Đại tá, PGS,TS. HỒ SƠN
ĐÀI
Chiến trường là khu vực (gồm cả
mặt đất, mặt nước và trên không), ở đó các lực lượng tham chiến tiến hành chiến
tranh. Trong giai đoạn lịch sử 1954-1975, Nam Bộ trở thành chiến trường trọng
điểm, nơi diễn ra những sự kiện chính trị, quân sự có ý nghĩa làm thay đổi cục diện
toàn chiến trường miền Nam, nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược cuối cùng
trong cuộc giao tranh giữa một bên là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, một bên là
quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam.
Căn cứ vào những yếu tố như khả năng lực lượng, phương thức, biện pháp tiến
hành chiến tranh... mà cả địch và ta đều tổ chức quy hoạch, xây dựng chiến
trường hòng đáp ứng yêu cầu và mục đích thắng lợi của mỗi bên. Và quá trình đó
diễn ra liên tục, xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
1. Nam Bộ là phần đất cuối cùng phía nam của
Tổ quốc, có vùng rừng núi chạy giáp liền với dãy Trường Sơn, có thành phố thủ
phủ của các chế độ ngụy quyền Sài Gòn, có đồng bằng sông Cửu Long phì nhiêu, có
bờ biển dài với nhiều cửa sông và đường biên giới giáp với Vương quốc
Campuchia. Tựu trung, chiến trường Nam Bộ có ba vùng chiến lược hoàn chỉnh:
rừng núi, đồng bằng và đô thị.
Vùng rừng núi kéo dài từ miền Đông Nam Bộ đến
giáp phía tây các tỉnh Khu 6 cũ, nối liền với nam Tây Nguyên và đông bắc
Campuchia. Núi cao, rừng rậm và tương đối bằng phẳng, vùng rừng núi có đặc điểm
thuận lợi cho việc cơ động và trú đóng quân, xây dựng lực lượng và dự trữ cơ sở
vật chất, hình thành căn cứ địa và hậu phương chiến lược tại chỗ rộng lớn của
cả miền nam Đông Dương. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nơi đây trở
thành căn cứ địa của các cơ quan đầu não kháng chiến, nơi xây dựng các đơn vị
chủ lực mạnh, nơi tập kết đứng chân và phát triển tiến công của các binh đoàn
chủ lực về giải phóng Sài Gòn trên các hướng bắc và đông bắc.
Vùng đồng bằng bao gồm rẻo duyên hải mạn thấp
các tỉnh miền Đông Nam Bộ, vùng ven thành phố Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu
Long. Địa hình bằng phẳng, sông rạch dọc ngang chằng chịt, khuất khúc bất ngờ,
những cánh rừng tràm, rừng đước, dừa nước bạt ngàn, dân cư đông đúc, kinh tế
trù phú, vùng nông thôn đồng bằng có đặc điểm thuận lợi cho việc phát triển
chiến tranh du kích rộng khắp, phát triển phong trào đấu tranh chính trị của
quần chúng và cung cấp sức người, sức của cho kháng chiến.
Vùng đô thị bao gồm Sài Gòn và các thành phố,
thị xã lớn khác như Biên Hoà, Vũng Tàu, Mỹ Tho, Cần Thơ... Các đô thị thường
nằm ở những địa bàn xung yếu, trấn giữ các đầu mối hoặc trục đường giao thông
chiến lược cả về đường bộ, đường sông biển và đường không; nơi tập trung nhiều
cơ sở kinh tế công nghiệp có mối quan hệ giao lưu mật thiết và nhanh chóng với
vùng nông thôn đồng bằng bao quanh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước,
các đô thị, đặc biệt là thành phố Sài Gòn, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn
hóa và hệ thống căn cứ quân sự của địch, nơi đặt bản doanh chỉ đạo, chỉ huy
toàn bộ cuộc chiến tranh hoặc từng vùng chiến trường của thế lực xâm lược và bè
lũ tay sai. Với ta, nơi đây là trung tâm các phong trào đấu tranh chính trị và
địch ngụy vận, nơi hàng vạn nhân sĩ trí thức, học sinh, sinh viên, nhân viên kỹ
thuật rời đô thành ra đi kháng chiến.
Cư dân ở Nam Bộ có nhiều dân tộc khác nhau
(Việt, S'tiêng, Ch'ro, Châu Mạ, Chăm, Hoa, Khơme...), với nhiều tôn giáo (Thiên
Chúa, Phật giáo, Hồi giáo, Cao Đài, Hoà Hảo...). Chiếm tuyệt đại bộ phận trong
số họ là nông dân. Công cuộc khẩn hoang, làm chủ thiên nhiên và đấu tranh chống
áp bức bóc lột, chống giặc ngoại xâm trên vùng đất mới đã cố kết họ thành một
khối đoàn kết gắn bó; hun đúc nơi họ ý chí khảng khái, bất khuất trước mọi cản
trở của hoàn cảnh, tinh thần tự lực tự cường và sự năng động sáng tạo cả trong
làm ăn và đánh giặc. Từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào đấu tranh
chống xâm lược diễn ra liên tục và đều khắp với những cao trào mang dấu ấn sâu
sắc trong lịch sử cách mạng Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Quân và dân Nam Bộ
bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với hành trang kinh nghiệm rất
phong phú về đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự, đấu tranh địch ngụy vận cả
ở vùng tự do, vùng tranh chấp và vùng tạm bị chiếm, cả ở vùng nông thôn rừng
núi, nông thôn đồng bằng và đô thị.
Chiến trường Nam Bộ là địa bàn chiến lược có
ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc kháng chiến trường chống Mỹ, cứu nước.
Đối với địch, đây là nơi thực hiện tập trung nhất chủ nghĩa thực dân kiểu mới
và các chiến lược chiến tranh; nơi chúng thực hiện thí điểm các biện pháp chiến
lược chiến thuật như "ấp chiến lược", "thiết xa vận",
"trực thăng vận" (trong chiến lược "chiến tranh đặc
biệt"'); "tìm diệt", "bình định","quét và
giữ" (trong chiến lược "chiến tranh cục bộ"); "bình định
thí điểm", "bình định cấp tốc", "bình định đặc biệt"
(trong chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh"); là địa bàn cố thủ
trong nỗ lực chia cắt đất nước, duy trì ách thống trị của đế quốc Mỹ và chế độ
ngụy quyền tay sai.
Đối với ta, Nam Bộ là chiến trường trọng điểm
của toàn miền Nam, nơi Trung ương Đảng tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn
đề chiến lược chủ yếu nhất tại chiến trường nhằm phát triển cuộc kháng chiến đi
đến thắng lợi. Phong trào đồng khởi năm 1960, phong trào phá ấp chiến lược năm
1963, những trận đánh Mỹ đầu tiên và những chiến dịch tiêu diệt lớn những năm
1965-1967, cuộc tổng công kích Xuân Mậu Thân 1968, phong trào đấu tranh đô thị,
đòn phản công trên tuyến biên giới và phát triển tiến công mở rộng vùng giải
phóng sang Campuchia năm 1970, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và trận quyết
chiến chiến lược cuối cùng năm 1975 trên chiến trường B2 là chuỗi biến cố lịch
sử mà ý nghĩa của nó có tác dụng làm chuyển biến toàn bộ tiến trình cuộc kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước. Có thể nói rằng, miền Nam là địa bàn có khả năng thể
hiện sự vận dụng đầy đủ đường lối quân sự, đường lối chính trị của Đảng ta về
tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; địa bàn có điều kiện
thể hiện một cách trực tiếp truyền thống đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung
của hai dân tộc Việt Nam - Campuchia; nơi mở đầu và kết thúc cuộc kháng chiến
chống thực dân, đế quốc xâm lược của nhân dân ta trong 30 năm qua.
2. Như đã trình bày ở trên, trong quá trình
xâm lược Việt Nam, tại chiến trường Nam Bộ, Mỹ ngụy tổ chức thành các vùng
chiến thuật, tiểu khu, chi khu và tổ
chức này không ngừng thay đổi qua từng giai đoạn lịch sử cụ thể.
Năm 1961, chính quyền Ngô Đình Diệm giải tán
các tổ chức quân khu được thiết lập từ trước đó, chia lãnh thổ miền Nam thành
ba vùng chiến thuật 1, 2, 31. Dưới vùng chiến thuật là khu chiến
thuật, tiểu khu (tỉnh) và chi khu (quận). Mỗi vùng chiến thuật có một quân đoàn
(gồm từ 2 đến 4 sư đoàn) phụ trách. Bộ tư lệnh quân đoàn đồng thời là bộ tư
lệnh vùng chiến thuật. Các tỉnh Nam Bộ thuộc vùng 3 chiến thuật do Quân đoàn 3
phụ trách. Địa bàn của vùng 3 chiến thuật gồm tổng cộng 26 đơn vị hành chính.
Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn tổ chức thành quân khu đặc biệt. Cụ thể:
STT
|
Tỉnh
|
Diện
tích (km2)
|
Số
làng
|
Số
quận
|
Dân
số (1956)
|
1
|
Bạc Liêu
|
7.211
|
24
|
4
|
205.350
|
2
|
Bà Rịa
|
2.215
|
30
|
3
|
89.180
|
3
|
Bến Tre
|
1.501
|
114
|
5
|
467.290
|
4
|
Biên Hoà
|
11.045
|
100
|
5
|
247.720
|
5
|
Cà Mau
|
27
|
4
|
119.450
|
|
6
|
Cần Thơ
|
2.191
|
34
|
3
|
328.290
|
7
|
Châu Đốc
|
2.630
|
57
|
4
|
338.840
|
8
|
Chợ Lớn
|
1.235
|
66
|
4
|
298.560
|
9
|
Gia Định
|
1.228
|
75
|
5
|
501.190
|
10
|
Gò Công
|
584
|
40
|
2
|
135.330
|
11
|
Hà Tiên
|
1.723
|
9
|
4
|
18.740
|
12
|
Long Xuyên
|
2.573
|
38
|
5
|
362.100
|
13
|
Mộc Hoá
|
22
|
4
|
65.900
|
|
14
|
Mỹ Tho
|
2.263
|
91
|
5
|
226.650
|
15
|
Phong Thạnh
|
41
|
3
|
425.550
|
|
16
|
Rạch Giá
|
6.199
|
49
|
5
|
226.650
|
17
|
Sa Đéc
|
1.353
|
32
|
2
|
147.550
|
18
|
Sóc Trăng
|
2.329
|
77
|
5
|
360.750
|
19
|
Tam Cần
|
39
|
4
|
213.890
|
|
20
|
Tân An
|
3.687
|
36
|
3
|
102.230
|
21
|
Tây Ninh
|
4.801
|
53
|
3
|
306.960
|
22
|
Thủ Dầu Một
|
4.723
|
115
|
6
|
207.350
|
23
|
Trà Vinh
|
1.987
|
41
|
5
|
210.410
|
24
|
Vĩnh Long
|
1.087
|
41
|
4
|
217.320
|
25
|
Vũng Tàu
|
615
|
11
|
1
|
36.000
|
26
|
Côn Đảo
|
1
|
1.260
|
||
27
|
Tp. Sài Gòn - Chợ Lớn
|
51
|
-
|
-
|
1.794.360
|
Tổng cộng
|
63.231
|
1.262
|
99
|
7.641.540
|
Năm 1963, ngụy quyền Sài Gòn tách các tỉnh
đồng bằng sông Cửu Long ra khỏi vùng 3 chiến thuật để thành lập vùng 4 chiến
thuật và đồng thời với nó là sự thành lập Quân đoàn 4. Theo đó toàn miền Nam có
4 vùng chiến thuật và riêng ở Nam Bộ có vùng 3 chiến thuật, vùng 4 chiến thuật.
Vùng 3 chiến thuật - Quân đoàn 3 gồm các tỉnh Phước Long, Bình Dương, Biên Hoà,
Bình Long, Long Khánh, Phước Tuy, Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Long An. Trực thuộc vùng
3 chiến thuật có khu chiến thuật 31 (gồm các tiểu khu Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Long
An); khu chiến thuật 32 (gồm các tiểu khu Bình Dương, Bình Long, Phước Long);
và khu chiến thuật 33 (gồm các tiểu khu Biên Hoà, Long Khánh, Bình Tuy, Phước
Tuy) và Biệt khu thủ đô (Sài Gòn - Gia Định). Vùng 4 chiến thuật - Quân đoàn 4
gồm các tỉnh Gò Công, Kiến Tường, Định Tường, Kiến Hoà, Kiến Phong, Sa Đéc,
Vĩnh Long, Vĩnh Bình, Châu Đốc, An Giang, Phong Dinh, Ba Xuyên, Kiên Giang,
Chương Thiện, Bạc Liêu và An Xuyên). Trực thuộc vùng 4 chiến thuật có khu chiến
thuật 41 (gồm các tiểu khu Châu Đốc, An Giang, Sa Đéc, Vĩnh Long, Vĩnh Bình);
khu chiến thuật 42 (gồm các tiểu khu Kiên Giang, Phong Dinh, Chương Thiện, Ba
Xuyên, Bạc Liêu, An Xuyên); khu chiến thuật 43 (gồm các tiểu khu Định Tường,
Kiến Tường, Kiến Hoà, Gò Công). Ngoài ra, còn có khu chiến thuật đặc biệt bán
tự trị 44 làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh khu vực tây bắc đồng bằng sông Cửu Long
dọc biên giới Việt Nam - Campuchia (giải thể năm 1973).
Năm 1969, đế quốc Mỹ thực hiện chiến thuật
"Việt Nam hóa chiến tranh", rút dần quân chiến đấu về nước. Chính
quyền Nguyễn Văn Thiệu cải tổ lại tổ chức lãnh thổ và bộ máy lãnh đạo chính trị
- quân sự từ Trung ương đến địa phương theo hướng tập trung quyền lực và thống
nhất chỉ huy trên toàn miền Nam. Theo đó, tại Nam Bộ vẫn tồn tại hai quân khu
(vùng chiến thuật), một loại tổ chức quân sự hành chính làm nhiệm vụ bảo đảm an
ninh lãnh thổ và bình định xây dựng tại chỗ.
Các đơn vị hành chính thuộc các vùng chiến
thuật như sau:
Quân khu
|
STT
|
Tỉnh
|
Diện tích (km2)
|
Dân số
|
Tỉnh lỵ
|
Quân khu III
(Vùng III chiến thuật)
|
1
|
Biên Hoà
|
2.407
|
469.114
|
Biên Hoà
|
2
|
Bình Dương
|
2.033
|
254.088
|
Phú Cường
|
|
3
|
Bình Long
|
2.343
|
71.137
|
An Lộc
|
|
4
|
Bình Tuy
|
3.696
|
65.724
|
Hàm Tân
|
|
5
|
Gia Định
|
1.445
|
1.262.738
|
Gia Định
|
|
6
|
Hậu Nghĩa
|
1.285
|
206.047
|
Khiêm Cường
|
|
7
|
Long An
|
1.639
|
368.452
|
Tân An
|
|
8
|
Long Khánh
|
4.464
|
156.390
|
Xuân Lộc
|
|
9
|
Phước Long
|
5.299
|
45.797
|
Phước Bình
|
|
10
|
Phước Tuy
|
2.203
|
118.039
|
Phước Tuy
|
|
11
|
Tây Ninh
|
3.925
|
363.980
|
Tây Ninh
|
|
12
|
Vũng Tàu
|
67
|
86.012
|
Vũng Tàu
|
|
Quân khu IV
(Vùng IV chiến thuật)
|
1
|
An Giang
|
1.903
|
572.558
|
Long Xuyên
|
2
|
An Xuyên
|
5.029
|
176.076
|
Quản Long
|
|
3
|
Ba Xuyên
|
2.583
|
392.600
|
Khánh Hưng
|
|
4
|
Bạc Liêu
|
2.559
|
293.200
|
Bạc Liêu
|
|
5
|
Châu Đốc
|
2.075
|
556.452
|
Châu Đốc
|
|
6
|
Chương Thiện
|
2.292
|
209.836
|
Vị Thanh
|
|
7
|
Côn Sơn
|
67
|
3.430
|
Côn Sơn
|
|
8
|
Định Tường
|
1.557
|
545.543
|
Mỹ Tho
|
|
9
|
Gò Công
|
570
|
191.291
|
Gò Công
|
|
10
|
Kiên Giang
|
5.268
|
423.046
|
Rạch Giá
|
|
11
|
Kiến Hoà
|
2.084
|
531.900
|
Trúc Giang
|
Dưới quân khu là khu trách nhiệm chiến thuật
(khu chiến thuật cũ), tiểu khu (tỉnh), rồi chi khu (quận). Người đứng đầu mỗi
cấp vừa giữ quyền lãnh đạo hành chính vừa giữ quyền chỉ huy quân đội (quân khu,
quân đoàn, tiểu khu, chi khu), Tư lệnh quân khu - quân đoàn làm đại biểu chính
phủ tại lãnh thổ quân khu (vùng chiến thuật cũ), tỉnh trưởng kiêm tiểu khu
trưởng, quận trưởng kiêm chi khu trưởng. Tổ chức này tồn tại cho đến ngày
30-4-1975.
3. Dựa trên cơ sở tổ chức đơn vị hành chính
tỉnh, huyện, xã có sẵn và kế thừa kinh nghiệm từ cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp, tại Nam Bộ, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ
cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ
trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam (gọi tắt là Bộ chỉ huy Miền), dưới
sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam đã không ngừng điều chỉnh, củng cố lại
tổ chức chiến trường phù hợp với nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng cụ thể.
Năm 1961, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu của
nhân dân ta chuyển sang thời kỳ chiến tranh cách mạng, lực lượng vũ trang và hệ
thống chỉ huy quân sự các cấp tái thành lập. Nam Bộ được tổ chức thành 4 quân
khu, hình thức tổ chức quân sự theo lãnh thổ (mật danh quân sự là T). Theo đó:
- T1 (Quân khu 7 - miền Đông Nam Bộ) gồm 8
tỉnh: Bà Rịa (gồm cả thị xã Vũng Tàu), Biên Hoà, Long Khánh, Tây Ninh, Bình
Dương, Bình Long, Phước Long và Phước Thành (gồm huyện Tân Uyên của tỉnh Biên
Hoà và huyện Phước Vĩnh của tỉnh Bình Dương).
- T2 (Quân khu 8 - miền Trung Nam Bộ) gồm 8
tỉnh: Long An, Mỹ Tho, Gò Công, Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc, Bến Tre và Kiến
Phong (gồm Cao Lãnh của tỉnh Sa Đéc và Mộc Hoá của Tân An).
- T3 (Quân khu 9 - miền Tây Nam Bộ) gồm 7
tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng (gồm cả Côn Đảo), Rạch Giá, Cà
Mau, Hà Tiên. Tỉnh Bạc Liêu chia đôi, một nửa nhập về tỉnh Sóc Trăng, một nửa
nhập về tỉnh Cà Mau.
- T4 (Quân khu Sài Gòn - Gia Định) gồm thành
phố Sài Gòn - Chợ Lớn và các huyện ngoại thành: Bình Tân, Tân Bình, Bình Chánh,
Nhà Bè, Thủ Đức, Dĩ An, Gò Vấp, Hóc Môn và Củ Chi.
Trực thuộc các quân khu là tỉnh đội, huyện
đội, xã đội.
Từ năm 1962 đến năm 1966, Bộ chỉ huy Miền tổ
chức lại chiến trường. Năm 1962, thành lập Quân khu 10 (T10) gồm các tỉnh Bình
Long, Phước Long (thuộc Quân khu 7) và các tỉnh Quảng Đức, Lâm Đồng (thuộc Quân
khu 6). Năm 1963, lại giải thể Quân khu 10 (tỉnh Bình Long trở về Quân khu 7,
các tỉnh còn lại trở về Quân khu 6); đồng thời 2 tỉnh Bà Rịa, Long Khánh sáp
nhập lại thành tỉnh Bà Rịa - Long Khánh. Năm 1966, tỉnh Bà Rịa - Long Khánh sáp
nhập với tỉnh Biên Hoà thành tỉnh Long - Bà - Biên; tỉnh Phước Thành giải thể;
Quân khu 10 tái thành lập gồm các tỉnh Bình Long, Phước Long và Quảng Đức.
Năm 1967, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công
Tết Mậu Thân, chiến trường Nam Bộ có sự biến động lớn về tổ chức. Các quân khu
miền Đông Nam Bộ, Sài Gòn - Gia Định được giải thể để thành lập khu trọng điểm
gồm các phân khu hình thành 5 cánh trên 5 hướng tiến công vào thành phố Sài
Gòn. Tỉnh Long An thuộc Quân khu 8 cũng được tổ chức vào các phân khu. Theo đó,
Phân khu 1 (hướng đông bắc) gồm các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp (Gia Định), Bến Cát, Dầu Tiếng
(Bình Dương), Trảng Bàng (Tây Ninh). Phân khu 2 (hướng tây) gồm các huyện Đức
Hoà, Đức Huệ, Bến Lức, (Long An), Tân Bình, bắc Bình Chánh và các quận nội
thành 3,5,6 (Sài Gòn). Phân khu 3 (hướng Nam) gồm các huyện Châu Thành, Tân
Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc (Long An), Nhà Bè, nam Bình Chánh và các quận nội
thành 2,4,7,8 (Sài Gòn). Phân khu 4 (hướng đông) gồm các tỉnh Long Khánh, Biên
Hoà và các huyện Thủ Đức, Nhơn Trạch, Thạnh Mỹ Tây (Gia Định). Phân khu 5
(hướng bắc) gồm các huyện Phú Giáo, Lái Thiêu, Dĩ An (Bình Dương), Tân Uyên
(Biên Hoà) và Phú Nhuận, Bình Hoà (Sài Gòn). Phân khu 6 gồm vùng nội đô trung
tâm thành phố Sài Gòn.
Từ sau cuộc Tổng tiến công Mậu Thân đến hết
năm 1971 là giai đoạn lực lượng kháng chiến gặp rất nhiều khó khăn. Tổ chức
chiến trường Nam Bộ, chủ yếu là Đông Nam Bộ, liên tục được điều chỉnh. Tháng 3
năm 1968, Quân khu 7 được thành lập lại, bao gồm địa bàn Phân khu 4 và tỉnh Bà
Rịa. Tháng 5 năm 1970, Phân khu 2 và Phân khu 3 sáp nhập lại thành Phân khu
Long An. Năm 1971, lại giải thể Quân khu 10 một lần nữa để thành lập Phân khu
Bình Phước gồm 2 tỉnh Bình Long và Phước Long (tỉnh Quảng Đức chia nhập về các
tỉnh Đăk Lăk và Lâm Đồng); Quân khu 7 giải thể, thành lập Phân khu Bà Rịa bao
gồm tỉnh Bà Rịa và Phân khu 4 cũ.
Từ mùa Xuân năm 1972, tổ chức các phân khu
không còn phù hợp nữa, các lực lượng kháng chiến mở cuộc tấn công nhằm giành
quyền chủ động chiến lược trên toàn chiến trường. Tại miền Đông Nam Bộ, Bộ chỉ
huy Miền giải thể các tổ chức phân khu để khôi phục lại Quân khu 7 gồm các tỉnh
Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hoà, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Quân khu Sài
Gòn - Gia Định gồm khu vực nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn và các quận, huyện vùng
ven: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Tân Bình, Gò Vấp, Thủ Đức, Nhà Bè. Các tỉnh
Long An, Kiến tường sáp nhập trở lại Quân khu 8. Tại miền Tây Nam Bộ, thị xã
Cần Thơ tách riêng thành thành phố trực thuộc Quân khu 9.
Sau ngày Hiệp định Pari được ký kết, cách
mạng miền Nam chuyển sang một giai đoạn mới. Cùng với quân và dân toàn miền
Nam, quân và dân Nam Bộ tập trung mở cuộc đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp
định, thực hiện tạo thế, tạo lực để tiến lên tổng tiến công nổi dậy hoàn thành
cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Tại miền Đông Nam Bộ, các huyện Tân Uyên,
Phú Giáo, Độc Lập (Biên Hoà) tách ra thành lập tỉnh Tân Phú. Các tỉnh Bình
Phước, Tây Ninh tách khỏi Quân khu 7, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ chỉ huy
Miền. Quân khu Sài Gòn - Gia Định đổi tên thành Thành đội Sài Gòn - Gia Định.
Tại miền Trung Nam Bộ, các tỉnh An Giang, Kiến Phong được điều chỉnh lại, đổi
tên là tỉnh Sa Đéc, tỉnh Long Châu Tiền. Tại miền Tây Nam Bộ, tỉnh Bạc Liêu
được khôi phục lại; tỉnh Châu Hà sáp nhập thêm vùng nam sông Hậu của Long Xuyên
và đổi tên thành tỉnh Long Châu Hà. Và tổ chức nói trên tồn tại cho đến ngày
Nam Bộ hoàn toàn giải phóng.
Diễn biến quá trình tổ chức chiến trường của
cả ta và địch ở Nam Bộ như đã trình bày ở trên diễn ra dưới sự tác động của
nhiều yếu tố: đặc điểm về địa lý tự nhiên và địa lý nhân văn, thực trạng thế và
lực cùng nhiệm vụ chính trị, quân sự của mỗi bên trong từng thời đoạn lịch sử
cụ thể. Về cơ bản, địa hình Nam Bộ được chia thành hai vùng - Đông và Tây - với
các chỉ số tự nhiên tương đối khác biệt về độ cao so với mực nước biển và cấu
trúc bề mặt, về chất đất, thảm thực vật, hệ thống đường giao thông thủy bộ, khí
hậu và tác động của chế độ thủy triều. Sự khác biệt ấy cộng với các yếu tố nhân
văn đã làm cho mỗi vùng có một vị trí và ý nghĩa khác nhau về phương diện quân
sự. Đó là nền tảng để hình thành ở Nam Bộ, về cơ bản, hai tổ chức hành chính -
quân sự, không kể khu vực đặc biệt Sài Gòn. Hai tổ chức hành chính - quân sự ấy
(gọi là quân khu hay vùng chiến thuật) có thể chia tách nhỏ hơn và luôn luôn
biến đổi về ranh giới phân chia tuỳ thuộc vào động thái cuộc giao tranh trong
suốt qúa trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nó vừa kế thừa những kinh
nghiệm từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp vừa có bước phát triển cao
hơn, cả về quy mô tổ chức, tính uyển chuyển, chặt chẽ và hiệu quả của hệ thống.
Và mặc nhiên, vấn đề tổ chức chiến trường - của cả ta và địch - ở Nam Bộ thời
kỳ 1954-1975 chứa đựng nhiều bài học lịch sử cần được nghiên cứu tham khảo và
vận dụng vào quá trình xây dựng tổ chức hành chính - quân sự, xây dựng khu vực
phòng thủ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Nguồn: Sách “Đại thắng mùa
xuân 1975 - bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam", Nxb, Quân đội nhân dân, Hà Nội,
2005, tr.872-883.
Download
toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
* Trưởng phòng KHCN-MT
Quân khu 7.
1. Vùng chiến thuật 1
gồm các tỉnh từ Quảng Ngãi trở ra vĩ tuyến
17. Vùng chiến thuật 2 gồm các tỉnh cao nguyên và cục Nam Trung Bộ. Vùng chiến
thuật 3 gồm các tỉnh Nam Bộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!