Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018

TRẬN BẦN YÊN NHÂN – TRẬN ĐÁNH DU KÍCH KIỂU MẪU Ở ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

ThS. Nguyễn Văn Trí,
 Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Sự kiện Nhật đảo chính Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945 khiến quyền lực thống trị của thực dân Pháp trên toàn cõi Đông Dương bị thủ tiêu; trên thực tế, toàn bộ Đông Dương trở thành thuộc địa của phát xít Nhật. Nắm bắt cơ hội đó, trước khi Ban thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (ngày 12 tháng 3 năm 1945), một số địa phương trong cả nước đã tiến hành đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa từng phần. Riêng ở đồng bằng Bắc Bộ, trận hạ đồn Bần Yên Nhân là trận đầu tiên nổ ra ngay sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp.

Đồn Bần Yên Nhân thuộc thị trấn Bần, Mỹ Hào, Hưng Yên. Đây là đồn binh khá lớn nằm trên quốc lộ 5- tuyến giao thông huyết mạch nối Hà Nội với Hải Phòng. Lực lượng trấn đóng ở đây gồm một trung đội lính khố xanh do một viên đội người Việt và một sỹ quan Pháp chỉ huy. Đồn binh này soát đường 5 đoạn từ Bần đi phố Nối và khu vực Bắc Hưng Yên, lại nằm giữa an toàn khu Bãi Sậy của ta mà địch dùng để chống phá phong trào cách mạng ở khu vực Bắc Hưng Yên. Việc triệt hạ đồn này, do đó, trở thành một mục tiêu của Việt Minh khu Bãi Sậy (Hưng Yên). Nhưng, đồn binh này là nơi địch phòng thủ khá mạnh với tường bao bọc, binh lính được trang bị đầy đủ. Khi bị uy hiếp, nó có thể nhanh chóng nhận được tiếp ứng do nằm bên làng Bần, nơi có tên Lý trưởng Nguyễn Đình Phách làm tay sai và do gần những nơi có tập trung quân lớn của Pháp và Nhật – cách Hà Nội 25km, cách tỉnh lỵ Hưng Yên 36km. Vì thế, vấn đề hạ đồn được Việt Minh suy tính thận trọng. Trước hết, Nguyễn Bình, một người con đất Bần, xúc tiến gây cơ sở, nắm bắt tình hình trong đồn. Qua người thầy giáo dạy học cho con viên trưởng đồn, ông tiếp xúc, tuyên truyền và giác ngộ cách mạng cho một người lính khố xanh tên Nguyễn Văn Việt. Từ cơ sở này, Nguyễn Bình tiếp tục vận động, tuyên truyền cách mạng một số lính khố xanh khác, đồng thời nắm bắt được nhiều hoạt động, cách bố phòng của địch ở trong đồn.
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, cũng như quan quân ở nhiều đồn binh khác, việc Nhật đảo chính Pháp, nắm quyền trên toàn cõi Đông Dương làm cho quan quân trong đồn Bần Yên Nhân hoang mang, lo sợ. Họ được lệnh bó súng chờ quân Nhật tới giải giáp. Đúng vào lúc này, với cảm quan quân sự sắc bén, Nguyễn Bình lập tức nhận thấy cơ hội hạ đồn đã đến; trong ông lóe lên ý tưởng giả trang quân Nhật đến tước khí giới để thực hiện mục tiêu chiếm đồn nhanh gọn, ít đổ máu. Không chần chừ, ông báo cáo ý tưởng táo bạo ấy ngay lên Xứ ủy Bắc Kỳ. Chớp thời cơ Nhật đảo chính Pháp để khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa là điều mà các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương tính đến. Vì thế, ý tưởng của Nguyễn Bình nhanh chóng được chấp thuận.
         Được cấp trên chuẩn y, ngay trong ngày 10 tháng 3 năm 1945, khi cuộc đảo chính Pháp của Nhật chưa kết thúc, tại nhà một cơ sở Việt Minh (ông Xuân) ở Mỹ Hào, Nguyễn Bình triệu tập cuộc họp thông báo quyết định của trên và bàn kế hoạch cụ thể đánh đồn Bần. Khẩn trương tranh thủ thời cơ nhưng phải đảm bảo chắc thắng, bảo toàn lực lượng và hạn chế thiệt hại cho nhân dân vẫn là điều mà Nguyễn Bình và các lãnh đạo Việt Minh đặc biệt coi trọng. Vì vậy, kế hoạch đánh đồn Bần Yên Nhân được bàn bạc thận trọng, kỹ lưỡng. Bên cạnh Nguyễn Bình, cuộc họp có sự tham gia của các cán bộ Việt Minh: Nguyễn Trọng Luật, Trần Sâm, Lê Huỳnh… Sau nhiều giờ bàn thảo, cân nhắc, cuối cùng, Việt Minh khu Bãi Sậy thống nhất một kế hoạchtấn công đồn đánh chiếm đồn từ hai hướng. Từ trong đồn, nhân mối Nguyễn Văn Việt đảm nhiệm vai trò nội công, mở cửa cho quân ta tiến vào; từ bên ngoài, lực lượng tự vệ khu Bãi Sậy của địa phương đóng giả làm quân Nhật và thông dịch viên gồm 4 người do Nguyễn Bình chỉ huy đảm nhận mũi “ngoại kích”, trực tiếp đánh đồn từ bên ngoài vào khi nhân mối mở cổng. Để đảm bảo bí mật, tranh thủ thời cơ và tạo thuận lợi cho việc đóng giả quân Nhật đi tước vũ khí, cuộc tấn công đồn Bần Yên Nhân được ấn định vào tối ngày 12 tháng 3. Phối hợp với lực lượng trực tiếp đánh đồn và đề phòng trường hợp địch có thể điều quân ứng cứu, 2 cán bộ Việt Minh được bố trí giám sát Lý trưởng Nguyễn Đình Phách ngừa hắn tiếp ứng cho quân địch trong đồn, trong khi đó 3 cán bộ Việt Minh khác đảm nhiệm cắt đường dây điện thoại từ Bần Yên Nhân đi Hà Nội và đi tỉnh lỵ Hưng Yên. Nhằm ngăn dân đến khu vực tác chiến, tránh thương vong có thể, 2 cán bộ Việt Minh nữa được giao nhiệm kiểm soát cầu Giai Phạm dẫn từ khu dân cư đến đồn Bần.
Tối ngày 12 tháng 3 năm 1945, theo đúng kế hoạch vạch ra, lực lượng trực tiếp đánh đồn và các lực lượng làm nhiệm vụ bên ngoài tập trung ở khu vực cách đồn Bần Yên Nhân 200m. Nguyễn Khang thay mặt Tổng bộ Việt Minh nêu rõ mục đích, ý nghĩa và giao nhiệm vụ cho lực lượng tham gia trận đánh. Được động viên, quán triệt, lực lượng công đồn phấn trấn bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ. Đường giao thông bộ và đường điện tín đến đồn Bần Yên Nhân đều bị Việt Minh khống chế, cắt đứt. Đến giờ “G”, trên đường 5 lúc này xuất hiện một tốp “quân Nhật” cùng 1 thông dịch viên với quân phục, phù hiệu đầy đủ, riêng Nguyễn Bình trong vai người chỉ huy còn mang một thanh trường kiếm Nhật. Tiếnvề phía đồn Bần Yên Nhân, tốp “quân Nhật” đầy khí thế, gõ giầy “rập rập”, khi đến gần cổng đồn hô lớn “Quân Nhật về thu súng”. Việc quân Nhật đến tước khí giới là điều binh lính trong đồn Bần Yên Nhân đang được lệnh chờ đợi nhưng tiếng giày hành quân cùng tiếng hô lớn vẫn khiến chúng lo lắng, hồi hộp. Đúng lúc này, trong đồn Bần vang lên một tiếng pháo, cánh cổng đồn lập tức mở toang, lực lượng tấn công thừa cơ xông thẳng vào đồn. Từ lo lắng, hồi hộp chuyển sang bất ngờ, hoang mang, quan quân trong đồn Bần buộc phải đầu hàng. Tự vệ khu Bãi Sậy thu toàn bộ vũ khí đạn dược gồm 24 khẩu súng, 6 hòm đạn khoảng 6000 viên, lựu đạn và rút ngay khỏi đồn. Khi quân ta vừa ra khỏi đồn thì cũng là lúc quân Nhật ập tới, chúng lùng sục, truy đuổi nhưng tự vệ Việt Minh đã lợi dụng bóng đêm thoát đến nơi an toàn cùng toàn bộ chiến lợi phẩm[1].
Trận đánh giành thắng lợi đã có ảnh hưởng đến phong trào cách mạng đang dâng lên ở Hưng Yên và các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ. Niềm tin của nhân dân vào Mặt trận Việt Minh, vào lực lượng cách mạng, vào khả năng có thể đáng địch bằng lực lượng vũ trang và bán vũ trang càng được củng cố… Vì thế, nó góp phần thúc đẩy các địa phương mạnh dạn chuyển hẳn sang những hình thức đấu tranh mới, phù hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa trong phong trào kháng Nhật cứu nước lúc bấy giờ đang dâng lên mạnh mẽ.
Về nghệ thuật quân sự, trận đánh này để lại những bài học đáng quý.
Trước hết, có thể thấy, vấn đề hạ đồn Bần Yên Nhân được xác định và chuẩn bị từ sớm, trước sự kiện Nhật đảo chính Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945. Việc chuẩn bị được bắt đầu bằng gây dựng cơ sở từ trước. Điều này cho thấy các lãnh đạo Việt Minh khu Bãi Sậy đã quán triệt sâu sắc quan điểm khởi nghĩa vũ trang của Đảng và Hồ Chí Minh; theo đó, việc sửa soạn khởi nghĩa, thúc đẩy thời cơ ngoài các mặt về phần quân sự còn phải “làm những việc chính trị trong quân chúng”, từ vận động chính trị, gây dựng cơ sở đi đến xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang[2]. Chính từ nhân mối trong đồn, theo sát tình hình binh lính trong đồn, Nguyễn Bình nhận định đúng tình hình, phát hiện thời cơ diệt đồn và đề xuất sáng kiến lên cấp trên kịp thời. Xét quá trình báo cáo cấp trên, bàn định cách đánh và ấn định thời gian hạ đồn một cách khẩn trương, kịp thời, có thể thấy, yếu tố “thời cơ” được Nguyễn Bình và các đồng chí của ông tận dụng triệt để. Toàn bộ quá trình diễn ra trận hạ đồn Bần Yên Nhân nằm trong thời gian quân Nhật chưa ổn định được tình hình, bộ máy chính quyền cũ gần như tê liệt.
 Khẩn trương tranh thủ thời cơ, song không vì thế mà Việt Minh khu Bãi Sậy thiếu thận trọng. Thật vậy, quá trình bàn định kế hoạch trận đánh cũng cho thấy các lãnh đạo Việt Minh khu Bãi Sậy hướng đến một trận đánh đảm bảo chắc thắng, hạn chế thương vong. Họ đã mất hai ngày để bàn định, thống nhất kế hoạch tác chiến, trong đó lường định đến các tình huống và có các biện pháp ứng phó, đó là ngăn sự liên lạc, tiếp ứng của đối phương, ngăn dân đến khu vực tác chiến. Nghiên cứu trận hạ đồn Bần chúng ta cũng thấy, quá trình thực hành tác chiến diễn ra khá nhịp nhàng, “ăn khớp” theo kế hoạch đã định. Nói cách khác, đó là việc mạnh dạn sử dụng lực lượng tự vệ non trẻ tại chỗ, bố trí phù hợp, phối hợp giữa các lực lượng “nội công” và “ngoại kích”. Đó còn là việc đề ra biện pháp khiến đối phương không liên lạc được với nhau, không ứng cứu cho nhau khi bị tấn công; việc rút quân nhanh chóng, an toàn khỏi sự truy đuổi của quân Nhật. Những kinh nghiệm về việc chặn cắt đường tiếp tế của đối phương, ngăn dân có thể đi vào vùng chiến sự… như vậy có ý nghĩa thiết thực cho quân ta tổ chức những trận du kích khác ở đồng bằng Bắc Bộ - nơi các đồn binh của địch thường đóng gần khu dân cư, giữa các vị trí của địch có thể cơ động, ứng cứu cho nhau thuận tiện, nhanh chóng hơn vùng trung du, đồi núi...
Quá trình tiến hành trận hạ đồn Bần Yên Nhân còn cho thấy trận đánh mang tính tổ chức rất cao. Trận đánh được báo cáo kịp thời và nhận được ý kiến chỉ đạo của tổ chức Đảng và Việt Minh cấp trên.Trong quá trình chuẩn bị cũng như khi bước đầu trận đánh, các đội viên tự vệ được động viên, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Tổng bộ Việt Minh. Sự sâu sát này cũng phần nào cho thấy công tác Đảng, công tác chính trị trong trận đánh ngay từ thuở ban đầu được quan tâm thực hiện. Các lãnh đạo Việt Minh coi trong việc động viên tinh thần, tạo thêm quyết tâm và sức mạnh cho trận đánh. Từ quá trình chuẩn bị đến toàn bộ quá trình diễn biến trận đánh nổi lên vai trò kiến tạo của Nguyễn Bình. Ông là người gây dựng nhân mối, nắm tình hình, nhận định thời cơ, đề xuất xin ý kiến chỉ đạo cấp trên, cùng bàn cách đánh và chỉ huy mũi trực tiếp đánh đồn. Có thể nói, từ trận này, Nguyễn Bình đã bộc lộ trên thực tế năng lực thiên bẩm “văn võ song toàn”, tài năng cả về chính trị và quân sự. Riêng trên lĩnh vực quân sự, ông thể hiện là người rất nhạy bén trước thời cuộc, lợi dụng thời cơ, biết “tương kế tựu kế”, đưa ra cách đánh mưu trí, khôn khéo, sáng tạo là đóng giả quân Nhật thực hiện ý định tác chiến đề ra; trong thực hành tác chiến, ông cũng thể hiện một con người quả cảm, tiên phong khi dẫn đầu đội hình trực tiếp công đồn làm đối phương bất ngờ, lúng túng, buộc phải đầu hàng...

Có thể nói, trận hạ đồn Bần Yên Nhân là trận thực hiện một cách đầy đủ, hoàn hảo những quan điểm của Đảng về đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa từng phần, trong đó có chú ý đến đặc điểm của mục tiêu ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Chính vì thế, trận đánh này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem như trận du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ. Chiến thắng và những kinh nghiệm của trận đánh đã góp phần thúc đẩy phong trào kháng Nhật, khởi nghĩa từng phần ở địa bàn Hưng Yên và các địa phương khác trong vùng châu thổ sông Hồng. Đã hơn 70 năm qua, những chứng nhân lịch sử mai một dần, nhưng danh tiếng của người chỉ huy Nguyễn Bình, kinh nghiệm từ trận đánh vẫn còn mãi trong tâm trí của nhân dân, trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc nói chung và quê hương Hưng Yên nói riêng




[1] Nguyễn Thế Trường, Trung tướng Nguyễn Bình, Duy Tường hoàn chỉnh bản thảo, Nxb Quân đội nhân dân, HN 2002, tr 28;Đảng ủy – Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hưng Yên, Hưng Yên Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975), Nxb QĐND, Hà Nội 2002, tr 32.
[2] Xem Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử quân sự Việt Nam, Tập 9, Hoạt động quân sự từ năm 1897 đến Cách mạng Tháng Tám 1945, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tr 277.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!