Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

KẾT THÚC MỘT CUỘC CHIẾN TRANH



TRẦN BẠCH ĐẰNG
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc chiến tranh ở Việt Nam kết thúc - về thời gian, với từng địa phương ở miền Nam, ngày giờ kết thúc có xê dịch ít nhiều, song chúng ta và cả thế giới đều lấy ngày 30.4 làm thời điểm bởi đó là ngày Thành phố Sài Gòn, thủ đô của chính quyền do Mỹ dựng lên, được giải phóng. Nghĩa là, nơi đặt đầu não chiến tranh của kẻ thù đã đổi chủ, chính quyền Trung ương của kẻ thù đã sụp đổ. Những đề kháng còn lại đây đó không mang ý nghĩa toàn cục nữa và tất yếu sẽ tan vỡ.

Thuật ngữ mà chúng ta quen dùng là "Chiến dịch Hồ Chí Minh", chiến dịch quyết định toàn bộ cuộc chiến tranh mang thắng lợi về cho dân tộc chúng ta, tập trung ở chỗ dinh Độc Lập, tượng trưng cho chủ quyền phía địch đã đổi ngọn cờ cắm trên đỉnh cao - cờ giải phóng tung bay nơi quyền lực cao nhất đối với miền Nam và cũng là nơi mà cách mạng xem như điểm tiêu biểu nhất cần chiếm lĩnh cho toàn bộ cuộc kháng chiến. Xin nói thêm: Tổng khởi nghĩa 1945 tuy nhân dân Sài Gòn giành được chính quyền khắp các nơi ở Sài Gòn, Việt Minh đã kiểm soát gần như tất cả cơ quan chính trị, hành chính, quân sự, kinh tế, an ninh của Nhật - Pháp, song vẫn chưa thu hồi được Phủ toàn quyền - tức dinh Độc Lập sau này - bởi quân Nhật, dù bại trận, không chịu trao trả cho Việt Minh mà chờ quân đội Anh tiếp quản. Mậu Thân 1968, dinh Độc Lập là một trong hai mục tiêu hàng đầu - mục tiêu kia là Sứ quán Mỹ - mà quân giải phóng tấn công và gây được ảnh hưởng lớn, song vẫn chưa chiếm được. Cho nên, chiếm dinh Độc Lập ngày 30.4.1975 mang ý nghĩa lịch sử - giành toàn bộ chính quyền về nhân dân. Chúng ta nhấn mạnh những giờ phút cờ giải phóng kéo lên dinh Độc Lập với tính đặc biệt ấy.
Tuy nhiên, về mặt lịch sử, một chiến dịch dù quan trọng đến đâu vẫn không đại diện được cho thắng lợi của một cuộc chiến tranh. Đặc tả của một chiến dịch quan trọng nhất và là chiến dịch cuối cùng - việc cần thiết để hình dung tính thiêng liêng và oai hùng mà cả dân tộc phấn đấu để có được thời khắc cả trăm năm mới có, song chúng ta hiểu nó là kết quả của tổng thể, là độ bén nhọn định đoạt của một quá trình.
Thế giới xưa nay từng diễn ra không biết bao nhiêu cuộc chiến tranh. Có thể nguồn gốc của mỗi cuộc chiến tranh không Hòan toàn giống nhau, song nguồn gốc lại mang thuộc tính không khác nhau nhiều lắm trên làn ranh phân chia chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa. Còn kết thúc một cuộc chiến tranh, có thể nói, đủ màu vẻ, đủ dạng thức, dù cái phán xét cuối cùng, cơ bản nhất vẫn là sự thắng và thua. Nhưng cũng có hàng trăm cách thắng và hàng trăm cách thua.
Không cần đi vào các cuộc chiến tranh ở các nước, cả cổ kim lẫn đông tây, chỉ khuôn trong phạm vi chiến tranh tại Việt Nam thôi, chúng ta cũng thấy sự kết thúc không lần nào giống lần nào. Chúng ta xem xét một số cuộc kháng chiến lớn của dân tộc, từ thời đại tự chủ thế kỷ X. Sở dĩ tập trung vào sự xem xét kia vì trừ một số trường hợp cá biệt mang ý nghĩa nội chiến, còn hầu hết các cuộc chiến tranh của Việt Nam đều có chung tính chất chống xâm lược bên ngoài. Địch từ xa tới thường mạnh hơn ta, vượt qua biên ải, tiến vào trung tâm đất nước. Trong thời gian dài, những người lãnh đạo các cuộc đấu tranh ấy là các vương triều. Tính chất xã hội của các vương triều là một chuyện, còn những vương triều đi vào lịch sử hiển hách của dân tộc đều theo tinh thần "Nam quốc sơn hà Nam đế cư", không chỉ từ thời Lý. Trước thời Lý, Ngô Quyền đã phá quân Nam Hán năm 938, giết Hòang tử chỉ huy quân Nam Hán là Hoằng Tháo. Lê Hòan phá quân nhà Tống năm 981, giết tướng chỉ huy Hầu Nhân Bảo. Lý Thường Kiệt chống quân Tống năm 1076 tại phòng tuyến sông Như Nguyệt, cuối cùng buộc tướng Tổng chỉ huy Tống là Quách Quỳ rút quân. Đời Trần, năm 1257, đụng địch, bấy giờ là quân Mông Cổ, và cuộc chiến kéo dài chưa đầy một tháng thì Mông Cổ thua. Nhưng nhà Trần thực sự kháng chiến chống quân Mông - Nguyên - bấy giờ, Mông Cổ đã tiêu diệt nhà Tống, thành lập nhà Nguyên - trước sau hai lần, quy mô lớn. Lần đầu (1284 - 1285), với binh lực đến nửa triệu, tiến công bằng hai đường bộ phía Tây Bắc và phía Bắc, và một đường thủy đánh vu hồi từ Champa ra, bị quân ta ngăn chặn, chiến tranh ác liệt. Đến giữa 1285, Hòang tử tổng chỉ huy quân Mông Nguyên là Thóat Hoan phải tháo chạy. Lần sau (1287) vẫn do Thóat Hoan làm tổng chỉ huy, kéo đại quân sang đánh ta, tập trung dưới trướng những danh tướng hàng đầu của nhà Nguyên, cuộc chiến diễn ra hết sức ác liệt. Quân ta có lúc ở vào thế rất gian nan, cuối cùng, chém được tướng Toa Đô, bắt sống chỉ huy thủy quân Ô Mã Nhi và kết thúc bằng trận trên sông Bạch Đằng nổi tiếng vào năm 1288.
Lê Lợi chống quân Minh bằng quá trình khởi nghĩa, xây dựng vùng tự do ở Bắc Trung Bộ thông qua 10 năm gian khổ, cuối cùng bao vây Đông Đô (Hà Nội ngày nay) và thông qua một số chiến dịch lớn như Chi Lăng đã bức hàng Vương Thông là tướng chỉ huy của nhà Minh, giải quyết chiến tranh bằng cuộc hội thề dưới chân thành Đông Quan năm 1427. Và sau 362 năm- một thời gian dài nước ta không bị ngoại xâm, năm 1789, lần nữa dân ta kháng chiến chống quân Thanh. Chiến dịch thần tốc của vua Quang Trung đại phá quân Tôn Sĩ Nghị ngay tại Thăng Long, tướng chỉ huy quân Thanh bị giết khá nhiều, có kẻ phải tự sát, còn tướng tổng chỉ huy thì tháo chạy.
Thời cận đại trong lịch sử dân tộc, nước ta bị Pháp xâm lược vào giữa thế kỷ XIX và thời hiện đại, thế kỷ XX. Đến đây, yếu tố thời đại đã trở thành điểm quyết định thắng thua. Cùng là xâm lược Pháp cả, nhưng lần đầu, Pháp đặt ách thống trị trước hết ở Nam Bộ rồi ra toàn Việt Nam, thành công của chúng liên quan đến trình độ kháng chiến của triều đình nhà Nguyễn, nổi bật hơn tất cả là không huy động được sức mạnh của dân tộc để chống kẻ thù và là kẻ thù thuộc một thế giới mà triều đình chưa từng chạm trán. Đây là sự hạn chế có tính lịch sử. Cách mạng tháng Tám 1945 sản sinh ra một nước Việt Nam mới, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vạch ra chẳng những hướng đi mà cả chính sách cụ thể, cho nên chỉ trong thời gian 9 năm, chúng ta đã giải phóng được miền Bắc, đưa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên vị trí quốc tế. Nghiên cứu lịch sử Nam Bộ kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954, chúng ta thấy điều hết sức rõ ràng là chính tư tưởng chính trị, đường lối cứu nước quyết định. Nó khác với triều đình nhà Nguyễn vốn nặng tinh thần chủ bại, chăm chăm vào một số chiến dịch, hễ chiến dịch thất bại thì coi như đại cuộc hỏng. Thời đại chúng ta đã làm được chiến dịch Điện Biên Phủ sau hàng loạt chiến dịch lớn trong cả nước. Đó là những quả đấm không thể thiếu trong tiến trình thực hiện chiến tranh, song nó không diễn ra đơn độc. Dĩ nhiên, rút kinh nghiệm, phân tích chiến dịch - thậm chí qua một trận đánh cụ thể - là điều mà binh pháp xưa nay đều nhắc nhở. Đọc binh pháp Tôn Tử hay các nhà quân sự lẫy lừng của Châu Âu, chúng ta đều thấy sự phân tích các tình huống để dẫn đến một kết luận rộng lớn, căn cơ hơn. Ngay Binh thư Yếu lược, dù "tam sao thất bản", vẫn hàm chứa cái gì là bao quát và cái gì là thể hiện cho sự bao quát. Nguồn gốc của chiến thắng, nguồn gốc của thành công một chiến dịch, kể cả chiến dịch quyết định, luôn nằm trong tư tưởng chỉ đạo chung, tư tưởng quân sự, nói cách khác, triết lý quân sự.
Sau chiến thắng thực dân Pháp, chúng ta bắt đầu chống Mỹ; ban đầu là những hình thức chưa bao hàm chủ yếu các yếu tố quân sự, nhưng quy luật đấu tranh cuối cùng cũng dẫn đến phải có lực lượng quân sự mạnh - mạnh về sự tinh nhuệ, về sự giỏi giang, sự ứng biến, về bày binh bố trận và tất nhiên, cả về trang bị kỹ thuật. Quá trình kháng chiến chống Mỹ nằm trong quy luật của tư tưởng lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta hiểu ý nghĩa lời chúc Tết của Bác Hồ sau Mậu Thân 1968:
               "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào"
Đó là một triết lý, một học thuyết quân sự trong điều kiện của Việt Nam. Mỹ không cút thì ngụy khó nhào, Mỹ đã cút thì ngụy tất nhiên phải nhào. Vấn đề là thời gian mà thôi. Sự phân định kia, qua câu chúc Tết, đã hàm chứa tư tưởng cực lớn của cuộc kháng chiến.
Kháng chiến chống Mỹ thừa kế truyền thống kháng chiến nói chung của dân tộc, trực tiếp nhất là thừa kế tinh hoa khoa học của kháng chiến chống Pháp trước đó, cho nên mới đẻ ra những tư tưởng chỉ đạo mang tính nguyên tắc như "ba vùng chiến lược, "hai chân ba mũi", "đẩy lùi địch từng bước, giành thắng lợi từng phần, tiến tới giành thắng lợi quyết định", "kết hợp quân sự, chính trị, ngoại giao"... Chúng ta đọc lại tác phẩm "Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, vì tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới". của đồng chí Lê Duẩn sẽ thấy đồng chí đặt vấn đề mục đích cách mạng và phương pháp cách mạng ở tầm vóc tương ứng. Mục đích đúng phải có phương pháp đúng. Đồng chí Lê Duẩn, trong thư gửi vào Nam, nhấn mạnh rằng khai thác mâu thuẫn nội bộ địch là vấn đề chiến lược và nêu lên một suy nghĩ đặc thù Việt Nam: mâu thuẫn nội bộ địch đôi khi có sức hủy họai thế lực của chúng mạnh không kém một cuộc tấn công lớn của ta.
Ta thắng, địch thua là lý tưởng của kháng chiến, song thắng cách nào và buộc địch thua cách nào đòi hỏi sự vận dụng hết sức sáng tạo, hết sức thông minh. Cũng có đến ba bảy đường thắng, nhưng ngay trong cái thắng, hình thức nào tối ưu nhất luôn là điều mà vào một thời gian nào đó phải được tính toán chặt chẽ. Cuộc tổng công kích để giải phóng Hòan toàn miền Nam, bắt đầu từ đầu năm 1975, đặt lên bàn lãnh đạo nhiều phương án khác nhau. Phương án thông thường là tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá vỡ nhiều phòng tuyến và căn cứ của địch - chúng ta nhất định phải làm ở nơi này, nơi khác. Còn đối với thủ đô của địch, cái cần cân nhắc là chhiến thắng - tất nhiên rồi - sao cho ít đổ nát nhất, ít hao tốn sinh mệnh nhất, kể cả phía ta lẫn phía địch. Những gì mà chúng ta đạt được vào ngày 30.4 tại Sài Gòn đã cho thấy tư tưởng quân sự, tư tưởng chiến tranh của Đảng Cộng sản Việt Nam chứa đựng tính nhân văn rất cao. Cứ nhìn Thành phố Sài Gòn sau 30 năm giải phóng, chúng ta sẽ thấy nếu trên cơ sở nhà cửa đổ nát, cầu bị phá sập, hạ tầng không được duy trì... thì kể cả với 30 năm dốc toàn lực, sự phục hồi cũng đầy rẫy khó khăn chứ không nói phát triển như hiện nay. Còn khía cạnh khác, chết chóc kéo dài và tăng số lượng, hậu quả về xã hội thật khó tính toán, nhất là vào lúc đó, muốn gì thì muốn, vấn đề vẫn là những người Việt Nam giải quyết với nhau, bởi Mỹ đã cút, không trực tiếp tham chiến nữa. Nếu thành phố đổ nát, đẫm máu thì chắc chính quyền Mỹ là kẻ hoan hỉ hơn hết. Vào giờ cuối cùng, mong muốn còn lại của Mỹ là để lại sau chiến tranh cảnh tàn phá vật chất và cảnh chết chóc đến mọi gia đình - những lợi thế mà chúng sẽ khai thác trong tương lai liền sau đó. Có lẽ cũng cần nói thêm điều sau đây: Trung ương Đảng dự kiến cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam sẽ kết thúc vào năm 1976, song tình thế phát triển sau khi Mỹ rút đặt cho Trung ương quyết tâm giành thắng lợi sớm hơn. Chính thực tiễn chính trị và quân sự tại miền Nam đã cho Trung ương những cơ sở khoa học cho quyết tâm kia, trong những cơ sở khoa học đó nổi lên điều kiện nội tại của kẻ thù không cho phép kẻ thù kéo dài sự tồn tại nếu ta khai thác tốt thời cơ. Sự thật đã cho thấy tư tưởng chiến tranh sáng tạo của Đảng ta. Một khía cạnh đặc sắc nữa, là vào lúc chiến dịch Tây Nguyên - nhất là trận Buôn Ma Thuột - diễn ra dồn dập, khu vực được xem là "nóc Đông Dương" trong phút chốc bị Quân giải phóng chiếm lĩnh, quân ngụy tán loạn đến mức phải đeo bám càng trực thăng "di tản", cũng có một câu hỏi đặt ra: Mỹ trở lại không? Đồng chí lãnh đạo cao nhất Đảng ta trả lời quả quyết: Không! Một ý chí cách mạng dựa trên luận cứ khoa học vững chắc.
Thế giới lạ lùng với sự kết thúc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, bởi hình ảnh của một Berlin nát vụn, một Bình Nhưỡng và Hán Thành thành bình địa... Ngày nay, du khách đến Bắc Kinh có thể chiêm ngưỡng Cố cung, Tử Cấm Thành, Di Hòa Viên... và bao nhiêu di tích của hàng trăm, hàng ngàn năm để lại, đương nhiên người ta hỏi nếu Phó Tác Nghĩa với ba bốn trăm ngàn quân trong tay nổ súng - và tháo chạy - thì Bắc Kinh sẽ còn gì để thế giới đến thưởng ngoạn? Tôi rất đồng ý là không có một đề kháng nào vào những ngày tháng 4.1975 có thể chặn bước Quân giải phóng của chúng ta. Nhưng cầu Rạch Chiếc vẫn nhắc chúng ta rằng một nhóm quân nhỏ thôi vẫn có thể làm sập một chiếc cầu và khiến bao nhiêu người chết. Chủ nghĩa thực dân mới Mỹ không phải không tạo được một tầng lớp cuồng tín, tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Tây Nam Bộ, tự sát chứ không đầu hàng, tuy là cá biệt nhưng không phải là điều tuyệt đối không xảy ra. Ai đã từng sống giữa Thành phố Sài Gòn sau ngày giải phóng đều biết, súng đêm đêm vẫn nổ, vụ nhà thờ Vinh Sơn là ví dụ. Kẻ thù không làm được nhiều hơn điều chúng muốn bởi thế cách mạng áp đảo, bởi chính nghĩa đã ngự trị ở thành phố. Chúng ta còn phải tiếp tục chống lại đám Hồ Thái Bạch, đám Fulro một số năm. Nói như thế để thấy rằng địch tuy thế cùng lực kiệt nhưng không phải là đã hết khả năng  phá họai, không to thì nhỏ. Có ở đâu xe tăng Quân Giải phóng vào thành phố được người dân thành phố, cả nữ sinh dẫn đường? Có ở đâu mà ngày "Việt Cộng" nhập thành đi giữa cờ hoa rợp trời, giữa niềm hoan hỉ tràn ngập?
Chiến thắng chiến tranh là công lao của mọi người, trước hết, công lao của những chiến binh. Không có điều gì phải bàn cãi. Những người lính giải phóng quê ở khắp nơi trên đất nước ta đã kéo về giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, không ít người đã ngã xuống ngay trước giờ khải Hòan.
Chiến dịch là một bộ phận của chiến tranh, bộ phận chủ yếu, và đến lượt nó, chiến tranh là tấm gương phản chiếu của cuộc đấu tranh dân tộc, của chính nghĩa. Kết thúc một cuộc chiến tranh như ta kết thúc là kết thúc một quá trình hy sinh của cả dân tộc, một quá trình sáng tạo của Đảng lãnh đạo, của ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh.
Và, với ngày 30 tháng 4 năm 1975, kết thúc một cuộc chiến tranh phạm vi một nước, còn đạt cái mà chúng ta ao ước, mong mỏi tự xa xưa - tôi nói sự thống nhất quốc gia về lãnh thổ và về chế độ, dân ta từng "hận Sông Gianh", từng đau về Bến Hải... Hơn nữa, kết thúc chiến tranh mở đầu kỷ nguyên mới xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, nhân văn... Cho nên, ngày 30 tháng 4 năm 1975 chẳng những kết thúc thời kỳ giành độc lập, tự do, thống nhất mà còn là kết thúc một giai đoạn lịch sử và mở đầu một kỷ nguyên lịch sử mới chưa từng có ở Việt Nam trước đây. Thật dễ hiểu, khi sự kết thúc ấy tuyển lọc tinh anh của tinh thần, văn hiến dân tộc qua nhiều ngàn năm, từ chập chững đến cứng cáp, hội các chương sử viết bằng máu của các nhà vua, các vương công, các sĩ phu, các liệt sĩ chưa giác ngộ cộng sản và được người cộng sản thời đại tạc khắc vào đá bằng đại tự: Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do và Đại đoàn kết dân tộc đồng nghĩa với đại thành cộng.
Cả nước hy sinh cho một kết quả như thế. Bác Hồ mãn nguyện. Cha ông ta, con cháu ta sau này mãn nguyện.
Một chiến thắng như thế nổi bật trong các chiến thắng chống ngoại xâm của người Việt Nam, cần đo lường bằng trái tim, bằng truyền thống vì chiều kích quá lớn của nó...

Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!