GS. Trần Văn Giàu
Một số nhân vật Mỹ cắt nghĩa sự thất
bại của Mỹ trong "chiến tranh Việt Nam" bằng cách cho rằng trong cuộc
chiến tranh này, Mỹ đã "chiến đấu với một tay bị trói sau lưng" nghĩa
là gì? Theo họ thì, trong suốt thời gian chiến tranh ở Việt Nam:
- Quân Mỹ và quân Sài Gòn không được
phép đánh lên Campuchia, đánh qua Lào là những "đất thánh" của Việt
Cộng: Việt Cộng xây căn cứ ở Lào, Campuchia để từ đó tiến công vào Nam Việt Nam
hay là để khi cần thì qua đó mà ẩn nấp, chỉnh đốn.
- Quân Mỹ và quân Sài Gòn không được
phép đánh chiếm miền Bắc Việt Nam là nơi mà các vũ khí từ các nước ngoài gởi
vào miền Nam Việt Nam, là nơi mà các quân tinh nhuệ được huấn luyện để bất cứ
lúc nào cũng có thể qua vĩ tuyến 17 đánh Mỹ.
- Mỹ có nhiều vũ khí nguyên tử chiến
lược và chiến thuật mà, trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ không được phép sử dụng.
Đánh với một tay còn một tay bị trói
sau lưng, sao thắng được? Nó nói như vậy.
Trong sách "Tương lai của chiến
tranh" (The future of war) bài "Nghĩ lại một cái thất bại"
(Rethinking failure) của Freedman, có đoạn viết:
"Thất bại
của Mỹ ở Việt Nam làm quân đội chóang váng. Người Mỹ bị kiệt sức vì cuộc chiến,
nên hài lòng thấy nó kết thúc. Đối với các lực lượng vũ trang, bản sắc chung
của họ, ý thức về bản thân bị thách thức bởi thất bại đã diễn ra. Một quân đội
với bộ binh nhẹ không có không lực, chỉ có hỏa lực pháo binh và cối yểm trợ,
làm sao có thể áp đảo được một lục quân, hải quân và không quân mà trước nay
không ai thắng nổi?
Cần có một cách giải thích tinh tế.
Lập luận được đưa ra là Mỹ thua vì những hạn chế vô lý đặt ra cho giới quân sự,
Mỹ không thể xâm chiếm các đất thánh của cộng sản ở Lào và Campuchia, không thể
xâm chiếm miền Bắc Việt Nam, cũng không thể tiến hành một chiến dịch ném bom
mạnh mẽ miền Bắc Việt Nam. Do đó, Mỹ không thể giành chiến thắng, vì Mỹ chiến
đấu với một tay bị trói sau lưng".
Họ nói có phần đúng, mà chỉ đúng một
phần thôi, phần đó lại là nhỏ. Đúng là quân đội cách mạng Việt Nam sớm có mặt ở
Lào và Campuchia, bởi vì Lào, Campuchia là hai nước cùng Việt Nam, mới trước
nay, là thuộc Đông Dương dưới quyền thống trị của Pháp, trong nhiều năm dân tộc
Việt Nam, dân tộc Lào, dân tộc Campuchia sát cánh với nhau đấu tranh chống
Pháp, đòi độc lập, thì lạ gì, ở Lào, ở Campuchia có những vùng căn cứ của lực lượng
cách mạng ba dân tộc liên kết với nhau, chẳng đợi đến thời "chiến tranh
Việt Nam" của Mỹ mới có. Đã có mặt trận Việt Miên Lào từ thuở mới có Mặt
trận Việt Minh. Mỹ không phải không biết điều đó. Cho nên Mỹ đâu có ngần ngại
gì năm 1970, khi đã có đông quân ở Nam Việt Nam, Mỹ đưa mấy sư đoàn Mỹ ngụy lên
kinh thành Phnôm Pênh làm việc đảo chính lập chính quyền tay sai, và sau đó lên
đông bắc Lào chiến đấu với liên quân cách mạng Việt Lào. Quân Mỹ đã sang
Campuchia và lên Lào, chớ Lào, Campuchia đâu phải là "đất thánh" của
Việt Cộng, đâu phải quân Mỹ không được vào đó để bẻ gãy xương sống của Việt
Cộng? Có điều Mỹ không ngờ là các cuộc tiến quân của Mỹ ngụy Sài Gòn vào
Campuchia, Lào đã không phá được liên minh kháng chiến Việt-Lào-Campuchia, trái
lại đã "vô tình" góp phần làm cho liên minh mở rộng thêm vùng giải
phóng: ở Campuchia, trên dưới 10 tỉnh thành lập căn cứ kháng chiến rộng. ở Lào,
cánh đồng Chum chiến lược và mấy tỉnh phía Bắc trở thành vùng giải phóng. Hẳn
các nhà lãnh đạo Mỹ không quên rằng khi đại quân Mỹ kéo vào Campuchia, thì ở Mỹ
đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình phản chiến của nhân dân ở ngay tại thủ đô Hoa
Thịnh Đốn.
Mỹ ngang nhiên xua quân qua
Campuchia và lên Lào; mà không xua quân ra Bắc Việt Nam tuy Mỹ biết rằng từ
1959, 1960 miền Bắc tự nhận nhiệm vụ làm hậu phương lớn cho tiền tuyến miền Nam.
Mỹ Diệm đã âm thầm phá họai miền Bắc từ lâu rồi, đến lúc Mỹ chủ trương chiến
lược "chiến tranh đặc biệt" và "chiến tranh cục bộ" thì sự
đánh phá miền Bắc trở thành công khai và mỗi lúc thêm ác liệt. Mỹ đánh phá miền
Bắc không phải bằng xua quân ra Bắc mà bằng máy bay ném bom. Mỹ công khai tuyên bố rằng, bằng ném bom, Mỹ sẽ đẩy
lùi miền Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá!
Lemay, tướng không quân Mỹ nói:
"bằng không quân, Mỹ có sức diệt được bất cứ mục tiêu quân sự nào trên thế
giới này. Chúng ta sẽ cho Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá". Còn
Giugluris, trong sách "Việt Nam những ngày leo thang" viết: "Kẻ
địch bị mưa bom phải rút xuống địa đạo để ẩn náu; chúng ta sẽ tìm họ trong các
địa đạo ấy, lôi họ ra, rồi lấp lại. Để làm cho Hà Nội hiểu rõ, mỗi ngày ta sẽ
làm cho họ đau đớn hơn, giống như mỗi ngày chúng ta cầm búa nện lên đầu ngón
tay của Hà Nội. Từng chập, từng hồi, chúng ta sẽ đề nghị với họ thương lượng
hòa bình".
Nói phét thôi, chớ ngay những nhân
vật quân sự và chính trị Mỹ cũng nhận định rằng cách đánh phá miền Bắc bằng máy
bay ném bom, Mỹ không làm sao ngăn chặn được luồng vũ khí hiện đại vào miền Bắc
Việt Nam rồi vào miền Nam Việt Nam. Nhưng, nếu có liều đưa quân Mỹ ngụy vào
miền Bắc, Mỹ chắc gì thành công, chẳng những vì miền Bắc có lực lượng phòng thủ
mạnh mà nhất là vì Mỹ sợ chạm trán với Liên Xô, Trung Quốc, hai nước lớn mạnh
này tuy có lúc hục hặc với nhau nhưng cả hai đều ủng hộ Việt Nam. Trên sách
"The future of war", tác giả Mỹ Freedman viết:
"Tiến hành một cuộc chiến tranh
đơn thuần phòng ngự ít được coi là một chính sách sáng suốt. Nhưng mà tiến công
và đe doạ sự tồn tại tiếp tục của Bắc Việt Nam có thể gặp sự phản ứng của Trung
Quốc mà Mỹ chưa kịp đối phó. Do đó, Mỹ phải tìm cách chặn đứng chính phủ Bắc
Việt Nam chi viện cho Việt Cộng ở miền Nam mà không đe doạ sự tồn tại của chế
độ miền Bắc".
Freedman nói thêm rằng:
"Khuyết điểm trong việc lập kế
hoạch của Rusk và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân là giả thiết cho rằng phải
tìm ra ở Bắc Việt Nam những cơ sở kinh tế của bộ máy chiến tranh. Điều này
không thể được vì Việt Nam tiến hành một cuộc chiến tranh nông dân đơn giản;
còn sở dĩ họ tiến hành được một cuộc chiến tranh hiện đại, phức tạp và tinh vi,
là vì hàng loạt vũ khí, trang bị được sản xuất ở ngoài Việt Nam, ở Quảng Đông,
ở Smôlen, ở Bình Nhưỡng hay Praha, và chuyển về miền Bắc Việt Nam. Nền kinh tế
Việt Nam là một nền kinh tế nông nghiệp không thể bị phá họai bởi không lực.
Vậy thì, về một khía cạnh nào đó, Việt Nam vẹn cả đôi đường: vừa có một cơ sở
công nghiệp quân sự nằm ở ngoài tầm với của Mỹ, vừa có một nền kinh tế nông dân
đứng vững trước các cuộc tiến công đường không của Mỹ... Không có chiến dịch
đường không nào có thể thực hiện được trong chiến tranh Việt Nam. Nếu tiến hành
một chiến dịch như thế, có thể đưa lại một cuộc tiến công của Trung Quốc và
Liên Xô. Nguy hiểm. Đụng với Liên Xô thì có thể xảy ra một cuộc ném bom chiến
lược chống Mỹ. Đụng với Trung Quốc thì cuộc chiến sẽ thành một cuộc can thiệp
trên bộ nhận chìm các lực lượng Mỹ ở Việt Nam. Những điều đó không ngang tầm
với sức lực của Mỹ".
Ngay cả tổng
thống Jôn-sơn cũng sớm có ý thức về các nguy cơ Trung Quốc, Liên Xô vào cuộc ở
Việt Nam, cho nên, theo lời kể của Barton Mayers, nhằm bảo đảm chắc chắn rằng
sẽ không có một cuộc ném bom nào gây kích động tới hai nước lớn kia. Jôn-sơn
thường xuyên có buổi ăn trưa vào ngày thứ ba, ở đó tổng thống duyệt tất cả các
cuộc ném bom trong tuần sau. Jôn-sơn nhiều lần bác bỏ yêu cầu ném bom một số
các mục tiêu chiến lược ở Hà Nội, Hải Phòng và tuyến đường gần biên giới Trung
Quốc, các căn cứ của máy bay MIG; Mayer viết:
"Có lần tổng thống Jôn-sơn
tuyên bố rằng nếu ông ta buộc phải đồng ý với các cuộc tiến công như thế thì
ông sẽ phải đương đầu với 500.000 người Mỹ chống chiến tranh trèo qua các bức
tường xung quanh Nhà Trắng và bắt treo cổ ông ta" (Halberstam 1972).
Trong hàng ngũ những kẻ chủ trương
xâm lược, một số người tiếc rằng, trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ thất bại
vì Mỹ không sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật chiến lược mà Mỹ có sẵn. Họ
bảo: nếu Mỹ sử dụng loại vũ khí hiện đại nhất đó thì đã thắng dễ dàng, mau
chóng; nhưng Mỹ đã tự kiềm chế mình!
Mới nghe thứ lập luận này thì dường như
Mỹ không tàn bạo gì lắm, ngược lại mới đúng. Sự thật thế nào? Vì sao Mỹ không
sử dụng vũ khí nguyên tử trong cuộc chiến tranh Việt Nam? Mỹ có ý sử dụng
không?
Sự thật trần truồng là: dưới thời
tổng thống Jôn-sơn, bộ quốc phòng Mỹ đã khiến bốn nhà khoa học: Dyson, Gomer,
Wright và Steven nghiên cứu và đánh giá hậu quả sẽ xảy ra trong trường hợp Mỹ
sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường Việt Nam. Các nhà khoa
học đó đã trình lên bản báo cáo "Vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Đông Nam
á". Bản báo cáo giải đáp hai vấn đề chính: một là đánh vào mục tiêu nào,
kết quả ra sao; hai là, nếu được Liên Xô hoặc Trung Quốc cung cấp vũ khí hạt
nhân chiến thuật thì đối phương (Việt Nam) sẽ đánh trả ra sao, hiệu quả thế
nào? Nhóm nghiên cứu giải đáp rằng: Nếu quân Việt Nam chiến đấu theo đội hình
tập trung thì dùng vũ khí hạt nhân chắc chắn Mỹ sẽ đánh bại họ. Mỹ có thể phá
hủy hệ thống địa đạo trong vòng vài trăm mét. Cũng giải đáp rằng: dùng vũ khí
hạt nhân không thể phát quang được đường mòn Hồ Chí Minh, cây cối sập đổ đã
không cản đường đi mà còn tạo thành lớp che tuyệt vời cho đối phương tránh sức
nóng sức nổ của bom. Bốn nhà khoa học Mỹ cho rằng nếu sử dụng vũ khí hạt nhân
chiến thuật thì Liên Xô và Trung Quốc sẽ đánh trả bằng vũ khí hạt nhân, hoặc
cung cấp vũ khí hạt nhân chiến thuật cho quân Bắc Việt Nam đánh Mỹ, tàu ngầm
Liên Xô sẽ chở vũ khí hạt nhân qua và du kích Việt Nam sẽ lãnh vũ khí ấy đánh
vào căn cứ Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Bản báo cáo của các nhà khoa học tưởng tượng
Việt Cộng tấn công sân bay Sài Gòn bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật, một cuộc
tiến công như vậy sẽ phá hủy tất cả máy bay, cơ sở vật chất và: "xoá sổ
vài ngàn quân Mỹ như chơi, chẳng những ở Sài Gòn, mà cả ở Plâyku, Đà Nẵng, An
Khê. Chỉ cần một vụ nổ vũ khí hạt nhân có sức công phá 10-20 kilôton tại một
trong ba căn cứ này cũng đã có thể tiêu diệt 5.000 quân Mỹ".
Như vậy, Mỹ đã tính sử dụng vũ khí
hạt nhân trong chiến tranh Việt Nam. Nhưng rồi không dám, chớ chẳng phải
"nhân từ" gì! Chẳng phải muốn ít đổ máu! Chiến tranh Việt Nam, kể cả
trong trường hợp không có vũ khí hạt nhân vẫn là cuộc chiến tranh phi nghĩa cực
kỳ tàn bạo.
Nguồn: Sách “Đại thắng Mùa Xuân 1975- bản lĩnh và trí tuệ
Việt Nam”, Nxb Quân đội nhân dân, trr.124-129.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!