Sự chỉ đạo của
Tổng hành dinh đối với các trục đường vận chuyển chiến lược nói chung và với
tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn nói riêng, gắn liền với sự chỉ đạo công tác
chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam và là sự
chỉ đạo thường xuyên và trực tiếp trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước. Trong bản tham luận này, tôi chỉ xin đề cập một số sự kiện về sự chỉ đạo
của Tổng hành dinh đối với tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn từ khi quân Mỹ
vào và từng bước leo thang chiến tranh, đến khi ta phát động cuộc Tổng tiến
công chiến lược Xuân Mậu Thân 1968.
Đó là những năm tháng các lực lượng trên con đường huyền thoại này vượt qua muôn vàn khó khăn hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chiến trường, góp phần tạo nên một bước ngoặt chiến lược, buộc đế quốc Mỹ phải từng bước xuống thang chiến tranh.
Đó là những năm tháng các lực lượng trên con đường huyền thoại này vượt qua muôn vàn khó khăn hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chiến trường, góp phần tạo nên một bước ngoặt chiến lược, buộc đế quốc Mỹ phải từng bước xuống thang chiến tranh.
Từ đầu năm
1965, Thường trực Quân ủy Trung ương đã xác định: về tổ chức và các mối quan
hệ, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 có quyền hạn như một quân khu, dưới sự chỉ đạo trực
tiếp của Quân ủy Trung ương. Ba cơ quan tham mưu, chính trị và hậu cần của Tổng
hành dinh có nhiệm vụ giúp Quân ủy Trung ương chỉ đạo Đoàn 559 về mọi mặt.
Vào thời điểm
những đơn vị chiến đấu đầu tiên của quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, trên tuyến đường
vận chuyển chiến lược 559 đã hình thành ba lực lượng chính: lực lượng mở đường
mới, sửa chữa và củng cố các đường cũ; lực lượng vận chuyển, giữ kho và lực
lượng chiến đấu bảo vệ tuyến đường. Để bảo đảm cho Đoàn 559 hoàn thành nhiệm vụ
bảo vệ hành lang, bảo vệ hàng hóa, hoàn thành các kế hoạch vận chuyển, bảo đảm
kế hoạch hành quân của các lực lượng tăng cường, từ tháng 4 năm 1965 Bộ Tổng
Tham mưu luôn quan tâm tăng cường lực lượng cho Bộ Tư lệnh Đoàn 559, bao gồm
thanh niên xung phong, bộ binh, công binh và nhất là lực lượng phòng không.
Quân
Mỹ trực tiếp vào tham chiến (năm 1965); cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của
nhân dân ta đứng trước những thử thách, khó khăn gấp nhiều lần, yêu cầu chi
viện chiến trường ngày càng lớn. Để tạo điều kiện bảo đảm hoạt động của các
chiến trường trong tình hình mới, một vấn đề được Tổng hành dinh đặc biệt quan
tâm lúc này là ngành giao thông vận tải chiến lược. Từ đầu năm 1965, Bộ Chính
trị và Ban Bí thư đã có chỉ thị về đảm bảo giao thông chi viện tiền tuyến,
nhưng thực tế cho thấy các ngành, các cấp (kể cả ngành giao thông và quân đội)
chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác vận chuyển chiến lược chi viện
chiến trường, cho nên chưa có chuyển biến cơ bản cả về tổ chức và lãnh đạo.
Ngay
sau khi quân Mỹ vào, do máy bay địch ngày càng tập trung đánh phá ác liệt trên
tuyến đường vận chuyển chiến lược, lại do thời tiết mùa mưa nên việc đảm bảo
giao thông chi viện chiến trường ngay trong năm đầu dánh Mỹ đã phải đối mặt với
nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến kế hoạch tác chiến chiến lược.
Ngày
17 tháng 6 năm 1965, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương triệu
tập Hội nghị Thường trực Quân ủy bàn chuyên đề về công tác giao thông bảo đảm
chi viện chiến trường. Hội nghị xác định: phải làm cho toàn Đảng, toàn quân,
toàn dân nhận rõ công tác trung tâm đột xuất hiện nay là vấn đề bảo đảm giao
thông vận chuyển, trên cơ sở đó mà động viên mọi người tích cực tham gia giải
quyết. Riêng đối với quân đội, hai nhiệm vụ chính trong công tác giao thông vận
chuyển là: chiến đấu với máy bay địch, bảo đảm cầu phà, nhất là cầu phà trọng
yếu và tổ chức lực lượng phòng không bảo vệ các chuyến xe lửa quan trọng.
Thường trực Quân ủy giao nhiệm vụ cho Bộ Tổng Tham mưu nghiên cứu phát triển
thêm công binh, trước mắt là tăng cường công binh cho Quân khu 41.
Ngày 3 tháng 7, Bộ Tổng Tham mưu ra chỉ thị về việc củng cố tổ chức biên chế
Đoàn 559 với quân số (năm 1965) là 16.722 người. Tiếp đó, trước yêu cầu bảo vệ
tuyến đường ngày càng tăng, từ cuối năm 1965 và các năm sau, Bộ Tổng Tham mưu
tiếp tục điều thêm một số đơn vị công binh, phòng hoá và súng phòng không cho
Đoàn 559.
Một
mốc quan trọng về sự chỉ đạo của Tổng hành dinh đối với công tác giao thông vận
tải chi viện chiến trường thời kỳ này là Nghị quyết của Tổng hành dinh (Nghị
quyết ra đời khoảng ba tháng sau khi quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam). Ngày 4
tháng 6 năm 1965, Tổ Thường trực gồm 5 đồng chí ủy viên Bộ Chính trị và Quân ủy
Trung ương họp và đề ra chủ trương: Giữ vững quyết tâm, đẩy mạnh đấu tranh
quân sự và đấu tranh chính trị, tập trung lực lượng giành thắng lợi quyết định
trong thời gian tương đối ngắn, đồng thời chú trọng chuẩn bị về tư tưởng và tổ
chức để thắng địch trong trường hợp chiến tranh có thể kéo dài và biến dần
thành "chiến tranh cục bộ".
Triển
khai quyết tâm chiến lược trên đây, ngày 12 tháng 7 năm 1965, trong báo cáo gửi
lên Bộ Chính trị về tình hình 6 tháng đầu năm 1965 và chủ trương chiến lược sắp
tới, Quân ủy Trung ương nhận xét rằng trong lãnh đạo công tác chi viện miền Nam
còn có vấn đề đặt ra chưa đúng mức, chưa kịp thời và chưa phát động được toàn
dân tham gia, ví như vấn đề bảo đảm giao thông vận tải. Nguyên nhân là do nhận
thức chưa đầy đủ về tình hình nửa nước có hoà bình, nửa nước có chiến tranh
trước đây và nhận thức về tình hình cả nước có chiến tranh hiện nay. Trên cơ sở
dự kiến đế quốc Mỹ sẽ tiếp tục đưa quân vào và khả năng từng bước chuyển từ
"chiến tranh đặc biệt" sang "chiến tranh cục bộ", Quân ủy
Trung ương đề nghị: để kịp thời đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn của chiến trường
khi chiến tranh mở rộng, bên cạnh việc củng cố và phát triển ngành giao thông
vận tải của Nhà nước là chính, cần tổ chức giao thông quân sự để bảo đảm vận
chuyển cho tiền tuyến, bảo đảm những nhiệm vụ đột xuất và trên những địa bàn
trọng điểm.
Sau khi có nghị quyết của Bộ Chính trị về vấn đề giao thông
vận tải, liền trong ba ngày từ 20 đến 23 tháng 10 năm 1965, Đại tướng, Bí thư
Quân ủy Trung ương Võ Nguyên Giáp triệu tập Hội nghị Thường trực Quân ủy Trung
ương thảo luận và xác định: Quân đội phải hết sức coi trọng vấn đề bảo đảm giao
thông; vấn đề giao thông và vấn đề vận tải phải đi đôi; cả Bộ Giao thông, cả Bộ
Quốc phòng, toàn quân, toàn dân cùng tham gia mới bảo đảm được giao thông trong
điều kiện đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại; ở nơi nào gay go, liên quan
đến tác chiến hoặc gặp nhiều khó khăn, một lực lượng không giải quyết được thì
bộ đội phải được kịp thời điều đến tăng cường để cùng làm. Cũng trong cuộc họp
này, Thường trực Quân ủy đã quyết nghị một số vấn đề cụ thể về các tuyến
giao thông cần bảo đảm, dự kiến đường mới cần làm thêm, trong đó có đường trong
hệ thống đường chiến lược 559 và giao cho Bộ Tổng Tham mưu bàn với Bộ Giao
thông về phân công phụ trách các tuyến đường, về chiến đấu bảo vệ các trọng
điểm, về xây dựng và quản lý lực lượng, về tổ chức chỉ đạo…
Trên đường vào Nam phổ biến Nghị quyết Trung ương 12, ngày 31 tháng 3 năm 1966, Phó Tổng Tham
mưu trưởng Hoàng Văn Thái gửi
thư ra cho Tổng Tư lệnh Võ Nguyên
Giáp báo cáo tình hình vận chuyển trên tuyến đường 559, một năm sau khi quân Mỹ
vào miền Nam. Thư viết: Đến nay, có thể kết luận được vì sao kế hoạch vận
chuyển của Đoàn 559 không thực hiện được trong thời gian đã định. Về nguyên nhân khách
quan, đó là do đường dài lại xấu nhưng chủ yếu là do địch đánh quá mạnh, nhất
là từ đầu năm 1966; về nguyên nhân chủ quan, đó là do nhận thức tình hình, nhận
thức về âm mưu và thủ đoạn đánh phá của địch chưa sâu sắc, trên đề ra kế hoạch
nhưng dưới chuyển biến chậm cả về nhận thức và tổ chức thực hiện. Bản thân kế
hoạch có mặt tích cực nhưng thiếu cơ sở thực tế: đề ra thường chủ quan, số
lượng lớn nhưng thời gian không đủ để thực hiện. Trong những nguyên nhân chủ
quan nói trên, không chỉ do sự chỉ đạo của Tổng cục Hậu cần và Đoàn 559 còn đơn
giản mà còn do "anh em ở dưới có vấn đề tư tưởng đấy". Cụ thể là anh
em thực sự gặp rất nhiều khó khăn mà sức mình không thể khắc phục được, nhưng
lại sợ không dám trình bày hết với trên, do đó lo lắng và có phần bi quan,
trong khi lực lượng vận chuyển ngày càng đau yếu, thiếu ăn, thiếu thuốc…
Cuối
cùng, để khắc phục tình hình trên, đồng chí Hoàng Văn Thái đề nghị Quân ủy
Trung ương chỉ đạo giải quyết những vấn đề sau đây:
1.
Kế hoạch cần được tính toán lại cho sát với khả năng thực tế hơn, cần chia ra
từng đợt hoạt động hè - thu - đông.
2.
Kế hoạch vận chuyển cần đi đôi với kế hoạch chiến đấu, đánh địch để bảo vệ
đường, bảo vệ vận chuyển. Phải coi đây là một kế hoạch chiến đấu, chứ không chỉ
là kế hoạch vận chuyển thông thường. Cán bộ, chiến sĩ từ trên xuống phải có ý
thức đầy đủ về mặt này.
3.
Phải lãnh đạo, chỉ huy tập trung bảo đảm vận chuyển từng đoạn, từng đợt, có
trọng điểm. Lực lượng và phương tiện cũng phải sử dụng tập trung hơn, tổ chức
hiệp đồng thật chặt chẽ.
4.
Cần tăng cường phòng không thích đáng, coi đây là trọng điểm bảo đảm số 1.
Phòng không bố trí có khu vực, có cơ động để chi viện cho trọng điểm.
5.
Phải cố gắng khắc phục bằng được tình hình hiện nay là việc vận chuyển, nhất là
gạo và xăng không kịp thời đáp ứng yêu cầu của chiến trường.
6.
Đối với sinh hoạt của anh em trên hành lang, một mặt phải tích cực sản xuất tự
túc, mặt khác phải đảm bảo nhu cầu ăn uống, thuốc men để có đủ sức khỏe.
7.
Kế hoạch cho các đơn vị quân tăng cường vào chiến trường miền Nam phải được
chuẩn bị chu đáo về tư tưởng và tổ chức, không nên vội vã, vì vừa qua đi ồ ạt
nên tình trạng đào ngũ ngày càng nhiều, phát sinh nhiều khó khăn cho trong này
và trên đường hành lang.
Bức
thư của đồng chí Hoàng Văn Thái đã trở thành nội dung chủ yếu của cuộc họp
chuyên đề sau đó giữa Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với thủ trưởng ba cơ quan
quân sự Tổng hành dinh nhằm tìm giải pháp cụ thể hạn chế những khó khăn và khắc
phục những thiếu sót trong việc vận chuyển chi viện chiến trường. Trước mắt, Bộ
Tổng Tham mưu chỉ đạo Đoàn 559 thực hiện một số biện pháp tổ chức hành quân nhằm khắc phục những khó khăn về lương
thực2. Tiếp đó, ngày 16 tháng
8 năm 1966, Bộ Tổng Tham mưu
và Tổng cục Hậu cần họp bàn chuyên đề về chỉ đạo tổ chức vận chuyển của Đoàn 559 nhằm bảo đảm cho quyết tâm chiến lược mới, quyết tâm giành thắng lợi quyết định trong năm 1967. Các biện pháp nêu lên gồm kết hợp đường bộ và đường sông, kết hợp phương tiện thô sơ với cơ giới, xác định sự phân công giữa Đoàn 559 với lực lượng Hậu cần Tây Nguyên… Riêng về tổ chức hành quân của lực lượng tăng cường, sau khi tổng hợp tình hình năm 19663, thấy lực lượng bị hao hụt rất nhiều dọc đường hành quân, nhất là chặng đường từ Tây Nguyên vào Nam Bộ, Bộ Tổng Tham mưu đã tự nghiêm khắc kiểm điểm thấy trách nhiệm của mình và xác định sẽ cùng Bộ Tư lệnh Miền và Mặt trận Tây Nguyên nghiên cứu để kịp thời khắc phục... Ngay sau đó, Bộ Tổng Tham mưu đã tổ chức các đoàn cán bộ vào kiểm tra và giúp đỡ trong công tác tổ chức hành quân. Do số lượng quân tăng cường vào Nam trong năm 1967 rất đông nên Thường trực Quân ủy Trung ương cũng đặt công tác lãnh đạo, tổ chức chỉ huy hành quân thành một công tác đột xuất và coi như một chiến dịch lớn. Trong dịp này, một số cán bộ có năng lực đã được Tổng hành dinh tăng cường cho Bộ Tư lệnh 559.
và Tổng cục Hậu cần họp bàn chuyên đề về chỉ đạo tổ chức vận chuyển của Đoàn 559 nhằm bảo đảm cho quyết tâm chiến lược mới, quyết tâm giành thắng lợi quyết định trong năm 1967. Các biện pháp nêu lên gồm kết hợp đường bộ và đường sông, kết hợp phương tiện thô sơ với cơ giới, xác định sự phân công giữa Đoàn 559 với lực lượng Hậu cần Tây Nguyên… Riêng về tổ chức hành quân của lực lượng tăng cường, sau khi tổng hợp tình hình năm 19663, thấy lực lượng bị hao hụt rất nhiều dọc đường hành quân, nhất là chặng đường từ Tây Nguyên vào Nam Bộ, Bộ Tổng Tham mưu đã tự nghiêm khắc kiểm điểm thấy trách nhiệm của mình và xác định sẽ cùng Bộ Tư lệnh Miền và Mặt trận Tây Nguyên nghiên cứu để kịp thời khắc phục... Ngay sau đó, Bộ Tổng Tham mưu đã tổ chức các đoàn cán bộ vào kiểm tra và giúp đỡ trong công tác tổ chức hành quân. Do số lượng quân tăng cường vào Nam trong năm 1967 rất đông nên Thường trực Quân ủy Trung ương cũng đặt công tác lãnh đạo, tổ chức chỉ huy hành quân thành một công tác đột xuất và coi như một chiến dịch lớn. Trong dịp này, một số cán bộ có năng lực đã được Tổng hành dinh tăng cường cho Bộ Tư lệnh 559.
Để
chủ động chuẩn bị bước vào mùa khô 1967 - 1968, Bộ Tư lệnh 559 đã chọn đường 20
làm hướng vượt khẩu chủ yếu, vì đường khá tốt và vào tới đường 9 gần hơn.
Khoảng trung tuần tháng 10 năm 1967 các khâu chuẩn bị trên tuyến đường vận
chuyển chiến lược 559 đã hoàn tất. Mưa trên Trường Sơn đã giảm, đường se khô,
mực nước sông suối xuống dần. Các lực lượng trên toàn tuyến đã tiếp cận khu vực
cửa khẩu, sẵn sàng chờ lệnh. Cuối tháng 10, khi toàn tuyến 559 triển khai lệnh
"vượt khẩu" cũng là thời điểm không quân địch tập trung đánh phá các
cửa ngõ vào tuyến vận chuyển chiến lược của ta. Nhưng do chủ động phương án đối
phó với địch lại tận dụng yếu tố bất ngờ nên chỉ sau 8 ngày "chiến dịch
vượt khẩu mật tập, dứt điểm" đã hoàn thành kế hoạch. Đó là thắng lợi trận
đầu trong mùa khô 1967 - 1968.
Nhưng
rồi đã sớm xuất hiện một trong những khó khăn trực tiếp đối với tuyến đường vận
chuyển chiến lược 559 ngay trong quá trình ta mở các đợt tiến công chiến lược
Mậu Thân: địch tung lực lượng ra chốt ở vùng tây Thừa Thiên hòng ngăn chặn ở
một nơi hiểm yếu trên con đường vận chuyển chi viện của ta. Ngay sau khi nghe
tin địch hành quân ra vùng A Lưới, ngày 23 tháng 4 năm 1968, Bộ Tổng Tham mưu
đã báo cáo Thường trực Quân ủy Trung ương về phương án tác chiến đánh địch. Ngay
hôm sau, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng điện cho Tư lệnh Đoàn 559 Đồng Sỹ
Nguyên, nhấn mạnh yêu cầu giữ vững quyết tâm làm đường vào Khu 5; sử dụng 3.000
quân bổ sung hiện đang ở binh trạm 7 làm lực lượng gùi thồ hàng vòng qua vùng
địch tạm đóng, đồng thời hướng dẫn một số biện pháp xử trí nhằm bảo vệ
an toàn số xe pháo của ta trong khu vực Binh trạm 7. Tiếp đó, ngày 29 tháng 4 năm 1968, Bộ Tổng Tham mưu lại gửi điện hướng dẫn kế hoạch cụ thể tổ chức các
cụm chiến đấu đánh địch đóng chốt khu vực đường 12, bảo vệ kho tàng và hướng
dẫn việc tổ chức lực lượng vận chuyển gùi thồ qua khu vực có địch. Điện nhấn
mạnh: Trong bất cứ trường hợp nào, kể cả trường hợp địch nống ra chiếm đóng A
Sầu, chúng ta vẫn giữ vững quyết tâm, dùng lực lượng các đoàn quân bổ sung ở
gần nhất vào nhiệm vụ chiến đấu và tổ chức
gùi thồ, bảo đảm cho Khu 5 và Trị Thiên theo kế hoạch đã được xác định.
Cục Tác chiến còn cử phái viên vào Binh trạm 7
để nắm tình hình và trực tiếp giúp thực hiện quyết tâm của Bộ.
Cũng
vào thời điểm này, trước tình hình địch tiếp tục tăng quân ra vùng tây Thừa
Thiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện khẩn cho các đồng chí Đồng Sỹ Nguyên và
Trần Văn Quang nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục làm gấp đường đi Mang Sơn (đường
B.47) theo yêu cầu của chiến trường đồng thời dùng cả bộ binh và binh khí kỹ
thuật đánh địch, bảo vệ kho tàng và giữ vững đường vận chuyển, cố gắng thực
hiện cho được yêu cầu vượt mức dự trữ lớn nhất ở nam đường 9 và xúc tiến làm
đường mới ở Đông Trường Sơn. Sau khi nhấn mạnh: trong bất cứ trường hợp nào
cũng không được để bộ đội thiếu thốn, bức điện của Tổng Tư lệnh chỉ thị cụ thể
một số biện pháp về điều động tăng cường trang bị cho lực lượng tác chiến và
làm đường, lực lượng dự trữ, lập kế hoạch đối phó trường hợp địch hoạt động kéo
dài hoặc đánh rộng ra vùng A Sầu. Tổng Tư lệnh kêu gọi toàn tuyến phải nêu cao
khẩu hiệu: "Đoàn 559 vừa là đội quân hậu cần đồng thời phải là đội quân
chiến đấu".
Cũng
từ tháng 4 năm 1968, cùng với thủ đoạn tung quân nống ra vùng tây Thừa Thiên,
đế quốc Mỹ tập trung không quân đánh phá rất ác liệt nhiều điểm trên đường vận
chuyển chiến lược 559 trong vùng "cán xoong" Khu 4. Đây là thủ đoạn
mới của địch sau bước xuống thang thu hẹp phạm vi đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến
20 trở vào, một thủ đoạn mà Tổng hành dinh đã dự báo cho Bộ Tư lệnh 559. Máy
bay Mỹ tạo ra trên địa bàn Khu 4 nhiều "tam giác lửa". Tháng 8 và 9
lại là cao điểm mùa mưa. Địch đánh song song với "trời đánh" làm cho
giao thông vận chuyển vùng Khu 4 trở thành một mặt trận nóng bỏng. Khó khăn do
địch gây nên đã lớn, khó khăn do thời tiết lại càng nghiêm trọng. Đúng như đồng
chí Đồng Sỹ Nguyên nói: địch đánh chỉ tắc từng đoạn, còn "trời đánh"
thì tắc toàn tuyến.
Thực
hiện quyết tâm của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thành lập hệ thống bảo
đảm giao thông vận tải, khắc phục bằng được tình hình ách tắc giao thông trên
địa bàn Khu 4 nhằm bảo đảm kế hoạch vận chuyển phục vụ cho kế hoạch Đông Xuân
1968 - 1969, có thể nói chưa bao giờ ba cơ quan quân sự Tổng hành dinh tập
trung chỉ đạo cuộc đấu tranh quyết liệt với địch trên mặt trận giao thông vận
tải như cuộc đấu tranh nhằm vượt qua những khó khăn ở vùng "cán
xoong" trong suốt mấy tháng trước khi bước vào mùa khô cuối Mậu Thân.
Ngày
22 tháng 8 năm 1968 Bộ trưởng Quốc phòng quyết định thành lập Bộ Tư lệnh bảo
đảm giao thông vận tải Quân khu 4, do đồng chí Phan Trọng Tuệ làm Tư lệnh và
đồng chí Lê Quang Hoà làm Chính ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy
Trung ương và Bộ Quốc phòng. Nhiệm vụ cụ thể của Bộ Tư lệnh giao thông vận tải
Quân khu 4 là: lãnh đạo chỉ huy các đơn vị phòng không, bảo đảm giao thông, các
đơn vị vận tải đang làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải ở Khu 4 và các ban
bảo đảm giao thông vận tải các tỉnh Nghệ An,
Hà Tĩnh, Quảng Bình và Đặc khu Vĩnh
Linh về nhiệm vụ chiến đấu, bảo đảm giao thông, thực hiện kế hoạch vận
tải; các mặt khác do Đảng ủy các đơn vị và địa phương phụ trách.
Vào
thời điểm bộ máy của Bộ Tư lệnh bảo đảm giao thông vận tải Khu 4 đang trong quá
trình hình thành và chuyển động, theo dõi công tác vận chuyển bảo đảm hậu cần
trên địa bàn Khu 4 (lúc này gồm 3 lực lượng của Tổng cục Hậu cần tiền phương,
Đoàn 559 và Phân Bộ Giao thông vận tải), Tổng hành dinh thấy cả ba tuyến đều
không đạt kế hoạch đề ra. Thực tế đó ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sắp tới
của một số chiến trường. Một ví dụ là Tây
Nguyên đang đứng trước khó khăn rất lớn về lương thực sau mấy tháng không nhận
được gạo chi viện từ miền Bắc; gạo dự trữ chỉ còn đủ ăn đến tháng 10, không bảo
đảm cho Tây Nguyên thực hiện kế hoạch Đông Xuân 1968 - 1969. Trước tình
hình đó, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp điện gấp cho đồng chí Phạm Hùng ở B.2 đề
nghị chỉ thị cho hậu cần Nam Bộ tìm biện pháp đưa gạo lên chi viện cho B.3.
Điện nêu rõ: Nếu chưa giải quyết được số lượng gạo chi viện cho Tây Nguyên theo
kế hoạch 1969 thì trước mắt giao cho B.3 5.000 tấn còn lại của năm 1968.
Sau
đó, trong ba ngày (từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 9 năm 1968), Bí thư Quân ủy
Trung ương Võ Nguyên Giáp triệu tập cuộc họp Thường trực Quân ủy Trung ương bàn
và quyết định thêm một số biện pháp tích cực nhằm chỉ đạo các tuyến vận chuyển
khắc phục tình trạng ùn tắc ở "vùng cổ chai" Khu 4. Cụ thể là phải
điều chỉnh để có sự cân đối giữa ba tuyến; phải kết hợp nhiều hình thức vận
chuyển (hiện đại và thô sơ), kết hợp nhiều đường, nhiều tuyến với phương tiện
phù hợp với từng cung, từng đoạn đường vận chuyển khác nhau. Đồng thời, Thường
trực Quân ủy Trung ương quyết định tăng cường cán bộ các binh trạm để bộ máy
của Bộ Tư lệnh bảo đảm giao thông vận tải Khu 4 nhanh chóng phát huy tác dụng
chỉ đạo cụ thể.
Dự
kiến sắp tới địch sẽ còn đánh mạnh đường vận chuyển chiến lược hơn nữa khi
chúng buộc phải ngừng ném bom toàn bộ miền Bắc (nhằm phục vụ cho cuộc bầu cử
tổng thống), ngày 2 tháng 10 năm 1968, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện thông báo
cho Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Bộ Tư lệnh bảo đảm giao thông vận tải Khu 4. Bức
điện chỉ rõ: Trong trường hợp phải ngừng ném bom toàn bộ miền Bắc một thời
gian, chắc chắn trước đó địch sẽ tập trung đánh mạnh hơn nữa vào các đầu mối
giao thông, các kho tàng, kể cả những vùng bắc vĩ tuyến 19. Khi đã ngừng ném
bom miền Bắc, chúng sẽ tập trung đánh tuyến đường 559, nhất là ở các cửa khẩu.
Cùng với việc chỉ ra những biện pháp để Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Bộ Tư lệnh bảo
đảm giao thông vận tải Khu 4 chuẩn bị sẵn sàng đối phó với âm mưu đánh phá mới
của địch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho ba Tổng cục khẩn trương
nghiên cứu đề đạt thêm những biện pháp cơ bản nhằm khắc phục bằng được những
khó khăn về giao thông vận tải trước tình hình mới, với tinh thần và quyết tâm
không để ảnh hưởng đến kế hoạch chi viện cho chiến trường trong đông xuân 1968
- 1969.
Ngày 5 tháng 10, thủ trưởng ba cơ quan Tham
mưu, Chính trị, Hậu cần Tổng hành dinh họp và đề nghị với Quân ủy Trung ương
một số biện pháp, như tăng cường hơn nữa về mặt nhận thức tư tưởng, về kiện
toàn tổ chức và nền nếp làm việc của Bộ Tư lệnh bảo đảm giao thông vận tải Khu
4 (thực chất phải là một cơ quan quân sự); củng cố cả hai tuyến vận tải phía
tây (hiện thuộc Tổng cục Hậu cần tiền phương) và phía đông (hiện do
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo) và đặt cả hai tuyến này dưới sự chỉ đạo thống
nhất của Bộ Tư lệnh bảo đảm giao thông vận
tải Khu 4 (chỉ riêng về mặt bảo đảm kế hoạch vận chuyển); ba Tổng cục có nhiệm
vụ giúp Quân ủy Trung ương nắm tình hình, nghiên cứu đề đạt và chỉ đạo Bộ Tư
lệnh bảo đảm giao thông vận tải Khu 4 như đối với một Bộ Tư lệnh Quân
khu.
Hai
ngày sau, Thường trực Quân ủy Trung ương họp
nghe báo cáo phương án của ba Tổng cục. Cuộc họp làm sáng tỏ thêm nhiều biện
pháp mới phù hợp với tình hình cụ thể lúc đó. Kết thúc hội nghị, Bí thư Quân ủy
Võ Nguyên Giáp kết luận hai vấn đề quan trọng: 1) Đồng ý những ý kiến về phương
hướng củng cố Bộ Tư lệnh bảo đảm giao thông vận tải Khu 4, về quan hệ giữa Bộ
Tư lệnh này với các đầu mối và với Quân
ủy; 2) Đồng ý giao cho tham mưu nghiên cứu việc thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh
(trong dự án gọi là Bộ Tư lệnh "tiền tuyến") nhằm phụ trách công tác
bảo đảm giao thông vận chuyển trên tuyến đường 15; thành phần Bộ Tư lệnh này sẽ
do Thường trực Quân ủy Trung ương nghiên cứu và chỉ định trong số các đồng chí
thủ trưởng ba tổng cục. Đồng chí Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: cần quan niệm việc
thành lập Bộ Tư lệnh "tiền tuyến" và những vấn đề củng cố, kiện toàn
và tăng cường lực lượng cho các tuyến vận chuyển ở Quân khu 4, là nhằm thực
hiện bằng được những chiến dịch vận chuyển có ý nghĩa chiến lược sau
này.
Ngày
9 tháng 10 năm 1968, Quân ủy Trung ương phê duyệt đề án tổ chức Bộ Tư lệnh
"tiền tuyến" do Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị (lúc này được mang tên
chính thức là Bộ Tư lệnh 500). Sau khi thảo luận và cho ý kiến về các vấn đề
liên quan đến tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và các mối quan hệ, Quân ủy Trung
ương nhất trí thông qua đề án thành lập Bộ Tư lệnh 500.
Sau
hai tuần chỉ đạo các tuyến vận chuyển đối phó quyết liệt với âm mưu đánh phá
của không quân địch, từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 10 năm 1968, Thường trực Quân
ủy Trung ương họp đánh giá tình hình và nêu lên phương hướng bổ sung thêm một
số biện pháp cần thiết. Cuối cùng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp kết luận: Tuy tổ
chức thực hiện công tác bảo đảm mở rộng giao thông vận tải ở Khu 4 đã có nhiều
cố gắng, nhưng chưa tạo được một sự chuyển biến quan trọng. Vì vậy phải có thêm
những biện pháp đột xuất, kiên quyết đánh
thắng địch ở đây, để thực hiện bằng được quyết tâm của Trung ương. Cụ thể là: 1)
Đẩy mạnh việc vận chuyển trên toàn tuyến, tập trung trọng điểm tuyến phía tây
Khu 4 và làm cho tuyến phía tây ngày càng vững chắc, độc lập; 2) Lập thêm các
khu vực dự trữ mạnh ở nam và bắc Cầu Giát và khu vực Phủ Quỳ - Đô Lương; 3) Tổ
chức chuyển tải và phải chỉ đạo tiến hành vững chắc chủ trương này; 4) Mở thêm
tuyến vận tải mới từ Tân Kỳ xuống; 5) Tăng cường lực lượng cho tuyến vận chuyển
do Bộ Giao thông vận tải phụ trách (tuyến phía đông Khu 4). Quá trình tiến hành
các biện pháp trên cần chú ý không làm xáo trộn các tuyến về mặt tổ chức, phải
vừa làm vừa đẩy công tác vận chuyển của các tuyến lên một bước mới, phải tranh
thủ thời gian và khi cần, phải có các biện pháp khẩn cấp.
Trải
qua mấy cuộc họp tiếp theo, cuối cùng, ngày 28 tháng 10, Thường trực Quân ủy
Trung ương chính thức quyết định việc thành lập Bộ Tư lệnh 500 (thay cho
Bộ Tư lệnh tiền phương Tổng cục Hậu cần trước đây), phụ trách tuyến vận chuyển
phía tây Khu 4 bao gồm các đường 14, 12, 20, 21, 8, đường goòng, đường
sông và những đường vận chuyển sắp mở ở phía Tây Khu 4. Thường trực Quân ủy
Trung ương chỉ định các đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Đôn làm Tư
lệnh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Quang Đạo làm Chính ủy, Chính ủy Bộ
Tư lệnh 559 Vũ Xuân Chiêm làm Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh 500.
Thường
trực Quân ủy Trung ương xác định: Bộ Tư lệnh 500 là cơ quan chỉ đạo chỉ huy về
mọi mặt tất cả các lực lượng đang làm nhiệm vụ vận chuyển, đảm bảo giao thông
và đánh địch trên tuyến đường được giao phụ trách. Nhiệm vụ cụ thể là: 1) Tổ
chức và chỉ huy toàn bộ công tác bảo đảm giao thông, vận chuyển mọi nhu cầu vật
chất cho các chiến trường, nhu cầu nội bộ của Đoàn 559, của các đơn vị hành
quân vào chiến trường và thương binh, bệnh binh từ chiến trường ra; 2) Củng cố
những con đường đã có, làm thêm những con đường mới ở cả hai phía đông và tây
Trường Sơn, đặc biệt là xây dựng tuyến tây Khu 4 thành tuyến vận chuyển chiến
lược rất mạnh và vững chắc trong mọi tình huống. Về quan hệ chỉ đạo, Bộ Tư lệnh
500 là đơn vị đặt dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về
mọi mặt; chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư lệnh giao thông vận tải Quân khu 4
về công tác bảo đảm giao thông và kế hoạch vận chuyển. Cũng từ cuối tháng 10
năm 1968, tại cơ quan Tổng hành dinh hình thành một tổ thường trực gồm thủ
trưởng ba tổng cục có nhiệm vụ giúp Thường trực Quân ủy Trung ương thường xuyên
theo dõi và chỉ đạo công tác chi viện chiến trường trên các tuyến đường vận
chuyển chiến lược.
Trước
tình hình địch tiếp tục đánh phá ngày càng ác liệt, gây khó khăn rất lớn trên
các tuyến vận chuyển chiến lược, ngày 13 tháng 11 năm 1968, Tổng Tư lệnh Võ
Nguyên Giáp điện cho các đồng chí Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Đôn và Đồng Sỹ Nguyên
gợi ý một số biện pháp nhằm đẩy mạnh việc vận chuyển chi viện cho các chiến
trường miền Nam. Bức điện nhấn mạnh: Cần đánh giá đúng những thuận lợi, khó
khăn để có biện pháp thích hợp, kiên quyết không nên dùng lối đối phó tay đôi với
địch bằng biện pháp sử dụng cao xạ, tên lửa, cơ giới… mà phải triển khai phương
thức vận chuyển theo đường vòng, làm thêm đường vòng tránh và mở rộng đường vận
chuyển cơ giới; khi cần thì nghi binh ở những khu vực trọng điểm địch đánh phá,
để tạo điều kiện cho xe ta đi qua. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tư lệnh
500 với Đoàn 559 để đưa hàng vượt qua những trọng điểm trên các đường 12, 20 và
đẩy gấp hàng vào phía nam A Choóc, nhằm chi viện kịp thời cho phía trong. Hướng
vận chuyển của Bộ Tư lệnh 500 nên mở rộng sang phía đông đường vận chuyển của
Đoàn 559.
Thực tế tình hình lúc này cho thấy, đã sắp hết năm 1968 mà tình hình vận chuyển vẫn chưa có khả năng bảo đảm cho
các chiến trường (nhất là chiến trường B4) có thể hoạt động lớn trước tháng 3
năm 1969. Mặt khác, trên cơ sở tính toán lại của Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục
Hậu cần, nhận thấy sự thiếu cân đối giữa số lượng gạo đã chuyển được, số còn
tồn kho ở các tuyến, nhu cầu của các chiến trường và khả năng đáp ứng của các
tuyến... Trước tình hình đó, ngày 19 tháng 12 năm 1968 hai cơ quan tham mưu và
hậu cần, Tổng hành dinh đề nghị Thường trực Quân ủy Trung ương điều chỉnh kế
hoạch vận chuyển gạo bảo đảm cho các chiến trường hoạt động trong Đông Xuân
1968 - 1969 và cả năm 1969. Ngày 24 tháng 12, Thường trực Quân ủy Trung ương
chuẩn y kế hoạch điều chỉnh chỉ tiêu vận chuyển cho các chiến trường miền Nam
năm 1969, đồng thời chỉ thị cần bảo đảm vững chắc và cân đối với khả năng và
lực lượng vận chuyển; tăng cường lực lượng cho Bộ Tư lệnh 500 để làm kho cất
giấu, bảo quản; không chỉ tập trung lực lượng mà cần tập trung cả sự chỉ đạo
nhằm giải quyết vấn đề thông hàng ở các cửa khẩu và các trọng điểm khác dự kiến
địch có thể tập trung đánh phá sau này; tập trung sức mở gấp 3 đường vận chuyển
bằng gùi thồ từ khu vực A Choóc xuống đường 9; tăng cường lực lượng để tiếp tục
mở thêm đường gùi thồ nhằm bảo đảm kế hoạch vận chuyển, ưu tiên gạo và xăng
dầu.
Do
những cố gắng của các cơ quan Tổng hành dinh và của bộ đội trên các tuyến đường
vận chuyển chiến lược cho nên lượng hàng chi viện vào chiến trường những ngày
cuối năm 1968 và đầu năm 1969 ngày càng đạt kết quả khả quan. Một trong những
nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả đó là việc tiếp nhận, bảo quản vận chuyển
đã đi vào nền nếp, thực hiện tương đối tốt mọi chế độ, quy định đã đề ra trong
kế hoạch. Cũng không loại trừ một nguyên nhân khiến kết quả vận chuyển cuối năm
1968 - đầu năm 1969 đạt kế hoạch là do hoạt động tích cực và có hiệu quả của
các lực lượng phòng không, góp phần làm giảm cường độ đánh phá của máy bay địch
so với những tháng trước. Tuy nhiên, tồn tại cần khẩn trương và kiên quyết khắc
phục khi bước vào kế hoạch chiến lược năm 1969 là hàng hoá tồn đọng ở các đầu
mối còn nhiều. Khối lượng hàng chuyển lên phía trước, nhất là khối lượng hàng
vượt các cửa khẩu chưa đạt kế hoạch; các mặt hàng vận chuyển vào chiến trường
chưa cân đối, trong đó gạo và xăng dầu còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu của chiến
trường; đường vận chuyển A Choóc, Cha Ky chưa phát huy được tác dụng nên hàng
hoá ứ đọng ở các tuyến 559 và 500 còn nhiều.
Tổng hành dinh đã nêu lên những yếu kém, tồn
tại nói trên và chỉ ra phương hướng để các Bộ Tư lệnh chỉ đạo các hướng khắc
phục trước khi bước vào kế hoạch chiến lược năm 1969. Trong các bức điện chỉ
đạo của Tổng hành dinh toát lên một ý quan trọng có tác dụng động viên rất lớn
đối với bộ đội trên các tuyến vận chuyển chi viện chiến trường, đó là: chỉ có
vượt qua mọi khó khăn, khắc phục bằng được những yếu kém và tồn tại trên các
tuyến vận chuyển chiến lược mới tạo thêm điều kiện thuận lợi cho các chiến
trường tiếp tục đánh mạnh, buộc đế quốc Mỹ phải đẩy nhanh quá trình xuống thang
và từng bước làm thất bại âm mưu "Việt Nam hoá chiến tranh" của
chúng.
Từ
thực tế trên đây, có thể rút ra mấy bài học kinh nghiệm trong sự chỉ đạo của
Tổng hành dinh đối với việc bảo đảm vận chuyển chiến lược chi viện tiền tuyến
trong quá trình leo thang rồi từng bước xuống thang của đế quốc Mỹ, mà đặc biệt
là trong mấy đợt Tổng tiến công chiến lược năm Mậu Thân 1968 của quân và dân
miền Nam, như sau:
1.
Thành công trong công tác vận chuyển chi viện chiến trường trong những năm đỉnh
cao chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, mà chủ yếu là trước và trong năm 1968,
là do Tổng hành dinh sớm dự kiến đúng và chỉ đạo kịp thời ngay khi quân Mỹ bắt
đầu xuất hiện trên chiến trường miền Nam; mặt khác, do bản lĩnh của Bộ Tư lệnh
Trường Sơn đã chủ động đi trước một bước trên cơ sở dự kiến đúng khả năng chiến
tranh phát triển và yêu cầu ngày càng lớn của các chiến trường, nên đã kịp thời
huy động và tổ chức mọi lực lượng nhằm đảm bảo triển khai kế hoạch khi có lệnh
của Tổng hành dinh.
2.
Tổng hành dinh phán đoán đúng và kịp thời khả năng phản ứng của địch khi ta mở
cuộc tiến công chiến lược Mậu Thân, nên đã dự báo cho các Bộ Tư lệnh 559 và
Quân khu 4 chuẩn bị đối phó với việc địch nống ra hòng cắt đường vận chuyển
chiến lược và đặc biệt là đối phó với khả năng tăng cường đánh phá của không
quân Mỹ. Nhìn chung, tuy địch gây cho Bộ đội Trường Sơn rất nhiều khó khăn
nhưng ta không bị động trước âm mưu của chúng. Lực lượng phòng không, công binh
và thanh niên xung phong luôn luôn được Tổng hành dinh điều chỉnh và tăng cường
cho Đoàn 559 nên đã góp phần hạn chế cường độ và khắc phục hậu quả đánh phá của
không quân địch trên toàn tuyến, tạo thêm điều kiện cho Bộ đội Trường Sơn hoàn
thành nhiệm vụ.
3.
Mặc dù đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn là tuyến vận chuyển chiến lược chủ yếu trong
suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhưng trong điều kiện thời tiết khắc
nghiệt và do địch đánh phá ác liệt ở địa bàn Khu 4, khả năng độc lập khắc phục
những khó khăn ở vùng "cán xoong" là ngoài khả năng của Bộ Tư lệnh
Trường Sơn. Tổng hành dinh đã kịp thời tổ chức thêm Bộ Tư lệnh bảo đảm giao thông vận tải Khu 4 và Bộ Tư lệnh 500 để hỗ trợ và
phối hợp với Bộ Tư lệnh 559, đồng thời tăng cường sự chỉ đạo của ba cơ quan
Tổng hành dinh giúp Thường trực Quân ủy Trung ương bám sát tình hình và chỉ đạo
kịp thời, kiên quyết, tạo nên một sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu trí, đấu lực
với địch, thực hiện quyết tâm thắng địch trên địa bàn Khu 4, từng bước khai
thông đường cho hàng chi viện vào chiến trường phục vụ kế hoạch tác
chiến.
4.
Quá trình chỉ đạo vận chuyển chi viện cho các đợt tiến công chiến lược trong và
sau đỉnh cao 1968 là quá trình Tổng hành dinh bám rất sát tình hình các tuyến
vận chuyển chiến lược, kịp thời phát hiện những khó khăn và tồn tại của từng
tuyến đường và chủ động nghiên cứu thận trọng để tìm biện pháp tối ưu và tích
cực nhất, cụ thể nhất, nhằm giúp đỡ khắc phục ở mức cao nhất cả về nhận thức tư
tưởng, tổ chức, lực lượng, phương tiện và biện pháp đối phó với địch. Được sự
chỉ đạo và giúp đỡ kịp thời, có hiệu quả của Tổng hành dinh, Bộ Tư lệnh và cán
bộ, chiến sĩ Đoàn 559 cũng như trên các tuyến vận chuyển chiến lược khác đã
cùng quân và dân miền Nam thực hiện quyết tâm chiến lược của Tổng hành dinh
trong và sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, góp phần tạo nên
bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, buộc đế quốc Mỹ phải từng
bước xuống thang chiến tranh đi đến chấp nhận rút toàn bộ quân đội về nước, lập
lại hòa bình ở Việt Nam.
Nguồn: Đường Trường Sơn – khát vọng độc lập tự do và
thống nhất Tổ quốc, Nxb Quân đội nhân dân, 2010, tr.871-891.
Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
1. Thực hiện nghị quyết của Thường trực Quân ủy, ngày 28
tháng 6, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp ký quyết định thành lập Bộ Tư lệnh
Công binh, trên cơ sở Cục Công binh trước đây. Trong 5 nhiệm vụ Bộ Quốc phòng
giao cho Bộ Tư lệnh Công binh, nhiệm vụ thứ 5 được xác định như sau: Theo chỉ
thị của Bộ mà quan hệ với các cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng các tuyến đường
giao thông thủy, bộ; nắm chắc tình hình đường sá và công tác đảm bảo đường giao
thông do các cơ quan Nhà nước phụ trách.
2. Cụ thể là các đoàn quân bổ sung giảm bớt số lượng vũ khí
mang vào chiến trường, chỉ trang bị 1/3 để tự vệ. Đến đường 9, số người không
mang vũ khí sẽ nhận số gạo cần thiết đủ ăn vào đến Binh trạm 7. Số người mang
vũ khí tự vệ vẫn phải nhận số gạo như cũ. Theo nhận xét của Bộ Tổng Tham mưu,
nhờ biện pháp này nên đã giảm được số gạo rất lớn trên đường hành lang.
3. Trong đó có tình hình do thư của đại úy Trần Độ, cán bộ Cục
Tác chiến, phản ánh về những yếu kém trong tổ chức bảo đảm hành quân của Sư
đoàn 7 vào Nam, để quân số rơi rớt rất nhiều vì bị thiếu đói, bệnh tật, kiệt sức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!