Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

CUỘC TIẾN CÔNG XUÂN – HÈ 1972 VÀ CHIẾN THẮNG QUẢNG TRỊ VỚI CUỘC ĐÀM PHÁN PARIS



Nguyễn Khắc Huỳnh[1]
 Sự kiện giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu kiên cường bảo vệ thị xã, Thành cổ của quân và dân ta đã kết thúc cách đây tròn 40 năm, nhưng nó sẽ mãi khắc ghi vào ký ức của mỗi người Việt Nam và nhân loại như một biểu tượng ngời sáng về ý chí sắt đá, lòng quả cảm, tài thao lược, sức sáng tạo phi thường của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nói chung, của quân và dân Quảng Trị nói riêng trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Ngay từ rất sớm, tháng 6-1971, trong thư gửi Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn khẳng định: “… thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của ta năm 1971, việc Mỹ phải rút thêm quân cuối năm nay và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1972 là những sự kiện do trùng hợp với nhau mà tạo nên thời cơ thuận lợi.
Thời cơ đó mở ra cho chúng ta triển vọng giành thắng lợi lớn trong năm sắp tới, đồng thời cũng đòi hỏi chúng ta phải cố gắng ở mức cao nhất, giành lấy thắng lợi lớn nhất, làm cho Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, quân Mỹ phải rút hết và ngụy quân, ngụy quyền phải suy yếu một bước nghiêm trọng. Mọi hoạt động của bộ đội chủ lực là phải tranh thủ thời cơ, giành cho được thắng lợi thật lớn, có ý nghĩa quyết định…[2].
Như vậy, những suy tính về cuộc tiến công lớn năm 1972 đã hình thành từ rất sớm. Tháng 8-1971, Bộ Chính trị chính thức thông qua kế hoạch mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Lúc đầu, ta dự kiến đánh trên 3 hướng: Đông Nam Bộ là hướng chủ yếu; Tây Nguyên và Trị Thiên là hướng phối hợp. Tháng 2-1972, qua kiểm tra công tác chuẩn bị và cân nhắc các mặt, nhất là so sánh lực lượng trên các chiến trường, Quân ủy Trung ương đề nghị điều chỉnh, lấy hướng Trị-Thiên làm hướng tiến công chủ yếu, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là hướng phối hợp quan trọng. Ngày 23-3, Bộ Chính trị thông qua quyết tâm và kế hoạch cuộc tiến công chiến lược năm 1972 nhằm giành thắng lợi quyết định, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua.
Đứng trên góc nhìn đấu tranh ngoại giao và đàm phán, cuộc tiến công Xuân-Hè 1972, từ tháng 3 đến tháng 6-1972, đưa lại mấy tác động lớn:
- So sánh lực lượng thay đổi có lợi cho ta; do thắng lợi của ta còn có phần hạn chế nên tại Việt Nam, lực lượng hai bên xấp xỉ. Nhưng nhìn toàn Đông Dương ta mạnh hơn địch.
- Vùng giải phóng của ta được mở rộng ở nhiều nơi, chủ lực ta trở về đã có chỗ đứng chân. Đây là đảm bảo cơ bản cho cách mạng phát triển.
- Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đã phá sản một bước nghiêm trọng. Quân đội Sài Gòn không chống nổi Quân giải phóng. Mỹ phải đưa không quân và hải quân trở lại yểm trợ chúng, tức là Mỹ đã phải “Mỹ hóa lại” chiến tranh.
Cuối tháng 6-1972, đánh giá tình hình và xem xét khả năng kết thúc chiến tranh, Bộ Chính trị đưa ra quyết định có tính chất chiến lược: “Phát huy thắng lợi trên chiến trường, khai thác khó khăn nội bộ Mỹ, buộc chính quyền Mỹ chấp nhận một giải pháp kết thúc chiến tranh, quân và dân ta giành một bước thắng lợi quan trọng, đạt mục tiêu “đánh cho Mỹ cút” để chuyển sang giai đoạn đấu tranh mới, tiếp tục đưa cách mạng tiến đến thắng lợi hoàn toàn”[3].
Những nhân tố gì quyết định thời cơ để Việt Nam chuyển từ chiến lược đấu tranh vũ trang sang chiến lược tranh thủ hòa bình?
1. Cục diện chung trên chiến trường sau thắng lợi Xuân-Hè là nhân tố chính: quân và dân ta thắng lớn; tiêu diệt nhiều sinh lực địch; quân đội Sài Gòn bị suy yếu; vùng giải phóng được mở rộng, các đơn vị chủ lực trở về có chỗ đứng chân và phát huy thắng lợi. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ bị thất bại một bước quan trọng, quân Sài Gòn không thể chống trả quân giải phóng, Mỹ phải “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh… Nếu đi tới giải pháp, lập lại hòa bình, Mỹ rút hết quân, thì sẽ tạo ra so sánh lực lượng và thế trận mới rất có lợi cho ta để đưa cách mạng tiến lên.
2. Nhân tố quan trọng thứ hai là tình hình nội bộ Mỹ. Sa lầy dài ngày ở Việt Nam, nước Mỹ gặp nhiều khó khăn ở trong nước và trên trường quốc tế. Kinh tế Mỹ kiệt quệ. Mỹ trở thành con nợ lớn nhất (trên 100 tỉ đôla). Mỹ phải dùng nhiều biện pháp cắt giảm chi tiêu. Nghiêm trọng nhất là phong trào chống chiến tranh phát triển sôi động từ 1970-1971 khi Níchxơn quyết định kéo dài và mở rộng chiến tranh. Đầu năm 1972, đối phó với cuộc tiến công chiến lược của ta, Mỹ cho máy bay đánh phá lại miền Bắc và phong toả các cảng và sông ngòi, phong trào phản đối chiến tranh của nhân dân Mỹ càng bùng lên mạnh mẽ. Lợi dụng khó khăn của Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản đẩy mạnh cạnh tranh, giành giật thị trường của Mỹ. Về chính trị, trên trường quốc tế, Mỹ bị cô lập cao độ. Không còn một nước quan trọng nào ủng hộ, đồng tình với Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Năm 1972 là năm bầu cử ở Mỹ. Ních-xơn rất muốn tái đắc cử. Trong lúc nội bộ nước Mỹ chia rẽ sâu sắc vì chiến tranh Việt Nam, nếu chiến tranh kéo dài, Níchxơn khó lòng thắng cử.
3. Khi tính toán chiến lược và xác định thời cơ, phải quan tâm đến tình hình quốc tế. Lúc này, các nước lớn đang thúc đẩy chính sách hòa hoãn quốc tế. Trung Quốc đón Níchxơn tháng 2-1972, đi tới Thông cáo chung Thượng Hải. Người ta thỏa hiệp, buôn bán với nhau trên vấn đề Việt Nam và Đài Loan. Liên Xô đón Níchxơn tháng 5-1972. Sau mấy năm mới có một cuộc gặp cao cấp Xô-Mỹ, đi đến những thỏa thuận có tầm chiến lược, trong đó có vấn đề hạn chế vũ khí chiến lược, có lợi cho cả hai bên. Trong xu thế hòa hoãn đó, nếu Việt Nam tiếp tục chiến tranh thì liệu có tiếp tục được thế giới đồng tình và ủng hộ không?
4. Nhân tố thứ tư là cân nhắc hoàn cảnh nước ta. Nhân dân ta đã chiến đấu gần 20 năm. Ta cần hòa bình-chí ít là một cuộc “hưu chiến”-để nghỉ ngơi và khôi phục lực lượng. Hơn nữa, trong tình hình so sánh lực lượng và thế trận lúc bấy giờ, Việt Nam không thể giành thắng lợi trọn vẹn một lúc, nhưng ta có khả năng kết thúc chiến tranh với Mỹ, buộc Mỹ rút hết quân. Sau đó, tính đến việc đánh sụp chế độ Sài Gòn sẽ thuận lợi hơn.
Cân nhắc các nhân tố đó, Ban lãnh đạo nhận thấy có thời cơ trong năm 1972, điều đã dự tính từ đầu năm 1971. Trong 4 nhân tố về thời cơ đó thì nhân tố thắng lợi ở chiến trường là nhân tố quyết định nhất. Chiến trường luôn là nhân tố quyết định cục diện chiến tranh, quyết định tiến trình đàm phán: đòn Tết Mậu Thân 1968 buộc Mỹ xuống thang chiến tranh và ngồi vào đàm phán; chiến thắng Đường 9-Nam Lào 1971 buộc Mỹ phải tính đến tìm giải pháp; chiến thắng Xuân-Hè 1972 mở ra khả năng kết thúc chiến tranh trong năm 1972; chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” sau đó buộc Mỹ phải chịu ký Hiệp định Paris tháng 1-1973.
Sau khi quyết định chiến lược và thời cơ, Ban lãnh đạo xác định mục tiêu của giải pháp là:
- Hoa Kỳ tôn trọng quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam;
- Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân, chấm dứt dính líu quân sự, không can thiệp vào công việc nội bộ miền Nam Việt Nam;
- Hoa Kỳ công nhận thực tế miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam;
- Hoa Kỳ phải bồi thường chiến tranh dưới hình thức đóng góp để hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng lại miền Bắc. Việt Nam giữ nguyên tắc là Mỹ phải rút hết quân, còn cách mạng miền Nam thì giữ nguyên lực lượng chính trị và vũ trang ở miền Nam. Có thể vận dụng sách lược trên vấn đề chính quyền theo các phương án cao, thấp khác nhau.
*      *
*
Từ giữa tháng 7-1972, cuộc “gặp riêng” giữa Lê Đức Thọ-Xuân Thủy với Kítxinhgiơ đi vào giai đoạn thực chất. Đợt đàm phán này kéo dài 7 tháng, có thể chia làm 3 bước: - Từ tháng 7 đến tháng 9, thăm dò, mặc cả áp sát; - Tháng 10, hai bên ngả bài, thỏa thuận văn bản Hiệp định 20-10-1972; - Tháng 11-1972 đến tháng 1-1973, đàm phán bổ sung, đạt Hiệp định cuối cùng, ký ngày 27-1-1973.
- Thời kỳ thăm dò kéo dài gần 3 tháng (giữa tháng 7 đến ngày 16-9-1972), gần trùng hợp với cuộc chiến đấu của quân và dân ta kiên cường bảo vệ Thành cổ và Thị xã Quảng Trị-đúng là Mỹ và Sài Gòn âm mưu giành một thắng lợi ở Quảng Trị-địa đầu của miền Nam-để phục vụ cuộc đàm phán Paris. Sách Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ viết: “Địch gấp rút cho cuộc tấn công mới hòng đánh chiếm Thị xã trước ngày 14-9 theo yêu cầu đấu tranh ngoại giao của chúng”[4]. Thời kỳ này có 4 cuộc gặp gỡ. Mỗi cuộc gặp kéo dài từ 1 đến 2 ngày. Hai bên dùng hình thức trao đổi khung giải pháp (9 điểm, 10 điểm), rồi bàn bạc, tranh luận. Qua 3 tháng mặc cả sít sao, tranh cãi gay gắt, chỉ đạt một số thỏa thuận nhỏ. Các vấn đề lớn như chính trị nội bộ miền Nam, Đông Dương, bồi thường, đều chưa có thỏa thuận. Diễn tiến đàm phán gay gắt, căng thẳng như trên chiến trường Quảng Trị. Khó khăn nhất là vấn đề chính quyền. Ta muốn có một chính quyền liên hiệp, Mỹ muốn giữ chính quyền Sài Gòn và giải quyết vấn đề chính trị nội bộ miền Nam trong khuôn khổ chế độ Sài Gòn. Lập trường hai bên về vấn đề này rất xa nhau. Làm sao để vượt qua được trở ngại này là một bài toán khó.
- Thời kỳ thứ hai kéo dài trong tháng 10-1972. Hạ tuần tháng 9, Bộ Chính trị phân tích đánh giá tình hình chung và diễn tiến cuộc đàm phán, nhận thấy Mỹ muốn giải quyết nhưng không chấp nhận lập trường của ta và Mỹ có thể kéo dài đàm phán để vượt qua bầu cử. ở miền Nam, Mỹ-Sài Gòn đã bước đầu phục hồi, chúng đã chiếm lại Thành cổ Quảng Trị. Bộ Chính trị điều chỉnh mục tiêu của giải pháp: “Yêu cầu lớn nhất của ta hiện nay là chấm dứt dính líu quân sự của Mỹ, chấm dứt chiến tranh bằng không quân và thả mìn ở miền Bắc. Việc chấm dứt dính líu quân sự của Mỹ và ngừng bắn ở miền Nam đưa đến việc công nhận trên thực tế hai chính quyền, hai quân đội, hai địa bàn ở miền Nam. Đạt yêu cầu này là thắng lợi có ý nghĩa quan trọng”[5]. Bộ Chính trị chỉ thị cho Đoàn đàm phán: “Tranh thủ chấm dứt chiến tranh trước bầu cử ở Mỹ, ép Mỹ ký Hiệp định chính thức có ngừng bắn, rút quân, thả tù binh. Muốn vậy ta phải chủ động về yêu cầu giải pháp, nội dung, thời điểm, cách ký, cách đàm phán”[6]. Trên tinh thần đó, Tiểu ban Việt Nam thuộc Bộ Ngoại giao, theo hướng dẫn của Bộ Chính trị, đã soạn đề nghị mới của ta thành một Dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Sức mạnh tấn công của dự thảo Hiệp định là ở chỗ nó đề cập các vấn đề của giải pháp nhưng tạm gác nhiều vấn đề về chính trị nội bộ miền Nam như tạm gác yêu cầu xóa chính quyền Sài Gòn và gạt Thiệu; tạm gác các vấn đề gay cấn như bầu cử, thể chế, hiến pháp. Như vậy, theo dự thảo Hiệp định, vấn đề chính trị nội bộ miền Nam được giải quyết theo hai bước: Bước 1, cùng với các vấn đề quân sự, thỏa thuận một số nguyên tắc lớn: sẽ có tổng tuyển cử tự do, sẽ thực hiện tự do dân chủ, hòa giải hòa hợp dân tộc; Bước 2, sau khi ký hiệp định, hai bên miền Nam sẽ giải quyết các vấn đề cụ thể của miền Nam thông qua hiệp thương.
Sách lược giải quyết theo hai bước, không đòi xóa chính quyền Sài Gòn và gạt Nguyễn Văn Thiệu, là quyết sách mạnh mẽ, sáng tạo, có tác dụng đột phá, vượt qua trở ngại, làm cho lập trường hai bên gần nhau, buộc Mỹ đáp ứng, không thể kéo dài thương lượng. Thực chất đề nghị mới của ta là tập trung giải quyết các vấn đề quân sự để Mỹ rút quân, còn về chính trị, chính quyền thì giữ nguyên trạng ở miền Nam.
Nhờ vậy, đàm phán trở nên trôi chảy. Ngày 8-10-1972, đoàn ta trao dự thảo Hiệp định cho phía Mỹ, thì chỉ hơn 10 hôm sau, Hiệp định hoàn thành, gọi là Văn bản Hiệp định 20-10-1972. Đợt đàm phán tháng 10 này nhanh gọn (12 ngày), có liên quan gì đến chiến trường, đến việc mất Thành cổ không? Chúng tôi cho rằng kết quả này chủ yếu là do yêu cầu, mục tiêu đưa ra trong đề nghị ngày 8-10 là phải chăng, thỏa đáng: ta buộc Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân, còn quân miền Bắc ở lại-thế là thắng lớn. Trên chiến trường, ta chưa áp đảo được Sài Gòn thì trên bàn đàm phán cũng khó lấy con bài gì để mặc cả việc xóa chính quyền Sài Gòn và gạt Thiệu.
Từ kết quả đạt thỏa thuận văn bản Hiệp định 20-10-1972 mà nhìn lại mối quan hệ giữa chiến thắng Xuân-Hè và giải phóng Quảng Trị với ngoại giao, càng thấy rõ thắng lợi Xuân-Hè là nhân tố chính, quyết định thành công của đàm phán. Nhưng do thắng lợi của chiến trường chưa đạt mục tiêu đề ra nên đàm phán chỉ tập trung vào mục tiêu đánh cho Mỹ rút.
- Thời kỳ đàm phán thứ ba từ tháng 11-1972 đến tháng 1-1973-thường được gọi là đợt đàm phán bổ sung. Đây là đợt đàm phán không có mấy ý nghĩa do tính toán sai lầm của phía Mỹ và sự phản đối gay gắt của Thiệu: Níchxơn thỏa mãn với Văn bản Hiệp định 20-10-1972, cho là Hiệp định hoàn hảo (excellent) và liên tục ép Thiệu ký. Thiệu không tán thành vì thấy Mỹ bỏ rơi, Mỹ rút mà quân miền Bắc ở lại! Chính quyền Sài Gòn dứt khoát không chịu ký và đòi sửa trên 60 điểm. Níchxơn không thể làm như Giônxơn năm 1968, đơn phương ký một mình. Níchxơn đề nghị đàm phán bổ sung, hy vọng sửa đổi ít nhiều để đáp ứng đòi hỏi của Thiệu.
Đàm phán bổ sung kéo dài một tháng, đến giữa tháng 12, cơ bản hoàn thành, chỉ còn một vấn đề là khu phi quân sự, thực chất là hai chữ dân sự. Đàm phán gián đoạn. Lê Đức Thọ phải về Hà Nội xin ý kiến. Ông về tới Hà Nội ít ngày thì Mỹ đánh Hà Nội và Hải Phòng bằng máy bay ném bom chiến lược B 52. Quân và dân ta đánh bại cuộc tập kích bằng B 52 của Mỹ. Hai bên gặp nhau lại trong đợt trang trải cuối cùng từ ngày 8-1 đến ngày 22-1-1973, thì ký tắt. So Hiệp định cuối cùng với Văn bản Hiệp định 20-10-1972 thì về cơ bản, các vấn đề lớn vẫn giữ nguyên. Chỉ có mấy thay đổi liên quan tới nội dung: thêm điều khoản “hai miền tôn trọng khu phi quân sự”; về vấn đề lực lượng vũ trang thêm “hoàn thành giảm quân số, phục viên càng sớm càng tốt”; cuối cùng, trong văn bản hai bên ký không ghi tên chính thức của Chính phủ Cách mạng lâm thời và Việt Nam Cộng hòa. Về những sửa đổi này, trong hồi ký của mình, Kítxinhgiơ tự đặt câu hỏi: “Điều đó có bõ công không”?.
Từ cơ sở những nhận định, đánh giá trên đây, có thể rút ra một số nhận xét chủ quan sau:
1. Đặc điểm lớn nhất của cuộc chiến chống Mỹ là Mỹ, kẻ xâm lược mạnh gấp bội Việt Nam về tiềm lực quân sự, kinh tế, trang bị vật chất và kỹ thuật, nhưng Việt Nam có chỗ mạnh là chiến đấu chính nghĩa, nhân dân một lòng, thế giới đồng tình. Còn Mỹ thì yếu vì chiến tranh xâm lược, nhân dân Mỹ chống đối, thế giới lên án rộng khắp.
Muốn thắng Mỹ, Việt Nam phải chiến đấu trên ba mặt trận: Mặt trận quân sự là để làm cho địch suy yếu và đánh vào ý chí xâm lược của chúng; Mặt trận chính trị là để khoét vào chỗ yếu về chính trị của kẻ thù; Mặt trận ngoại giao có nhiệm vụ làm suy yếu hậu phương của kẻ thù ở trong nước và trên trường quốc tế, mở rộng và tăng cường hậu phương quốc tế của ta; kiềm chế địch, kéo địch xuống thang và cuối cùng giải quyết vấn đề ai thắng ai: thắng thế nào? Thắng đến đâu? Vận dụng sách lược gì để địch chịu thua?
2. Cuộc tiến công chiến lược Xuân-Hè 1972 trên toàn miền Nam, trong đó có chiến dịch giải phóng Đông Hà-Quảng Trị đã góp phần làm thay đổi so sánh tương quan lực lượng, phá chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại ý chí kéo dài chiến tranh của chính quyền Níchxơn, buộc Mỹ phải đi vào đàm phán và chấp nhận giải pháp hòa bình. Trên hai mặt trận quân sự và ngoại giao, việc nắm bắt thời cơ có ý nghĩa rất lớn. Mở cuộc tiến công chiến lược Xuân-Hè, đánh Đông Hà-Quảng Trị vào năm 1972, lúc Mỹ đã rút số lớn quân, lại là năm bầu cử ở Mỹ, phong trào chống chiến tranh ở Mỹ lên cao, Níchxơn khó khăn nhiều bề. Đó là một thời cơ lớn. Thắng lợi chiến trường, thắng lợi Đông Hà-Quảng Trị, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ tạo thời cơ cho đàm phán ngoại giao đi vào thực chất. Rồi tháng 10-1972, trước âm mưu của Níchxơn vượt qua bầu cử, ngoại giao vận dụng sách lược mạnh mẽ, tập trung giải quyết vấn đề quân sự, giữ nguyên trạng về chính trị, mở đường đi tới thỏa thuận Văn bản Hiệp định 20-10-1972. Đây là bước quyết định, vì sau đó có đàm phán bổ sung cơ bản vẫn là giữ Văn bản 20-10-1972.
3. Từ đó, càng thấy rõ chiến thắng Đông Hà-Quảng Trị, chiến công bảo vệ thị xã, Thành cổ Quảng Trị cùng với chiến thắng trên các chiến trường khác ở miền Nam đã góp phần làm cho địch suy yếu, sa sút ý chí chiến tranh, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút hết quân. Quân và dân Quảng Trị chẳng những đóng góp to lớn vào thắng lợi trên chiến trường mà còn trực tiếp đóng góp to lớn vào thế trận và thắng lợi ngoại giao trên bàn đàm phán ký kết Hiệp định Paris; giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định, mở đường cho đại thắng Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ


[1] Nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao, nguyên thành viên Đoàn đàm phán Paris.
[2] Lê Duẩn, Thư vào Nam, Nxb Sự Thật, H, 1985, tr. 272.
[3] Bộ Ngoại giao, Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb CTQG, H, 2002, tr. 251.
[4] Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb QĐND, H, 2001, tr.357.
[5] Bộ Ngoại giao Việt Nam, Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Sđd, tr.255.
[6] Bộ Ngoại giao Việt Nam, Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Sđd, tr.255.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!