộc lực lượng hải quân và hai lượt công binh kéo cắt thép chạy dọc sát hai bờ sông. Ngoài ra còn có các toán biệt kích bất ngờ phục kích dọc hai bên bờ sông. Các chiến sĩ vận tải Đoàn 340B thường khởi hành vào chiều tối, khoảng thời gian giữa lúc thủy triều lên - xuống. Tốc độ vận tải đạt 10 - 18km/giờ, Đoàn vận tải phải vượt qua sông Lòng Tàu (đoạn bến vượt rộng 700m) trong thời gian không quá 5 - 7 phút, thời điểm nhằm vào giữa các đợt hoạt động của tàu tuần tiễu, tàu công binh và máy bay C.123. Đoàn vận tải thường đi và về ngay trong đêm.
Trên tuyến vận tải bộ, từ căn cứ Hắc Dịch, Đoàn 445B cắt rừng lên núi Thị Vải, bám ra quốc lộ 15 ở khu vực chùa Đại Tùng Tâm, rồi vượt đường về Phú Mỹ. Đoạn trọng điểm của chặng đường này là quốc lộ 15 - con đường bộ duy nhất nối Sài Gòn với Vũng Tàu. Các chiến sĩ vận tải chờ lúc trời chạng vạng tối mới vượt qua đường 15. Thường khoảng 8 giờ đêm bộ đội mới đến bến nhận. Thủ tục giao nhận diễn ra nhanh chóng. Hàng được đóng thành từng bao hàng, mỗi người vác bao nặng khoảng 30kg. Những loại hàng nặng như sơn pháo 105 ly, mỗi khẩu cần đến 100 người kéo và khiêng vác. Sau đó, lực lượng vận tải phải quay về căn cứ Hắc Dịch nhập hàng vào kho, xóa dấu vết dọc đường vận tải và khu vực kho trước khi trời sáng.
Tại bến nhận Rừng Sác, lượng hàng từ Bến Tre chuyển lên ngày càng tăng, từ 800kg đến 1.000kg, rồi nâng dần lên 3 tấn, 5 tấn, đến 10 tấn mỗi chuyến. Nhịp độ vận chuyển từ Rừng Sác lên Hắc Dịch cũng theo đó tăng dần. Do đó, các đội vận tải phải huy động thêm lực lượng dân công của tỉnh, có khi lên đến 200 - 300 người trong mỗi đợt. Khó khăn lớn nhất của các đội vận tải là phải thường xuyên đối phó với sự rình rập bắn phá của địch và lo cung ứng gạo, nước ngọt hàng ngày cho bộ đội.
ở chiến trường các tỉnh miền Đông Nam Bộ, trước nhu cầu tương đối lớn về vũ khí, đạn dược cho hoạt động quân sự trong mùa khô 1964 - 1965, đầu mùa mưa năm 1964, Bộ chỉ huy quân sự Miền quyết định tăng cường hành lang vận tải vũ khí trên Rừng Sác, lấy hai đơn vị 340B và 445 làm cơ sở, bổ sung quân số và trang bị, thành lập một trung đoàn tiếp vận, mang phiên hiệu Đoàn K10. Ngày 10 tháng 3 năm 1964, Đoàn K10 chính thức thành lập với nhiệm vụ tổ chức tiếp nhận, vận tải vũ khí từ Bến Tre chuyển lên Rừng Sác, sau đó tiếp chuyển lên Hắc Dịch về chiến khu Đ; lập kho dự trữ cấp phát hàng chi viện của Trung ương với quy mô lớn. Ban chỉ huy Đoàn K10 gồm Lâm Quốc Đăng (Chỉ huy trưởng), Nguyễn Huỳnh Ngân (Chính ủy), Lê Minh Thịnh (Chỉ huy phó kiêm Tham mưu trưởng), Phạm Văn Bích (Chỉ huy phó phụ trách khu Rừng Sác và vận tải thủy), Trương Văn Ngọc (Chỉ huy phó phụ trách đường dây vận tải bộ từ Hắc Dịch về chiến khu Đ). Đoàn K10 lập hai điểm cấp phát: một ở Rừng Sác (cho T4, Miền, Gò Công) và một ở Hắc Dịch, Thị Vải (cho T1, T6, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và tiếp chuyển về chiến khu Đ). Sự kiện thành lập Đoàn K10 đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vận tải Miền, mở đầu giai đoạn phát triển mạnh mẽ của công tác vận tải.
Hàng hóa tiếp nhận được từ tuyến vận tải nêu trên, ban đầu gồm các loại vũ khí bộ binh đơn giản như súng trường, tiểu liên và các loại đạn bộ binh. Về sau, ngày càng có nhiều súng tiểu liên, súng trường CKC có máy ngắm bắn tỉa, đặc biệt là các loại hỏa lực của các nước xã hội chủ nghĩa như DK75, DK82, B40, súng cối trọng liên 12,8ly, sơn pháo 75ly, cùng các loại đạn bộ binh, đạn pháo nhiều công dụng… Ngoài ra còn có các chủng loại hàng khác như điện đài thông tin kỹ thuật, y cụ, dược liệu thuốc men, hóa chất và dụng cụ sửa chữa, sản xuất vũ khí; các loại sách về chính trị, y học, văn hóa văn nghệ và cả sách giáo khoa. Tính đến giữa năm 1965, lực lượng vận tải trên tuyến Cần Giờ - Hắc Dịch đã vận chuyển và cấp phát tổng cộng trên 1.300 tấn hàng, riêng 5 tháng đầu hoạt động (từ tháng 10-1963 đến tháng 3-1964) đạt 20 tấn; thời gian trước chiến dịch Bình Giã 500 tấn; thời gian sau chiến dịch Bình Giã 200 tấn; cấp phát tại chỗ 300 tấn (200 tấn cho T4, vào nội thành Sài Gòn và 100 tấn dự trữ tại Rừng Sác, cho Đoàn K10 sau này). Đoàn K10 còn tổ chức đưa ra miền Bắc một xác máy bay L19 của Mỹ bị bắn rơi để phục vụ công tác nghiên cứu.
Trong những năm 1963 - 1965, số vũ khí kể trên đã đóng một vai trò quan trọng cung cấp cho lực lượng vũ trang cách mạng ở Sài Gòn - Gia Định, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ đang trong giai đoạn xây dựng và phát triển mạnh mẽ, tiến tới thành lập các sư đoàn chủ lực Miền, tạo điều kiện cho bộ đội và du kích làm nên những thắng lợi quân sự vang dội, như trận tập kích sân bay Biên Hoà (tháng 10-1964), chiến dịch Bình Giã (12-1964 - 1-1965), chiến dịch Đồng Xoài (mùa hè 1965)… Quy mô cuộc chiến tranh ngày càng lớn, nhu cầu bảo đảm hậu cần cho lực lượng vũ trang ngày một cao. Tháng 6 năm 1965, Bộ Chỉ huy quân sự Miền quyết định sáp nhập Đoàn K10 và Ban quân nhu Khu E thành Đoàn hậu cần khu vực mang phiên hiệu 84. Cánh vận tải bộ nhập về Đoàn hậu cần khu vực 84. Cánh vận tải thủy chuyển thành Đoàn 10 đặc công - một trung đoàn nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoạt động ở chiến khu Rừng Sác. Tuyến vận tải đoạn cuối đường Hồ Chí Minh trên biển ở khu vực Rừng Sác đã hoàn thành nhiệm vụ của mình khi các tuyến hành lang vận tải chiến lược đang ngày càng phát triển, hoàn thiện về mọi mặt trên toàn chiến trường miền Nam.
Nguồn: Đường Hồ Chí Minh – khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.489-498.

Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ


* Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quân khu 7.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!