Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

VẬN DỤNG KINH NGHIỆM XÂY DỰNG CĂN CỨ ĐỊA, HẬU PHƯƠNG CỦA CÁC CUỘC KHỞI NGHĨA, CHIẾN TRANH CHỐNG NGOẠI XÂM TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC VÀO XÂY DỰNG HẬU PHƯƠNG QUÂN ĐỘI THỜI KỲ MỚI

PGS.TS. Hồ Khang,
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Căn cứ địa, hậu phương là nơi tích lũy và phát triển lực lượng  về mọi mặt, nơi cung cấp sức người, sức của cho chiến tranh, là nền tảng để phát triển, mở rộng khởi nghĩa, mở rộng kháng chiến. Mọi cuộc khởi nghĩa, mọi cuộc chiến tranh, nếu muốn thắng lợi, thì yếu tố đầu tiên có ý nghĩa quyết định là xây dựng căn cứ địa, hậu phương vững mạnh. Khởi nghĩa hay chiến tranh cách mạng ở Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật ấy - từ trong lịch sử cho tới hiện tại, căn cứ địa, hậu phương luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng và to lớn đối với thắng lợi cuối cùng. Quá trình xây dựng căn cứ địa, hậu phương trong lịch sử dân tộc đã để lại những kinh nghiệm quan trọng có thể kế thừa, vận dụng trong xây dựng hậu phương quân đội thời kỳ hiện tại.

1- Sớm có đường lối, chủ trương đúng đắn, toàn diện về xây dựng hậu phương quân đội
Trong các cuộc khởi nghĩa, lãnh tụ các phong trào luôn coi việc làm đầu tiên và trước nhất là xây dựng căn cứ địa. Ngay sau khi dựng cờ khởi nghĩa, Mai Thúc Loan đã xây dựng căn cứ địa ở Sa Nam làm nên nghiệp đế, tiến quân ra Bắc, hạ thành Tống Bình, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng lập căn cứ địa Đường Lâm, tiến quân giải phóng thành Tống Bình, Khúc Thừa Dụ sớm xây dựng lực lượng ở căn cứ Hồng Châu (Hưng Yên)…. "Tay không xây dựng cơ đồ", Lê Lợi cho rằng, xây dựng căn cứ địa, xây dựng đất đứng chân là hết sức bức thiết, cần đặt lên hàng đầu và có tính quyết định thành bại của cuộc chiến. Căn cứ Lam Sơn đã được chú ý xây dựng từ buổi đầu nhen nhóm phong trào khởi nghĩa. Kế thừa và phát huy truyền thống xây dựng căn cứ địa chống ngoại xâm của dân tộc, vận dụng kinh nghiệm xây dựng căn cứ địa của Cách mạng tháng Tám, trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng, Nhà nước Việt Nam coi xây dựng căn cứ địa, hậu phương chiến tranh là một trong những nhiệm vụ trọng yếu.
 Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, việc xây dựng căn cứ địa Việt Bắc được hoạch định từ khá sớm. Trung ương Đảng sớm đề ra đường lối, chính sách về xây dựng hậu phương, từng bước hoàn thiện đường lối; đồng thời, tích cực chỉ đạo đưa đường lối đó vào thực tiễn, chuẩn bị điều kiện cho cuộc chiến đấu chống các thế lực xâm lược. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, dự liệu, lường định trước khả năng thực dân Pháp sẽ tái chiếm Việt Nam, trước khi về Thủ đô, Chính phủ đã coi việc tiếp tục xây dựng, tăng cường căn cứ địa Việt Bắc là một nhiệm vụ thường xuyên. Bên cạnh các vùng tự do rộng lớn làm hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến, các cơ sở chính trị, các khu du kích và căn cứ du kích ở vùng sau lưng địch từng bước cũng được hình thành và phát triển. Với sự xuất hiện của các căn cứ du kích, các căn cứ địa cách mạng mới được hình thành và mở rộng.
 Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, do điều kiện trong nước và quốc tế có nhiều điểm khác trước, nên ngay từ đầu, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã xác định miền Bắc là “nền”, là “gốc” cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Đảng, Nhà nước Việt Nam sớm định hướng xây dựng miền Bắc theo con đường xã hội chủ nghĩa, là cơ sở đầu tiên cho việc xây dựng hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến ở miền Nam. Xác định miền Bắc là hậu phương lớn của tiền tuyến miền Nam, Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng đồng thời sớm đưa ra chủ trương xây dựng hậu phương miền Bắc vững mạnh, coi đó là một vấn đề chiến lược, quyết định thắng lợi cách mạng cả nước.
Trong thời kỳ mới, bên cạnh xu hướng hòa hoãn, hợp tác trong cùng tồn tại hòa bình thì nguy cơ xung đột vũ trang, xung đột cục bộ vẫn luôn tồn tại. Việt Nam vẫn phải đối diện với những thách thức về sự vẹn toàn của lãnh thổ, lãnh hải, chủ quyền quốc gia dân tộc. Đặc điểm đó cho thấy nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, chủ trương, đường lối đúng đắn, kịp thời trong xây dựng nền quốc phòng vững mạnh, xây dựng hậu phương quân đội một cách toàn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trước hết, cần bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với xây dựng hậu phương quân đội; đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh; cây dựng, bổ sung cơ chế lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với hoạt động xây dựng hậu phương quân đội đảm bảo để Đảng, Nhà nước luôn có thể có sớm và có những quan điểm, chủ trương sát hợp về xây dựng hậu phương quân đội. Đảng, Nhà nước cần chú trọng hoạch định đường lối, chiến lược quân sự, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, các chủ trương, chính sách lớn về quốc phòng, an ninh phù hợp với tình hình thực tiễn. Đảng, Nhà nước sớm đề ra đường lối xây dựng hậu phương quân đội, xác định những phương hướng cơ bản phát triển tiềm lực quân sự, quốc phòng của đất nước, nâng cao sức chiến đấu của quân đội; đồng thời tổ chức hiện thực hoá quan điểm, đường lối ấy vào cuộc sống. Đảng đưa ra những quyết sách đúng đắn để động viên, cổ vũ, tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sự đồng thuận xã hội, thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng hậu phương quân đội.
2- Dựa vào dân để xây dựng căn cứ địa, hậu phương và hậu phương quân đội
Từ cuối thế kỷ thứ II TCN đến thế kỷ X, nhân dân Việt Nam phải đối diện với những nguy cơ đe dọa tồn vong hết sức to lớn -nạn ngoại xâm kéo dài hơn một nghìn năm, chính quyền đô hộ được đem áp đặt trên toàn đất nước, kẻ thù thực hiện âm mưu đồng hóa hết sức thâm độc. Trong tình hình đó, không cam tâm chịu kiếp nô lệ, nhiều cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc đã nổ ra mạnh mẽ, liên tục. Để đương đầu với kẻ thù, lãnh tụ các nghĩa quân đã đặc biệt quan tâm xây dựng các căn cứ khởi nghĩa. Hai Bà Trưng đã xây dựng các các căn cứ ở Mê Linh, Chu Diên, Triệu Thị Trinh cùng anh là Triệu Quốc Đạt xây dựng căn cứ ở núi Nưa, Bồ Điền, Lý Bí xây dựng căn cứ Thái Bình để khởi nghĩa và sau đó xây dựng căn cứ Chu Diên để chống xâm lược, Triệu Quang Phục xây dựng căn cứ ở đầm Dạ Trạch đánh bại quân Lương…. Đặc biệt, trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ngay từ khi mới dựng cờ khởi nghĩa, nhận thấy không thể đi đến thắng lợi nhanh chóng trước một kẻ thù (quân Minh) hùng mạnh; Lê Lợi đã chủ trương cần phải tiến hành một cuộc chiến tranh lâu dài. Buổi đầu, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã dựa vào nhân dân vùng núi rừng Lam Sơn để xây dựng căn cứ địa, sau tiến đến xây dựng chỗ đứng chân ở đất Nghệ An, mở ra một bước phát triển quyết định đối với thắng lợi sau này.
Bước sang thế kỷ XX, xây dựng căn cứ địa, hậu phương được những người cộng sản Việt Nam chú trọng trong thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Năm 1941, sau nhiều năm bôn ba khắp các châu lục để tìm đường giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng và đã chọn Pác Pó, châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng xây dựng căn cứ địa đầu tiên. Ngoài ra, Đảng Lao động Việt Nam còn xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn - Vũ Nhai - nơi có cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng và phong trào cách mạng phát triển tương đối mạnh. Năm 1943, Đảng Lao động Việt Nam phát triển căn cứ địa sang vùng Đại Từ - Định Hóa - Sơn Dương - Yên Sơn. Căn cứ địa cách mạng ngày càng rộng lớn, có tính liên hoàn, bao gồm 6 tỉnh: Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái và một số vùng thuộc địa phân các tỉnh lân cận (căn cứ địa Việt Bắc). Đây là những vùng rừng núi và trung du, có vị thế chiến lược trọng yếu "tiến có thể đánh, lui có thể giữ", có đường giao thông liên lạc thuận tiện cả trong nước và quốc tế, có cơ sở cách mạng sớm và phong trào quần chúng mạnh mẽ.
Xây dựng căn cứ địa cách mạng, hậu phương chiến tranh nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định luôn dựa vào nhân dân, coi nhân dân là điểm tựa vững chắc, xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh của toàn dân. Dưới sự áp bức bóc lột nặng nề của đế quốc và phong kiến, người dân nước Việt Nam rất khổ cực, nên rất thiết tha với khẩu hiệu độc lập tự do và ruộng đất, không quản ngại hy sinh quyết tâm vùng lên làm cuộc đổi đời. Tinh thần yêu nước, ý chí bảo vệ độc lập dân tộc là chỗ dựa vững chắc nhất của cách mạng, của căn cứ địa và hậu phương. Nhân dân Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, sẵn sàng đứng lên chiến đấu chống ngoại xâm. Chính vì vậy, trong lịch sử, mặc dù kẻ xâm lược đã chiếm được Việt Nam, chiếm đóng thủ đô, ở khắp các những đô thị và những vùng quan trọng, nhưng chúng không thể khuất phục được ý chí đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Chính nhân dân đã nuôi dưỡng các nghĩa quân và tích lũy sức mạnh giữ nước, là cơ sở cho những lãnh tụ nghĩa quân, những người lãnh đạo kháng chiến dựa vào để xây dựng đất đứng chân, tổ chức lực lượng và động viên nhân dân cùng chiến đấu. Sức mạnh của căn cứ địa, hậu phương chiến tranh trước hết và chủ yếu là ở lòng dân – sự ủng hộ của toàn dân đối với cách mạng là nền tảng chính trị vững chắc nhất của căn cứ địa, hậu phương. Thực tiễn trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chứng tỏ, một khi nhân dân đã đồng tâm nhất trí đứng lên kháng chiến hoặc hướng về kháng chiến thì bất cứ ở đâu cũng là cơ sở, là căn cứ cách mạng.
Dựa vào dân, nhất là nhân dân ở những vùng có truyền thống đấu tranh yêu nước, cách mạng, để xây dựng căn cứ địa, hậu phương – đây là đặc trưng quan trọng nhất của tư tưởng quân sự Việt Nam hiện đại về xây dựng căn cứ địa hậu phương. Sức mạnh của căn cứ địa-hậu phương chiến tranh trước hết và chủ yếu là ở lòng dân – nói cách khác, sự ủng hộ của toàn dân đối với Đảng và cách mạng là nền tảng chính trị vững chắc nhất của căn cứ địa – hậu phương. Coi trọng nhân dân, đánh giá cao sức dân, "chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân", “lật thuyền mới biết sức dân như nước" hay quan điểm "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng", "có dân là có tất cả", "dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong"...là một trong những nguyên tắc có tính xuyên suốt, luôn được thấu triệt trong quá trình xây dựng căn cứ địa, hậu phương không chỉ trong lịch sử mà còn cần quán triệt, vận dụng trong xây dựng hậu phương quân đội thời kỳ hiện tại.
Hiện nay, trong tình hình mới, nhiều vấn đề về quân sự, quốc phòng, về xây dựng hậu phương quân đội đang có những biến đổi mạnh mẽ và quan trọng. Xuất hiện những hình thái chiến tranh kiểu mới sử dụng vũ khí công nghệ cao. Dưới tác động đó, yêu cầu xây dựng hậu phương quân đội được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết; đồng thời, nội dung, phương thức xây dựng hậu phương quân đội cũng có những thay đổi sâu sắc. Xây dựng hậu phương quân đội là một sự nghiệp lâu dài, thường xuyên, to lớn, quan trọng và hết sức khó khăn. Đó là sự nghiệp trước hết là vì nhân dân, do dân, dựa vào dân. Để phòng thủ đất nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, phải quy tụ được ý chí, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của toàn dân tộc với sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang là nòng cốt… Xây dựng hậu phương quân đội không chỉ vì yêu cầu trực tiếp khi xảy ra chiến tranh, mà về lâu, về dài là xây dựng chế độ, xây dựng lực lượng, xây dựng đất nước toàn diện. Để làm được điều đó, vấn đề đặt con người, nhân dân trong từng nhiệm vụ phát triển, không ngừng nuôi dưỡng sức dân, dựa vào nhân dân để xây dựng hậu phương quân đội phải được coi là nhiệm vụ cấp bách và có giải pháp, biện pháp thực hiện kịp thời, phù hợp, hiệu quả. Cần tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân, vì dân; không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo mọi điều kiện cho mỗi người dân phát triển và đóng góp cho đất nước. Cần đảm bảo công bằng, bình đẳng và tiến bộ xã hội, xóa đói giảm nghèo nghèo, giải quyết các vấn đề dân tộc, tôn giáo, củng cố khối đại đoàn kết, liên minh các tầng lớp, giai cấp xã hội. Nhà nước chú trọng chuẩn bị về chính trị, tinh thần cho nhân dân và lực lượng vũ trang là phải làm cho toàn dân, toàn quân có nhận thức đúng đắn về âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, thấy rõ nguy cơ, thách thức đe dọa về quân sự từ bên ngoài đối với Việt Nam và luôn sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống chiến tranh. Không ngừng tăng cường quốc phòng- an ninh, xây dựng "thế trận lòng dân", làm điểm tựa, chỗ dựa cho hậu phương quân đội - thế trận lòng dân hội tụ ý chí, quyết tâm của nhân dân, của toàn xã hội, tạo thành sự đồng thuận cao, hướng đến mục tiêu chung trong sự nghiệp quốc phòng. Phải “thực hiện mọi biện pháp cần thiết, có hiệu quả để xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện”[1]; đồng thời “giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”[2]. Hết sức chú trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân. Có thể khẳng định rằng, dựa vào nhân dân, phát huy ý chí của nhân dân đi đôi với bồi dưỡng sức dân là nguyên tắc quan trọng trong xây dựng hậu phương quân đội thời kỳ mới.
3- Xây dựng căn cứ địa, hậu phương và hậu phương quân đội vững mạnh toàn diện
Đối với khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng ở Việt Nam, trong quá trình xây dựng căn cứ địa, hậu phương từ không đến có, thì việc thành lập những căn cứ địa đầu tiên mới chỉ là thắng lợi bước đầu. Để củng cố và phát triển thắng lợi đó, trong lịch sử dân tộc, những người đứng đầu các cuộc khởi nghĩa và các cuộc chiến tranh cách mạng luôn coi trọng việc xây dựng và phát triển căn cứ địa, hậu phương toàn diện về mọi mặt, để các căn cứ địa, hậu phương luôn đứng vững được trong mọi thử thách và ngày càng phát huy tác dụng to lớn đối với chiến tranh. Trong khởi nghĩa Lam Sơn, đến cuối năm 1426, sau khi giải phóng hầu hết lãnh thổ, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã bắt tay vào xây dựng một chính quyền độc lập làm nền tảng củng cố hậu phương. Ngoài ra, Lê Lợi còn ban hành một số chính sách kinh tế - xã hội tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc củng cố hậu phương.
Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, lúc mới xây dựng, các căn cứ địa mới chỉ có cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng cách mạng và một lực lượng nhỏ tự vệ và du kích trang bị những vũ khí thô sơ. Cùng với sự phát triển của phong trào cách mạng, lực lượng vũ trang cách mạng không ngừng lớn mạnh. Khi cao trào kháng Nhật cứu nước bắt đầu, ở căn cứ địa Việt Bắc, các tổ chức Đảng, Mặt trận Việt Minh và một số đơn vị lực lượng vũ trang thoát ly dần được hình thành. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, nhiều cuộc khởi nghĩa từng phần nổ ra, từ xã, huyện cho đến tỉnh, chính quyền cách mạng ra đời và tiếp đó là các khu giải phóng được thành lập. Căn cứ địa Việt Bắc nhanh chóng lớn mạnh về mọi mặt, trở thành "đại bản doanh" của cách mạng Việt Nam.
Trong 30 năm chiến tranh cách mạng (1945-1975), Đảng, Nhà nước Việt Nam coi xây dựng và củng cố căn cứ địa, hậu phương về mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa… trong một tổng thể các nhiệm vụ chặt chẽ và tiếp nối liên tục. Xây dựng căn cứ địa, hậu phương trong chiến tranh cách mạng, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định xây dựng về chính trị là nhiệm vụ hàng đầu. Sự giác ngộ cách mạng, tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc của nhân dân cùng với tính ưu việt của chế độ, sự vững chắc của các tổ chức chính trị, của quần chúng cách mạng là động lực, là nền tảng cho sự phát triển vững chắc của căn cứ địa, hậu phương chiến tranh. Đảng, Nhà nước Việt Nam quan niệm rằng, tinh thần yêu nước, ý thức chính trị của quần chúng với tính ưu việt của chể độ là động lực, là nền tảng cho sự phát triển vững chắc của căn cứ địa, hậu phương chiến tranh.
Nhờ quán triệt và thực hiện tốt xây dựng căn cứ địa, hậu phương về chính trị, kinh tế, văn hóa…., tích cực vận động nhân dân mà trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), tại các căn cứ địa, hậu phương tại chỗ, hậu phương lớn của cả nước, đã động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia kháng chiến và kiến quốc, đã củng cố và phát huy được vai trò của các tổ chức cơ sở Đảng, các tổ chức chính quyền, mặt trận, đoàn thể quần chúng, lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra, coi trọng xây dựng căn cứ địa, hậu phương về mặt quân sự, Đảng, Nhà nước Việt Nam đồng thời chú trọng vũ trang toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân và bố trí thế trận một cách hợp lý gắn liền với xây dựng căn cứ địa, hậu phương về mặt kinh tế -văn hóa.
Trong điều kiện hiện nay, khi chiến tranh hiện đại với vũ khí công nghệ cao chiến trường được mở rộng, không phân định một cách rõ ràng hậu phương và tuyền tuyến thì yêu cầu đáp ứng chiến trường càng trở nên to lớn và toàn diện; vì thế xây dựng hậu phương quân đội cần được tiến hành toàn diện trên mọi lĩnh vực; trong đó đặc biệt chú ý kết hợp kinh tế với quốc phòng. Phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng phải thống nhất trong một mục đích làm cho đất nước hòa bình, ổn định, dân giàu, nước mạnh, đảm bảo và giữ vững chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc. Cần luôn luôn luôn đặt vấn đề kết hợp kinh tế với quốc phòng ngay trong hoạch định quy hoạch, kế hoạch kinh tế hay trong hoạch định quy hoạch, kế hoạch quốc phòng; đặt nhiệm vụ củng cố quốc phòng ngay trong xây dựng kinh tế và đặt yêu cầu xây dựng kinh tế ngay trong củng cố quốc phòng. Kết hợp kinh tế với quốc phòng phải trở thành một tiêu chuẩn quan trọng đánh giá kết quả và hiệu quả hoạt động kinh tế - xã hội và hoạt động của quốc gia, bảo đảm phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và không ngừng củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng. Cần lưu ý bốn nguyên tắc sau đây trong kết hợp kinh tế với quốc phòng ở Việt Nam hiện nay: 1- Khi định ra đường lối, chính sách phát triển kinh tế phải quán triệt đường lối chính trị, quan điểm quốc phòng toàn dân của Đảng; 2-Xây dựng quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang có khả năng bảo vệ độc lập dân tộc, giữ gìn hòa bình, tạo điều kiện an ninh thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế - xã hội; 3- Dựa vào sự phát triển kinh tế của đất nước, lấy phát triển kinh tế - xã hội làm nền tảng, thông qua các hoạt động kinh tế - xã hội, kịp thời tận dụng những thành tựu mới nhất để củng cố quốc phòng, xây dựng sức mạnh quân sự; 4- Sử dụng hợp lý mọi tiềm năng của các lực lượng vũ trang làm kinh tế, không ngừng nâng cao hiệu quả kinh tế trong các hoạt động quốc phòng; đồng thời, duy trì ổn định quan hệ hợp lý giữa các tổ chức chuyên ngành quân sự với các hoạt động xã hội khác, tạo thành cơ cấu khoa học, hợp lý về phân công lao động xã hội.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân với chất lượng ngày càng cao, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có số lượng hợp lý, với chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, đồng thời quan tâm xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Hết sức chú trọng xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hoá Việt Nam, bảo tồn và phát huy truyền thống đạo đức, văn hoá tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Phát huy lòng yêu nước và tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng, ý chí tự lực tự cường trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
4- Xây dựng căn cứ địa, hậu phương tại chỗ gắn với xây dựng căn cứ địa, hậu phương chung của cả nước và hậu phương quân đội
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hậu phương chiến tranh trước hết là hậu phương chung cả nước. Khi địch tiến công, quân, dân Việt Nam thường dựa vào những vùng nhân dân có truyền thống đấu tranh kiên cường, nơi có vị trị chiến lược làm đất căn bản, chỗ dựa của kháng chiến. Trong điều kiện  quần chúng hướng về kháng chiến, cả nước vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương.
Ở Việt Nam, trong các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng dân tộc, buổi đầu thường xây dựng các căn cứ địa tại chỗ, những vùng có địa thế hiểm yếu, xa các căn cứ địch, rồi phát triển từng bước, tạo thành một căn cứ liên hoàn trong từng vùng và tiến tới phạm vi cả nước, trong đó các căn cứ trung tâm thường không ngừng mở rộng và hình thành một hệ thống căn cứ địa, hậu phương ổn định để cung cấp sức người, sức của cho chiến tranh. Vương triều Trần tiến hành ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên (thế kỷ XIII) đều dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân, dựa vào sự chuẩn bị hậu phương chung của cả nước. Hay như cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, trong giai đoạn đầu, Lê Lợi và nghĩa quân đã dựa vào nguồn cung cấp nhân lực, vật lực của nhân dân tại vùng rừng núi Thanh Hóa. Từ năm 1424, căn cứ địa của nghĩa quân được mở rộng sang đất Nghệ An, rồi vùng giải phóng từng bước phát triển sang cả vùng lãnh thổ phía Nam từ Thanh Hóa vào tận Tân Bình, Thuận Hóa. Càng chiến đấu, khu căn cứ, hậu phương của nghĩa quân càng mở rộng và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ một đốm lửa của núi rừng Thanh Hóa đã phát triển thành một cuộc chiến tranh giải phóng có quy mô toàn quốc.
Trong 30 năm chiến tranh cách mạng (1945-1975), để phù hợp với quy luật phát triển hậu phương của chiến tranh nhân dân và nhằm khai thác, động viên, phát huy cao độ lực lượng mọi mặt của đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương kết hợp xây dựng hậu phương tại chỗ với xây dựng hậu phương chung của cả nước. Trong kháng chiến chống Pháp, ngoài căn cứ địa Việt Bắc, Đảng, Chính phủ còn có nhiều vùng tự do rộng lớn ở Liên khu IV, Liên khu V và miền Tây Nam Bộ đi đôi với một hệ thống căn cứ du kích ở vùng sau lưng địch. Những vùng đó đã được xây dựng và củng cố một cách toàn diện, không những phát huy được tác dụng to lớn của hậu phương tại chỗ mà còn có sự chi viện nhất định cho các chiến trường khác. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chủ trương của Đảng là kết hợp các căn cứ địa, hậu phương tại chỗ ở miền Nam với hậu phương chung cả nước là miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Sự kết hợp đó bảo đảm phát huy sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam, cả chế độ mới ở miền Bắc và ở các vùng giải phóng ở miền Nam. Khi cả nước có chiến tranh, miền Bắc vừa là căn cứ địa cách mạng của cả nước, vừa là hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, lại vừa là tiền tuyến trực tiếp chiến đấu chống các cuộc đánh phá bằng Hải quân và Không quân của Mỹ. Tại miền Nam, việc xây dựng căn cứ địa - vùng giải phóng trên các chiến trường được tiến hành từng bước, với quy mô và hình thức thích hợp tùy thuộc vào so sánh lực lượng trên từng vùng, địa bàn. Chủ trương của Đảng là kết hợp xây dựng cơ sở chính trị ở khắp nơi, xây dựng căn cứ địa, hậu phương tại chỗ ở các vùng giải phóng, trước hết là vùng núi, nơi hiểm yếu như ở Tây Nguyên, sau đó phát triển đến các vùng nông thôn đồng bằng. Các căn cứ (chiến khu) từ thời kháng chiến chống Pháp được mở rộng và phát triển thành vùng giải phóng trên các địa bàn chiến lược quan trọng như miền Đông Nam Bộ... Ở vùng nông thôn đồng bằng, Đảng chủ trương xây dựng và phát triển căn cứ địa gắn liền với việc mở rộng ra vùng tranh chấp với địch, tiến hành đấu tranh chính trị đi đôi với đấu tranh vũ trang mở rộng nguồn động viên nhân, vật lực phục vụ kháng chiến. Căn cứ địa được xây dựng vững chắc ở đồng bằng sông Cửu Long, ở sát những trục đường giao thông quan trọng. Ở sâu trong các vùng địch kiểm soát, có những "căn cứ lõm" là nơi đứng chân của cơ quan lãnh đạo, chỉ huy, của cơ sở hậu cần ("căn cứ lõm" Đá Mặn, căn cứ lõm" ở Lai, Củ Chi, Bình Đức...).
Việt Nam có căn cứ địa cách mạng - hậu phương lớn miền Bắc, lại có hậu phương tại chỗ ở miền Nam. Có hậu phương trong nước ngày càng vững mạnh, bao gồm hậu phương chung và hậu phương tại chỗ được xây dựng toàn diện, lại có hậu phương chung cả nước rộng lớn, nhân dân Việt Nam đã phát huy đến mức cao nhất tiềm lực kinh tế và quân sự của đất nước; đồng thời, tận dụng được những điều kiện thuận lợi của thời đại để đưa cuộc kháng chiến chống chống ngoại xâm đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng hậu phương quân đội phải kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng hậu phương nói chung với xây dựng các khu vực phòng thủ. Phải luôn quan tâm xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trong thế trận quốc phòng toàn dân; phát triển các khu kinh tế - quốc phòng, xây dựng các khu quốc phòng - kinh tế với mục tiêu tăng cường quốc phòng - an ninh, tập trung vào các địa bàn trọng điểm chiến lược những khu vực nhạy cảm trên biên giới đất liền. Kết hợp xây dựng các cơ sở, kinh tế vững mạnh toàn diện, rộng khắp với xây dựng các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần, kĩ thuật và hậu phương vững chắc cho mỗi vùng và ở các địa phương để sẵn sàng đối phó khi có chiến tranh.

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.37.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 233.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!