Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

TRẬN ĐỒI MỒI (Ngày 28 - 29 tháng 12 năm 1951)



 Trận Đồi Mồi, trận tiến công quân địch phòng ngự có công sự tương đối vững chắc của Tiểu đoàn 418, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 trong đợt 2 của chiến dịch Hoà Bình (10.12.1951 - 23.2.1952). Sau ba giờ chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, Tiểu đoàn đánh chiếm được một phần cứ điểm, tiêu diệt một số quân địch, nhưng do không chế áp được hoả lực của địch và không còn lực lượng để tiếp tục tiến công nên phải rút quân trong đêm. Trận đánh không thành công, ảnh hưởng đến thắng lợi chung của toàn chiến dịch, để lại một số kinh nghiệm sâu sắc về công tác tổ chức chỉ huy, sử dụng lực lượng đột phá trong tiến công quân địch phòng ngự có công sự tương đối vững chắc.

I- Bối cảnh và quá trình chuẩn bị chiến đấu
Cuối năm 1951, nhằm giành một thắng lợi lớn hơn làm thay đổi tương quan lực lượng, giành quyền chủ động trên chiến trường Bắc Bộ, xoay chuyển tình thế cuộc chiến tranh, thực dân Pháp tập trung một lực lượng lớn đánh chiếm Hoà Bình. Ngày 9 tháng 11 năm 1951, chúng mở cuộc hành quân "Hoa Tuylíp" (Tulipe) đánh chiếm chợ Bến; tiếp đó, ngày 14 tháng 11, mở tiếp cuộc hành quân "Hoa Sen" (Lotus) đánh chiếm thị xã Hoà Bình, Sông Đà và đường số 6.
Sau khi chiếm được các mục tiêu trên, địch tổ chức hệ thống phòng ngự quy mô lớn, với những cứ điểm mạnh, hình thành hai tuyến phòng ngự dọc theo đường số 6 và sông Đà. Hệ thống phòng ngự của địch gồm 28 cứ điểm lớn, nhỏ, kiến trúc theo kiểu dã chiến. Mỗi cứ điểm có từ 1 đến 2 đại đội bộ binh chiếm giữ, nơi quan trọng (Pheo, Đồng Bến, Ao Trạch, Chẹ, Đá Chông) thường có 3 đại đội bộ binh được tăng cường 1 trung đội xe tăng và 1 đại đội pháo. Toàn bộ hệ thống phòng ngự được chia thành 2 phân khu: Phân khu Sông Đà - Ba Vì (ở phía Bắc), có 5 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn dù, 1 trung đội xe tăng, 1 tiểu đoàn pháo binh, do đại tá Đô-đơ-li-ê chỉ huy, sở chỉ huy đặt tại Đan Thê; Phân khu Hoà Bình - Đường số 6 (khu Nam), có 6 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn thiết giáp, 1 đại đội xe tăng, do đại tá Cơ-lê-măng chỉ huy, sở chỉ huy đặt tại thị xã Hoà Bình. Ngoài ra, phân khu Chợ Bến cũng được tổ chức thành một tiền đồn bảo vệ Hoà Bình ở phía Đông.
Trước tình hình địch tiến công ra Hoà Bình, ngày 18 tháng 11 năm 1951, Trung ương chủ trương mở một cuộc tiến công lớn đánh địch trên cả hai mặt trận: tập trung chủ lực ở hướng chính là Hoà Bình và mạnh bạo đưa một bộ phận chủ lực vào hoạt động trong địch hậu đồng bằng Bắc Bộ nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực, tiến tới phá tan kế hoạch chiếm đóng Hoà Bình của chúng, đẩy mạnh chiến tranh du kích (trọng tâm là đồng bằng Bắc Bộ). Bộ Chính trị quyết định, tổ chức một Bộ chỉ huy chiến dịch do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh.
Sau đợt một của chiến dịch (từ ngày 10 đến 26 tháng 12 năm 1951), ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn hai mươi đại đội chủ lực của địch, bắn cháy và bắn bị thương nhiều tàu xuồng chiến đấu của chúng trên sông Đà, uy hiếp mạnh đường số 6, cắt đứt tuyến sông Đà. Buộc quân địch phải điều động lực lượng, tăng cường thêm quân để ứng cứu cho khu vực Sông Đà và Ba Vì.
Bước vào đợt 2 của chiến dịch, trên hướng chủ yếu Đại đoàn 312 đánh địch ở các điểm cao 600, 165, 400 (núi Ba Vì)… Trên hướng đường số 6 và phân khu ngoại vi Chợ Bến - đường 21, Đại đoàn 304 được lệnh tiến công quân địch ở các vị trí Hàm Voi, Đồi Mồi…
Khu vực Chợ Bến và đường 21 (đoạn từ Xuân Mai đến Chợ Bến) nơi giáp gianh giữa các huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy (tỉnh Hoà Bình) và các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức (tỉnh Hà Đông cũ), quân địch tổ chức chốt giữ các điểm cao, dùng máy bay, pháo binh bắn phá và phát quang, đốt trụi cây cối hai bên đường. Lực lượng của địch phổ biến ở mỗi cứ điểm có từ một trung đội đến một đại đội; công sự chủ yếu bằng gỗ đất tạo thành hình vòng cung bao quanh cứ điểm. Các cứ điểm bố trí rải theo trục đường, cách xa nhau nên khả năng chống đỡ, chi viện lẫn nhau hạn chế.
Cứ điểm Đồi Mồi thuộc xóm Lộc Môn, xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình[1]. Đây là khu vực điểm cao có giá trị khống chế trục đường 21, đoạn từ Xuân Mai qua Miếu Môn đến chợ Bến. Cứ điểm nằm cách đường 21 khoảng 1km về phía Tây. Từ trên Đồi Mồi, địch có thể kiểm soát và khống chế được ngã ba Vai Cời, thôn Mô và đường đi Chợ Bến.
Cứ điểm Đồi Mồi có hai mỏm. Mỏm lớn ở phía Bắc (mỏm A) cao khoảng 250 mét, rộng 200 mét, dài 300 mét. Mỏm nhỏ ở Tây Nam (mỏm B) cao 200 mét, rộng 80 mét, dài 100 mét. Ngoài ra ở phía Bắc và phía Nam, cách khoảng 200 mét còn có hai điểm cao có độ cao tương đương với cứ điểm Đồi Mồi. ở khu vực phía Đông và phía Tây cứ điểm có thung lũng nhỏ tương đối bằng phẳng.
Lực lượng địch tại cứ điểm Đồi Mồi có một đại đội lính Âu Phi. Tại mỏm A có chỉ huy đại đội, ba trung đội bộ binh được bố trí thành hình tam giác hướng ra ba phía Đông, Tây và Nam. Có hai trận địa súng cối 81mm, mỗi trận địa hai khẩu. Tại mỏm B có một trung đội bộ binh, một trận địa súng cối 81mm (hai khẩu).
Công sự trong cứ điểm chủ yếu bằng gỗ đất theo kiểu dã chiến, được nối liền với nhau bằng hệ thống đoạn đường hầm hào (đoạn hào có nắp gỗ đắp đất), giao thông hào khép kín tương đối vững chắc. Xung quanh cứ điểm có 5 lớp rào kẽm gai các loại, chiều sâu từ hàng rào ngoài cùng tới hàng rào trong cùng khoảng 50 đến 60 mét. Khoảng giữa bên ngoài các hàng rào và bên trong hàng rào địch có bố trí một số mìn chống bộ binh, mìn phát sáng... Cứ điểm được các trận địa pháo binh từ Đa Sỹ, Miếu Môn, Xuân Mai (cách từ 10 đến 15km) chi viện khi bị tiến công.
Tiểu đoàn 418 là đơn vị chủ công của Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 (có ba đại đội bộ binh 54, 59 và 60). Khi tiến công cứ điểm Đồi Mồi, tiểu đoàn được tăng cường đại đội trợ chiến của trung đoàn (súng cối 81 và 82mm), một trung đội súng máy 12,7mm và một đại đội sơn pháo 75mm (hai khẩu).
Trong đợt 1 của chiến dịch, Đại đoàn 304 hoạt động trên hướng thứ yếu của chiến dịch. Tiểu đoàn 418, Trung đoàn 57 liên tục đánh địch phản kích trên trục đường 21; Trung đoàn 66 phục kích đánh địch trên trục đường số 6, khu vực Cầu Dụ - Hang Đá (cách thị xã Hoà Bình 15km về phía Đông Bắc); Trung đoàn 9 phục kích đánh địch ở khu vực Giang Mỗ (đoạn đường từ thị xã Hoà Bình đi Chợ Bờ). Qua các trận đánh trên, cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 304 đã chiến đấu làm tiêu hao, tiêu diệt nhiều bộ binh và một số xe tăng, xe cơ giới của địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ do Bộ chỉ huy chiến dịch giao cho. Tiêu biểu là Tiểu đoàn 352 Trung đoàn 9 có tiểu đội trưởng Cù Chính Lan dũng cảm mưu trí, bám đuổi, tiếp cận và dùng lựu đạn diệt được xe tăng địch, mở đầu cho phong trào dùng lựu đạn đánh xe tăng địch của quân đội ta. Tuy nhiên, lực lượng, vũ khí trang bị của đại đoàn cũng bị tổn thất một số.
Bước vào đợt 2 của chiến dịch Hoà Bình, Tiểu đoàn 418 nhận nhiệm vụ tổ chức tiến công cứ điểm Đồi Mồi với khí thế và quyết tâm rất cao, nhưng cũng xuất hiện nhiều băn khăn, lo lắng trước tình hình quân số vũ khí của đơn vị giảm sút, ngược lại quân địch đã có nhiều thay đổi về quân số và cách bố phòng trận địa.
Sau khi tổ chức trinh sát, nghiên cứu thực địa, tìm hiểu rõ tình hình địch, Ban chỉ huy tiểu đoàn họp và thống nhất nhận định: Khu vực tác chiến là nơi địa hình có nền đất đồi đá sỏi rất cứng, không thể đào công sự, trận địa trực tiếp tiếp xúc với địch trong một thời gian ngắn. Trong 2 - 3 giờ, cố gắng lắm bộ đội cũng chỉ đào được hố bắn cá nhân, không thể xây dựng được trận địa xuất phát tiến công có giao thông hào và hầm ẩn nấp làm bàn đạp đánh vào bên trong cứ điểm.
Các hoả điểm của địch đều bố trí ở trên cao, khống chế, kiểm soát phạm vi rộng xung quanh; nếu ta đặt sơn pháo và súng máy ở chân cứ điểm thì góc bắn tà dương rất lớn, khả năng tiêu diệt, chế áp các hoả điểm địch rất khó khăn. Nếu ta đưa pháo lên các điểm cao đối diện thì cự ly lại quá xa, khả năng bắn trúng vào các mục tiêu, hoả điểm của địch rất ít, nhất là về ban đêm.
 Nếu chỉ sử dụng trung đại liên làm nhiệm vụ chi viện cho bộ binh mở cửa mở, đánh chiếm đầu cầu thì khó có thể khống chế được hoả lực của địch; bộ binh của địch có thể dễ dàng cơ động trong chiến hào ra bịt lấp các cửa mở của ta, ngăn cản không cho ta phát triển vào tung thâm.
Sau khi nghiên cứu, họp bàn kỹ lưỡng mọi mặt khó khăn, thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ tiến công cứ điểm Đồi Mồi mà trung đoàn giao cho, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 418 nhận thấy với khả năng biên chế tổ chức và sức chiến đấu hiện có thì Tiểu đoàn khó có thể đánh thắng địch để hoàn thành nhiệm vụ. Tiểu đoàn đã báo cáo và đề nghị với Ban chỉ huy trung đoàn: xin thêm một thời gian nhất định để tiến hành công tác chuẩn bị cho thật chu đáo; xin được tăng cường binh hoả lực; cần nghiên cứu lại phương pháp đột phá tiến công địch chỉ trong một đêm. Ban chỉ huy trung đoàn đã không có biện pháp gì để giúp đỡ khắc phục khó khăn, mà vẫn ra lệnh cho tiểu đoàn phải tự khắc phục và kiên quyết
tiến công cứ điểm Đồi Mồi vào đêm 28 rạng ngày 29 tháng 12 năm 1951. Theo chỉ thị của trung đoàn, đây là mệnh lệnh của đại đoàn và Bộ chỉ huy chiến dịch nên phải tuyệt đối chấp hành.
Chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị và mệnh lệnh của trung đoàn, Tiểu đoàn 418 làm kế hoạch và quyết tâm chiến đấu báo cáo lên trên.
Hướng tiến công chủ yếu, hướng Đông cứ điểm do Đại đội bộ binh 60 đảm nhiệm. Đại đội được tăng cường trung đội súng máy 12,7mm, được đại đội trợ chiến súng cối (81 và 82mm) và đại đội sơn pháo 75mm (2 khẩu) chi viện trực tiếp tiêu diệt các ụ súng bên phải và tầng trên khu vực cửa mở, tiến công từ hướng Đông mỏm A, tiêu diệt chỉ huy, trận địa súng cối và một trung đội bộ binh địch, phối hợp cùng với Đại đội bộ binh 59 (tiến công trên hướng thứ yếu 1) đánh chiếm toàn bộ mỏm A, sau đó vượt qua yên ngựa tiếp tục tiến công địch ở mỏm B.
Hướng tiến công thứ yếu 1, hướng Tây Bắc cứ điểm do Đại đội bộ binh 59 đảm nhiệm. Đại đội được tăng cường một khẩu đội súng đại liên của Đại đội 54, có sự chi viện hoả lực pháo binh, súng cối của tiểu đoàn, tiến công từ hướng Tây Bắc mỏm A, tiêu diệt hai trung đội bộ binh địch ở đây, phối hợp chặt chẽ với hướng tiến công chủ yếu (Đại đội 60) tiêu diệt toàn bộ quân địch ở mỏm A, sau đó phát triển đánh địch ở mỏm B.
Hướng thứ yếu 2, hướng Tây Nam mỏm B do Đại đội bộ binh 54 (thiếu một trung đội) đảm nhiệm. Bố trí phía Tây Nam mỏm B, có nhiệm vụ dùng hoả lực kiềm chế hoả lực địch ở mỏm B, tổ chức nổ bộc phá phá hàng rào nghi binh làm cho địch tưởng ta tiến công ở cả hai mỏm cùng một lúc (cách đánh dương công là: dùng hoả lực bắn mạnh từ phía ngoài vào, tổ chức phá 2 hàng rào ngoài cùng, sau đó dùng thủ pháo, lựu đạn ném vào phía bên trong).
Trung đội 1, Đại đội 54 làm lực lượng dự bị, bố trí ở phía sau Đại đội 60, sẵn sàng bước vào chiến đấu trên hướng tiến công chủ yếu và các hướng khác khi có lệnh.
Về hoả lực, tiểu đoàn trực tiếp nắm đại đội sơn pháo và đại đội súng cối chi viện chung cho tiểu đoàn nhằm chế áp các trận địa súng cối và hoả lực của địch trong giai đoạn mở cửa và chi viện kịp thời cho bộ binh tiến đánh bên trong cứ điểm. Trận địa hai khẩu sơn pháo 75mm và súng cối bố trí tại cao điểm phía Đông Bắc Đồi Mồi, cách mỏm A khoảng từ 500 đến 700 mét.
Tiểu đoàn quy định các mốc thời gian: Bộ đội xuất phát hành quân từ bìa rừng lúc 18 giờ ngày 28 tháng 12; đến 20 giờ triển khai xong vị trí xuất phát tiến công; từ 22 giờ ngày 28 đến 0 giờ 15 phút ngày 29 tiến hành làm công sự trận địa và hoàn thành một số công tác chuẩn bị tiến công, trong đó chú trọng triển khai bố trí các trận địa và mục tiêu bắn của hoả lực, chỉ hướng mở cửa mở cho các trung đội bộc phá làm nhiệm vụ mở cửa, chỉ rõ các mục tiêu và khu vực phải đánh chiếm cho các trung đội xung kích, thống nhất lại các quy định về bảo đảm thông tin liên lạc, bảo đảm hậu cần kỹ thuật, vị trí chỉ huy…; đúng 0 giờ 30 phút ngày 29 tháng 12, tiểu đoàn sẽ phát lệnh nổ súng.
II- Diễn biến và kết quả chiến đấu
Sau khi Trung đoàn phê duyệt quyết tâm chiến đấu, Tiểu đoàn khẩn trương làm công tác chuẩn bị và đúng 18 giờ ngày 28, từ khu vực trú quân bắt đầu hành quân chiếm lĩnh trận địa. Đến 21 giờ bộ đội triển khai chiếm lĩnh trận địa, nhanh chóng làm công sự trận địa và sẵn sàng nổ súng tiến công quân địch. Hầu hết các bộ phận đều hành quân an toàn, bảo đảm được bí mật. Riêng đại đội trợ chiến vấp 4 quả mìn, 1 đồng chí hy sinh và 4 đồng chí bị thương (địch bắn 4 quả đạn cối ra chỗ mìn nổ). Bộ phận thứ yếu 2, gặp một toán địch đi tuần tiễu ở phía Nam đồi Cháy, chúng bắn một loạt đạn rồi rút.
Đến 23 giờ 30 phút, bộ phận hướng chủ công và thứ yếu 1 chiếm lĩnh xong trận địa. Đại đội trợ chiến đến 24 giờ chiếm lĩnh xong và triển khai làm công sự. Trong khi đó, đại đội sơn pháo đến 0 giờ 30 phút ngày 29 mới chiếm lĩnh xong. Riêng trung đội súng máy 12,7mm đến 1 giờ mới chiếm lĩnh xong, không làm được công sự trận địa (đúng giờ nổ súng tiến công của toàn tiểu đoàn). Do thời gian gấp, nền đất đồi đá sỏi cứng rắn nên việc đào đắp công sự gặp nhiều khó khăn.
Theo quy định, đúng 0 giờ 30 phút ngày 29 tiểu đoàn phát lệnh tiến công, nhưng đến lúc 0 giờ 15 phút đại đội sơn pháo chưa chiếm lĩnh xong trận địa, trung đội súng máy 12,7mm chưa bắt được liên lạc (chưa vào tới vị trí) nên tiểu đoàn ra lệnh lui lại giờ nổ súng vào đúng 1 giờ.
Tuy nhiên, do hướng chủ công nhận lệnh hoãn giờ nổ súng chậm nên đúng 0 giờ 30 phút vẫn cho nổ quả bộc phá đầu tiên, quân địch trong cứ điểm không phản ứng gì. Sau đó, hướng chủ công nhận được lệnh lui giờ nổ súng và đúng 1 giờ tiếp tục đánh quả bộc phá thứ hai, tất cả các hướng khác đồng loạt nổ súng tiến công.
Hai khẩu sơn pháo 75mm bắn 10 viên đạn nhưng đều không trúng mục tiêu nên không bắn nữa và yêu cầu cần có ánh sáng trong đồn địch để lấy điểm ngắm mới bắn trúng được.
Trận địa súng cối của đại đội trợ chiến trung đoàn bắn dồn dập (60 viên đạn) vào các hoả điểm phía trước cửa mở trên hướng chủ công (Đại đội bộ binh 60) và hướng thứ yếu 1 (Đại đội 59). Các loại súng cối 60mm, súng máy 12,7mm, tiểu liên, trung liên…, phát huy sức mạnh kiềm chế hoả lực địch từ trong cứ điểm bắn ra quyết liệt, nhất là khu vực đột phá của đơn vị để chi viện cho bộ phận mở cửa mở.
Trên hướng chủ yếu và thứ yếu 1, bộ phận bộc phá đánh đến quả thứ tư vẫn không phá hết hàng rào (hàng rào ngoài cùng phải đánh đến quả thứ ba mới phá xong), đơn vị tiếp tục phá nốt hàng rào phía trong cứ điểm dưới làn đạn của địch bắn ra sối sả làm cho một số cán bộ, bộc phá viên của ta thương vong ngay trước cửa mở.
Hoả lực từ trong cứ điểm Đồi Mồi bắn ra mãnh liệt, kết hợp với pháo binh của địch từ các trận địa ở Miếu Môn, Xuân Mai, Đa Sĩ chi viện bắn đến, tạo thành một hàng rào lửa ngay trước tiền duyên và trước các vị trí cửa mở của ta. Trước tình hình trên, đồng chí Tiểu đoàn trưởng lệnh cho pháo binh và súng cối không bắn vào các khu vực điểm đột phá nữa mà lợi dụng hoả pháo của địch bắn thẳng vào trong đồn. Sơn pháo của ta nhanh chóng lợi dụng thời cơ quan sát được mục tiêu, bắn 22 viên đạn, có khoảng 1/2 số đạn trúng vào cứ điểm; súng cối bắn nốt 22 viên trong cơ số đạn mang theo.
Khoảng 25 phút sau khi nổ súng, hướng chủ yếu đã phá xong hàng rào, hướng thứ yếu 1 chưa phá xong. Tiểu đoàn trưởng lệnh cho xung kích của Đại đội 60, 59 đánh chiếm đồn và dùng súng trung, đại liên và 12,7mm bắn yểm trợ cho bộ đội xung phong (vì ta đã bắn hết đạn sơn pháo và súng cối 82mm).
ở hướng chủ yếu, chấp hành lệnh của tiểu đoàn, tranh thủ lúc pháo binh ta bắn mạnh trùm lên đỉnh mỏm A, Đại đội 60 phát lệnh xung phong và chiếm được đột phá khẩu. Đồng chí Bào dẫn phân đội thọc sâu lao lên đánh chiếm đồn, vừa xung phong vừa bắn mãnh liệt diệt một số tên địch dưới giao thông hào khiến những tên còn lại phải lui về phía sau cố thủ. Trung đội đồng chí Cung xông xáo phối hợp chặt chẽ cùng mũi của đồng chí Bào diệt tiếp một số hoả điểm nữa. Đại đội 60 chiếm được một phần cứ điểm ở mỏm A, nhưng bộ đội thương vong gần hết, quân địch trong các hoả điểm chống trả quyết liệt. Tiểu đoàn lệnh cho Đại đội 60 dùng trung đội dự bị của Đại đội 54 vượt cửa mở vào bên trong đánh chiếm thêm được một đoạn nữa rồi cũng bị thương vong. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho Đại đội 60 phải cố gắng giữ vững những vị trí đã chiếm được và bắt liên lạc với hướng thứ yếu 1 (lúc này hướng chủ yếu còn 10 đồng chí).
ở hướng thứ yếu 1, khi được lệnh xung phong Đại đội 59 chưa mở hết hàng rào địch nên bộ đội phải dùng chăn, thang ván vất lên trên hàng rào để vượt qua, lao vào trong đồn diệt địch. Tuy vậy, khi phát triển vào bên trong bị lựu đạn, hoả khí của địch từ trên cao của cứ điểm tập trung bắn ngăn chặn. Trung đội xung kích một do Đại đội trưởng dẫn đầu bị thương vong một số ngay tại khu vực đột phá. Trung đội hai tiếp tục xung phong, đồng chí chi ủy viên Vũ Nhẫn động viên bộ đội xông lên diệt địch trả thù cho Đại đội trưởng, Chính trị viên và anh em trong đại đội đã hy sinh, đánh chiếm được một vài đoạn chiến hào dài khoảng 20 mét, phát triển lên đỉnh mỏm A nhưng bị quân địch dùng hoả lực mạnh chặn lại, ta bị thương vong thêm nên không tiếp tục phát triển được (Ban chỉ huy đại đội: Đại đội trưởng và Chính trị viên hy sinh, Chính trị viên phó bị thương nặng; Trung đội 1: Trung đội trưởng và Trung đội phó bị thương; Trung đội 2: Trung đội trưởng và Trung đội phó đều hy sinh). Số anh em còn lại thu nhặt được hai khẩu trung liên, một số tiểu liên và súng trường của địch, nhưng vì quân số ít, bộ đội thương vong nhiều nên phải bỏ lại số súng tiểu liên và súng trường để đưa thương binh ra ngoài.
Trước tình hình diễn biến trận đánh hết sức khó khăn, tiểu đoàn nhận định Đại đội 60 và Đại đội 59 không đủ khả năng tiếp tục chiến đấu để làm chủ mỏm A nên quyết định lệnh cho Đại đội 54 (hướng thứ yếu 2) đang làm nhiệm vụ nghi binh đánh chiếm mỏm B, di chuyển sang hướng Đông cứ điểm nơi có cửa mở của Đại đội 60 để vào tung thâm với ý định tập trung toàn bộ lực lượng còn lại của cả tiểu đoàn đồng loạt tiến công tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở mỏm A, sau đó tiếp tục tiến công sang mỏm B tiêu diệt địch, kết thúc trận đánh.
Chấp hành mệnh lệnh của Tiểu đoàn trưởng, Đại đội bộ binh 54 khẩn trương đưa bộ đội chuyển về hướng cửa mở của Đại đội 60. Tuy nhiên, khi đến trước cửa mở Đại đội 60, quân số Đại đội 54 chỉ còn được 6 đồng chí (cả cán bộ và chiến sĩ). Phần lớn bộ đội khi di chuyển phải thoát ly khỏi công sự trận địa để cơ động nên đã bị pháo binh địch bắn bị thương, một số đồng chí do pháo binh địch bắn dữ dội trúng đội hình vận động của đại đội, mải tránh pháo nên không bám sát được, đi lạc sang hướng khác.
Sau khi nắm lại tình hình quân số, vũ khí của các bộ phận, tiểu đoàn nhận thấy sức chiến đấu đã bị giảm sút nghiêm trọng, không còn khả năng tiếp tục tiến công tiêu diệt địch ở mỏm A; đồng thời lúc này trời đã gần sáng nếu không lui quân ngay sẽ không tránh khỏi phi pháo của địch đánh phá vào ban ngày, tổn thất lớn cho đơn vị, tiểu đoàn báo cáo và xin đề nghị trung đoàn cho dừng trận đánh. Được sự nhất trí của trung đoàn, tiểu đoàn nhanh chóng tập trung lực lượng thu dọn chiến trường, đưa thương binh, tử sĩ ra ngoài chuyển về phía sau.
Trên đường lui quân, đại đội trợ chiến và đại đội sơn pháo bị địch phát hiện bắn theo, một khẩu đội cối 82mm bị thương gần hết nên phải bỏ lại đế súng. Các đại đội bộ binh 54, 59, 60 do quân số bị thương nhiều nên rút quân ra lẻ tẻ, một số thương binh không mang ra kịp bị pháo binh địch bắn trúng.
5 giờ 30 phút, thương binh và tải thương ra gần hết. 6 giờ, tiểu đoàn cho một tổ vận chuyển tiếp tục vào đồn, chuyển hết số thương binh còn lại ra ngoài. Trận đánh kết thúc.
Kết quả, sau ba giờ chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, tiểu đoàn tiêu diệt được gần 100 tên lính Âu - Phi (hơn hai trung đội địch), đánh chiếm được 3/4 trận địa địch ở mỏm A (mỏm chính của cứ điểm).
Tiểu đoàn 418: Hy sinh 41, trong đó có 5 cán bộ đại đội (một đại đội trưởng, hai đại đội phó, hai chính trị viên), một trung đội trưởng, hai trung đội phó, bốn tiểu đội trưởng, ba tiểu đội phó; bị thương 130, trong đó có một đại đội trưởng, một đại đội phó, ba trung đội trưởng, bảy trung đội phó, tám tiểu đội trưởng, 10 tiểu đội phó; mất tích 16 người, trong đó có một trung đội trưởng, bảy tiểu đội trưởng.
Đại đội trợ chiến: hy sinh 2 đồng chí, bị thương 1 đồng chí.
Đại đội sơn pháo: hy sinh 5 (có một đại đội phó, một khẩu đội trưởng); bị thương 12, mất tích 1.
Vũ khí ta thu được: 2 súng FM 24-29, 1 súng trường Mas, 1 máy ảnh và một số đồ dùng quân dụng khác.
Đạn dược ta tiêu thụ: 5.373 viên đạn 7,9mm, 121 viên Mas, 816 viên Sten, 295 viên Thompson, 1.955 viên Bruno, 60 viên FM Brown, 36 viên cối 60mm, 14 viên cối 81, 68 viên cối 82mm, 216 viên PM Mas, 163 viên Tulle, 800 viên 12,7mm, 35 viên sơn pháo 75mm, 119kg bộc phá, 739 lựu đạn.
Số vũ khí bị hư hỏng: 2 khẩu súng trường 7,9mm, 1 khẩu Bruno, 1 cối 60mm, 1 Tulle; bị mất 148 viên đạn 7,9mm, 2 súng Thompson, 1 súng Bruno, 2 súng lục, 3 súng FM Mas. Như vậy, nhiệm vụ tiến công tiêu diệt cứ điểm Đồi Mồi của Tiểu đoàn 418 đã không thực hiện được. Trận đánh không đạt được mục tiêu đề ra, bộ đội không làm chủ được cứ điểm, số thương vong, mất tích lên đến 200 người, trong đó có nhiều cán bộ đại đội, trung đội.
III- Nguyên nhân không thành công
và bài học kinh nghiệm
1- Nguyên nhân
Về nguyên nhân khách quan:
- Trước khi bước vào trận tiến công cứ điểm Đồi Mồi, cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn đã trải qua một số ngày kiên cường chiến đấu phục kích tiêu hao, tiêu diệt quân địch ở hướng ngoại vi để phối hợp chặt chẽ với hướng chính của chiến dịch ở thị xã Hoà Bình - sông Đà và núi Ba Vì (Sơn Tây). Mặc dù quân số, vũ khí của đơn vị đã có phần giảm sút, nhưng khi nhận mệnh lệnh và bước vào thực hiện nhiệm vụ chiến đấu mọi người cố gắng với quyết tâm cao, phấn khởi hào hứng lập công, không ngại ác liệt hy sinh. Đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp gương mẫu, xông xáo, luôn dẫn đầu các phân đội xung phong mãnh liệt, xử trí tình huống linh hoạt, sáng tạo. Việc tổ chức phân chia, bố trí lực lượng, thời gian nổ súng nói chung là phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh. Song thực tế binh hoả lực của tiểu đoàn không đủ mạnh để áp đảo quân địch, sức tiến công của tiểu đoàn không đủ mạnh để đánh chiếm được mục tiêu.
- Sự giúp đỡ của cấp trên (trung đoàn, đại đoàn) đối với tiểu đoàn còn hạn chế. Với thực tế khó có thể đánh thắng, Tiểu đoàn đã đề nghị trên có biện pháp giúp đỡ khắc phục (cách đánh tiến công địch trong một đêm; Cần có thêm thời gian để tiểu đoàn tiến hành làm công tác chuẩn bị chiến đấu chu đáo, đầy đủ hơn; đề nghị được tăng cường quân số, vũ khí nhất là các loại hoả khí...), nhưng trung đoàn và đại đoàn đã không có sự giúp đỡ gì thêm, chỉ yêu cầu tiểu đoàn phải nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh.
- Về địch, sau đợt 1 của chiến dịch, tình hình quân địch nói chung và ở cứ điểm Đồi Mồi nói riêng đã có nhiều thay đổi. Công sự trận địa của chúng đã được củng cố chắc chắn hơn, liên hoàn hơn, chúng tăng cường cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cao hơn (không lơ là chủ quan như trước). Đặc biệt các khu vực nào nghi ngờ bộ đội ta tập trung, tiếp cận triển khai lực lượng tiến công cứ điểm, chúng sử dụng phi pháo bắn phá quyết liệt cả ban ngày và ban đêm nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực, phá sự chuẩn bị tiến công của ta.
- Địa hình khu vực tác chiến trống trải, đất đồi, đá sỏi cứng rắn cũng là nguyên nhân khách quan làm ảnh hưởng đến trận đánh. Quân địch chiếm giữ điểm cao, khống chế được khoảng không gian rộng lớn, kiểm soát được mọi hành động của bộ đội ta từ ngoài vị trí triển khai trận địa tiến công đến khu vực cửa mở, đột nhập vào bên trong, các tuyến đường vận động không có vật chắn che khuất, ta không làm được đường giao thông hào nên dễ bị pháo binh địch sát thương. Các loại hoả khí của ta đều phải bắn theo tà dương, hiệu quả trúng mục tiêu rất hạn chế, nhất là ban đêm. Hai khẩu sơn pháo 75mm của ta cũng phải bố trí xa cứ điểm địch gần một ngàn mét nên ảnh hưởng nhiều đến kết quả. Ngược lại, các trận địa pháo binh của địch ở Xuân Mai, Miếu Môn, Đa Sĩ đã có một thời gian dài (trong đợt 1) để điều chỉnh bắn phá tất cả các khu vực, mục tiêu cần đánh phá nên có độ chính xác cao.
Về nguyên nhân chủ quan:
- Việc nắm tình hình về địch, địa hình chưa chắc nên tiểu đoàn chưa tìm ra được những chỗ yếu, nơi sơ hở của quân địch để ta có thể hạn chế mặt mạnh của chúng, đồng thời tận dụng địa hình có lợi nhất để bố trí binh hoả lực của ta vừa có thể đánh địch đạt hiệu suất cao nhất lại vừa hạn chế thương vong do hoả khí của địch từ trong cứ điểm bắn ra, pháo binh địch từ các trận địa nơi khác bắn tới.
- Trong khoảng thời gian tiếp cận địch tại vị trí xuất phát xung phong, có nhiều bộ phận còn ỷ lại thời gian gấp, đất đá cứng rắn nên chưa tích cực đào công sự ẩn nấp, làm trận địa cho hoả lực, hố bắn cho xung lực, nên quân số bị thương vong cao khi quân địch bắn phá mãnh liệt vào các khu vực bộ đội ta triển khai (trung đội 12,7mm hành quân chiếm lĩnh chậm nên không kịp làm công sự trận địa).
- Bố trí binh lực còn phân tán (mang tính dàn đều). Hướng thứ yếu 2 (nghi binh) chỉ cần sử dụng một trung đội là đủ, lực lượng còn lại ưu tiên cho hướng chủ yếu ngay từ đầu (không nên để khi cần sử dụng phải di chuyển đội hình, gây thương vong lớn).
- Công tác hiệp đồng chiến đấu giữa hoả lực và xung lực chưa tốt nên hoả lực chưa chi viện kịp thời, đắc lực cho bộ binh mở cửa mở, cho xung kích thọc sâu đánh vào tung thâm; ta chưa chế áp được hoả lực địch mà còn để chúng tổ chức chống trả quyết liệt, gây nhiều khó khăn cho ta.
Khi Đại đội 60 và Đại đội 59 đã có một bộ phận đánh chiếm được một phần trận địa địch, nhưng ta chưa kịp thời phát huy kết quả đó để tổ chức lực lượng cố thủ đánh ngăn chặn địch, tiêu diệt từng mục tiêu, từng hoả điểm của chúng; đồng thời tìm mọi biện pháp để tiếp tục đưa lực lượng từ bên ngoài vào, nhất là một vài khẩu đội hoả lực như súng trung đại liên, súng cối 60, 82mm, để tăng thêm sức mạnh chiến đấu.
- Công tác tổ chức chỉ huy, kiểm tra của cán bộ các cấp còn thiếu sâu sát: kiểm tra lại đột phá khẩu, nắm lực lượng khi chiến đấu tung thâm, Đại đội 54 thực hiện lệnh của tiểu đoàn di chuyển bộ đội từ Tây Nam mỏm B sang phía Đông mỏm A chỉ có 6 đồng chí tới đúng vị trí, còn lại là bị thương và thất lạc nên không tăng cường được sức chiến đấu cho hướng chủ yếu đang gặp khó khăn.
2- Bài học kinh nghiệm
Trên cơ sở những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến trận đánh không thành công, có thể rút ra mấy bài học kinh nghiệm sâu sắc:
a- Đánh giá đúng tình hình địch, ta, địa hình để có phương pháp tiến công (cách đánh) chính xác, bảo đảm đánh chắc thắng.
Như Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh đã nhận định, địch ra Hoà Bình "là một cơ hội hiếm có cho ta tiêu diệt nhiều sinh lực địch". Hoà Bình là tỉnh miền núi, là nơi bộ đội ta phát huy được sở trường tiêu diệt địch "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù", hạn chế được ưu thế sức mạnh về hỏa lực phi pháo của địch. Mặc dù trong giai đoạn này vũ khí trang bị của ta còn khó khăn, thiếu hiện đại so với quân đội Pháp, nhưng các trận phục kích trên đường số 21, đường số 6, trên sông Đà… (trong đợt một của chiến dịch), quân ta đã tiêu diệt, tiêu hao nhiều bộ binh, xe tăng, tàu chiến, ca nô địch, khống chế các trục đường giao thông quan trọng gây cho chúng nhiều khó khăn, lúng túng về vận chuyển, tiếp tế lương thực, đạn dược cho các phân khu ở thị xã Hoà Bình, Chợ Bến, Ba Vì….
Vừa kết thúc đợt một của chiến dịch (ngày 26 tháng 12) ta bước vào luôn đợt hai (ngày 28 tháng 12), thời gian chỉ có hai ngày làm công tác chuẩn bị. Chính vì vậy, công tác điều tra nắm tình hình địch, địa hình tại cứ điểm Đồi Mồi của Tiểu đoàn 418 là chưa nhiều, chưa chu đáo, chưa cụ thể và tỷ mỷ. Quân địch có một đại đội Âu - Phi (theo thông báo của trên), tuy số quân không nhiều (so với một tiểu đoàn của ta), nhưng chúng chiếm đóng trên một khu vực địa hình trống trải, có chiều cao khống chế, kiểm soát được xung quanh; công sự trận địa tuy không kiên cố (chủ yếu bằng gỗ, đất) nhưng tương đối vững chắc, được chúng kịp thời rút kinh nghiệm từ những trận thất bại trước nên đã bố trí binh hoả lực với mật độ dày đặc hơn (mỏm A có 3 trung đội bộ binh, hai trận địa súng cối 81mm và chỉ huy đại đội, mỏm B có 1 trung đội bộ binh và một trận địa súng cối 81mm, 2 khẩu); Giao thông hào được nối liền các bộ phận với nhau, quân địch có thể dễ dàng cơ động lực lượng để thực hành đánh ngăn chặn có hiệu quả các mũi, hướng và các đợt xung phong của ta hoặc cơ động lực lượng kết hợp hoả lực bịt chặt các cửa mở của ta, làm gián đoạn sự tiến công, ngăn cách lực lượng ta ở bên trong và bên ngoài cứ điểm. Mặt khác, địch còn phát huy được ưu thế về hoả lực mạnh không những tại cứ điểm mà còn có sự chi viện kịp thời, chính xác của các trận địa pháo ở Xuân Mai, Miếu Môn, Đa Sỹ (cự ly từ 10 đến 15km). Nếu ta nổ súng tiến công mà không nhanh chóng mở được cửa mở, đưa xung kích thọc sâu vào đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu, quan trọng bên trong như chỉ huy sở, trận địa súng cối, tiêu diệt các hoả điểm đầu cầu, thì dễ dàng bị pháo binh địch kết hợp bộ binh, hoả khí bên trong cứ điểm đánh phá quyết liệt, tạo thành hàng rào lửa trước tiền duyên, nhất là khu vực mở cửa mở của ta. Thực tiễn trận Đồi Mồi diễn ra đúng như những dự kiến của tiểu đoàn.
Bộ đội ta đã có kinh nghiệm thực tiễn đánh công kiên từ nhiều trận đánh điển hình: Yên Bình Xã, Phủ Thông (1948), Bản Trại trong chiến dịch Cao Bắc Lạng (đầu năm 1949), Phố Ràng trong chiến dịch Sông Thao (tháng 5 năm 1949), Phong Phú trong chiến dịch Cầu Kè (tháng 12 năm 1949), Đông Khê trong chiến dịch Biên Giới (1950)… Đồng thời, quân đội ta cũng nghiên cứu và tiếp thu kinh nghiệm của Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc. Vì vậy, thời điểm này, trong đánh công kiên ta đã đề ra những nguyên tắc: phải tổ chức hướng chủ yếu, hướng thứ yếu; mở cửa đột phá nhanh, thọc sâu vào tung thâm nhanh, đánh chiếm mục tiêu trọng yếu nhanh, đánh quân phản kích nhanh; công tác chuẩn bị phải thật đầy đủ, thật chu đáo. Chỉ có nhanh ta mới không để mất thời cơ, tiêu diệt địch khi chúng bị bất ngờ, bị động đối phó lúng túng. Tuy nhiên, muốn đánh nhanh thì phải chuẩn bị thật đầy đủ, thật chu đáo, không hấp tấp, vội vàng, không đánh địch khi ta chưa điều tra nắm rõ tình hình lực lượng, sự bố phòng của địch, chưa hiểu rõ địa hình chỗ nào có lợi thế để chọn đúng điểm đột phá, bố trí xung lực, hoả lực của ta vừa tránh được sát thương của địch nhưng khi tiến công lại nhanh chóng, thuận tiện phát triển vào bên trong cứ điểm.
ở trận Đồi Mồi, sau khi nghiên cứu địa hình, so sánh lực lượng địch, ta, tiểu đoàn xét thấy công tác chuẩn bị chưa thật đầy đủ, chưa thật chu đáo, nếu tiến công quân địch bằng phương pháp cơ động lực lượng tiếp cận địch, triển khai làm công sự chiến đấu trong khoảng thời gian 2-3 giờ, tiến công dứt điểm trong đêm, rời khỏi trận địa trước lúc trời sáng, thì khó giành được thắng lợi. Tiểu đoàn đã đề nghị cấp trên xem xét, giúp đỡ về thời gian, lực lượng và phương pháp tiến công (cách đánh). Vì nếu tiến công quân địch phòng ngự trong công sự tương đối vững chắc bằng phương pháp đột phá thì binh hoả lực của ta phải mạnh hơn địch (thực hiện bốn nhanh). Quân số của tiểu đoàn tuy có hơn quân số của địch trong cứ điểm nhưng ít nhiều đã bị hao hụt qua các trận đánh ở đợt 1. Về hoả lực thì yếu hơn địch, các trận địa bố trí lại ở thế bất lợi (thấp hơn địch), địa hình trống trải nên không tránh khỏi thương vong, không thể chế áp được quân địch. Chọn phương pháp tiến công bằng đột phá trong một đêm (vừa hành quân, vừa chiến đấu, vừa lui quân) ta thường đánh các cứ điểm của địch nhỏ, tương đối cô lập mới dễ giành thắng lợi. Phương pháp tiến công quân địch phòng ngự tương đối vững chắc ở cứ điểm Đồi Mồi bằng đột phá của Tiểu đoàn 418 trong
đợt 2 của chiến dịch Hoà Bình là chưa phù hợp. Không thực hiện đúng khẩu hiệu "đánh chắc thắng" và không quán triệt tốt nguyên tắc tác chiến của ta là "tiêu diệt địch phải bảo toàn được lực lượng ta, càng đánh càng mạnh". Để bảo đảm chắc thắng cho trận Đông Khê mở màn chiến dịch Biên Giới (1950), ta sử dụng hai trung đoàn bộ binh (Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209), bốn đại đội sơn pháo (gồm 20 khẩu 70 và 75mm) đánh cụm cứ điểm chỉ có hai đại đội địch chiếm giữ, tuy giành thắng lợi nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, tổn thất.
Đây là một bài học kinh nghiệm sâu sắc về "chọn phương pháp tiến công (cách đánh)" của Tiểu đoàn 418 Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 nói riêng cũng như toàn quân ta nói chung. Một khi công tác chuẩn bị chưa thật đầy đủ, chưa chu đáo, lực lượng binh hoả lực của ta chưa thật mạnh hơn hẳn quân địch thì phương pháp tiến công bằng "đột phá" khó có thể thu được thắng lợi. Nhiều trận đánh bộ đội ta sử dụng phương pháp "tiến công bằng đột phá", bôn tập từ xa đến tập kết ở vị trí xung phong, làm công sự trận địa trong khoảng một thời gian ngắn sau đó tiến hành mở cửa mở, thực hành tiến công quân địch phòng ngự trong công sự vững chắc hoặc tương đối vững chắc, rồi rời khỏi trận địa ngay trước khi trời sáng, đã không thành công. Đó là trận Pheo, Đầm Huống trong chiến dịch Hoà Bình (cuối năm 1951 đầu năm 1952), trận Nà Si, Bản Vẩy (Nà Sản) trong chiến dịch Tây Bắc (năm 1952), trận Thạch Đà (1954)…, hoặc nếu thành công thì thương vong cũng rất lớn như: trận Tu Vũ (1951), trận Cầu Lồ (1954)1
Rút kinh nghiệm từ những trận đánh không thành công như Đồi Mồi, Pheo, Đầm Huống trong chiến dịch Hoà Bình, những trận đánh địch phòng ngự trong công sự vững chắc sau này giành được thắng lợi lớn là do có sự thay đổi và phát triển phương pháp tiến công. Đó là "phương pháp cơ động lực lượng tiếp cận địch, xây dựng trận địa xuất phát tiến công tương đối hoàn chỉnh, tiến công địch cả ngày đêm, có khi 2-3 ngày đêm" hoặc  "phương pháp cơ động một bộ phận lực lượng tiếp cận địch, xây dựng trận địa xuất phát tiến công tương đối hoàn chỉnh, sau đó đưa lực lượng vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát tiến công, hoàn chỉnh thêm trận địa để tiến công". Về lực lượng bộ binh: ta thường tập trung lực lượng bộ binh nhiều hơn (gấp 3-4 lần) quân địch, trong các trận then chốt của chiến dịch ta tập trung nhiều hơn (gấp 5-6 lần). Trận Pú Chạng (Nghĩa Lộ Đồi) mở màn chiến dịch Tây Bắc (1952), ta sử dụng một trung đoàn (Trung đoàn 102) đánh cứ điểm có một đại đội địch. Trận Him Lam mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), ta sử dụng một đại đoàn thiếu (Đại đoàn 312, thiếu Trung đoàn 165) đánh cụm cứ điểm có một tiểu đoàn địch…
b- Hiệp đồng chiến đấu giữa hoả lực với xung lực phải chặt chẽ.
Trong trận tiến công cứ điểm Đồi Mồi, Tiểu đoàn 418 được tăng cường một đại đội sơn pháo 75mm (hai khẩu), một đại đội trợ chiến (hai trung đội súng cối 81và 82mm), một trung đội súng máy cao xạ 12,7mm (hai khẩu). Như vậy, tất cả hoả khí của tiểu đoàn có 8 khẩu (2 sơn pháo 75mm, 4 cối 81 và 82mm, 2 khẩu súng máy cao xạ 12,7mm). Quân địch trong căn cứ có 6 khẩu cối 81mm bố trí thành 3 trận địa, mỗi trận địa có
2 khẩu (mỏm A có 2 trận địa, mỏm B có 1 trận địa); bên ngoài căn cứ Đồi Mồi (cách từ 10-15km) chúng có các trận địa pháo binh Xuân Mai, Miếu Môn, Đa Sỹ. Mỗi trận địa thường bố trí từ 2 đến 4 khẩu pháo 105mm kịp thời chi viện cho Đồi Mồi bất cứ lúc nào. So sánh về hoả khí của địch không những hơn ta về chất lượng mà về số lượng cũng nhiều hơn. Đặc biệt, các trận địa súng cối, các ụ súng trong cứ điểm Đồi Mồi lại ở thế trên cao, địch dễ dàng quan sát, khống chế các khu vực xung quanh cứ điểm như ngã ba Vai Cời, thôn Mô, dọc hai bên đường 21. Trong cứ điểm, địch có thể bắn chéo cánh sẻ, bắn lướt sườn đồi, bắn thẳng tới các vị trí ta có thể tiếp cận, triển khai binh hoả lực bên ngoài hàng rào để tiến công. Trong đợt 1 của chiến dịch, quân địch ở cứ điểm Đồi Mồi cũng như các trận địa pháo binh Xuân Mai, Miếu Môn, Đa Sỹ chưa bị ta tiến công nên chúng còn rất hung hăng, có thời gian để củng cố trận địa, hiệu chỉnh tầm hướng bắn tới các mục tiêu, nơi nào nghi có bộ đội ta hoạt động. Mặc dù vậy, cán bộ, chiến sĩ đại đội sơn pháo được tăng cường cũng như các phân đội hoả lực của tiểu đoàn cùng lực lượng bộ binh vào trận với khí thế, quyết tâm rất cao, không quản ngại hy sinh, ác liệt.
Do thời gian gấp và bảo đảm bí mật nên các đơn vị hoả lực được tăng cường cũng như các phân đội hoả lực của tiểu đoàn cùng xung lực hành quân vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát xung phong (không sử dụng hoả lực trong giai đoạn triển khai lực lượng). Theo từng khu vực được bố trí, bộ đội tranh thủ làm công sự trận địa, cán bộ các cấp quan sát, chỉ thị mục tiêu, thống nhất phương pháp bắn, hiệp đồng chiến đấu với bộ binh lần cuối. Mọi công tác chuẩn bị trước khi nổ súng tiến công đều diễn ra thuận lợi, đúng kế hoạch, hầu hết bảo đảm an toàn, bí mật, thông tin liên lạc thông suốt.
Giai đoạn pháo bắn chuẩn bị, chi viện cho bộ binh mở cửa và xung phong là giai đoạn có tính chất quyết định thắng lợi cho trận đánh. Vì ta phải nhanh chóng mở cửa qua hệ thống vật cản trong lúc pháo bắn chuẩn bị, mũi hướng nào mở cửa xong thường xung phong ngay. Hoả lực pháo cối làm nhiệm vụ chế áp pháo binh, súng cối địch, bắn phá các loại công sự, hầm ẩn nấp; tập trung bắn vào các mục tiêu như sở chỉ huy, trung tâm thông tin; vào khu vực gần cửa mở nhằm làm rối loạn chỉ huy, thông tin và diệt địch trong công sự. Khi bộ đội xung phong đánh chiếm đầu cầu, súng cối nhỏ bắn vào các mục tiêu bên trong.
 Hoả lực bắn thẳng trực tiếp như súng đại liên, trung liên, tiểu liên của phân đội mở cửa, phân đội đột kích 1 chế áp mạnh quân địch trong các ụ súng, các nhà hộp, các chiến hào, không cho địch phát huy sức mạnh hoả lực chống trả ta, bảo đảm an toàn cao nhất cho bộ đội mở cửa và xung phong.
Thực tế ở trận Đồi Mồi cũng vậy, khi có lệnh nổ súng, tất cả các loại hoả lực đều bắn mãnh liệt vào căn cứ địch như kế hoạch hiệp đồng tác chiến, nhưng do sơn pháo bắn ở cự ly xa, không lấy được điểm ngắm chính xác, nên hầu hết đạn không trúng mục tiêu; súng cối bắn dồn dập nhưng cũng không chính xác, không chế áp được hoả lực địch. Các loại hoả khí khác (súng 12,7mm, trung liên, đại liên) do bố trí trận địa thấp hơn địch và bắn tà dương quá lớn nên hiệu quả chiến đấu không cao. Các mục tiêu, hoả điểm địch không những không bị tiêu diệt mà chúng còn đánh trả ta quyết liệt (cả hoả lực từ trong cứ điểm và pháo binh bên ngoài cứ điểm bắn tới), bộ đội ta cả hoả lực và xung lực bị thương vong nhiều do địa hình trống trải, công sự trận địa sơ sài. Đặc biệt, các phân đội đột phá mở cửa mở, quân số bị thương nhiều, thời gian mở cửa kéo dài càng làm lộ rõ khu vực triển khai xung phong của bộ đội ta, kẻ địch lại càng tập trung hoả lực đánh phá tạo thành hàng rào lửa trước tiền duyên và trước cửa mở, gây khó khăn cho xung kích xung phong đánh chiếm các mục tiêu bên trong.
Sau khi cửa mở trên hai hướng đã thông, các phân đội xung kích của Đại đội 60 và Đại đội 59 đánh chiếm đột phá khẩu và phát triển vào tung thâm. Tiểu đoàn trưởng lệnh cho sơn pháo và súng cối các loại bắn mạnh vào trung tâm sở chỉ huy, trận địa súng cối chi viện cho bộ binh xung phong. Nhờ có hoả lực bắn trùm lên đỉnh mỏm A mà các mũi của Đại đội 60, Đại đội 59 xung phong đánh chiếm được một phần cứ điểm địch. Tuy vậy, do binh hoả lực của địch còn mạnh, lại ở thế trên cao đánh xuống, ta ở dưới đánh lên, quân số vũ khí ngày một hao hụt. Trong tình huống khó khăn này, chỉ huy trận đánh thường phải điều ngay một số súng máy, súng cối vào trong cứ điểm để trực tiếp chi viện cho bộ binh phát triển chiến đấu. Nhưng các phân đội bộ binh cũng như hoả lực bên ngoài của tiểu đoàn đều không vượt qua được khu vực cửa mở để phát triển vào bên trong (hầu hết bị thương vong), làm cho trận đánh của ta càng khó khăn hơn. Hoả lực không chi viện được cho bộ đội xung phong, giữ vững một phần trận địa đã chiếm và tiếp tục phát triển đánh chiếm các mục tiêu khác bên trong cứ điểm, nên phải dừng trận đánh.
Đối với việc chế áp các trận địa pháo binh của địch ở Xuân Mai, Miếu Môn, Đa Sỹ đều do pháo cấp trên chịu trách nhiệm, Tiểu đoàn 418 làm kế hoạch yêu cầu kiềm chế khi đơn vị nổ súng tiến công. Tuy nhiên, hầu như các trận địa pháo binh này của địch không bị khống chế và vẫn chi viện đắc lực cho quân địch ở cứ điểm Đồi Mồi, gây thêm nhiều khó khăn, tổn thất cho tiểu đoàn.
Thực tế ở trận Đồi Mồi đã cho người chỉ huy kinh nghiệm là phải biết sử dụng các loại hoả lực sao cho phát huy hết tính năng tác dụng của từng loại hoả khí. Muốn vậy, quá trình chuẩn bị trận đánh là lúc phải nghiên cứu xem xét thật kỹ lưỡng khu vực bố trí trận địa, nơi có địa hình thuận lợi nhất (tránh phải bắn tà dương quá lớn) để có tầm bắn hiệu quả nhất, tiêu diệt được địch nhưng bảo vệ được mình, đồng thời sẵn sàng cơ động để chi viện cho bộ binh khi có lệnh, kể cả các phân đội pháo cối đi cùng vào bên trong cứ điểm để trực tiếp chi viện cho xung lực.
Các phân đội hoả lực phát huy tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm kỷ luật chiến trường, mệnh lệnh người chỉ huy, đồng thời phải nêu cao tính sáng tạo, sử dụng nhiều phương pháp bắn có hiệu quả nhất (sơn pháo bắn trong giai đoạn đầu đều không trúng mục tiêu vì không lấy được điểm ngắm chính xác). Trong lúc chuẩn bị phải tích cực làm công sự trận địa, hầm tránh phi pháo nhằm bảo đảm an toàn cả cho người và hoả khí.
c- Mở cửa nhanh chóng, chính xác.
Trận Đồi Mồi, Tiểu đoàn 418 chọn hai hướng đột phá (hướng chủ yếu, hướng thứ yếu 1 và có hướng thứ yếu hai (nghi binh) là chính xác; mỗi hướng tổ chức mở một cửa mở phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh địa hình, tình hình thực tế về quân số, vũ khí của đơn vị.
Hướng đột phá chủ yếu thường chọn nơi địch tương đối yếu, gần nơi hiểm yếu, đồng thời là nơi ta có điều kiện triển khai binh hoả lực, nhất là các loại hoả lực bắn thẳng để diệt các ụ súng, lô cốt và kiềm chế các loại hoả lực của địch hòng ngăn chặn ta mở cửa và xung phong. Ta thường chọn vào khu vực tiếp giáp giữa hai hoả điểm (lô cốt, ụ súng) đầu cầu. Tuy nhiên, chọn đúng hướng đột phá là yêu cầu cấp thiết, hết sức quan trọng nhưng ta có mở được cửa mở nhanh chóng hay không, đúng hướng hay không để đưa lực lượng đột kích vào bên trong đánh chiếm các mục tiêu lại càng quan trọng, liên quan đến thành bại của trận đánh.
Hệ thống vật cản của địch được bố trí vòng ngoài cứ điểm (vòng trong là các ụ súng, lô cốt, công sự trận địa…) bao gồm nhiều hàng rào kẽm gai, xen giữa các hàng rào có các bãi mìn tạo nên chiều sâu vòng ngoài cứ điểm.
Khi được lệnh phát hoả, các loại pháo cối bắt đầu bắn trong giai đoạn chuẩn bị theo kế hoạch (theo thời gian và khu vực bắn), các phân đội làm nhiệm vụ đánh bộc phá mở cửa cũng bắt đầu thực hiện. Bộ đội mở cửa chủ yếu bằng cách đánh bộc phá ống (lượng nổ dài) liên tục, mỗi người sử dụng một quả (thực tế có khi một người đánh liên tục một vài quả), mỗi hàng rào thường bố trí đánh từ một đến hai quả, ngoài ra còn có lượng bộc phá ống dự phòng khi đánh lệch hướng hoặc hàng rào phá không hết (thời kỳ này ta chưa có bộ phá rào FR, chưa có mìn định hướng, chưa có dây nổ để đánh bộc phá đồng loạt). Trong điều kiện thuận lợi, thời gian phá hàng rào bằng bộc phá liên tục hết từ 15 đến 20 phút, trường hợp khó khăn thường phải mất hàng giờ.
Các phân đội mở cửa phải chuẩn bị bộc phá ống (kết nối hoả cụ) thật chu đáo, đúng kỹ thuật theo quy định, trang bị vật chất mang theo đầy đủ, gọn nhẹ, khi đánh phải nhận rõ hướng cửa mở từ bên ngoài hàng rào vào phía trong để mở cửa nhanh chóng, gọn sạch, đúng hướng.
Trận Đồi Mồi, quá trình mở cửa mở cũng diễn ra đúng kế hoạch đã định. Tuy vậy, do các loại hoả lực của ta không chế áp được hỏa lực địch, nên ngay từ phút đầu của trận đánh, trung đội mở cửa trên hai hướng đã bị tổn thất nặng, cán bộ đại đội, trung đội hy sinh, bị thương nhiều. Trên hướng chủ công của Đại đội 60, một mình đồng chí Tâm đánh liền 4 quả bộc phá mà chưa thông được cửa mở. Sau 25 phút, cửa mở trên hai hướng mới mở xong nhưng chưa gọn, chưa sạch. Thời gian mở cửa kéo dài chính là điều kiện cho địch tập trung hỏa lực đánh ngăn chặn ta quyết liệt nhất, khu vực trước tiền duyên cũng như ở cửa mở tạo thành hàng rào lửa, làm cho xung kích của ta không vượt qua được để xung phong phát triển vào bên trong đánh chiếm các mục tiêu. Hàng rào mở không sạch cũng gây nhiều khó khăn cho xung kích khi phát triển vào tung thâm phải tự khắc phục bằng cách dùng thang ván, dùng chăn, thậm chí phải dùng người trước nằm đè lên hàng rào kẽm gai để người sau vượt qua. Không những làm chậm sự tiến công của xung kích mà còn để quân địch có điều kiện phản đột kích, sát thương ta, trận đánh càng thêm khó khăn.
Từ thực tiễn trên cho thấy, khi đánh công kiên phải xác định mở đột phá khẩu là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa thành bại của cả trận đánh. Nếu mở cửa được nhanh, gọn, sạch, đúng hướng sẽ tạo thuận lợi cho xung kích phát triển vào tung thâm nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu. Ngược lại, nếu mở cửa chậm hoặc không gọn, không sạch hàng rào, để xung kích "nhùng nhằng" nơi đột phá khẩu, rất dễ bị thương vong nhiều do hoả lực địch đánh phá hoặc địch đưa lực lượng ra bịt cửa mở càng gây cho ta khó khăn hơn. Vì vậy, đơn vị cần phải quan tâm chăm lo giáo dục rèn luyện bộ đội nói chung và đặc biệt là các bộ phận làm nhiệm vụ đánh bộc phá có quyết tâm cao, dũng cảm ngoan cường, đồng thời có kỹ thuật tốt, thao tác nhanh chóng, chính xác.
Trận Đồi Mồi không thành công là do phương pháp tiến công (cách đánh) của ta chưa phù hợp, lực lượng binh hỏa lực không hơn hẳn địch, không chế áp được hoả lực của chúng trong cứ điểm bắn ra cũng như hoả lực pháo binh từ các trận địa bên ngoài cứ điểm bắn đến, làm cho bộ đội thương vong nhiều trước tiền duyên, khu vực cửa mở, không đưa được lực lượng xung kích đột phá vào bên trong, trận đánh không còn nhiều thời gian, không còn lực lượng dự bị nên phải kết thúc. Đó là những kinh nghiệm xương máu mà ta rút ra từ thực tiễn của trận đánh này.
Tài liệu tham khảo
1. Trận tiến công cứ điểm Đồi Mồi đêm 28 tháng 12 năm 1951 của Tiểu đoàn 418 Trung đoàn bộ binh 57. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, số TL 977.
 2. Quân đoàn 2. Tổng kết một số chiến thuật trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ (1945-1975), Nxb QĐND, Hà Nội 1999.
3. Lịch sử Sư đoàn 304, Nxb QĐND, Hà Nội 1990.
4. Lịch sử Quân đoàn 2, Nxb QĐND, Hà Nội 1994.
 5. Quân đoàn 2. Những trận đánh trong chiến tranh giải phóng (1945-1975), Tập IX, Nxb QĐND, Hà Nội 2001.
 6. BQP - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tổng kết chiến thuật trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), Nxb QĐND, Hà Nội 1999.
7. BQP - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Nxb QĐND, Hà Nội 2000.
8. BQP - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam (1945-1975), Nxb QĐND, Hà Nội 1995.
9. BQP - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Một số trận đánh trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), Tập V, Nxb QĐND, Hà Nội 2006.

Nguồn: Một số trận đánh trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), tập VII, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.7-39.
Download toàn văn bài viết tại:Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ


1. Năm 2009, xã Trung Sơn có 6 xóm (xóm Chũm, Bến Cuối, Lộc Môn, Đồng Lạt và Tân Thành),  số dân hơn 4.200 người chủ yếu dân tộc Mường (chiếm hơn 90%), diện tích đất tự nhiên 1.269,33 héc-ta, diện tích đất canh tác 230 hét-a.
1. Trn Tu Vũ: Ta dit 158, bt 12 tên địch; ta hy sinh 152, b thương 490 người. Trn Cu L: địch thương vong 50 tên; ta thương vong khong 200 người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!