Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

SÀI GÒN – GIA ĐỊNH VỚI CUỘC TIẾN CÔNG TẾT



Đại tá, PGS, TS. Hồ Sơn Đài*
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là kết quả hợp thành từ nhiều yếu tố, nhiều lực lượng, trong đó có sự đóng góp đặc biệt to lớn của quân và dân Sài Gòn - Gia Định.
Sài Gòn - Gia Định, trong đó có thành phố Sài Gòn là thủ phủ của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội của cả miền Nam, là nơi đặt tổng hành dinh của đội quân viễn chinh xâm lược Mỹ, nơi đặt cơ sở đại diện của các tổ chức nước ngoài thân Mỹ và chấp nhận chế độ Việt Nam Cộng hoà. Từ năm 1954, nơi đây là sào huyệt của tổ chức chính quyền trung ương ngụy và các đảng phái chính trị, tôn giáo, văn hóa, nơi tập trung cơ cấu chỉ đạo, chỉ huy quân sự của toàn bộ cuộc chiến tranh tới từng vùng chiến trường, nơi phát ra và chỉ đạo thực hiện các chủ trương, kế hoạch và thủ đoạn chiến lược, chiến thuật trên toàn miền Nam và Cam-pu-chia.

Mọi biến cố dù nhỏ, ở đây, vì thế đều ảnh hưởng và có sức lan tỏa mạnh mẽ ra phạm vi cả nước và trên thế giới. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân Sài Gòn - Gia Định do đó không chỉ có ý nghĩa đạt các mục tiêu cục bộ vùng, mà tác động quan trọng đến toàn bộ tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Từ kế hoạch X đến Nghị quyết Quang Trung (mật danh)

Từ tháng 3 năm 1964, sau hàng loạt thắng lợi chính trị, quân sự của ta trên các chiến trường, sự khủng hoảng triền miên của chế độ Sài Gòn (khởi từ biến cố Diệm bị đảo chính và sát hại đầu tháng 11-1964), quán triệt chỉ thị tháng 1 năm 1961 của Bộ Chính trị, trong đó nêu "cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa của nhân dân sẽ bùng nổ để lật đổ chính quyền Mỹ - ngụy, giải phóng miền Nam", Trung ương Cục miền Nam và Quân ủy Miền đã vạch định một kế hoạch chuẩn bị đón thời cơ thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Kế hoạch mang mật danh X. Một bộ phận chuyên trách xây dựng kế hoạch được thành lập gồm các cán bộ thuộc Quân ủy Miền và chỉ huy trưởng Quân khu Sài Gòn - Gia Định, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Cục. Nội dung chính của kế hoạch X là: Sài Gòn - Gia Định khẩn trương xây dựng, phát triển lực lượng chính trị, quân sự. Riêng về quân sự, phải xây dựng các đội biệt động mạnh đủ sức đánh chiếm các mục tiêu chiến lược, xây dựng các tiểu đoàn mũi nhọn bố trí ở ven đô trên 5 hướng tiến công vào Sài Gòn, phát triển lực lượng các ban ngành đoàn thể cùng với quần chúng nhân dân sẵn sàng nổi dậy giành chính quyền trên toàn thành phố.
Thực hiện nội dung kế hoạch trên, từ đầu năm 1965, Quân khu Sài Gòn - Gia Định gấp rút xây dựng lực lượng, tổ chức huấn luyện, xây dựng 5 tiểu đoàn mũi nhọn; thành lập đoàn biệt động (mật danh F.100) gồm 9 đội, thành lập 1 đơn vị chuyên trách xây dựng cơ sở, làm hầm bí mật để trú ém người và cất giấu vũ khí, tổ chức đường dây liên lạc và vận chuyển vũ khí từ chiến khu vào nội thành. Cơ sở Đảng, đoàn thể, ngành được tăng cường cán bộ. Tổ chức an ninh củng cố lại, chuyển từ trực thuộc Trung ương Cục về trực thuộc Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Đảng ủy và bộ chỉ huy 5 cánh ven đô và khu nội đô được hình thành. Các lõm căn cứ áp sát nội thành thuộc Nhà Bè, Gò Môn, Dĩ An, Thủ Đức, Bình Chánh được củng cố và mở rộng. Tháng 4 năm 1965, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định họp hội nghị nhằm thúc đẩy quá trình chuẩn bị theo nội dung kế hoạch X, bổ sung cán bộ lãnh đạo, kiện toàn Khu ủy và hệ thống chỉ đạo, chỉ huy các cấp.
Trong khi quân và dân Sài Gòn - Gia Định đang ráo riết chuẩn bị mọi mặt theo hướng đón thời cơ tổng công kích, tổng khởi nghĩa thì tháng 5 năm 1965, những đơn vị đầu tiên của lữ đoàn dù 173 của Mỹ đổ bộ vào Vũng Tàu, mở đầu cho bước leo thang mới của Mỹ: chuyển sang thực hiện chiến lược "Chiến tranh cục bộ", trực tiếp đưa quân chiến đấu Mỹ và chư hầu vào miền Nam Việt Nam, mưu toan dùng sức mạnh quân sự để kết thúc cuộc chiến tranh trong thế thắng. Ngay lập tức, trên cả miền Nam nói chung và Sài Gòn - Gia Định nói riêng, tương quan so sánh lực lượng và cục diện chiến trường thay đổi hẳn. Phương án đánh thắng địch bằng kế hoạch X trong giai đoạn chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" đã không còn điều kiện thực hiện!
Đến giữa năm 1967, khi cách mạng miền Nam đang giành được những thắng lợi vang dội, đặc biệt trên mặt trận quân sự, trên cơ sở nhận định thời cơ chiến lược lớn đã xuất hiện, Bộ Chính trị đề ra chủ trương chiến lược chuyển cuộc kháng chiến lên một bước mới. Mặc dù chủ trương phát động cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Xuân 1968 được Bộ Chính trị hoàn tất vào tháng 12 năm 1967 và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng chính thức thông qua vào tháng 1 năm 1968 (bằng Nghị quyết 14), nhưng tinh thần của Nghị quyết đã được Trung ương Cục miền Nam và Quân ủy Miền tiếp nhận từ tháng 10 năm 1967. Từ đó, Trung ương Cục ra Nghị quyết về tổng công kích, tổng khởi nghĩa, mật danh là Nghị quyết Quang Trung. Nội dung cơ bản của nghị quyết Quang Trung là: Lấy miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn làm trọng điểm, thực hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, xóa bỏ ngụy quyền, thành lập chính quyền cách mạng và thực hiện các nhiệm vụ cách mạng tiếp theo sau khi đã giành được chính quyền.
Với Đảng bộ, quân và dân Sài Gòn - Gia Định, nghị quyết Quang Trung có ý nghĩa nối lại và phát triển kế hoạch X đã được chuẩn bị từ gần ba năm trước. Ngay trong tháng 10 năm 1967, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định họp hội nghị hạ quyết tâm động viên mọi lực lượng với nỗ lực cao nhất, thực hiện bằng được hai nhiệm vụ:
- Đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn.
- Phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa, giành chính quyền, làm chủ các quận và đưa lực lượng quần chúng có tổ chức vào làm chủ các mục tiêu mà biệt động đã chiếm lĩnh; phối hợp với lực lượng chủ lực của Phân khu và Miền từ ngoài vào, tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân ngụy, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành chính quyền về tay nhân dân; tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ tại địa bàn Sài Gòn - Gia Định.
Do đã được chuẩn bị từ trước (theo kế hoạch X), quá trình triển khai thực hiện nghị quyết của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định tháng 10 năm 1967 theo tinh thần Nghị quyết Quang Trung diễn ra thuận lợi, nhanh chóng. Về tổ chức chiến trường, Quân khu Sài Gòn - Gia Định và Quân khu 7 được giải thể để thành lập 5 phân khu (mỗi phân khu bao gồm một số quận nội thành kéo dài và mở rộng thành hình mũi tên ra các tỉnh kế cận) hình thành 5 cánh trên 5 hướng tiến công vào thành phố và 1 phân khu nội đô trung tâm thành phố Sài Gòn. Về tổ chức lực lượng, các tiểu đoàn mũi nhọn của 5 phân khu được củng cố lại; lực lượng biệt động tổ chức thành 2 khối: khối các đội trong nội đô và khối bố trí các cánh. Du kích tập trung ở các xã được tổ chức thành từng đội; riêng ở Gò Môn, Tân Bình, Nhà Bè, Thủ Đức có 26 đội với 1.188 người. Trung ương Cục chi viện 300 cán bộ cho Sài Gòn - Gia Định để tăng cường cho các ban, ngành, giới, kiện toàn lực lượng của Thành đoàn thanh niên, Thành hội phụ nữ, Ban Công vận, Ban Hoa vận, Ban Trí vận,... Về chuẩn bị địa bàn, Khu ủy tập trung xây dựng hoàn chỉnh các lõm căn cứ ở vùng ven và cơ sở ở nội thành làm nơi ém quân, cất giấu vũ khí và xuất phát triển khai chiến đấu. Thời điểm cuối năm 1967, đã xây dựng được 19 cơ sở chính trị ở gần các mục tiêu trọng yếu với 325 gia đình cơ sở, tạo được 400 điểm ém quân ở các lõm chính trị cầu Bông, khu Bàn Cờ, xóm Chùa Tân Định... Vũ khí, phương tiện cơ động đã tập kết đầy đủ. Đến trước giao thừa Xuân Mậu Thân, về cơ bản, công tác chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy của Sài Gòn - Gia Định đã hoàn tất.
Cuộc tập kích Tết
Vào thời điểm trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt của quân và dân ta trên khắp các đô thị miền Nam, quân số Mỹ - ngụy và chư hầu phát triển cao chưa từng có, gần lên đến đỉnh điểm trong toàn bộ cuộc chiến tranh. Trong tổng số gần 50 vạn quân Mỹ, hơn 70 vạn quân ngụy và hàng vạn quân chư hầu có mặt ở miền Nam, địch ưu tiên bố trí lực lượng bảo vệ Sài Gòn ở tất cả các tầng trong và ngoài với 4 sư đoàn Mỹ, 4 sư đoàn ngụy, 8 tiểu đoàn dù và thủy quân lục chiến, 1 tiểu đoàn an ninh thủ đô, 20 vạn biệt động quân, bảo an, dân vệ, cảnh sát dã chiến, hàng ngàn khóa sinh quân sự, hàng ngàn thanh niên chiến đấu và nhiều đơn vị cơ giới, binh chủng, quân chủng. ở vòng ngoài, có các lữ đoàn 1 và 2 thuộc sư đoàn bộ binh 25 Mỹ (tại căn cứ Đồng Dù), Sư đoàn bộ binh 25 ngụy và nhiều tiểu đoàn biệt động quân, đại đội bảo an ở phía tây bắc; Sư đoàn bộ binh số 1 Mỹ (tại căn cứ Lai Khê), trung đoàn thiết giáp 11 Mỹ, sư đoàn bộ binh 5 ngụy, hàng chục tiểu đoàn biệt động quân, đại đội bảo an, lực lượng dân vệ ở phía bắc; các đơn vị đánh thuê Nam Triều Tiên, úc, quân dù Mỹ, Sư đoàn 18 ngụy ở phía đông và đông bắc; Các đơn vị thuộc lực lượng tổng trù bị bao gồm hải quân, dù, thủy quân lục chiến và 1 lữ đoàn thuộc Sư đoàn bộ binh số 9 Mỹ ở phía nam. ở vòng trong, ngoài lực lượng bảo vệ trị an lãnh thổ của Biệt khu Thủ đô và cảnh sát dã chiến ngụy, địch có 2 tiểu đoàn Mỹ, 1 tiểu đoàn ngụy ở sân bay Tân Sơn Nhất, các đơn vị quân ngụy ở các trại Đống Đa, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Tô Hiến Thành, lực lượng bảo vệ căn cứ, hậu cứ các bộ tư lệnh, binh chủng ở Gò Vấp, chưa kể hệ thống tình báo quân đội, cảnh sát ngầm, mật vụ, chỉ điểm... Địch từng tự hào "Sài Gòn được bảo vệ đến từng mắt lưới của một chiếc vó cất cá"!
Kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy ở Sài Gòn - Gia Định được xác định như sau: Lực lượng biệt động đồng loạt đánh chiếm mục tiêu quan trọng trong thành phố (dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Đài phát thanh, Tổng nha cảnh sát, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, Biệt khu Thủ đô, sân bay Tân Sơn Nhất, khám Chí Hòa). Liền đó, lực lượng của Thành Đoàn, các ban, ngành, giới đến tiếp ứng tại các mục tiêu đánh chiếm (Đại sứ Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân mỗi nơi có 200 người, Bộ Tổng tham mưu có 5.000 người, Tổng nha cảnh sát có 1.000 người, khám Chí Hòa có 1.000 người...). Đồng thời các tiểu đoàn mũi nhọn thọc sâu vào thành phố chiếm giữ các mục tiêu vừa được biệt động đánh chiếm và lực lượng thanh niên, sinh viên bao vây áp chế. Trong lúc đó, các đơn vị chủ lực của Miền tiến công các căn cứ và tiêu diệt địch ở bên ngoài, sẵn sàng làm nhiệm vụ thọc sâu; quần chúng nhân dân nổi dậy bức rút đồn bót, giành chính quyền, thành lập ban tự quản cách mạng.
Vượt qua sự bảo vệ "đến từng mắt lưới" của cả hệ thống như đã nêu ở trên, đêm mồng 1 rạng mồng 2 Tết Mậu Thân, lực lượng biệt động Sài Gòn đã rời khỏi vị trí ém quân trong nội đô, di chuyển. Và cuộc tập kích vào các mục tiêu được phân công, triển khai đồng loạt vào lúc 2 giờ sáng ngày mồng 2 Tết sau 8 quả đạn cối 82mm nã vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong giây phút bất ngờ ban đầu, nhiều đơn vị biệt động đã bắn hạ lực lượng bảo vệ, đột nhập được vào bên trong mục tiêu. Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức quyết liệt. Tuy nhiên, lực lượng thanh niên, sinh viên đã không có mặt hỗ trợ kịp thời, các tiểu đoàn mũi nhọn phải dừng lại tác chiến ở vòng ngoài. Các đơn vị biệt động đã chiến đấu như những chiến sĩ cảm tử cho đến khi hy sinh hoặc bị địch bắt, chỉ một số ít thoát trở về căn cứ. Các đội biệt động số 3, 4, 5, 6, 7, 9, 11 tiến công dinh Độc Lập, toà Đại sứ quán Mỹ, căn cứ Bộ Tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài phát thanh Sài Gòn, căn cứ Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy. Một số đơn vị khác tập kích trại Cổ Loa, căn cứ Phù Đổng, bộ chỉ huy tiểu đoàn Gia Định và các căn cứ địch ở Bình Hòa, Hàng Xanh, Rạch Sơn, Bình Quới Tây, Quận 6, Quận 7, Quận 8, đường Sư Vạn Hạnh, bệnh viện Nhi Đồng, Vườn Lài, Chợ Thiếc, cư xá Hỏa xa. Đến ngày 10 tháng 2 năm 1968, các đơn vị vũ trang chuyển dần ra bên ngoài. Trong nội thành, lực lượng của các ngành vẫn tiếp tục đánh địch ở Phú Lâm, Phú Thọ, Minh Phụng, Minh Mạng, Vườn Lài, Tân Nhật, Quới Xuân, nam thị trấn Hóc Môn. Từ bên ngoài, ta tiếp tục pháo kích vào sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tư lệnh MACV, Tổng nha cảnh sát, đài ra đa Phú Lâm...
Đêm 25 tháng 2 năm 1968, cuộc tổng tiến công vào thành phố Sài Gòn (về sau gọi là đợt 1) tạm ngừng. Quân cách mạng đã tiêu diệt một bộ phận đáng kể sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch. Nhưng thắng lợi quan trọng nhất, vang dội nhất của cuộc tiến công Tết thuộc về lĩnh vực chính trị, tinh thần. Lần đầu tiên, "Việt cộng" đánh chiếm các cơ quan đầu não và căn cứ quân sự của cả Mỹ và ngụy tại thủ phủ Sài Gòn. Và điều đó gây nên một "cú choáng" không chỉ đối với cơ quan điều hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam mà cả nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ.
Tổng tiến công và nổi dậy sau "Tết"
Tháng 3 năm 1968, trên cơ sở nhận định "đòn quân sự của ta chưa đủ liều lượng để tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy", Trung ương Cục miền Nam chủ trương tiếp tục tổng tiến công và khởi nghĩa nhằm "liên tục tiến công địch và phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của Mỹ - ngụy, giải phóng và làm chủ toàn bộ nông thôn, đồng bằng và miền núi". Chủ trương trên của Trung ương Cục hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết ngày 24 tháng 4 năm 1968 của Bộ Chính trị về "tiếp tục phát triển tiến công toàn diện, giành thắng lợi ngày càng to lớn hơn nữa". Triển khai nghị quyết của Trung ương Cục, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định xây dựng kế hoạch sử dụng một bộ phận chủ lực cùng các tiểu đoàn mũi nhọn
trên 5 hướng phối hợp với biệt động thành và lực lượng tại chỗ tiếp tục đánh vào nội thành, phát động quần chúng nổi dậy; đồng thời huy động lực lượng chủ lực gồm cả các đơn vị binh chủng đánh mạnh ở vùng ven, đặc biệt trên hướng tây, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, hỗ trợ cho nội thành, mở rộng vùng giải phóng xung quanh thành phố.
Đợt 2 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Sài Gòn - Gia Định khởi từ đêm 4 rạng ngày 5 tháng 5 năm 1968. Khí thế cuộc tổng tiến công và nổi dậy diễn ra mạnh mẽ, còn hơn cả đợt 1, mặc dù yếu tố bí mật không còn nữa. Địch đã kịp điều chỉnh lực lượng, rút các đơn vị thiện chiến về bảo vệ Sài Gòn, đưa quân số cả Mỹ và ngụy ở vùng ven lên đến 60 tiểu đoàn với 20 vạn tên không kể hàng ngàn xe tăng, xe bọc thép và các trận địa pháo, sân bay dã chiến. Các đơn vị biệt động được củng cố lại, bổ sung nhiều chiến sĩ chưa chiến đấu trong đợt 1 nhưng tổ chức không còn mạnh như trước. Lực lượng vũ trang địa phương giảm sút về quân số do được rút lên xây dựng các đơn vị chủ lực.
Ngay từ đầu, các đơn vị pháo binh của Miền và các phân khu bắn liên tiếp vào các mục tiêu sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy, toà Đại sứ quán Mỹ, dinh Độc Lập, Tân cảng Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, Tổng nha cảnh sát. Các tiểu đoàn mũi nhọn tiến công vào thành phố, phối hợp với lực lượng tại chỗ đánh địch. Trên hướng tây, tây nam, cuộc giao tranh diễn ra ở Phú Lâm, Cầu Tre, Trường đua Phú Thọ, đường Trần Quốc Toản, Hậu Giang, Nguyễn Văn Thoại, Chợ Bình Tây, Chợ Thiếc, sân vận động Cộng Hòa; rồi đánh chiếm bốt cảnh sát Nguyễn Ngọc Châu, làm chủ khu vực Minh Phụng, đường 46, Lạc Long Quân, cầu Cây Gõ, đến ngã tư Bảy Hiền. Trên hướng nam, Quân giải phóng tập kích địch ở Lò Heo, Chánh Hưng, nam cầu Chữ Y, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Mật, đường Âu Dương Lân, đường Phạm Thế Hiển, cầu Tân Thuận, khu vực Tây Quy. Trên hướng bắc và đông bắc, cuộc chiến đấu diễn ra ở khu vực xóm mới, cây Xoài, An Nhơn, Gò Vấp. Trên hướng đông, các tiểu đoàn mũi nhọn tấn công Thạnh Mỹ Lợi, Bình Trung, cầu Rạch Chiếc, cầu Bình Triệu, cầu Bình Lợi, ngã ba Hàng Xanh, cầu Phan Thanh Giản, cầu Thị Nghè, đường Tự Đức. Trong nội đô, các đội biệt động và lực lượng vũ trang của các tổ chức đoàn thể tấn công các bót cảnh sát, toà hành chính quận, thực hiện vũ trang tuyên truyền, dẫn đường cho bộ đội chủ lực. Từ cuối tháng 5, cuộc giao tranh tiếp tục được đẩy lên cao điểm ở khu vực Phú Lâm, Minh Phụng, Chợ Lớn và chuyển dần ra các huyện vùng ven ở Bình Chánh, Tân Bình, Gò Vấp, Củ Chi...
Cùng với mũi tiến công quân sự, nhân dân Sài Gòn - Gia Định tổ chức nhiều hoạt động phối hợp, hỗ trợ hết sức phong phú. Rút kinh nghiệm từ đợt tiến công Tết, các tổ chức Công vận, Thành Đoàn thanh niên, Phụ vận, Hoa vận, Trí vận, Tuyên huấn, An ninh Khu... kiện toàn lại lực lượng, xây dựng kế hoạch, xác định tư tưởng sẵn sàng bước vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy tiếp theo. Trong nội đô, đúng giờ quy định, không chờ lực lượng quân sự từ bên ngoài vào, các lực lượng tại chỗ đều đồng loạt nổ súng, gọi loa tuyên truyền, phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, trừ gian, họp mít tinh quần chúng phá hoại cơ sở kinh tế kỹ thuật của địch, đốt xe quân sự, trạm biến thế, gây tiếng nổ, đốt xé cờ ba que, rải truyền đơn, treo băng cờ khẩu hiệu. Cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam xuất hiện nhiều nơi, tung bay trong nhiều ngày tại công sở ngụy quyền như Toà hành chính Quận 5 và một số trụ sở phường khóm. Tại những nơi có Quân giải phóng tiến công đánh chiếm, nhân dân làm nhiệm vụ dẫn đường, tiếp tế, tải thương, che giấu quân, hậu thuẫn cho bộ đội trụ bám chiến đấu được nhiều ngày. Tại các vùng nông thôn ven đô, du kích, tự vệ cùng quần chúng nổi dậy diệt tề ngụy ác ôn, phá ấp chiến lược, phá đường giao thông, một số nơi nhân dân lật đổ chính quyền địch, thành lập ủy ban nhân dân cách mạng, tổ chức cho thanh niên nhập ngũ. Cộng chung trong đợt 2, có trên 8.000 lượt quần chúng tham gia bao vây đồn bót địch, gần 12.000 lượt người đấu tranh chính trị, trên 4.000 gia đình ở cấp chiến lược trở về vườn ruộng cũ.
Đợt Tổng tiến công và nổi dậy "sau Tết" ở Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 18 tháng 6 năm 1968. Trên chiến trường miền Nam, vẫn còn tổng tiến công và nổi dậy đợt 3 nhưng chiến sự đã chuyển dần về các địa bàn xa đô thị.
*
*      *
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã góp phần cùng quân và dân miền Nam, quân và dân cả nước chuyển đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sang một tiến trình mới, dẫn đến thắng lợi hoàn toàn. Đó là một hằng số lịch sử.
Tuy nhiên, sau sự kiện Mậu Thân, Sài Gòn - Gia Định gặp khó khăn nhiều nhất so với các chiến trường khác trên toàn miền Nam. Phải gần 3 năm sau đó, cơ sở kháng chiến, tổ chức quần chúng, lực lượng vũ trang và thế tiến công cách mạng ở nội đô và vùng ven Sài Gòn - Gia Định mới từng bước phục hồi và phát triển. Điều quan trọng bậc nhất mà cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân để lại chính là sự trui luyện về bản lĩnh chính trị và bài học rút đúc từ thực tiễn. Đó là bài học "cần phải đánh giá tình hình một cách hết sức khách quan, sát đúng với thực tế; nhạy bén, biết chuyển hướng chỉ đạo kịp thời khi tình thế thay đổi; phải luôn luôn giương cao ngọn cờ tấn công, phát huy các hình thức bạo lực cách mạng, nhưng phải theo phương châm, phương thức phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, phù hợp với tương quan lực lượng địch ta, từng nơi, từng lúc" (Dự thảo kiểm điểm của Thành ủy từ Xuân 1968 đến đầu năm 1974). Và hơn tất cả, đó là một cuộc tổng diễn tập để Đảng bộ, quân và dân Sài Gòn - Gia Định vững bước vào cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa Xuân 1975!
          Nguồn: Sách “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân  1968”, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008.
Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ



* Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Môi trường Quân khu 7.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!