Nguyễn Văn Trí
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Trận Điện Biên Phủ không chỉ quan trọng đối với
VNDCCH trong cuộc đàm phán ở Geneva mà nó còn quan hệ đến việc hiện thực hóa ý
đồ của Liên Xô và Trung Quốc trong cuộc đàm phán này. Bởi thế, vấn đề viện trợ
của Trung Quốc và Liên Xô cho VNDCCH trong trận Điện Biên Phủ được các nhà sử học
quan tâm mỗi khi nghiên cứu đến trận đánh này cũng như cuộc đàm phán về Đông
Dương ở Geneva (1954). Nói về viện trợ của Liên Xô cho VNDCCH trong trận Điện
Biên Phủ người ta thường nhắc đến những loại vũ khí có uy lực mạnh như hỏa tiễn
H6; xem xét viện trợ của Trung Quốc cho VNDCCH trong trận đánh này các học đều
có nhận định Trung Quốc đã dành cho VNDCCH lượng hàng quân sự hằng tháng lớn
hơn hẳn chỉ số tương ứng của các năm trước đó[1].
Nhưng, bên cạnh đó, nghiên cứu về trận đánh lịch sử này, Mari Olsen, trong tác
phẩm Vai trò của Trung Quốc trong mối
quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô, 1949-1964, đã cho biết Liên Xô không muốn
viện trợ vũ khí cho VNDCCH[2].
Cụ thể hơn, nhiều nhà sử học Việt Nam cho biết những khẩu súng, pháo phòng không mà Liên Xô viện trợ cho VNDCCH và được dùng ở mặt trận Điện Biên Phủ đã không được cấp phụ tùng thay thế[3]; về phần Trung Quốc, trong trận Điện Biên Phủ, nước này không cấp thêm cho VNDCCH một viên đạn pháo 105mm nào ngoài số đạn (3600 viên) đi cùng 20 khẩu pháo 105mm mà nước này viện trợ cho VNDCCH trước đó[4]. Việc Liên Xô không muốn viện trợ vũ khí và không đảm bảo đầy đủ cho lực lượng phòng không của VNDCCH chưa được lý giải. Còn, về việc Trung Quốc không đáp ứng đạn pháo 105mm cho VNDCCH lâu nay vẫn được lý giải bởi ở thời điểm đó Trung Quốc “khan hiếm” mặt hàng này. Giải thích này đã trở nên thiếu thuyết phục khi gần đây phía Trung Quốc công bố tài liệu lưu trữ cho biết, vào đầu tháng 4 năm 1954, Mao Trạch Đông đã trù định “khẩn trương” giúp Việt Nam xây dựng hai sư đoàn pháo mặt đất và pháo cao xạ[5]. Chắc chắn là, Mao không thể tính đến việc trợ giúp Việt Nam về pháo khi mà Trung Quốc không có một khả năng tương ứng! Như vậy, dù đã được bàn nhiều, vấn đề viện trợ của Trung Quốc và Liên Xô cho VNDCCH trong trận Điện Biên Phủ cần tiếp tục được bổ cứu để có cái nhìn thấu đáo, khách quan hơn. Chính góp phần thực hiện điều ấy, chúng tôi tập trung tìm hiểu sự giúp đỡ của Trung Quốc và Liên Xô cho VNDCCH trong trận Điện Biên Phủ năm 1954.
Cụ thể hơn, nhiều nhà sử học Việt Nam cho biết những khẩu súng, pháo phòng không mà Liên Xô viện trợ cho VNDCCH và được dùng ở mặt trận Điện Biên Phủ đã không được cấp phụ tùng thay thế[3]; về phần Trung Quốc, trong trận Điện Biên Phủ, nước này không cấp thêm cho VNDCCH một viên đạn pháo 105mm nào ngoài số đạn (3600 viên) đi cùng 20 khẩu pháo 105mm mà nước này viện trợ cho VNDCCH trước đó[4]. Việc Liên Xô không muốn viện trợ vũ khí và không đảm bảo đầy đủ cho lực lượng phòng không của VNDCCH chưa được lý giải. Còn, về việc Trung Quốc không đáp ứng đạn pháo 105mm cho VNDCCH lâu nay vẫn được lý giải bởi ở thời điểm đó Trung Quốc “khan hiếm” mặt hàng này. Giải thích này đã trở nên thiếu thuyết phục khi gần đây phía Trung Quốc công bố tài liệu lưu trữ cho biết, vào đầu tháng 4 năm 1954, Mao Trạch Đông đã trù định “khẩn trương” giúp Việt Nam xây dựng hai sư đoàn pháo mặt đất và pháo cao xạ[5]. Chắc chắn là, Mao không thể tính đến việc trợ giúp Việt Nam về pháo khi mà Trung Quốc không có một khả năng tương ứng! Như vậy, dù đã được bàn nhiều, vấn đề viện trợ của Trung Quốc và Liên Xô cho VNDCCH trong trận Điện Biên Phủ cần tiếp tục được bổ cứu để có cái nhìn thấu đáo, khách quan hơn. Chính góp phần thực hiện điều ấy, chúng tôi tập trung tìm hiểu sự giúp đỡ của Trung Quốc và Liên Xô cho VNDCCH trong trận Điện Biên Phủ năm 1954.
Chúng ta biết rằng,
sau khi Hiệp định đình chiến Triều Tiên được ký kết (26/7/1953), các nước lớn,
nhất là Liên Xô và Trung Quốc, muốn giải quyết vấn đề Đông Dương bằng con đường
thương lượng. Tháng 2 năm 1954, bốn nước lớn (Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ) nhất trí
triệu tập Hội nghị Geneva vào tháng 4 năm 1954 để tiếp tục giải quyết vấn đề
Triều Tiên và vãn hồi hòa bình ở Đông Dương.
Giải quyết vấn đề
Đông Dương bằng con đường thương lượng không bị VNDCCH phản đối. Ngày 26 tháng
11 năm 1953, trả lời một nhà báo Thụy Điển, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Nếu
Chính phủ Pháp đã rút ra được bài học tron cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn
đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt
Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn
sàng tiếp nhận ý muốn đó”[6].
Chuẩn bị cho cuộc đàm phán với Pháp, VNDCCH mở cuộc tiến công chiến lược
Đông-Xuân 1953-1954, trong đó có trận Điện Biên Phủ. Đồng thời, phục vụ cho nỗ
lực quân sự đó, VNDCCH tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ về mặt quân sự của Trung
Quốc và Liên Xô; trong đó, VNDCCH yêu cầu một số vũ khí phòng không và pháo mặt
đất để bổ sung theo biên chế cho các trung đoàn lựu pháo, cao xạ pháo và để đảm
bảo phòng không cho hoạt động vận tải. Cụ thể, về pháo lựu 105mm VNDCCH đề nghị
12 khẩu cùng 1200 viên đạn, về súng máy phòng không 12,7mm VNDCCH đề nghị viện
trợ 180 khẩu cùng 720000 viên đạn[7].
Việc VNDCCH “sẵn
sàng” chấp thuận đàm phán với Pháp về hình thức, tạo thuận lợi cho Liên Xô và
Trung Quốc thúc đẩy ý tưởng về việc giải quyết vấn đề Đông Dương bằng cách
thương lượng. Nhưng, quan điểm thương lượng của VNDCCH khác căn bản với quan điểm
thương lượng của Liên Xô và Trung Quốc. Trong khi hai nước này chủ trương chia
cắt Việt Nam để đi đến hiệp nghị ở Geneva[8],
thì ngược lại, VNDCCH chủ trương đàm phán phải đi đến “độc lập thực sự”. Trả lời
nhà báo Thụy Điển ngày 26 tháng 11 năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Cơ
sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc
lập thực sự của nước Việt Nam”[9].
Chính trên lập trường này, trước thực tế đối phương vẫn mạnh hơn VNDCCH về hỏa
lực trên chiến trường, Mỹ gia tăng can thiệp, ủng hộ Pháp tiếp tục chiến tranh[10],
tháng 12 năm 1953, VNDCCH cho rằng “điều kiện thương lượng hòa bình chưa chín
muồi”[11]
và không mặn mà với cuộc thương lượng sắp tới. Cuối tháng 12 năm 1953, trong Lời kêu gọi nhân dịp 7 năm Toàn quốc kháng
chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh công khai tuyên bố đẩy mạnh kháng chiến và cải
cách ruộng đất là hai nhiệm vụ trung tâm
(N.V.T nhấn mạnh) của VNDCCH[12].
Quan điểm thương lượng
đó của VNDCCH hẳn khiến Liên Xô, Trung Quốc không hài lòng và không mặn mà với
việc trợ giúp VNDCCH về quân sự. Nhưng, với trận Điện Biên Phủ có quan hệ đến
việc hiện thực hóa ý đồ của họ ở Geneva, hai nước cũng không thể từ chối hoàn
toàn đề nghị của VNDCCH. Vì thế, Liên Xô và Trung Quốc chủ trương trợ giúp
VNDCCH một cách hạn chế để vừa giúp VNDCCH giành thắng lợ trên chiến trường vừa
gây sức ép buộc nước này có quan điểm đàm phán gần với quan điểm của họ hơn.
Theo đó, Liên Xô chỉ sẵn sàng viện trợ cho VNDCCH hàng phi sát thương. Tháng 1
năm 1954, Liên Xô chấp thuận đề nghị trợ giúp về ôtô của VNDCCH với lí do yêu cầu
đó không phải là đòi hỏi về vũ khí[13].
Về phía Trung Quốc, nước này giúp Việt Nam về tham mưu, hoạch định cách đánh,
hàng quân nhu, quân lương, vận tải, thông tin liên lạc… Nhưng, về vũ khí, nước
này chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của VNDCCH. Về súng, Trung Quốc đồng ý viện trợ
cho VNDCCH 6670 khẩu trong số 15500 khẩu đề nghị; con số tương ứng đối với súng
trung liên là 540/954 khẩu, đại liên là 181/180 khẩu, cối 60mm là 180/287 khẩu,
cối 82mm là 82/100 khẩu, Bazoka 90mm là 54/154 khẩu, DKZ 57mm là 63/131 khẩu,
DKZ 75mm là 17/102 khẩu, trọng liên 12,7mm là 54/180 khẩu. Về đạn, Trung Quốc đồng
ý viện trợ cho VNDCCH 333500 viên đạn súng trường trong số 775000 viên yêu cầu;
con số tương ứng với đạn tiểu liên là 680880/924450 viên, đạn trọng liên là
432000/763200 viên, đạn đại liên là 216000/362000 viên, đạn cối 60mm là
5400/17220 viên, đạn cối 82mm là 2700/6000 viên, đạn cối 120mm là 480/960 viên,
đạn Bazoka 90mm là 540/4620, đạn DKZ 57mm là 1440/7860 viên, đạn DKZ 75mm là
2160/9180 viên, đạn trọng liên 12,7mm là 108810/720000 viên. Thậm chí, Trung Quốc
không đáp ứng toàn bộ yêu cầu về súng tiểu liên (4500 khẩu), súng cối 120mm (16
khẩu) và lựu pháo 105mm của VNDCCH. Đạn lựu pháo 105mm cũng không được Trung Quốc
chuẩn y[14].
Không dừng lại ở đó,
Liên Xô và Trung Quốc còn trì hoãn chuyển giao hàng viện trợ đã cam kết cho
VNDCCH. Cho đến hết tháng 3 năm 1954, VNDCCH chưa nhận được một chiếc ôtô nào của
Liên Xô; từ phía Trung Quốc, ngoài đạn dược, hàng thông tin liên lạc, quân
trang, quân lương, ôtô (thuê mượn), VNDCCH cũng không nhận được toàn bộ số súng
mà nước này đã chuẩn y[15].
Chính sách viện trợ hạn
chế của Liên Xô và Trung Quốc khiến VNDCCH gặp nhiều khó khăn, nhất là về hỏa lực
phòng không và hỏa lực pháo mặt đất, trong quá trình tiến hành chiến dịch Điện
Biên Phủ. Thật vậy, sự thiếu thốn về phương tiện phòng không khiến VNDCCH không
thể tập trung toàn bộ trung đoàn phòng không duy nhất vào trận địa Điện Biên Phủ.
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ phải điều 2 trong số 6 tiểu đoàn pháo 37mm (24
khẩu) làm nhiệm vụ phòng không trên hàng trăm km đường giao thông lên Điện Biên
Phủ. Với lực lượng mỏng yếu này, phòng không trên đường giao thông của VNDCCH
chỉ tập trung ở một số trọng điểm như Cò nòi, đèo Pha Đin[16]…Tại
trận địa Điện Biên Phủ, nhiều khẩu pháo 37mm, súng máy 12,7mm bị hư hại nhưng
không có phụ tùng thay thế và không thể chiến đấu liên tục. Trong đợt 1 của chiến
dịch Điện Biên Phủ (từ ngày 13/3 đến ngày 17/3), có 7 khẩu pháo cao xạ 37mm bị
hỏng; trong đó, 1 khẩu bị loại hoàn toàn, ba khẩu khác trở lại ham chiến vào đợt hai của chiến dịch (31/3 đến 26/4)[17].
Bên cạnh đó, với lực lượng pháo binh, do không được đáp ứng về pháo 105mm và cối
120mm, VNDCCH phải bỏ kế hoạch mở đầu chiến dịch bằng việc đồng thời đánh hai cứ
điểm Him Lam và Độc Lập nhằm phân tán hỏa lực đối phương. Thay vào đó, để đảm bảo
tập trung hỏa lực, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định mở đầu chiến dịch bằng việc
tấn công một cứ điểm Him Lam[18];
không được đáp ứng về đạn pháo 105mm, VNDCCH phải huy động toàn bộ số đạn pháo
105mm chiến lợi phẩm của mình và một lượng nhỏ (400 viên) đạn 105mm của bạn
Lào. Nhưng, với số lượng đó, đến tháng 4 năm 1954, pháo 105mm của VNDCCH ở Điện
Biên Phủ lâm vào tình trạng thiếu đạn trầm trọng (Có thời điểm, mỗi khẩu pháo
105mm chỉ còn 2 đến 3 viên đạn) và buộc phải áp dụng chế độ bắn với cơ số đạn
theo chỉ lệnh[19].
Sự thiếu thốn về hỏa
lực đường không và mặt đất như vậy là một trong những nhân tố khiến VNDCCH phải
chịu nhiều tổn thất trước hỏa lực của đối phương. Trong toàn bộ chiến dịch Điện
Biên Phủ, VNDCCH bị thương vong tới hơn 10 nghìn người. Mặc dù vậy, với tinh thần
vượt khó, chấp nhận hy sinh, với sự mưu trí, sáng tạo của mình, Quân đội nhân
dân Việt Nam đã vững chắc tiến dần đến chiến thắng. Đợt đầu chiến dịch, phía
VNDCCH đã phá vỡ tuyến phòng thủ phía Tây Bắc của tập đoàn cứ điển Điện Biên Phủ.
Đến cuối tháng 3, cấu trúc phòng thủ cơ bản của tập toàn cứ điểm này bị phá vỡ và
bị cô lập hơn với lực lượng của Pháp ở bên ngoài khi phân khu Nam và phân khu
Trung tâm bị chia cắt, sân bay Mường Thanh bị vô hiệu hoàn toàn[20].
Như đã nói, quan điểm
đàm phán của VNDCCH khác căn bản với quan điểm đàm phán của Liên Xô và Trung Quốc.
Do đó, để trực tiếp thuyết phục VNDCCH có quan điểm gần với mình, vào cuối
tháng 3 năm 1954, khi những khó khăn của VNDCCH về hỏa lực dần biểu lộ, theo
sáng kiến của Trung Quốc, các lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc mời Chủ tịch Hồ
Chí Minh sang Bắc Kinh và Matxcơva để bàn về cuộc thương lượng dự định ở Geneva
với một trong những nội dung chủ chốt là vấn đề chia cắt Việt Nam[21].
Chuyến đi này cũng là dịp để VNDCCH vận động hai nước bạn tăng cường viện trợ
cho mình. Vì thế, tron cuộc gặp này, được biết Hồ Chí Minh đã nêu những cố gắng,
khó khăn của VNDCCH trong trận Điện Biên Phủ, đồng thời cũng thể hiện mong muốn
được các nước bạn tăng cường trợ giúp[22].
Tư liệu đầy đủ, chính thức về kết quả của cuộc găp bí mật cấp cao ba nước trên
đây cho đến nay vẫn chưa được công bố. Nhưng chúng ta được biết rằng, Trung Quốc-người
“tài trợ” chính cho VNDCCH, đã thẳng thừng loại bỏ khả năng tăng cường trợ giúp
VNDCCH về quân sự khi cuộc chiến tranh ở Đông Dương mở rộng với sự can thiệp của
Mỹ[23].
Thái độ muốn hòa nghị đó của các đồng minh, nhất là từ phía Trung Quốc, khiến
VNDCCH phải điều chỉnh quan điểm đàm phán của mình theo hướng sẵn sàng có nhượng
bộ nhất định và thúc đẩy giải pháp thương lượng về vấn đề Đông Dương. Ngày 1
tháng 5 năm 1954, trong một hướng dẫn nội bộ về Hội nghị Geneva, VNDCCH chủ
trương: “ Ta không đánh giá quá cao Hội nghị Geneva nhưng không nên bỏ lỡ cơ hội,
phải tranh thủ làm cho Hội nghị Geneva có thể bắt đầu để đi đến các cuộc gặp gỡ
khác”[24].
Song, sự điều chỉnh này không có nghĩa VNDCCH thay đổi quan điểm đàm phán của
mình. Về cơ bản, VNDCCH vẫn chưa tán thành giải pháp chia cắt đất nước mà hai
nước bạn chủ trương. Ngày 14 tháng 5 năm 1954, trả lời câu hỏi của hãng thông tấn
Indonesia Antara, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định lập trường đàm phán của
VNDCCH là: “Thực sự độc lập, thống nhất và dân chủ tự do”[25].
Trước thái độ tích cực hơn của VNDCCH, Liên Xô
và Trung Quốc cở mở hơn trong chính sách viện trợ của mình. Không chỉ là việc
chuyển giao ôtô viện trợ, Liên Xô còn quyết định viện trợ vũ khí cho VNDCCH,
trong đó có 20 dàn hỏa tiễn phóng loạt sáu nòng, 32 khẩu pháo cao xạ 37mm. Về
phía Trung Quốc, nước này cũng quyết định tăng cường viện trợ vũ khí cho VNDCCH
khi “tái chuẩn y” một số loại vũ khí mà họ vốn không đồng ý viện trợ như pháo lựu
105mm, súng cối 120mm, súng tiểu liên 7,62mm. Vậy nhưng, đồng ý gia tăng viện
trợ là một chuyện, thực hiện việc gia tăng đó như thế nào vẫn là một chuyện
khác. Trên thực tế, trước việc VNDCCH không thực sự thay đổi quan điểm đàm phán,
Liên Xô và Trung Quốc vẫn duy trì căn bản chính sách hạn chế viện trợ vũ khí của
mình. Bởi, một Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị suy yếu sau khi giành chiến thắng (ở
Điện Biên Phủ) hẳn dễ dàng hơn cho Liên Xô và Trung Quốc trong việc thuyết phục
nước này có quan điểm đàm phán phù hợp với quan điểm đàm phán của họ. Quả vậy, từ
tháng 4 cho đến đầu tháng 5 năm 1954, Liên Xô và Trung Quốc gia tăng chuyển
giao hàng viện trợ cho VNDCCH, trong đó có cả vũ khí. Tuy nhiên, số vũ khí mà họ
giao cho VNDCCH thời gian này (giữa tháng 4), chỉ có hai loại là DKZ 75mm (19
khẩu) và hỏa tiễn phóng loạt sáu nòng (14 dàn, ký hiệu H6), với trọng lượng
riêng súng là 22,5 tấn[26].
Trong khi đó, hai nước vẫn “treo” lượng lớn vũ khí viện trợ cho VNDCCH trên đất
Trung Quốc. Tính đến ngày 20 tháng 5 năm 1954, ở Nam Ninh và Bình Tường (Trung
Quốc) lượng hàng (tính riêng súng) chưa chuyển giao cho VNDCCH là 90,5 tấn, gồm
38 khẩu lựu pháo 105mm, 16 khẩu cối 120mm, 32 khẩu pháo cao xạ 37mm, 6 dàn hỏa
tiễn H6, 27 khẩu trọng liên 12,7mm, 6 khẩu DKZ 75mm, 63 khẩu DKZ 57mm, 36 khẩu
súng đại liên, 1000 khẩu súng tiểu liên 7,62mm….[27].
Như vậy, trong trận
Điện Biên Phủ, Liên Xô và Trung Quốc chủ yếu trợ giúp VNDCCH về đạn dược, hậu cần,
cơ giới. Tính từ đầu năm 1954 đến ngày 20 tháng 5 năm 1954, VNDCCH nhận được từ
Liên Xô và Trung Quốc 2778 tấn hàng, trong đó vũ khí chỉ có 22,5 tấn[28].
Thực tế này không ủng hộ cho những luận điểm khẳng định rằng Trung Quốc đã dành
cho VNDCCH lượng lớn súng, pháo, đạn pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ[29].
Với tổng lượng hàng nhận được như trên, tính trung bình mỗi tháng VNDCCH nhận
được 555,6 tấn hàng viện trợ từ Trung Quốc và Liên Xô. Con số tương ứng của năm
1953 là 470,4 tẫn mỗi tháng[30].
Sự gia tăng ấy cho thấy rõ ràng Trung Quốc và Liên Xô đã quan tâm và tăng cường
viện trợ cho VNDCCH hơn. Điều này phù hợp với nhận định của nhiều học giả
phương Tây khi bàn về viện trợ của Trung Quốc cho VNDCCCH trong trận đánh này.
Tuy vậy, con số hàng nhận hằng tháng mà VNDCCH nhận được (đã nêu trên) vẫn còn
xa mới bằng con số ước định mà các học giả phương Tây đưa ra. Theo J.J.Zasloff,
trong những tháng đầu của trận Điện Biên Phủ, VNDCCH nhận được 1500 tấn hàng mỗi
tháng[31].
Nhìn chung lại, viện
trợ của Trung Quốc và Liên Xô cho VNDCCH trong chiến dịch Điện Biên Phủ không
phải là sự viện trợ vô tư, hết mình; nó là sự giúp đỡ có điều kiện và bị chi phối
bởi ý đồ của hai nước trong cuộc đàm phán ở Geneva về Đông Dương; sự không
tương hợp về quan điểm đàm phán (với VNDCCH về vấn đề Đông Dương) đã khiến Liên
Xô và Trung Quốc sự hạn chế trợ giúp về vũ khí, nhất là hỏa lực hạng nặng, cho
VNDCCH trong trận đánh này. Qua đây, chúng ta thấy rõ hơn sự kiên định về đường
lối kháng chiến của VNDCCH trong việc vận động quốc tế; qua đây, chúng ta cũng thấy
rõ hơn sự vất vả, hy sinh của quân và dân VNDCCH trong trận Điện Biên Phủ.
Chính sự chấp nhận hy sinh và sự sáng tạo trong chiến đấu đã đưa VNDCCH vượt
qua khó khăn, giành chiến thắng trong trận quyết chiến chiến lược này. Song, dù
sao đi nữa, đánh giá vai trò của Liên Xô và nhất là Trung Quốc trong việc giúp
VNDCCH làm nên chiến thắng ở Điện Biên Phủ không thể chỉ nhìn trực diện vào những
con số thuần túy mà hai nước này dành cho VNDCCH trong mấy tháng diễn ra trận
Điện Biên Phủ. Sự giúp đỡ của Trung Quốc và Liên Xô cho VNDCCH trong hơn 3 năm
trước đó đã góp phần quan trọng tạo ra một thể chất mới cho Quân đội nhân dân
Việt Nam để trên cơ sở đó đội quân này có đủ sinh lực và trí lực đè bẹp “con
nhím” Điện Biên như chúng ta đã thấy.
[1] Theo J.J.Zasloff,
năm 1953, Trung Quốc Viện trợ cho VNDCCH lượng hàng trung bình 400 tấn đến 600
tấn mỗi tháng, khi trận Điện Biên Phủ bắt đầu, lượng hàng mà Trung Quốc chuyển
cho VNDCCH tăng mạnh lên 1500 tấn mỗi tháng. Dẫn theo J.J.Zasloff, The role of the sanctuary in the insurgency:
Communist china’s support to the Vietminh, 1946-1954, The Rand Corporation,
Santa Monica, California 1967, p V.
[2] Mari Olsen, Soviet-Vietnam relations and the Role of
China, 1949-1964, Changing alliances, Routledge, London and New York 2006,
p 36.
[3]Xem Bộ Quốc phòng, Viện
Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử kỹ thuật
quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Nxb
Quân đội nhân dân, Hà Nội 2002, tra 323-324; Lịch sử Quân chủng phòng không, tập I, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội
1991, tr 99; Thiếu thướng Hoàng Anh Tuấn, Chỉ
đạo và thực hiện công tác kỹ thuật trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trong Điện Biên Phủ-Hợp tuyển công trình khoa học,
Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2005, tr 343.
[4] Có nhiều người hiểu
rằng Trung Quốc và Liên Xô đã viện trợ cho VNDCCH lựu pháo 105 và pháo cao xạ
37mm trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Thực tế, hai trung đoàn pháo này là kết quả
của việc Liên Xô, Trung Quốc thực hiện cam kết từ năm 1950 đối với VNDCCH và
hai đơn vị này đều từ Trung Quốc về Việt Nam trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ
được ấn định (6/12/1953): Trung đoàn lựu pháo 105mm về Việt Nam vào tháng 1 năm
1953, trung đoàn pháo cao xạ 37mm về nước tháng 11 cùng năm. Như thế, không thể
khẳng định hai nước viện trợ pháo cho VNDCCH vì chiến dịch Điện Biên Phủ. Đành
rằng, những khẩu pháo này đã được VNDCCH sử dụng hiệu quả trong trận Điện Biên
Phủ. Xem PGS.TS. Phạm Mai Hùng, Sự giúp đỡ
quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam
(1945-1954) trong Điện Biên Phủ-Hợp
tuyển công trình khoa học, Nxb Chính Trị Quốc gia, Hà Nội 2005, tr 479; Qiang
Zhai, China and the Vietnam wars, 1950-1975,
The University of north Carolina Press, chapel Hill and london 2000, p 47.
[5] Qiang Zhai, China and the Vietnam wars, 1950-1975,
The University of north Carolina Press, chapel Hill and london 2000, p 48.
[6]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Xuất bản lần thứ ba, tập 8,
1953-1954, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2011, tr 340.
[7] Bộ Quốc phòng, Viện
Lịch sử Quân sự Việt Nam, Đề tài Quan hệ
Việt Nam-Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược,
1945-1954, Phần thứ ba Viện trợ vật
chất của Trung Quốc cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp,
tài liệu lưu tại Thư viện Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam số K-78, Hà Nội 2007,
tr 72-73.
[8]Đầu năm 1954, Liên Xô
thăm dò phản ứng của các nước phương Tây và cả VNDCCH về “sáng kiến” chia cắt
Việt Nam tại vĩ tuyến 16. Dẫn theo Ilya V. Gaiduk, Confronting Vietnam- Soviet policy toward the Indochina conflict, 1954-
1963, Ibid, p 18-19; về phía Trung Quốc, ngày 6 tháng 3 tại Matxcơva, hội
đàm với Ngoại trưởng Liên Xô, Molotov, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Xô, Trương
Văn Thiên cho rằng: Chia cắt Việt Nam ở vĩ tuyến 16 thuận lợi cho VNDCCH. Dẫn
theo Woodrow Wilson International Center for Scholars, Cold war international
history project, bulletin: Inside china’s
cold war, Issue 16, Fall 2007/ Winter 2008, p 86,
http://www.Wilsoncenter.org/topics/pubs/CWIHP Bulletin16.
[9]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Xuất bản lần thứ ba, tập 8, 1953-1954,
Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2011, tr 340.
[10]So với năm 1952, năm
1953, số pháo mặt đất của quân Pháp tăng từ 522 khẩu lên 546 khẩu, số máy bay
tăng từ 348 chiếc lên 460 chiếc, đơn vị xe tăng từ 8 trung đoàn, 3 tiểu đoàn, 9
đại đội lên 9 trung đoàn, 3tiểu đoàn, 7 đại đội. Dẫn theo, Bộ Quốc phòng, Viện
Lịch sử quân sự Việt Nam, Tổng kết chiến
dịch trong hai cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp vầ đế quốc Mỹ (1945- 1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2003, tr
493; Số tiền Mỹ viện trợ cho cuộc tái chiến Đông Dương của Pháp năm 1953 đạt
785 triệu đô la, thậm chí, 28 nhân viên kỹ thuật hàng không Mỹ đã được điều đến
Việt Nam để giúp bảo trì máy bay cho quân Pháp. Dẫn theo William Conrad
Gibbons, The US
government and the Vietnam war- Executive and Legislative roles and
relationships, part I, 1945- 1954, Princeton University Press, Princeton , New
Jersey 1986, p 135, 158.
[11]Đảng Cộng sản Việt
Nam, Văn kiện Đảng, toàn tập, tập 14,
1953, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2001, tr 556.
[12]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Xuất bản lần thứ ba, tập 8,
1953-1954, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2011, tr 369.
[13]Mari Olsen, Soviet-Vietnam relations and the Role of
China, 1949-1964, Changing alliances, Routledge, London and New York 2006,
p 36-37.
[14]Bộ Quốc phòng, Viện Lịch
sử Quân sự Việt Nam, Đề tài Quan hệ Việt
Nam-Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, 1945-1954,
Phần thứ ba Viện trợ vật chất của Trung
Quốc cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tài liệu lưu
tại Thư viện Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam số K-78, Hà Nội 2007, tr 72-73.
[15]Bộ Quốc phòng, Viện Lịch
sử Quân sự Việt Nam, Đề tài Quan hệ Việt
Nam-Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, 1945-1954,
Phần thứ ba Viện trợ vật chất của Trung
Quốc cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tài liệu lưu
tại Thư viện Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam số K-78, Hà Nội 2007, tr 75-76.
[16] Xem Đại tướng Võ
Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ-Điểm hẹn lịch
sử, Hồi ức, Hữu Mai thể hiện, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2000, tr 189;
Thiếu tướng Trần Nhẫn, Tác chiến phòng
không trong chiến dịch Điện Biên Phủ trong Điện Biên Phủ-Hợp tuyển công trình khoa học, Nxb Chính trị Quốc
gia, Hà Nội 2005, tr 308.
[17]Xem Bộ Quốc phòng, Viện
Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử kỹ thuật
quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Nxb
Quân đội nhân dân, Hà Nội 2002, tra 323-324; Lịch sử Quân chủng phòng không, tập I, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội
1991, tr 99; Thiếu thướng Hoàng Anh Tuấn, Chỉ
đạo và thực hiện công tác kỹ thuật trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trong Điện Biên Phủ-Hợp tuyển công trình khoa học,
Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2005, tr 343.
[18]Xem Đại tướng Võ
Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ-Điểm hẹn lịch
sử, Hồi ức, Hữu Mai thể hiện, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2000, tr 212.
[19]Xem Lịch sử pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam
(1945-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 1991, tr 119; Thiếu tướng Đỗ Hữu
Lê, Công tác hậu cần trong chiến dịch Điện
Biên Phủ trong Đại học Quốc giia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn, Điện Biên Phủ từ góc nhìn của
các nhà hoa học Việt-Pháp, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2005, tr
137.
[20]Đại tướng Võ Nguyên
Giáp, Điện Biên Phủ-Điểm hẹn lịch sử,
Hồi ức, Hữu Mai thể hiện, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2000, tr 264; xem R.
Buadonnếc, Làm chủ không phận ở Điện Biên
Phủ trong Đại học Quốc giia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân
văn, Điện Biên Phủ từ góc nhìn của các
nhà hoa học Việt-Pháp, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2005, tr 182.
[21]Qiang Zhai, China and the Vietnam wars, 1950-1975,
The University of north Carolina Press, chapel Hill and london 2000, p 51; Ilya
V. Gaiduk, Confronting Vietnam-Soviet
policy toward the Indochina Conflict, 1954-1963, Woodrow Wilson Center
Press, Stanford University Press, California 2003, p 22.
[22] Ilya V. Gaiduk, Confronting Vietnam-Soviet policy toward the
Indochina Conflict, 1954-1963, Woodrow Wilson Center Press, Stanford
University Press, California 2003, p 23, 33.
[23]Ilya V. Gaiduk, Confronting Vietnam-Soviet policy toward the
Indochina Conflict, 1954-1963, Woodrow Wilson Center Press, Stanford
University Press, California 2003, p 23.
[24]Nguyễn Đình Bin (chủ
biên), Ngoại giao Việt Nam , 1945- 2000,
Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2005, tr 141.
[25]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Xuất bản lần thứ ba, tập 8,
1953-1954, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2011, tr 475.
[26] Bộ Quốc phòng, Viện
Lịch sử Quân sự Việt Nam, Đề tài Quan hệ
Việt Nam-Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược,
1945-1954, Phần thứ ba Viện trợ vật
chất của Trung Quốc cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp,
tài liệu lưu tại Thư viện Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam số K-78, Hà Nội 2007,
tr 75-76.
[27]Bộ Quốc phòng, Viện Lịch
sử Quân sự Việt Nam, Đề tài Quan hệ Việt
Nam-Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, 1945-1954,
Phần thứ ba Viện trợ vật chất của Trung
Quốc cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tài liệu lưu
tại Thư viện Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam số K-78, Hà Nội 2007, tr 75-76.
[28]Thống kê Tổng hợp tình hình tiếp nhận viện trợ từ 1950 đến
20/5/1954,
Trung Tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông số 6, Hồ sơ số 651, tờ số 102.
[29] Theo nhà sử học người
Hoa Chen Jian, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc đã cấp cho VNDCCH hơn
100 khẩu pháo, 3000 khẩu súng các loại, khoảng 2,400000 viên đạn, hơn 60000
viên đạn pháo…Dẫn theo Chen Jian, Mao’s
China and The Cold war, The University of North Carolina Press, Chapel Hill
and London 2001, p 134-135.
[30] Thống kê Tổng hợp tình hình tiếp nhận viện trợ từ 1950 đến 20/5/1954,
Trung Tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông số 6, Hồ sơ số 651, tờ số 102.
[31]J.J.Zasloff, The role of the sanctuary in the insurgency:
Communist china’s support to the Vietminh, 1946-1954, The Rand Corporation,
Santa Monica, California 1967, p V.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!