Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

QUAN HỆ TRUNG- PHÁP TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ ĐÔNG DƯƠNG TẠI HỘI NGHỊ GENEVA NĂM 1954



Nguyễn Văn Trí
Viện Lịch sử quân sự VN
 Hội nghị Geneva về Đông Dương năm 1954 cùng những nhân tố tác động tới Hội nghị này vẫn là một mối quan tâm của giới sử học trong và ngoài nước. Trong khuôn khổ những tài liệu hiện có trong tay, bài viết này tập trung tìm hiểu lập trường của Trung Quốc và Pháp trong việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương tại Hội nghị Geneva năm 1954 và tác động của quan hệ giữa hai nước này tới kết quả của Hội nghị.
           Đông Dương, cho đến lúc Hội nghị Geneva diễn ra, là địa bàn có vị trí quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Pháp và Trung Quốc. Với Trung Quốc, đây là phên dậu, là cầu nối xuống phía Nam.
Từ giữa thế kỷ XIX trở về trước, Việt Nam là nơi Trung Quốc có nhiều ảnh hưởng. Với Pháp, Đông Dương là “hòn ngọc” ở Viễn Đông- nơi mang đến nhiều lợi ích từ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú; từ vị trí án ngữ các luồng giao thông giữa Đông Bắc Á với Đông Nam Á, giữa Đông Ấn Độ Dương với Tây Thái Bình Dương.
Chính vì thế, trước khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, Đông Dương đã là địa bàn tranh chấp quyền lợi giữa Pháp với Trung Quốc. Trong cuộc tranh chấp đó, cuối cùng hai bên buộc phải dung hòa, chia nhau quyền lợi ở Việt Nam; Trung Quốc để cho Pháp thực hiện quyền cai trị ở Việt Nam; đổi lại, Pháp nhượng cho Trung Quốc một số quyền về kinh tế, giao thông ở nơi này. Khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời (1-10-1949), quan hệ giữa Cộng hòa  Nhân dân Trung Hoa với Pháp cũng như quan điểm của Cộng hòa  Nhân dân Trung Hoa về vấn đề Đông Dương có sự thay đổi: Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam kháng Pháp giành độc lập dân tộc, qua đó, bảo vệ biên giới phía Nam của mình. Viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam không chỉ có vật lực mà có cả nhân lực- đội ngũ cố vấn ở các ngành, các cấp. Riêng về viện trợ vật chất, khối lượng hàng Trung Quốc viện trợ những năm 1951- 1954 ước chừng 50.000 tấn và “xét cho cùng vẫn dưới 100.000 tấn, hãy còn kém xa mức nước Pháp nhận của Mỹ cùng trong thời gian đó”[1]. Việc Trung Quốc giúp nhân dân Việt Nam kháng chiến làm cho quan hệ Trung- Pháp trở nên đối địch[2]. Pháp không công nhận Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; hùa theo Mỹ, Pháp thi hành chính sách cấm vận kinh tế chống Trung Quốc. Đối với vấn đề Đông Dương, bên cạnh việc nhận viện trợ quân sự của Mỹ, từ tháng 9 năm 1950, Pháp lôi kéo Mỹ và một số đồng minh khác bàn biện pháp đối phó với khả năng Trung Quốc đưa quân trực tiếp tham chiến ở nơi này. Như thế, Đông Dương trở thành một điểm nóng trong cuộc Chiến tranh Lạnh giữa hai phe XHCN và TBCN.
          Đến năm 1953, cuộc Chiến tranh Lạnh đã có biến chuyển lớn. Các nước lớn đều muốn giải quyết hòa bình những xung đột giữa hai phe. Ngày 27 tháng 7 năm 1953, các bên tham chiến trên bán đảo Triều Tiên ký Hiệp định đình chiến Bàn Môn Điếm. Ngày 4 tháng 8 năm 1953, Liên Xô kêu gọi các nước lớn (trong đó có Trung Quốc) triệu tập một hội nghị bàn biện pháp làm giảm căng thẳng ở Viễn Đông. Cùng lúc này, ở Đông Dương, cuộc chiến cũng mang đến một tình thế mới khiến cả Pháp lẫn Trung Quốc phải tính tới hướng giải quyết khác. Từ năm 1950, cuộc chiến tranh Đông Dương đã phát triển theo hướng ngày càng có lợi cho lực lượng kháng chiến. Cuối năm 1950, tuyến phòng thủ biên giới Việt- Trung của quân Pháp bị phá vỡ, chiến trường Đông Dương khai thông trên thực tế với các nước XHCN. Đầu năm 1952, hệ thống phòng thủ ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ của quân Pháp bị chọc thủng, các căn cứ, khu du kích của quân dân Việt Nam được liên thông từ vùng núi phía Bắc xuống trung du, đồng bằng Bắc Bộ và vào tới khu vực Bắc Trung Bộ. Cuối xuân năm 1953, vùng kiểm soát của quân Pháp ở Thượng Lào bị thu hẹp: toàn bộ tỉnh Sam Neua, một phần tỉnh Xieng Khouang và Phong Saly nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng kháng chiến Lào. Vùng giải phóng của Lào ở khu vực này được nối liền với các vùng giải phóng của Việt Nam ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Sự phát triển đó của cuộc chiến một mặt buộc Pháp phải yêu cầu Mỹ viện trợ ngày càng nhiều hơn[3] nhưng mặt khác, tình hình đó cũng lại làm gia tăng xu hướng muốn thoát khỏi cuộc chiến trong nội bộ của họ[4]. Đến giữa năm 1953, giới cầm quyền Pháp thống nhất chọn con đường thương lượng để thoát khỏi cuộc chiến trong danh dự. Tại một phiên họp Quốc hội Pháp vào tháng 5 năm 1953, Thủ tướng Laniel tuyên bố: “Cho đến năm 1953, trong công chúng Pháp có hai xu hướng đối ngược nhau. Một số người muốn giải quyết cuộc chiến bằng con đường thương lượng, trong khi số khác lại cho rằng có thể giải quyết cuộc chiến bằng chiến tranh. Đến lúc này, các cuộc tranh luận đó cần chấm dứt. Trên thực tế, chúng ta đều mong rằng cuộc chiến sẽ giải quyết được bằng con đường thương lượng”[5]. Đối với Trung Quốc, cuộc chiến càng nghiêng phần thắng về phía lực lượng cách mạng Đông Dương thì càng mang lại nhiều lợi thế cho họ trong quan hệ quốc tế và trong việc bảo vệ biên giới phia Nam của mình. Nhưng giờ đây, trong nhìn nhận của trung Quốc, tình hình đó của cuộc chiến cũng đưa tới khả năng họ phải đối phó với Mỹ ở Đông Dương[6]. Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950- 1953), hai bên Trung- Mỹ đã đụng đầu với nhau. Từ cuộc đụng đầu này, Trung Quốc cho rằng Mỹ là con “hổ giấy”- không thực sự hùng mạnh và đáng sợ nhưng cũng từ đây, Trung Quốc (ít nhất là trong giới quân sự) cũng nhận thấy những hạn chế trong khả năng quân sự của mình. Theo Shaul Breslin trong tác phẩm Mao Trạch Đông, thì, “ở một mức độ nào đó, chiến tranh Triều Tiên đã cho các tướng lĩnh quân đội Trung Quốc, nhất là Bành Đức Hoài, thấy rằng Trung Quốc khó có thể tự bảo vệ mình. Mô hình chiến tranh du kích linh hoạt đã giúp ích nhiều và dẫn tới thắng lợi sau thời gian nội chiến kéo dài, nhưng những cuộc xung đột quốc tế hiện đại lại là vấn đề khác[7]. Như thế, một cuộc đụng đầu với Mỹ lần nữa, dù trực tiếp hay gián tiếp, thì vẫn là một vấn đề khiến Trung Quốc cần cẩn trọng suy tính. Trong khi đó, từ năm 1953, Trung Quốc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Kế hoạch này đòi hỏi họ phải “dồn tâm, dồn lực vào giải quyết các vấn đề trong nước”[8], đồng thời phải tranh thủ nguồn lực từ các nước phương Tây, nơi có nền khoa học và công nghệ hiện đại. Trong văn kiện về chính sách ngoại thương trình Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 8 tháng 3, Bộ Ngoại thương Trung Quốc xác định: “Tích cực phát triển quan hệ buôn bán với các nước tư bản chủ nghĩa dù rằng Trung Quốc phải luôn cảnh giác, khai thác mâu thuẫn và phân biệt đối xử giữa các nước đó trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi”[9]. Phù hợp với đường lối kinh tế đó, Trung Quốc chủ trương thực hiện một chính sách đối ngoại hòa bình, cải thiện quan hệ với thế giới ngoài khối XHCN. Trong một cuộc họp của Bộ Ngoại giao, tháng 6 năm 1953, Thủ tướng Trung Quốc phát biểu: Trung Quốc “cần phải làm cho thế giới tin rằng Trung Quốc là người ủng hộ thương lượng hoà bình còn đối phương là những kẻ thích dùng bạo lực trong việc giải quyết các cuộc xung đột quốc tế”[10]. Bởi thế, đối với vấn đề Đông Dương, Trung Quốc cũng muốn giải quyết bằng con đường thương lượng. Ngày 24 tháng 8 năm 1953, sau khi ký Hiệp định Bàn Môn Điếm, Thủ tướng Chu Ân Lai tuyên bố: “Có thể thảo luận “các vấn đề khác” sau khi giải quyết hoà bình vấn đề Triều Tiên”[11]. 
Chính vì vậy, cả Trung Quốc lẫn Pháp đều tán thành sáng kiến mà Liên Xô đưa ra ngày 4 tháng 8 năm 1953. Tại Hội nghị Berlin (Đức), bàn sáng kiến đó của Liên Xô (từ 25-1 đến 18- 2- 1954), Pháp nhất trí triệu tập một hội nghị quốc tế (trong đó có sự tham gia của Trung Quốc) ở Geneva vào ngày 26 tháng 4 năm 1954 để giải quyết hoà bình các vấn đề Triều Tiên và Đông Dương. Về vấn đề Đông Dương, ngày 5 tháng 3, tại Quốc hội Pháp, Thủ tướng Laniel xác định mục tiêu: “Phải giành được một nền hòa bình mà ở đó tôn trọng thể diện quốc gia, tự do cá nhân và đảm bảo an toàn cho Đạo quân Viễn chinh”[12]. Đối với vai trò của Trung Quốc trong cuộc thương lượng dự định đó, Bản ghi nhớ ngày 21 tháng 11 năm 1953 của Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định: “Rõ ràng không thể có một giải pháp vững bền cho các cuộc xung đột ở châu Á nếu không có Trung Quốc tham gia”[13]. Ngày 10 tháng 4 năm 1954, Bộ Ngoại giao Pháp cho rằng: “Tình hình quan hệ với Trung Quốc dịu đi (chưa phải là một liên minh với Trung Quốc) là một trong những điều kiện thành công của Hội nghị Geneva”[14]. Về phía Trung Quốc, trước khi Hội nghị Berlin họp, ngày 9 tháng 1 năm 1954, Thủ tướng Chu Ân Lai kêu gọi “tất cả các nước lớn liên quan đến các cuộc xung đột quân sự ở châu Á ngồi lại thảo luận với nhau để tìm biện pháp giải quyết hoà bình các cuộc xung đột”[15]. Sau khi các nước tham gia Hội nghị Berlin nhất trí triệu tập Hội nghị Geneva, ngày 2 tháng 3 năm 1954, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua về nguyên tắc văn kiện “Những nhận định ban đầu và công tác chuẩn bị về Hội nghị Geneva”, trong đó, về vấn đề Đông Dương, Trung Quốc chủ trương: “Phải cố gắng hết sức để đảm bảo Hội nghị sẽ không rơi vào tình trạng kết thúc mà không đạt một kết quả nào. Ngay cả khi Hội nghị không đi đến một hiệp nghị, chúng ta vẫn không được để cho cuộc thương lượng về vến đề vãn hồi hoà bình ở Đông Dương bị phá hoại hoàn toàn. Chúng ta cần tạo một tình thế vừa đánh vừa đàm nhằm làm gia tăng những khó khăn vốn có của Pháp và khơi sâu thêm mâu thuẫn giữa Pháp và Mỹ trong việc giải quyết vấn đề Đông Dương, từ đó phục vụ một cách có lợi cho công cuộc đấu tranh giành tự do của nhân dân Đông Dương”[16]. Trong cuộc thương lượng đó, Trung Quốc coi việc Pháp có một lập trường đàm phán độc lập với Mỹ như là biểu hiện của một ý định thương lượng thực sự. Trước khi Hội nghị khai mạc, theo Phrăng-xoa Goay-ô trong tác phẩm Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, các đại diện bán chính thức của Trung Quốc ở Hồng Kông cho biết: Đầu tiên Trung Quốc phải xác định “xem lập trường của Pháp lệ thuộc hoàn toàn vào chính sách đối ngoại của Mỹ, hoặc ngược lại Pháp có thể khẳng định rõ ràng ý muốn giải quyết hoà bình vấn đề Đông Dương hay không”[17].
Như vậy, trước khi bước vào Hội nghị Geneva, hai bên Trung- Pháp đối đầu nhau về vấn đề Đông Dương, Trung Quốc ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống lại cuộc tái chiếm Đông Dương của Pháp. Nhưng, để phù hợp với lợi ích quốc gia của mình, hai bên Trung- Pháp lại tìm đến con đường thương lượng để kết thúc cuộc chiến.
          Hội nghị Geneva về Đông Dương khai mạc ngày 8 tháng 5, kết thúc ngày 21 tháng 7 năm 1954. Tham gia Hội nghị có các đoàn đại biểu của 9 nước[18](đoàn đại biểu Pháp do Ngoại trưởng G. Bidault dẫn đầu, đoàn đại biểu Trung Quốc do Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Chu Ân Lai làm trưởng đoàn). Vào những ngày đầu của cuộc thương lượng, hai bên Trung- Pháp còn khác biệt nhau về quan điểm đàm phán đến mức phía Trung Quốc thấy không thể dung hòa được. Chu Ân Lai nhận xét bản đề nghị 9 điểm ngày 8 tháng 5 của Pháp là “làm theo ý của Mỹ”; là “sự chuẩn bị cho mưu đồ lập khối phòng thủ ở Đông Nam Á của Mỹ”; và vì thế, “không phải là thứ đáng để thương lượng”[19]. Dù thế, Trung Quốc vẫn muốn thương lượng với Pháp trên một lập trường khách quan, mà ở đó phía Pháp có thể trông cậy để trao đổi. Tại cuộc gặp bán chính thức đầu tiên giữa Trung Quốc với Pháp ngày 18 tháng 5, đại diện Trung Quốc, Vương Bính Nam tuyên bố: “Chúng tôi đến đây không phải để ủng hộ quan điểm của Việt Minh mà để làm hết sức mình lập lại hòa bình”. Minh chứng cho thiện chí đó, Vương Bính Nam nói: “Trung Quốc không nhất thiết khuyến khích Việt Minh hướng hoạt động quân sự về vùng đồng bằng”. Nhận xét về tuyên bố này, Phrăng-xoa Gioay-ô cho rằng đó là “một câu nói trọng yếu giữa lúc việc phòng thủ khu vực Hà Nội- Hải Phòng là mối quan tâm lớn nhất của các giới hữu trách quân sự Pháp”[20]. Từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, hai bên Trung- Pháp liên tiếp tổ chức 6 cuộc gặp riêng (27-5; 30-5; 1-6; 5-6; 6-6; 7-6). Trong các cuộc thảo luận đó, hai bên vừa trao đổi những vấn đề mang tính nguyên tắc trong đàm phán vừa thảo luận những vấn đề cụ thể mà Hội nghị đang thương thảo (vấn đề tập kết chuyển quân ở Việt Nam; vấn đề Ủy ban quốc tế giám sát thi hành hiệp định). Về các vấn đề cụ thể đó, phía Pháp đã có những nhượng bộ đáng kể. Về vấn đề Ủy ban quốc tế giám sát thi hành hiệp định, tại cuộc gặp ngày 30 tháng 5, đại diện Pháp Chauvel tuyên bố: “Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của ngài Vương Bính Nam rằng nhiệm vụ của uỷ ban là ngăn chặn sự tái diễn xung đột ở bên trong và ngăn chặn việc đưa phương tiện chiến tranh cùng quân đội nước ngoài vào lãnh thổ Đông Dương. Chúng tôi cũng nhất trí nghiên cứu việc lập sự giám sát ở cả trên đất liến lẫn trên biển”[21]. Về vấn đề tập kết chuyển quân ở Việt Nam, trước việc Trung Quốc đề nghị Pháp thảo luận với Việt Nam Dân chủ cộng hòa các nguyên tắc tại Hội nghị, đồng thời thảo luận các nội dung cụ thể ở Đông Dương, tại cuộc gặp ngày 5 tháng 6, Chauvel phát biểu: phía Pháp “vẫn tin rằng một thỏa thuận về nguyên tắc phải đạt được ở Geneva trước khi bắt đầu các cuộc thảo luận ở tại chiến trường. Nhưng dù sao đi nữa, (Chính phủ Pháp ở) Paris đã yêu cầu (chính quyền Pháp ở) Sài Gòn cử các nhà đàm phán Pháp tiếp xúc với phía Việt Nam”[22]. Bên cạnh đó, về những vấn đề nguyên tắc trong đàm phán, Trung Quốc khẳng định một cách rõ ràng hơn lập trường khách quan cũng như một thái độ thương lượng thực sự, qua đó họ lộ ra khả năng nhượng bộ phía Pháp khi giải quyết vấn đề Đông Dương. Tại cuộc gặp Chauvel ngày 30 tháng 5, Vương Bính Nam tuyên bố: “Bất kỳ một giải pháp nào cũng phải dựa trên lợi ích riêng của mỗi quốc gia nhằm đưa đến sự đồng thuận và hài lòng cho các bên đàm phán”[23]. Cụ thể, Vương Bính Nam nói: “Ông Phạm Văn Đồng nói nước Pháp vẫn có thể để các cơ sở văn hoá và kinh tế ở Việt Nam. Sau khi tái lập hoà bình, Việt Nam sẽ xem xét việc tham gia khối liên hiệp Pháp và xây dựng quan hệ thân thiện với Pháp”[24]. Tinh thần thương lượng đó của phía Trung Quốc lại được Chu Ân Lai khẳng định trong cuộc gặp Bidault ngày 1 tháng 6. Có thể nói, đây là những quan điểm mang nội dung gần với những điều mà Thủ tướng Pháp đề ra ngày 5 tháng 3 năm 1953. Bởi thế, ngay trong cuộc gặp Chu Ân Lai lần đầu tiên, ngày 1 tháng 6, Bidault đã khẳng định quan điểm giữa hai người gần nhau như hai nhà liền kề[25]. Tiếp đó, trong cuộc thảo luận với Chu Ân Lai ngày 7 tháng 6, Bidault, không giấu diếm, nói rằng quan điểm giữa ông và Chu Ân Lai rất gần nhau và những cuộc nói chuyện giữa hai người “có tính xây dựng hơn những cuộc nói chuyện với người khác” (ý muốn ám chỉ Liên Xô)[26]. Dẫu thế, nếu như phía Trung Quốc đưa ra quan điểm thương lượng một cách rõ ràng- tôn trọng thể diện của Pháp cũng như chấp nhận sự duy trì ở một mức độ quyền lợi và ảnh hưởng của Pháp trong một giải pháp dự định về vấn đề Đông Dương, thì, phía Pháp, trong cuộc gặp ngày 7 tháng 6, Bidault chỉ “bày tỏ mong muốn hòa bình và hé lộ với phía Trung Quốc (rằng phía Pháp) sẽ không sử dụng bất kỳ một sức ép quân sự nào”[27]. Thực chất, Pháp vẫn muốn thực thi chính sách dùng Mỹ để tạo lợi thế trong thương lượng.  Trong cuộc hội đàm ba bên (Pháp, Anh, Mỹ) ngày 17 tháng 6, tại Geneva, Pháp và Mỹ thống nhất “không giải tỏa mối lo ngại của Trung Quốc về vấn đề các căn cứ quân sự Mỹ ở Lào và Campuchia”[28]. Như vậy, sau một tháng đàm phán, hai nước tuy đã nhích lại gần nhau nhưng vẫn còn khoảng cách trong thương lượng. Trong cuộc hội đàm với trưởng đoàn Anh, Eden ngày 19 tháng 6, trưởng đoàn Liên Xô, Molotov nhận định: “Quan hệ Trung- Pháp (trong quá trình Hội nghị), dù đã có sự cải thiện đáng nghi nhận nhưng chưa thay đổi nhiều”[29].
Đến giữa tháng 6, Hội nghị về Đông Dương lâm vào bế tắc do hai bên đàm phán không thỏa thuận được với nhau về việc xem xét riêng vấn đề Lào và Campuchia với vấn đề Việt Nam; về vấn đề rút quân đội Việt Nam ra khỏi hai nước đó. Sự bế tắc này góp phần dẫn đến việc Chính phủ Laniel thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội Pháp ngày 12 tháng 6. Với Trung Quốc, sự bế tắc đó của Hội nghị khiến họ lo lắng về kết cục của cuộc đàm phán. Bởi vậy, để hội nghị khỏi đổ vỡ, trong cuộc họp ba đoàn phía các nước XHCN ngày 15 tháng 6, Trung Quốc đã thuyết phục phía Việt Nam Dân chủ cộng hoà (DCCH) rút quân ra khỏi Lào và Campuchia. Chu Ân Lai khẳng định: “Nếu chúng ta không thừa nhận sự có mặt của quân đội Việt Nam ở Lào và Campuchia thì cuộc thảo luận về Lào và Campuchia sẽ không thể tiếp tục được và từ đó sẽ làm đổ vỡ những cuộc thương lượng về Việt Nam. Do đó, chúng ta phải thừa nhận rằng có quân tình nguyện Việt Nam ở Lào và Campuchia”. Đổi lại, Chu Ân Lai cho rằng Việt Nam DCCH có thể đòi Pháp nhượng bộ về vấn đề phân chia vùng kiểm soát. Ý kiến của Trung Quốc được Liên Xô ủng hộ và cuối cùng đoàn Việt Nam DCCH chấp thuận[30]. Theo gợi ý của phía Anh, trưa ngày 16 tháng 6, trưởng đoàn Trung Quốc, Chu Ân Lai gặp trưởng đoàn Anh, Eden trao những nhượng bộ của phía các nước XHCN. Chu Ân Lai khẳng định: “Sẽ “không khó” để buộc Việt Minh đồng ý rút quân của họ ra khỏi hai nước ấy trong khuân khổ qui định quân đội nước ngoài rút khỏi (Đông Dương)”[31]. Về Lào và Campuchia, Chu Ân Lai nói: Trung Quốc “sẵn sàng công nhận tính chất hợp pháp của hai chính phủ Hoàng gia ở Lào và Campuchia” ngay khi nào Trung Quốc “được đảm bảo rằng không có một căn cứ quân sự nào của Mỹ được xây dựng ở hai nước này”[32]. Trung Quốc cũng “mong muốn hai nước Lào và Campuchia duy trì quan hệ với Pháp”. Để đi đến hoà bình ở hai nước này, Chu Ân Lai cho rằng: Về trường hợp Campuchia, “vì lực lượng kháng chiến nhỏ nên chỉ cần một thoả thuận chính trị giữa Chính phủ Hoàng gia với lực lượng kháng chiến”. Về trường hợp Lào, “vì lực lượng kháng chiến lớn hơn nên cần tạo những khu tập kết cho lực lượng đó dọc biên giới Việt Nam và Trung Quốc”[33]. Nội dung nhượng bộ trên được Trung Quốc trình bày lại trong cuộc gặp Bidault ngày 17 tháng 6. Trên cơ sở đó, ngày 19 tháng 6, Hội nghị đi đến thoả thuận: Để thực hiện đồng thời và nhanh chóng đi đến ngừng bắn ở Lào và Campuchia, Bộ Tư lệnh hai bên nghiên cứu trước hết vấn đề rút quân đội và nhân viên quân sự nước ngoài ra khỏi hai nước này. Cũng tại phiên họp này, các bên cũng nhất trí rằng sau khi các trưởng đoàn về nước báo cáo, Hội nghị vẫn tiếp tục họp. Như vậy, nhượng bộ mà Trung Quốc đưa ra đã tháo gỡ bế tắc, tạo cơ sở để Hội nghị tiếp tục giải quyết các vấn đề còn lại.
Trong lúc Hội nghị có bước chuyển tích cực như thế thì tình hình chính trường Pháp cũng có sự chuyển đổi có lợi cuộc đàm phán. Sau khi Chính phủ Laniel đổ, ngày 17 tháng 6, Quốc hội Pháp bầu Mendes France (thành viên Đảng Xã hội cấp tiến, người không tán thành chính sách thân Mỹ trong đàm phán của Chính phủ Laniel) làm Thủ tướng chính phủ mới. Tại lễ nhậm chức (18-6), M.France cam kết đưa Hội nghị đi đến hiệp nghị trong vòng một tháng (20-7). Như vậy, công chúng và chính giới Pháp muốn một chính sách thương lượng độc lập với Mỹ hơn; mong muốn  sự kết thúc chiến tranh bằng thương lượng mạnh mẽ hơn. Sự biến chuyển đó của phía Pháp được Trung Quốc hoan nghênh. Họ đánh giá cao và tin tưởng vào cuộc đàm phán với Chính phủ M.France. Ngày 19 tháng 6, tiếp chuyện đại biểu Canada Chester E. Ronning, Chu Ân Lai nói: “Tôi sung sướng thấy nước Pháp có một chính phủ khá mạnh để hành động…Ông Mendes đã thấy được tình hình và đã hành động một cách khôn ngoan”[34]. Do đó, nhằm thúc đẩy Hội nghị, Trung Quốc đã đề nghị với phía Pháp tổ chức một cuộc gặp giữa Chu An Lai và M.France. Cuộc hội đàm giữa hai vị Thủ tướng được tổ chức vào ngày 23 tháng 6 tại Bern, Thủ đô Thuỵ Sỹ. Trong hơn hai giờ đồng hồ trao đổi, Trung- Pháp đi đến đồng thuận về thủ tục đàm phán: đàm phán về vấn đề tập kết cần đi vào bàn cụ thể; vấn đề phân vùng tập kết giữa hai bên cần giải quyết trước. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy các bên liên quan của phía mình trong việc giải quyết các vấn đề của Hội nghị. Đặc biệt, theo nhận xét của phía Pháp, trong cuộc gặp này Chu Ân Lai đã đưa ra một số quan điểm quan trọng thể hiện “một bước tiến đáng kể”- một sự nhượng bộ nữa so với quan điểm trước đó của họ. “Lần đầu tiên Chu Ân Lai thừa nhận sự tồn tại trên thực tế của Chính phủ Việt Nam quốc gia”; lần đầu tiên Trung Quốc đồng ý với phía Pháp rằng “có hai giai đoạn cho một giải pháp ở Việt Nam: Trước tiên là giải quyết vấn đề quân sự, sau đó giải quyết vấn đề chính trị”[35]. Đổi lại, M.France cũng thể hiện một thái độ rõ ràng muốn đi đến thương lượng thực sự- điều mà Trung Quốc không thấy khi đàm thoại với Bidault. Lần đầu tiên phía Pháp đề cập đến giải pháp chính trị cho ba nước Đông Dương và M.France tỏ ý sẵn sàng tiếp xúc trực tiếp với Phạm Văn Đồng. Nhưng hơn tất cả, lần đầu tiên Pháp thể hiện một lập trường đàm phán độc lập với Mỹ hơn. M.France tuyên bố: “Tôi muốn nói rõ ràng rằng chúng tôi không định lập một căn cứ Mỹ nào ở Đông Dương”[36]. Có thể thấy rằng, cuộc gặp này đã đưa hai bên Trung- Pháp xích lại gần nhau hơn nữa. Hai bên đã thấy được rõ hơn quan điểm thương lượng của nhau, tin vào ý định đàm phán của nhau hơn, từ đó có thêm quyết tâm đàm phán, có cơ sở để đưa ra những đề nghị thúc đẩy cuộc đàm phán đi đến thành công.
          Trong lúc này, bên ngoài Hội nghị, tại Washington, ngày 28 tháng 6, hai nước Anh, Mỹ ra tuyên bố chung, trong đó, thống nhất đặt ra bảy điều kiện cho việc tôn trọng một hiệp định ở Geneva. Về vấn đề phòng thủ ở Đông Nam Á, hai nước thoả thuận sẽ “thúc đẩy các biện pháp nhằm thành lập một khối phòng thủ ở Đông Nam Á”[37]. Văn kiện bảy điểm mà Anh, Mỹ đưa ra tạo cho Pháp một  sự hậu thuẫn để mặc cả với đối phương. Vì vậy, bên cạnh việc thuyết phục Mỹ trở lại Hội nghị, Pháp chủ trương “tránh tỏ ra vội vàng đi đến một hiệp nghị” khi mà yêu cầu của họ không được thỏa mãn. Pháp không chấp nhận chia cắt Việt Nam ở vĩ tuyến 13 theo đề nghị của Việt Nam dân chủ cộng hòa (tại cuộc họp Pháp- Việt ngày 28 tháng 6)[38], mà, tại cuộc họp ba bên (Anh, Pháp, Mỹ) ở Paris ngày 13 tháng 7, Thủ tướng Pháp chỉ ra: Pháp chỉ nhận “đường giới tuyến lui về phía Nam một chút” (so với mốc là vĩ tuyến 18 mà họ đã đề nghị ngày 26 tháng 6)- có lẽ theo đường Đồng Hới- Thakhek hoặc hơi quá về phía Nam con đường đó”[39]. Ngày 14 tháng 7, Pháp cùng Mỹ ra Tuyên bố chung, trong đó Pháp bày tỏ mong muốn giành được hiệp định phù hợp với Văn kiện bảy điểm. Đối với Trung Quốc, sự kiện Anh, Mỹ ra tuyên bố chung về việc lập khối phòng thủ Đông Nam Á khiến họ lo ngại hơn về khả năng Mỹ nhảy vào Đông Dương. Vì vậy, Trung Quốc chủ trương đi đến hiệp nghị trong hạn mà Pháp đã đưa ra (20-7) nhằm ngăn chặn hành động đó của Mỹ[40]. Theo đó, điều kiện thương lượng sẽ đưa ra phải công bằng hợp lý để cho phía Pháp “có thể chấp nhận được”. Tại cuộc gặp Hồ Chí Minh ở Liễu Châu từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 7, Trung Quốc định đường giới tuyến phân chia vùng kiểm soát giữa hai ở Việt Nam tại vĩ tuyến 17- gần với đề nghị đặt đường giới tuyến tại vĩ tuyến 18 của phía Pháp ngày 26 tháng 6; về thời hạn tổng tuyển cử sau ngừng bắn là 2 năm (Việt Nam đề nghị  đường giới tuyến tại vĩ tuyến 16, thời hạn tổng tuyển cử là 6 tháng sau ngừng bắn)[41]. Ngày 10 tháng 7, Trung Quốc không nhất trí với quan điểm của Việt Nam: Nhượng cho Pháp đường số 9 và Đà Nẵng, đổi lại, Việt Nam DCCH kiểm soát Liên khu 5 (khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên). Thay vào đó, Trung Quốc khuyên Việt Nam nên nhượng bộ về vĩ tuyến, về vấn đề Lào và uỷ ban quốc tế giám sát thi hành hiệp định[42]. Nhưng, tinh thần nhượng bộ đó của Trung Quốc vẫn không phải là sự đi đến hiệp nghị bằng mọi giá. Trung Quốc chủ định nhượng bộ nhằm ngăn Mỹ vào Đông Dương vậy nên họ muốn sự nhượng bộ của mình có ý nghĩa thực sự. Ngày 8 tháng 7, quyền trưởng đoàn Trung Quốc Lý Khắc Nông nói thẳng với đại diện Pháp Chauvel: Trung Quốc sẽ giúp Pháp trong cuộc thương lượng nếu “mong muốn duy nhất” của Trung Quốc về việc không có căn cứ Mỹ ở Đông Dương được thoả mãn[43]. Như vậy, trước khi các trưởng đoàn trở lại Hội nghị, Trung- Pháp đều sẵn sàng đi đến nhượng bộ để đưa cuộc thương lượng đến thành công. Nhưng hai bên cũng đặt ra khung giới hạn cụ thể cho sự nhượng bộ đó- một sự cứng rắn hơn về mặt nguyên tắc thương lượng.
Vào thượng tuần tháng 7, các trưởng đoàn trở lại Hội nghị[44], hai bên thống nhất thảo luận riêng giữa các đoàn trước khi bắt đầu các phiên họp chung. Theo đó, trong một tuần, đã có nhiều cuộc gặp tay đôi, tay ba giữa các đoàn với nhau. Trong khi các cuộc gặp tay đôi Xô- Pháp (10,15-7), tay ba Xô- Pháp- Anh (16,17-7) không đi đến thỏa thuận nào (ngoại trừ vấn đề đi lại của Ủy ban quốc tế giám sát thi hành hiệp định) thì ở các cuộc gặp Trung- Pháp quan điểm của hai bên lại tiến gần đến mức có thể đi đến hiệp nghị được. Tại cuộc gặp M.France ngày 13 tháng 7, Chu Ân Lai gợi ý phía Pháp nhượng bộ về vấn đề Việt Nam để đổi lấy sự nhân nhượng nhiều hơn từ phía các nước XHCN: "Tôi tin là nếu các ngài tiến lên một bước thì bên kia sẽ đi nhiều bước hơn về phía các ngài”[45]. Ngày hôm sau, 14 tháng 7, phía Pháp hưởng ứng gợi ý đó bằng một đề nghị mới, trong đó có sự nhượng bộ về giới tuyến phân vùng kiểm soát giữa hai bên. Guillermaz thông báo với Vương Bính Nam: phía Pháp sẽ chỉ chấp nhận đường giới tuyến ở phía Bắc đường số 9 (khoảng vĩ tuyến 17, trước đó, họ đề nghị đường này ở vĩ tuyến 18). Về thời gian tổng tuyển cử sau ngừng bắn, Guillermaz cho biết, phía Pháp cũng chỉ đồng ý khoảng thời gian là 2 năm[46]. Những quan điểm gần với quan điểm mà Trung Quốc đã nêu ra cho phía Việt Nam đầu tháng 7. Vì vậy, tại cuộc họp ba đoàn (Việt Nam DCCH, Liên Xô, Trung Quốc) ngày 16 tháng 7, Chu Ân Lai, nhận định: “Chúng ta có thể đạt được hiệp nghị trong vài ngày tới”. Trong hiệp nghị đó, Trung Quốc còn định để cho Pháp duy trì quân ở Nam Việt Nam một thời gian (tất nhiên không quá thời gian tổ chức tổng tuyển cử) nhằm lợi dụng Pháp ngăn chặn sự liên kết giữa Mỹ với Bảo Đại. Như đã nói, để đi đến hiệp nghị, Trung Quốc muốn có sự đảm bảo trước về việc không có căn cứ Mỹ ở Đông Dương và ngày 17 tháng 7, họ trao đổi vấn đề đó với phía Anh[47]. Tuy nhiên, tại cuộc gặp giữa Caccia với Trương Văn Thiên trưa ngày 18, phía Anh lại muốn phía Trung Quốc nhượng bộ trước và trong phiên họp hạn chế chiều ngày hôm đó, khi “Mỹ bày tỏ quan điểm rõ ràng”, “phía Anh và Pháp bắt đầu thể hiện tinh thần hoà nghị thực sự” thì, như Chu Ân Lai nói, phía các nước XHCN thấy “không cần gây thêm sức ép (lên đối phương) nữa” và quyết định nhân nhượng đối phương trước. Trong giờ giải lao của phiên họp, Chu Ân Lai nói với Eden rằng ông đồng tình với quan điểm của đoàn Pháp về thành phần Ủy ban quốc tế giám sát thi hành hiệp định, đó là, Ủy ban: gồm Ấn Độ, Ba Lan và Canađa, trong đó Ấn Độ làm chủ tịch[48]. Như vậy, vấn đề thành phần Ủy ban quốc tế giám sát thi hành hiệp định được giải quyết. Hành động của Trung Quốc làm cho phía các nước phương Tây hài lòng. Trong khi đoàn Liên Xô được nhìn nhận “là thành viên cứng rắn và khó đàm phán nhất trong đoàn các nước xã hội chủ nghĩa”[49], thì việc Trung Quốc đưa ra nhượng bộ đó khiến họ trở thành điểm để cho phía bên kia tập trung hy vọng và dồn nỗ lực vào đàm phán.
 Thật vậy, trưa ngày 19, có Eden cùng dự, M.France đến gặp Chu Ân Lai. Hai bên nhân nhượng lẫn nhau về vấn đề Lào. Phía Pháp đồng ý vùng tập kết của lực lượng kháng chiến Lào ở khu vực Đông Bắc giáp với Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời đảm bảo quyền công dân cho lực lượng này. Đổi lại, Trung Quốc chấp nhận cho Pháp đặt căn cứ ở Lào, nhưng không được đặt ở gần biên giới Việt Nam, căn cứ Xieng Khouang phải chuyển cho người Lào nắm.Thay vào đó, quân Pháp phải đóng căn cứ ở phía Nam của Lào[50]. Ngay sau cuộc gặp tay ba này, đại diện Anh, Caccia gặp đại diện Trung Quốc, Trương Văn Thiên thương thảo về vấn đề Việt Nam. Caccia nhấn mạnh phía Pháp nhất quyết đòi đường số 9 và để cho việc sử dụng “an toàn” con đường này, ông gợi ý đường giới tuyến là “một trong hai con sông” nằm trong khu vực giữa đường số 9 và vĩ tuyến 18; trong năm 1956 sẽ tổ chức tổng tuyển cử Việt Nam. Nhưng về vấn đề này, phía các nước XHCN không hoàn toàn nhất trí với đề nghị của đối phương. Chiều cùng ngày, Trương Văn Thiên gặp Caccia và tuyên bố: “đường giới tuyến sẽ được thiết lập cách đường số 9 mười kilômét về phía bắc”; hai năm sau khi ngừng bắn sẽ tổ chức tổng tuyển cử. Về điểm này, “thời gian và phương thức tuyển cử cụ thể sẽ được đại diện của các chính quyền ở hai miền Nam và Bắc Việt Nam quyết định nhưng không được muộn hơn tháng 6 năm 1955”; việc tập kết quân đội ở Việt Nam sẽ phải thực hiện trong 245 ngày (ngay sau cuộc gặp này, Vương Bính Nam gặp Guillermaz đưa ra những quan điểm tương tự về vấn đề Việt Nam). Do đó, đáp lời Trương Văn Thiên, Caccia cho rằng những vấn đề đó cần thảo luận thêm giữa Phạm Văn Đồng với M.France. Về giới tuyến, Caccia nói: “Người Pháp có lẽ muốn một vài kilômét nữa (về phía Bắc)”[51]. Và, đến ngày 20 tháng 7, sau nhiều cuộc thảo luận, hai bên mới đi đến thỏa thuận: đường giới tuyến ở Việt Nam đặt ở vĩ tuyến 17, thời hạn tổng tuyển cử sau ngừng bắn là 2 năm. Ngày 21 tháng 7, Hội nghị đi đến ký kết các hiệp định đình chiến về Việt Nam, Lào, Campuchia và ra Tuyên bố cuối cùng, kết thúc cuộc thương lượng về vấn đề Đông Dương.
          Nhìn chung lại, trong Hội nghị Geneva về Đông Dương, những cuộc tiếp xúc Trung- Pháp là những hoạt động đàm phán quan trọng và có hiệu quả. Ở đó, xuất phát chủ yếu từ lợi ích quốc gia của mỗi nước, hai bên đã nhân nhượng nhau, phía Trung Quốc đã nhượng bộ phía Pháp nhiều hơn. Những nhượng bộ ấy đã góp phần thúc đẩy cuộc thương lượng đi đến thành công. Đặc biệt, trong những cuộc tiếp xúc này, phía Trung Quốc đã đưa ra những quan điểm mang tính nguyên tắc làm cơ sở cho việc giải quyết các vấn đề của Hội nghị. Qua đây, có thể hiểu rõ hơn vai trò của các nước lớn trong việc giải quyết vấn đề Đông Dương; đồng thời, thấy rõ hơn xu hướng hoà nghị giữa hai phe trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế lúc đó. Có thể nói, Hội nghị Geneva về Đông Dương không chỉ giải quyết riêng vấn đề Đông Dương mà còn giải quyết cả các vấn đề ngoài Đông Dương; Hội nghị không chỉ đem lại hoà bình cho bán đảo Đông Dương mà còn góp phần mang lại hòa bình cả vùng Viễn Đông và thế giới.

 Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6/2013, tr. 48-59.

Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ


[1] Phrăng-xoa Gioay-ô, Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Nxb Thông tin lý luận, H, 1981; tr.90.
[2] Pháp đã sớm lường định hành động đó của Trung Quốc. Từ tháng 5 năm 1947, tướng Salan, Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, đã được chỉ thị “làm mọi việc để không cho Việt Minh có thể tiếp xúc được với các đơn vị của Mao”. Cuộc tấn công lên Việt Bắc của quân Pháp tháng 10 năm 1947 một phần nhằm mục đích đó.Tháng 5 năm 1949, khi chính quyền Trung Hoa Quốc dân đảng sắp thất thủ, tướng Reveres, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, được cử sang Đông Dương tìm biện pháp phòng thủ bán đảo. Reveres kiến nghị: quân Pháp cần “thực hiện một hệ thống liên hoàn cho phép bảo đảm việc phòng thủ biên giới từ Móng Cái đến Thất Khê”, đồng tập trung quân phòng thủ đồng bằng Bắc Bộ. (Phrăng-xoa Goay-ô, Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, sđd, tr. 74,77).
[3]  Năm 1950, số viện trợ của Mỹ cho quân Pháp ở Đông Dương là 52,0 tỷ franc, năm 1953 lên tới 285,0 tỷ và năm 1954 đạt tới 555,0 tỷ chiếm 73,9% chiến phí của Pháp ở Đông Dương. (Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Chiến tranh cách mạng Việt Nam (1945- 1975)- Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2000; tr. 498).
[4]  Theo điều tra của Viện Dư luận Pháp, tháng 7 năm 1947 có 37% người Pháp tán thành cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương; tháng 10 năm 1950, con số đó là 27%; tháng 5 năm 1953 là 21% và đến tháng 2 năm 1954 chỉ còn 8%(Bộ Ngoại Giao, Hiệp định Giơnevơ- 50 năm nhìn lại, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2008; tr. 76).
[5] Ilya V. Gaiduk, Confronting Vietnam- Soviet policy toward the indochina conflict, 1954- 1963,  Stanford University Press, Stanford, California, 2003; p. 17. (Ilya V.Gaiduk, Giải quyết vấn đề Việt Nam – Chính sách của Liên Xô về cuộc chiến tranh Đông Dương, 1954- 1963, Nxb Đại học Stanford, Stanford, California, 2003; tr. 17).
[6] Trước sự thất bại của Pháp, để chống cách mạng Đông Dương và nhằm thế chân Pháp, Mỹ càng ngày càng can thiệp sâu vào cuộc chiến của Pháp trên bán đảo này. Nếu như năm 1950, khi  công khai viện trợ cho Pháp tiến hành chiến tranh ở Đông Dương, sự viện trợ của Mỹ chỉ gồm tiền bạc và vũ khí thì đến năm 1953, sự viện trợ  đó có sự đóng góp trực tiếp của cả “bàn tay, khối óc” của người Mỹ. Các nhà quân sự Mỹ tham gia lập kế hoạch Nava; từ tháng Giêng năm 1953, Mỹ đã cho Pháp “mượn” 28 nhân viên kỹ thuật không quân để giúp huấn luyện các nhân viên kỹ thuật Pháp và bảo trì máy bay mà họ viện trợ; đến tháng Giêng năm 1954, Mỹ lại đưa 200 nhân viên kỹ thuật không quân nữa sang Đông Dương giúp Pháp. Hơn thế, trước nguy cơ Pháp rút khỏi Đông Dương, từ đầu năm 1954 các nhà hoạch định chính sách Mỹ còn bàn tính đến việc đưa quân Mỹ trực tiếp tham chiến trên chiến trường này. (William Conrad Gibbons, The U.S government and the Vietnam war- Executive and Legislative roles and relationships,part I: 1945- 1960, Priceton University Press, Princeton, New Jersey, 1986; p.158- William Conrad Gibbons, Chính phủ Mỹ và cuộc chiến tranh Việt Nam- Vai trò của cơ quan hành pháp và lập pháp, phần I: 1945- 1960, Nxb Đại học Princeton, Princeton, New Jersey, 1986, tr. 158).
[7] Shaul Beslin, Mao Trạch Đông, Nguyễn Hữu Quang dịch, Nxb Tri Thức, H, 2008; tr..254.
[8] U.S Department of State, Foreign relations of the United States, 1952-1954, vol. XVI- The Geneva conference, United States Government Printing Office, Washington, 1981; p. 898 (Bộ Ngoại Giao Mỹ, Quan hệ đối ngoại của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, 1952- 1954, tập 16- Hội nghị Geneva, Cơ quan in ấn Chính phủ Mỹ xuất bản,Washington, 1981; tr. 898).
[9] Shu Guang Zhang, Economic Cold war: America’s embargo agaisnt China and the Sino- Soviet alliance, 1949- 1963, Stanford University Press, Stanford, California, 2001; p.149. (Shu Guang Zhang, Chiến tranh lạnh về kinh tế: Mỹ cấm vận Trung Quốc và sự liên minh Xô- Trung, 1949- 1963, Nxb Đại học Stanford, Stanford, California, 2001; tr. 149).
[10] Shu Guang Zhang, Economic Cold war: America’s embargo agaisnt China and the Sino- Soviet alliance, 1949- 1963, ibid; p. 143.
[11] Phrăng-xoa Gioay-ô, Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, sđd; tr. 124.
[12] U.S Department of State, Foreign relations of the United States, 1952-1954, vol. XVI- The Geneva conference, ibid; p. 437.
[13] Phrăng-xoa Gioay-ô, Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, sđd; tr. 130.
[14] Phrăng-xoa Gioay-ô, Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, sđd; tr. 212.
[15] Shu Guang Zhang, Economic Cold war: America’s embargo agaisnt China and the Sino- Soviet alliance, 1949- 1963, ibid; p. 144.
[16] http://www.Wilsoncenter.org/topics/pubs/CWIHP Bulletin16_p1.pdf, Woodrow Wilson international Center for Scholars, Cold war international history project: Bulletin- Inside China’s Cold war, Issue 16, Fall 2007/ Winter 2008; p. 12. (Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson, Dự án lịch sử quốc tế về chiến tranh lạnh: Tập văn bản báo cáo- Chiến tranh lạnh trong phe Trung Quốc, ấn bản thứ 16; tr. 12).
[17] Phrăng-xoa Gioay-ô, Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, sđd; tr. 148.
[18]  (Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam dân chủ cộng hoà, Pháp, Anh, Mỹ, Việt Nam quốc gia, Vương quốc Campuchia, Vương quốc Lào).
[19] http://www.Wilsoncenter.org/topics/pubs/CWIHP Bulletin16_p1.pdf, ibid; p. 17.
[20] Phrăng-xoa Gioay-ô, Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, sđd; tr. 237.
[21] http://www.Wilsoncenter.org/topics/pubs/CWIHP Bulletin16_p1.pdf, ibid; p. 28.
[22] http://www.Wilsoncenter.org/topics/pubs/CWIHP Bulletin16_p1.pdf, ibid; p. 36.
[23] http://www.Wilsoncenter.org/topics/pubs/CWIHP Bulletin16_p1.pdf, ibid; p. 28.
[24] http://www.Wilsoncenter.org/topics/pubs/CWIHP Bulletin16_p1.pdf, ibid; p.27.
[25] http://www.Wilsoncenter.org/topics/pubs/CWIHP Bulletin16_p1.pdf, ibid; p. 30.
[26] http://www.Wilsoncenter.org/topics/pubs/CWIHP Bulletin16_p1.pdf, ibid; p. 41.
[27] http://www.Wilsoncenter.org/topics/pubs/CWIHP Bulletin16_p1.pdf, ibid; p. 40-41.
[28] U.S Department of State, Foreign relations of the United States, 1952-1954, vol. XVI- The Geneva conference, ibid; p. 1174.
[29] http://www.Wilsoncenter.org/topics/pubs/CWIHP Bulletin16_p1.pdf, ibid; p. 101.
[30] Qiang Zhai, China and the Vietnam wars, University of North Carolina Press, (USA), 2000; p. 56-57. (Qiang Zhai, Trung Quốc và những cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Nxb Đại học Bắc Carolina, 2000; tr. 56- 57).
[31] U.S Department of State, Foreign relations of the United States, 1952-1954, vol. XVI- The Geneva conference, ibid; p. 1174.
[32] Phrăng-xoa Gioay-ô, Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, sđd; tr. 253.
[33] U.S Department of State, Foreign relations of the United States, 1952-1954, vol. XVI- The Geneva conference, ibid; p. 1171,1173.
[34] Phrăng-xoa Gioay-ô, Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, sđd; tr. 268.
[35] U.S Department of State, Foreign relations of the United States, 1952-1954, vol. XVI- The Geneva conference, ibid; p. 1239-40.
[36] http://www.Wilsoncenter.org/topics/pubs/CWIHP Bulletin16_p1.pdf, ibid; p.53.
[37] U.S Department of State, Foreign relations of the United States, 1952-1954, vol. XVI- The Geneva conference, ibid; p. 1255.
[38] U.S Department of State, Foreign relations of the United States, 1952-1954, vol. XVI- The Geneva conference, ibid; p. 1279.
[39] U.S Department of State, Foreign relations of the United States, 1952-1954, vol. XVI- The Geneva conference, ibid; p. 1349.
[40]  Trong cuộc hội đàm ngày 10 tháng 7, tại Moscow, trước việc Liên Xô cho rằng, thời điểm này “không nên làm phức tạp,…, rườm rà kéo dài đàm phán, làm lợi cho Mỹ phá hoại” và, chủ trương “đưa ra điều kiện công bằng hợp lý mà Chính phủ Pháp có thể nhận được để …mau chóng đi đến đình chiến” trong hạn mà phía Pháp đã đặt ra- ngày 20 tháng 7, Chu Ân Lai khẳng định: “Quan điểm và sự phân tích tình hình của Trung ương Liên cộng với quan điểm và sự phân tích tình hình của chúng tôi khi ở Liễu Châu và Bắc kinh là nhất trí. Vì nhất trí nên (vấn đề) chia khu vực, vấn đề Lào, Miên, Ủy ban quốc tế kiểm soát cũng đều cần suy xét theo phương châm trên để tranh thủ mau chóng đi đến hiệp ngh”. (Bộ Ngoại Giao, Tổ Tổng kết, Hồ sơ số 182, Tập ghi chép ở Văn phòng Trung ương (từ ngày 1đến ngày 6 tháng 10 năm 1973), điện của đồng chí Chu Ân Lai, số 1 ngày 10 tháng 7 năm 1954.
[41] Bộ Ngoại Giao, Hiệp định Giơnevơ- 50 năm nhìn lại, sđd; tr.60, 256.
[42] Bộ Ngoại Giao, Tổ Tổng kết, Hồ sơ số 182, Tập ghi chép ở Văn phòng Trung ương (từ ngày 1đến ngày 6 tháng 10 năm 1973), điện của đồng chí Chu Ân Lai, số 1 ngày 10 tháng 7 năm 1954.
[43] Phrăng-xoa Gioay-ô, Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, sđd; tr. 284.
[44]  M.France trở lại Hội nghị ngày 10, Chu Ân Lai có mặt ngày 12 tháng 7.
[45] Phrăng-xoa Gioay-ô, Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, sđd; tr. 291.
[46] http://www.Wilsoncenter.org/topics/pubs/CWIHP Bulletin16_p1.pdf, ibid; p. 97.
[47] Về vấn đề khối phòng thủ Đông Nam Á, theo Trung Quốc, giữa Mỹ và Anh có mâu thuẫn nhau về ý định thành lập. Do đó, Trung Quốc gặp đoàn Anh nhằm lợi dụng mâu thuẫn đó giữa Anh với Mỹ.
[48] http://www.Wilsoncenter.org/topics/pubs/CWIHP Bulletin16_p1.pdf, ibid; p. 72,73.
[49] U.S Department of State, Foreign relations of the United States, 1952-1954, vol. XVI- The Geneva conference, ibid; p. 1429.
[50] http://www.Wilsoncenter.org/topics/pubs/CWIHP Bulletin16_p1.pdf, ibid; p.76-77.U.S Department of State, Foreign relations of the United States, 1952-1954, vol. XVI- The Geneva conference, ibid; p. 1466.
[51] http://www.Wilsoncenter.org/topics/pubs/CWIHP Bulletin16_p1.pdf, ibid; p. 78.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!