Đại tá, PGS,TS. HỒ SƠN ĐÀI[1]
1. Chiếc máy bay boeng 777-200 số hiệu VN-195 của hãng Hàng
không Vietnam Airlines do phi công người Việt điều khiển đưa chúng tôi, những
người làm công tác quản lý khoa học quân sự, sang Liên bang Nga để tìm hiểu và
trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý khoa học - công nghệ theo chương trình
hợp tác khoa học và giáo dục giữa chính phủ hai nước. Ngay trước ngày chúng tôi
lên đường, hai bên đã thông qua dự thảo thỏa thuận giữa chính phủ hai nước về hợp
tác quân sự, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo cán bộ khoa học quân sự,
y học quân sự, lịch sử quân sự, địa hình, thủy văn và các hoạt động tìm kiếm cứu
nạn trên biển.
Dù chỉ đứng thứ chín
về dân số (142 triệu người), nhưng Liên bang Nga là nước có diện tích lớn nhất
thế giới, bao phủ hơn 1/9 bề mặt lục địa trái đất, gồm toàn bộ phần phía bắc
châu Á và 40% diện tích châu Âu với 11 múi giờ khác nhau. Thế mạnh về tài
nguyên, lịch sử đã cho nước Nga một bệ phóng đối với sự phát triển của khoa học
và công nghệ. Chiếm vị thế hàng đầu về khoa học cơ bản, với hệ thống tuần hoàn
các nguyên tố hóa học của Mendeleev, lý thuyết thủy khí động học của Zhukoski,
thuyết phản xạ có điều kiện của Paplov…rồi toán học, vật lí lý thuyết, đại
dương học, luyện kim….; đồng thời, là quốc gia đầu tiên có nhà máy điện nguyên
tử, tàu phá băng, vệ tinh nhân tạo đưa người lên vũ trụ, 16 giải Nobel về vật
lý, hóa học, kinh tế học và vô vàn thành tựu khoa học khác, chỉ trong vòng 4, 5
thập kỷ, nền khoa học Xô viết đã đưa Liên Xô trở thành một siêu cường.
Riêng về quân sự,
trong cuộc thế chiến thứ hai, nền khoa học Xô viết đã sản sinh ra những chiếc
xe tăng T-34, những khẩu tiểu liên AK-47, những giàn tên lửa Kachiusa với chất lượng vượt trội. Trong thời
kỳ Chiến tranh Lạnh, những chiếc máy bay MIG của Aterm Mikoyan và Mikhail
Gurevich, SU của Pavel Sakhoi, hệ thống tên lửa phòng không S-300 PMU2 với khả
năng đánh chặn các mục tiêu tên lửa đạn đạo, tên lửa tầm trung và mục tiêu mặt đất cách xa 195 km…đã đưa nước
Nga lên vị thế cân bằng về quân sự với Mỹ. Hiện nay, nước Nga đang trở thành
nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 30% doanh
số buôn bán vũ khí toàn cầu.
Có ba nguyên nhân dẫn
đến những thành tựu nêu trên: Nhà nước thực hiện chính sách quản lý hoạt động
khoa học theo phương pháp đặt hàng với ngân sách đầu tư ưu tiên; mạng lưới các
tổ chức nghiên cứu và đào tạo khoa học được xây dựng với quy mô lớn và tốc độ nhanh
chưa từng có; việc tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đội ngũ cán bộ khoa
học trở thành một trong những nội dung trung tâm trong hệ thống chính sách của
Nhà nước Xô viết. Đến thập niên cuối của thế kỷ XX, số lượng cán bộ khoa học của
Liên Xô là 1,6 triệu người, chiếm 1/4 đội ngũ cán bộ khoa học trên toàn thế giới.
Bất cứ một thành tựu nào đều chịu sự chi phối
sâu sắc của khoa học quản lý. Và đó là lý do chúng tôi đến Trường Đại học Tổng
hợp Quản lý Quốc gia Liên bang Nga (State University of Management). Ngôi trường
nằm trên đại lộ Ruazansky của Thủ đô Moscow, một trung tâm giáo dục hàng đầu về
khoa học quản lý, nơi đào tạo các chuyên gia quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc
tế, hàng năm có chừng 1.500 chuyên gia, nhà quản lý từ các nước trên thế giới đến
đây tập huấn nâng cao nghiệp vụ.
2. Hóa ra, thành tựu của nền khoa học và công nghệ Liên bang
Xô viết cũng đồng thời chứa đựng các yếu tố làm cho chính nó lâm vào cuộc khủng
hoảng và tụt hậu trong vài thập niên trở lại đây. Bắt nguồn từ cơ chế quan
liêu, những vết nứt trầm buồn dần xuất hiện bên trong cơ thể tượng đài khoa học Xô viết từng
một thời hùng vĩ. Đang có những bất cập
trong cơ chế quản lý khoa học và công nghệ ở Nga? Sự cồng kềnh trong hệ thống tổ
chức nghiên cứu bao gồm cả viện hàn lâm và các trường đại học (ở Mỹ và các nước
phương Tây, công việc nghiên cứu khoa học thuộc các trường đại học, chỉ một số
quốc gia giữ viện hàn lâm như một tổ chức khoa học danh dự), sự chảy máu chất
xám với sự bỏ ra nước ngoài của nhiều nhà khoa học tài năng, chất lượng nghiên
cứu khoa học giảm sút và nạn đánh cắp tài liệu, làm giả công trình nghiên cứu
diễn ra không ít (năm 2008, trong một cuộc kiểm tra 500 luận án tiến sĩ ở Viện
Hàn lâm khoa học Nga, có tới 126 luận án giả), rồi sự gián cách giữa kết quả
nghiên cứu với nhà sản xuất…
Chúng tôi đến Trường Đại học Tổng hợp
Quản lý Quốc gia Liên bang Nga đúng dịp
các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang đang biểu tình chống dự thảo
đạo luật cải cách Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Trong buổi khai giảng lớp tập huấn,
vị hiệu trưởng nhà trường vắng mặt vì phải tham gia đoàn biểu tình. Dự thảo đạo
luật đã được Đuma Liên bang Nga bỏ phiếu thông qua ngày 5-7-2013 và theo kế hoạch
sẽ được Hạ viện thông qua lần nữa trước khi trình Thượng viện phê chuẩn và Tổng
thống Vladimir Putin ký sắc lệnh ban hành. Theo dự thảo đạo luật cải cách, Viện
Hàn lâm Khoa học Nga, Viện Hàn lâm Y học Nga và Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp
Liên bang Nga sẽ hợp nhất thành một Viện Hàn lâm khoa học chung, là cơ quan
ngân sách nhà nước. Các viện hàn lâm nhỏ hoặc yếu kém khác sẽ chuyển về bộ
chuyên ngành hoặc giải thể. Tài sản của Viện Hàn Lâm Khoa học Nga sẽ do một cơ
quan trực thuộc Chính phủ quản lý. Đoàn Chủ tịch Viện Hàn lâm chỉ quyết định những
vấn đề khoa học đơn thuần. Các viện sĩ cũng chỉ sẽ tập trung nghiên cứu khoa học
và chức danh viện sĩ không còn là suốt đời, mà sẽ bị tước bỏ khi không còn xứng
đáng. Chính phủ Nga mở rộng trung tâm nghiên cứu khoa học xuống các trường đại
học, tạo điều kiện ưu tiên về tài chính, tập trung đào tạo và đào tạo lại, trọng
dụng đãi ngộ nhân tài, gắn kết và chuyển giao kết quả nghiên cứu về các cơ sở sản
xuất…Tất cả nhằm vực dậy nền khoa học và công nghệ Nga và từng bước đưa nó trở về
vị thế dẫn đầu thế giới.
Người phiên dịch cho
đoàn chúng tôi là tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang Thường, một trong hàng trăm
giáo sư, tiến sĩ người Việt đang làm ăn sinh sống tại Nga. Trong số hơn 2.700.000
người Việt định cư ở gần 90 nước và vùng lãnh thổ, ở Nga có chừng 100.000 người.
Xa xưa, đã có công dân Việt Nam ra nước ngoài
sinh sống với nhiều lý do khác nhau, từ phong trào xuất dương tìm đường cứu nước
cuối thế kỷ XIX đến các đợt di cư sang các nước lân cận, sang Pháp và những xứ
thuộc địa của Pháp ở châu Phi, đi lánh nạn, làm ăn, theo thân nhân là người ngoại
quốc thuộc chương trình đoàn tụ gia đình (ODP), chương trình con lai Mỹ (AC),
chương trình sĩ quan chế độ cũ sau cải tạo muốn định cư ở nước khác (HO) và du
học sinh ở lại… Riêng ở Nga, mặc dù từ đầu thế kỷ XX đã có các nhà hoạt động
cách mạng, sau đó là hàng ngàn lưu học sinh sang Liên Xô cũ học tập, làm việc,
nhưng phải đến những năm từ 70 đến 90 của thế kỷ XX, cộng đồng người Việt ở
Liên bang Nga mới thực sự hình thành. Bên cạnh số công nhân hợp tác lao động
theo hiệp định hết thời hạn hợp đồng ở lại, số sau này sang kinh doanh buôn
bán, các lưu học sinh, nghiên cứu sinh, thực tập sinh, cộng tác viên khoa học hết
thời gian học tập nghiên cứu không về nước mà tiếp tục ở lại đông đến hàng
ngàn. Và trong số họ có không ít trí thức, giáo sư, tiến sĩ đang có quan hệ nghiệp
vụ với các tổ chức khoa học và công nghệ của nước sở tại, kể cả việc cùng các
viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa học Nga đi biểu tình phản đối dự thảo đạo luật cải
cách như tiến sĩ Thường đang làm. Đây là một nguồn nhân lực chất lượng cao không
nhỏ.
3.Tôi
sẽ mang theo về Việt Nam tâm trạng, dư âm không chỉ thái độ của người dân Nga về
sáng kiến của Tổng thống của họ nhằm giải cứu cuộc chiến tranh ở Syria trong
tháng chín này, mà cả về sự chuyển động lớn lao cơ chế quản lý ngành khoa học
và công nghệ từ nước Nga, dư âm oằn đau của một cuộc cải cách đang tiến hành ở đất
nước dự trữ đến một phần tư lượng nước ngọt không đóng băng trên khắp địa cầu.
Nước Nga đang dỡ bỏ và sắp xếp lại hệ thống tổ chức và cách thức quản lý khoa học
theo hướng thực dụng với các thế mạnh như vũ trụ, công nghệ nano, công nghệ quốc
phòng…; đang tách bỏ sự lãng phí, nhá nhem và hình thức chủ nghĩa nảy sinh từ trước
và sau khi Liên Xô tan rã; đang chắt chiu giữ lại những giá trị ưu việt của thời
Xô viết như xây dựng một nền khoa học và công nghệ theo hướng kế hoạch hóa tập
trung; đang đầu tư xây dựng một đội ngũ cán bộ khoa học tinh nhuệ theo hướng biệt đãi nhân tài; đang phát huy sức
mạnh cơ chế quản lý hệ thống khoa học và công nghệ quân sự theo hướng không giới
khung trong quân đội mà tích hợp sức mạnh của toàn bộ nền khoa học và công nghệ
đất nước.
Tôi sẽ mang theo về Việt Nam cảm nhận về một nguồn lực khoa học lớn lao ở bên ngoài Tổ quốc. Có đến 300.000 trí thức và công nhân tay nghề bậc cao người Việt Nam đang làm ăn sinh sống tại 70 nước và vùng lãnh thổ, trong đó một phần lớn ở Liên bang Nga. Hầu hết trong số họ được đào tạo chính quy tại những nền giáo dục tiên tiến, được tiếp cận, cập nhật những thành tựu khoa học, công nghệ mới nhất và hầu hết trong số họ đều có lòng tự tôn dân tộc, luôn nhớ về nguồn cội, quê nhà. Trong chủ trương của mình, Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn coi người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời, là nguồn nội lực của dân tộc Việt Nam. Đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, thông tư về việc mời gọi, tạo điều kiện cho trí thức người Việt Nam đóng góp chất xám vào sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ đất nước, như tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học, giới thiệu chuyên gia và chuyển giao công nghệ tiên tiến. Vấn đề là làm thế nào để những văn bản ấy trở thành hiện thực hàng ngày?
Tôi sẽ mang theo về Việt Nam cảm nhận về một nguồn lực khoa học lớn lao ở bên ngoài Tổ quốc. Có đến 300.000 trí thức và công nhân tay nghề bậc cao người Việt Nam đang làm ăn sinh sống tại 70 nước và vùng lãnh thổ, trong đó một phần lớn ở Liên bang Nga. Hầu hết trong số họ được đào tạo chính quy tại những nền giáo dục tiên tiến, được tiếp cận, cập nhật những thành tựu khoa học, công nghệ mới nhất và hầu hết trong số họ đều có lòng tự tôn dân tộc, luôn nhớ về nguồn cội, quê nhà. Trong chủ trương của mình, Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn coi người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời, là nguồn nội lực của dân tộc Việt Nam. Đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, thông tư về việc mời gọi, tạo điều kiện cho trí thức người Việt Nam đóng góp chất xám vào sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ đất nước, như tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học, giới thiệu chuyên gia và chuyển giao công nghệ tiên tiến. Vấn đề là làm thế nào để những văn bản ấy trở thành hiện thực hàng ngày?
Tôi sẽ mang theo về
Việt Nam hình ảnh sống động về một đất nước tôi từng tưởng tượng qua các cuốn
sách - có lẽ là những tác phẩm văn học nước ngoài đầu tiên đến với tôi thời
niên thiếu, như Bức thư tình bị đốt cháy,
Những linh hồn chết, Chiến tranh và hòa bình, Anna Kanênina, Phục sinh, Người mẹ,
Con đường đau khổ, Bác sĩ Zhivago, Sông Đông êm đềm, Núi đồi và thảo nguyên,
Bông hồng vàng, Những ngôi sao ban ngày… Giờ đây, thời của Puskin, M.
Lecmontov, N.Gogol, L.Tolxtoi, A.Sekhov, Maksim Gorky, A.Tlestoy,
B.Pastomak, A.Sholokhov, Ts.Aimatov,
Pautovsky, Olga Berghol… không còn nữa.
Một thế kỷ đã nằm ở phía sau lưng, một thế kỷ đã lùi xa với biết bao đổi
thay, sâu sắc và vật vã. Một nước Nga mới đã hình thành với những khác biệt
không ngờ, cả về khoa học lẫn lịch sử. Nhưng những giá trị từng làm nên một nền
khoa học lý thuyết xuất sắc vào bậc nhất thế giới, từng làm nên một nước Nga mà
sự hy sinh của nó đạt đến mức tột đỉnh niềm vinh quang và bi hùng của lịch sử
thế giới đương đại vốn được mặc định, được số hóa trong tâm thức tôi thì còn lại
mãi mãi.
Vào thu. Mặc cho những
biến động về khoa học và chính trị, những rừng cây sồi, cây bạch dương đang
thong thả chuyển sang màu đỏ rồi thả lá vàng, cũng bắt đầu bay rơi vài bông tuyết
trắng. Nước Nga tháng chín năm hai ngàn mười ba, dù đang có vẻ hiphop mà vẫn
bác học, hùng vĩ, quê mùa và quyến rũ làm sao!
H.S.Đ
Download
toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
[1] Trưởng phòng KHCN và MT, Quân khu 7.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!