LÊ THÀNH LÂN
I-Nhập đề
“Tìm
giờ G của Tết Mậu Thân” là bài toán khó. Lời giải của nó thật sự cần thiết cho
những nhà nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử quân sự, những người đang nghiên
cứu, bàn luận về sự kiện trọng đại này. Bốn mươi năm qua, dường như chưa có ai
thử tìm một lời giải thỏa đáng, nhiều người không hề băn khoăn và vẫn tin rằng
đó là “Đêm giao thừa” và không nhớ rõ là giao thừa nào. Nhiều người viết theo
một lịch, nhưng khi ghi chú thêm bằng một lịch khác, thường lúng túng và hay
viết sai. Chúng tôi căn cứ trên những tư liệu không mới, chỉ cố gắng phân tích
theo lịch pháp và những suy luận với hy vọng tìm ra một lời giải khả dĩ. Đáp số
thu được và trình bày ở đây có thể là khá bất ngờ, có thể đúng, có thể chưa
hoàn toàn đúng, song hy vọng qua trao đổi chúng ta sẽ tiến dần đến một lời giải
chính xác.
Qua
nghiên cứu và trao đổi, chúng tôi nhận thấy có một vài thông tin về Tết Mậu Thân
tưởng như chắc chắn lại hoá ra không có căn cứ vì chúng đã đến với ta theo con
đường “văn học-báo chí”, chúng được tô vẽ cho đẹp để đi vào lòng người, rồi từ
cây bút này lan sang cây bút khác, khiến ta tưởng thật và tin vào điều đó. ở
đây có hai việc: Một là, lấy thời
điểm Bác Hồ đọc thơ chúc Tết làm hiệu lệnh chiến đấu. Câu chuyện rất “nên thơ”.
Nhưng, ai cũng biết là đến Giao thừa, Bác Hồ sẽ đọc thơ chúc Tết. Vậy thì xem
đồng hồ để biết Giao thừa mà đánh, hay mở đài đợi khi nào Bác Hồ chúc Tết thì
đánh tiện hơn? Tất nhiên là xem đồng hồ. Có lẽ từ một ý văn: Tinh thần của câu
thơ chúc Tết của Bác Hồ “Tiến lên! Toàn
thắng ắt về ta!” là lời hiệu triệu toàn quân, toàn dân ta ở miền Nam nhất
loạt xông lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa; rồi dần dần được quan niệm:
“Thời điểm Bác chúc Tết là giờ G”. Nhiều vị chỉ huy chiến trường, chẳng hạn
Thượng tướng Trần Văn Quang, cho biết mệnh lệnh đánh chỉ đơn giản là đánh vào
đêm Giao thừa. Nhưng ngay việc “nhất loạt nổ súng vào đêm Giao thừa” cũng là
điều cần phải tìm hiểu. Theo các sách báo ghi lại ngay lúc đó, thì vào đêm Giao
thừa miền Bắc, tức là thời điểm Bác Hồ chúc Tết (đêm 28 rạng sáng ngày
29-1-1968) chưa một đơn vị nào nổ súng. Còn đêm Giao thừa miền Nam (đêm 29 rạng
sáng ngày 30-1-1968), chỉ lác đác vài đơn vị ở Quân khu 5 mở màn chiến dịch.
Đại bộ phận chiến trường miền Nam đều nổ súng vào đêm 30 rạng sáng ngày
31-1-1968, tức là đêm mồng 1 rạng sáng ngày mồng 2 Tết miền Nam và là đêm mồng
2 rạng sáng ngày mồng 3 Tết miền Bắc. Chúng tôi nêu những điều này để thấy rằng
câu chuyện hôm nay chúng ta bàn không phải là đơn giản.
Một
điều dễ gây nhầm lẫn là: “Giờ G” mà chúng ta bàn ở đây là thời điểm giao ngày,
nó là đêm hôm trước rạng sáng ngày hôm sau, liên quan đến 2 ngày. Chẳng hạn,
với một chuỗi thông tin: “Đêm 30; vào 23 giờ, A nổ súng …; vào 1 giờ sáng, B nổ
súng”. Với người ghi “nhật ký” coi trọng sự kiện “nhất loạt nổ súng” thì cho
rằng đó là một chuỗi sự kiện của ĐÊM 30, A và B cùng nổ súng; người ưa “chặt
chẽ” về thời gian thì mới tách bạch ra rằng B nổ súng vào ngày 31. Người khác
xem “nhật ký” rồi chép lại và ngay cả người viết nó khi xem lại có thể cũng bị
nhầm. Đây cũng có thể là một nguyên nhân dẫn đến sự ngộ nhận về ngày.
Trong
bài viết này, chúng tôi liệt kê một bảng đối chiếu 3 lịch: lịch Dương, lịch Âm
miền Bắc và lịch Âm miền Nam cho mấy ngày cuối tháng 1-1968, đồng thời nhấn
mạnh các thời điểm chuyển ngày có thể đã được chọn làm giờ G, nhằm cung cấp cho
độc giả có một công cụ về lịch tối thiểu để nghiên cứu sự kiện Tết Mậu Thân.
Tham vọng lớn hơn là thử tìm nội dung của một mệnh lệnh truyền đi, bằng miệng
nói về giờ G thủa ấy.
Cũng
xin viết ngay rằng, theo chúng tôi có thể
có ba lần xác định (quyết định) thời điểm nổ súng, tức “giờ G” của Tết Mậu
Thân, đó là: quyết định lần một vào ngày 21-1-19681; theo giả thiết
của chúng tôi, còn có một quyết định lần hai vào lúc phát mệnh lệnh tổng công
kích, “sát ngày nổ súng, được phép truyền đạt bằng miệng đến các tư lệnh chiến
trường”2-điều
này còn chưa khẳng định và quyết định lần ba là chiều 29-1-1968, hoãn giờ nổ
súng lùi lại 1 ngày3.
II-Nguồn tư liệu
Nguồn
tư liệu chính là hai cuốn sách của Đại tá, TS Hồ Khang: Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước và Tết Mậu Thân 1968 tại miền
Nam Việt Nam4. Phải nói rằng: lượng thông tin ở hai cuốn sách
đó rất lớn, nó là kết quả nghiên cứu dày công, tỉ mỉ trong hơn hai chục năm qua
của tác giả. Nó cung cấp khá đầy đủ tư liệu cho chúng ta bàn bạc về hầu hết các
vấn đề của Tết Mậu Thân. Tác giả có trong tay một khối lượng tư liệu đồ sộ. Chỉ
có điều đáng tiếc cho độc giả là nhiều chi tiết tác giả không được phép chú
thích rõ ràng được ghi chép ở tài liệu nào, trang nào. Đó cũng là một khó khăn
mà tác giả phải vượt và ông đã vượt qua. Mong rằng một ngày nào đó, tác giả
được phép hé mở cho chúng ta xuất xứ của mọi nguồn tư liệu và nhờ thế, một cuốn
sách nữa chi tiết hơn, cụ thể hơn về Tết Mậu Thân của tác giả sẽ lại lôi cuốn
chúng ta trở lại sự kiện này.
Trong
bài viết này, chủ yếu chúng tôi dùng tư liệu ở cuốn Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước, in năm 2005 (vì nó bao quát được nội dung cuốn Tết Mậu Thân 1968 tại miền Nam Việt Nam, in năm 1998) của Đại tá,
TS Hồ Khang. Các tài liệu khác liệt kê ra ở cuối bài chỉ là để độc giả biết tư
liệu gốc, còn thực ra đều đã được tác giả dẫn. Đôi chỗ, chúng tôi có dẫn thêm
một vài tài liệu khác chẳng qua cũng chỉ nhằm biện minh cho việc vì sao phải đi
sâu vào một góc cạnh nào đó mà thôi.
Trong
khi chuẩn bị tư liệu cho bài viết này, chúng tôi có một cuộc trao đổi ngắn với
Thượng tướng Trần Văn Quang, hồi đó ông là Bí thư Khu ủy kiêm Tư lệnh Quân khu
Trị Thiên-Huế và một phần Quảng Trị5. Ông cho biết: Mệnh lệnh là nổ súng
vào đêm Giao thừa. Lệnh như vậy, tất nhiên phải dựa vào lịch. Tuy có trong tay
cả 2 cuốn lịch của miền Nam và miền Bắc, nhưng lúc đầu ông cũng chưa xem kỹ;
đến ngày 26 hoặc 27-1 ông mới phát hiện ra 2 lịch khác nhau, Tết khác nhau. Ông
có gọi điện ra Hà Nội hỏi đồng chí Phan Hàm và Thượng tướng Văn Tiến Dũng. Ông
đoán là có lẽ do sát ngày nổ súng, để giữ bí mật nên nói chuyện qua điện thoại
không tiện và vẫn quyết định nổ súng vào Giao thừa miền Nam. Giờ đây, ông vẫn
cho rằng ta đã cho nổ súng vào mốc thời gian đó. Nhưng qua các tư liệu xác thực
còn ghi lại thì Khu Bốn (tức Trị Thiên-Huế và một phần Quảng Trị) bắt đầu đánh
vào 2 giờ 33 phút ngày 31-1-1968, tức
là đêm 30, rạng sáng 31-1-1968 Dương lịch (đêm mồng 1 rạng sáng ngày mồng 2
tháng Giêng năm Mậu Thân theo lịch miền Nam). Vậy phải chăng ông đã nhớ
nhầm?
Cũng
theo Thượng tướng Trần Văn Quang, có lẽ lúc bấy giờ Bộ Tổng tư lệnh không để ý
đến chi tiết có 2 lịch khác nhau. Và cũng có lẽ sau khi ông điện ra hỏi, Bộ
Tổng tham mưu mới xem xét lại, phát hiện ra 2 lịch khác nhau bèn ra lệnh lùi
lại một ngày, thành đêm 30 rạng sáng 31-1-1968, để đảm bảo việc nổ súng được
đồng bộ.
III-Cần thống nhất
một cách nhìn chính xác về lịch được dùng ở hai miền lúc đó
1-Cho
đến nay nhiều người tuy có biết lúc bấy giờ hai miền dùng hai lịch khác nhau,
nhưng chưa biết chúng khác nhau cụ thể như thế nào và thường vẫn hiểu sai.
Nhiều cuốn sách lịch sử quân sự viết về miền, vùng, quân khu, binh chủng…, hay
các tham luận tại các hội thảo, các hồi ký của các vị tướng lĩnh thường viết
chưa chính xác về ngày. Nguyên do là các tác giả dựa vào trí nhớ mà viết, họ
không dựa vào và tra cứu hai cuốn lịch thời đó, thậm chí một cuốn lịch, nên
viết sai. Cũng có thể các tác giả sau chép theo các sách viết trước, thế là “dĩ
ngoa, truyền ngoa”, sai sót lan ra mãi. Lại nữa, các cuốn lịch thường chỉ in
một lịch nên nếu dựa vào một cuốn rồi suy diễn theo trí nhớ thì cũng dễ dẫn đến
việc đổi lịch sai. Có một điều cần chú ý, từ năm 1999 trở lại đây, do việc quản
lý lỏng lẻo, nên nhiều cuốn lịch in lịch Trung Quốc, khi dùng nếu không biết rõ
là lịch nào có thể bị nhầm lẫn. Chẳng hạn như cuốn Nam Trung Bộ kháng chiến 1945-1975 (NTBKC) viết: “Cuối năm
1967, vì lý do khoa học, Chính phủ VNDCCH công bố ngày mồng một Tết Âm lịch Mậu
Thân chậm hơn lịch cũ một ngày (tức ngày 30 tháng 1 năm 1968), trong lúc đó,
ngụy quyền Sài Gòn vẫn giữ như lịch cũ (tức là ngày 31 tháng 1 năm 1968)”6.
Đây
là một công trình tập thể, vậy mà các tác giả NTBKC không có một cuốn lịch nào trong tay, nên viết sai cả 2 lịch,
họ viết hoàn toàn chủ quan theo trí nhớ không chính xác. Đúng ra: Mồng 1 tháng
Giêng theo lịch miền Bắc là ngày 29-1-1968, theo lịch miền Nam là ngày
30-1-1968 như chúng tôi sẽ liệt kê trong bảng đối chiếu lịch dưới đây. Rất
nhiều sách báo khác cũng có sai và có nhiều cách sai khác nhau.
2-Chúng
tôi xin giải thích về mặt khoa học: Tại sao hai lịch khác nhau?
a-Việt
Nam, Trung Quốc chênh nhau 1 giờ. Miền Nam lúc đó dùng giờ Trung Quốc.
Từ
Trái đất chúng ta nhìn thấy Mặt trời chuyển động từ Đông sang Tây. Khi Mặt trời
ở đỉnh đầu, thì tại đó và tại các nơi cùng kinh tuyến là 12 giờ trưa. Chẳng hạn
khi Mặt trời ở đỉnh đầu người ở kinh tuyến Bắc Kinh, tại đó là 12 giờ trưa, thì
lúc ấy ở ta mới 11 giờ. Khi Mặt trời tới đỉnh đầu vùng Hà Nội, ở ta 12 giờ
trưa, thì Bắc kinh đã 13 giờ. Vì thế người ta chia Trái đất theo kinh tuyến
thành 24 múi, mỗi múi 15 độ và gọi là hệ thống múi giờ quốc tế. Múi giờ gốc có
kinh tuyến giữa múi đi qua đài thiên văn Greenwich nước Anh được gọi là múi 0.
Như vậy, khi ở múi gốc là 0 giờ thì ở múi 7 là 7 giờ, múi 8 là 8 giờ.
Tuy
Trung Quốc đất rộng, trải ra trên nhiều múi giờ, nhưng năm 1959 họ đã chọn múi
giờ 8 có chứa Bắc Kinh với kinh tuyến giữa múi là 1200 làm giờ chính
thức và dùng nó để tính lại lịch in trong cuốn Nhị bách niên lịch biểu.
Về
khoa học, tức là xét về vị trí địa lý, hầu hết đất liền Việt Nam nằm trên múi
giờ 7 (từ kinh tuyến 97030’ đến 112030’) mà kinh tuyến đi
qua giữa múi là 1050. Vậy múi
giờ 7 là múi giờ chuẩn của nước ta. Tuy vậy, không phải lúc nào giờ chuẩn
cũng được chọn làm giờ chính thức.
Trong
thế kỷ XX, vì những lý do khác nhau, ở từng vùng, từng lúc chính quyền đã dùng
các múi giờ khác nhau làm giờ chính thức
của nước ta. Thường thì họ chọn giờ múi 7 (là chuẩn), hoặc múi 8, thậm chí
thời Nhật cai trị, nước ta phải dùng múi giờ 9 của nước Nhật làm múi giờ chính
thức.
Ở miền Bắc, theo quyết định số
121-CP ngày 8-8-1967, có hiệu lực từ ngày 1-1-1968, đã chọn “giờ chính thức của
nước ta là giờ của múi giờ thứ 7”
“theo hệ thống múi giờ quốc tế. Kinh tuyến trung tâm của múi giờ đó là kinh
tuyến 1050” và theo đó soạn một lịch riêng của nước ta. Như trên đã
nói, điều này là khoa học và hoàn toàn phù hợp với vị trí địa lý của nước
ta.
Ở miền Nam, theo Sắc lệnh số
362-TTP ngày 30-12-1959: bắt đầu từ 01-01-1960 dùng “giờ chính thức và pháp
định của Việt Nam (miền Nam) nhanh hơn 60 phút đối với giờ của múi thứ 7”7;
tức là dùng giờ múi 8. Như thế, miền Nam không cần tính lịch mà dùng luôn lịch
của Trung Quốc.
b-Từ
việc hai miền dùng hai múi giờ chính thức khác nhau sẽ dẫn đến hai lịch khác
nhau. Hãy hình dung: Hai người cùng đi trên một đoàn tàu hỏa, kẻ ở toa trước,
người toa sau. Khi tàu qua ranh giới giữa 2 huyện, kẻ ở huyện này, người ở
huyện kia; qua ranh giới giữa hai tỉnh, người ở tỉnh này, kẻ ở tỉnh kia... Khi đi qua ranh giới giữa 2 châu lục, chẳng
hạn ở giữa nước Nga, kẻ ở châu Âu, người ở châu Á. Cũng như vậy, lịch soạn theo
2 múi giờ khác nhau, sẽ có lúc khác nhau về ngày; có lúc khác nhau về tháng…
Khi khác nhau về năm, thì lịch này đã sang năm mới, lịch kia vẫn còn là năm cũ.
Trường hợp Tết Mậu Thân là như vậy.
3-Tết
Mậu Thân, sự khác nhau giữa 2 lịch được dùng ở hai miền cụ thể như thế nào?
Như
trên đã viết, ngày 1-1-1968 bắt đầu dùng lịch do Nha khí tượng soạn, chưa đầy
một tháng sau, ngày mồng 1 tháng Giêng (Tết) năm Mậu Thân hai lịch đã khác
nhau. Cả hai lịch đã được chúng tôi in song song dưới dạng rút gọn trong cuốn Lịch và niên biểu lịch sử hai mươi thế kỷ
(0001-2010)8.
Độc
giả có thể và nên dùng cuốn lịch mới in của chúng tôi Đối chiếu lịch Dương với lịch Âm-Dương của Việt Nam và Trung Quốc 2030
năm (0001-2030)9. Lịch năm 1968 in ở trang 791 cuốn lịch đó có
trình bày từng ngày song song trên cùng một trang hai lịch Âm của Việt Nam
(theo múi giờ 7) và Trung Quốc (theo múi giờ 8-mà miền Nam lúc đó đang dùng).
Những ngày 2 lịch khác nhau được in trên nền đen nhạt. Lấy số liệu từ đó, chúng
tôi liệt kê mấy ngày liên tiếp cuối tháng 1-1968 có liên quan đến sự kiện Tết
Mậu Thân vào bảng đối chiếu lịch dưới đây. Nhìn bảng đối chiếu lịch này ta thấy
ngay:
Ngày Tết, tức ngày mồng 1 tháng Giêng năm Mậu Thân của
lịch miền Bắc rơi vào ngày 29-1-1968, của miền Nam rơi vào ngày 30-1-1968.
Để
khẳng định thêm, chúng tôi xin dẫn những cứ liệu từ tài liệu khác.
Về
lịch Việt Nam, ta có thể thấy ở cuốn Lịch
Việt Nam 1901-201010 của Nguyễn Mậu Tùng, trang
162 ghi: Ngày 29-1-1968 là mồng 1 tháng Giêng năm Mậu Thân.
Về
lịch Trung Quốc, ta có thể thấy ở cuốn
Lưỡng thiên niên Trung Tây lịch đối chiếu biểu11 của Tiết Trọng
Tam và Âu Dương Di, trang 394 ghi: Ngày 30-1-1968 là mồng 1 tháng Giêng năm Mậu
Thân.
Về
lịch miền Nam, ta có thể thấy ở cuốn Việc
từng ngày12 của Đoàn Thêm, trang 39 viết: “29-1-1968-Hôm nay
30 Tết, Thứ Hai… 30-1-1968-(Thứ Ba, Tết
Nguyên đán Mậu Thân)…”. Đúng là dùng lịch Trung Quốc.
Điều
đó cho thấy, bảng đối chiếu lịch trên là chính xác.
Những
điều chúng tôi nêu ra ngay sau đây sẽ được làm sáng tỏ dần qua các mục tiếp
theo. Trong bảng lịch này, chúng tôi nhấn mạnh mấy thời điểm vào nửa đêm, là
lúc chuyển ngày, có thể là giờ G.
Đêm a (chữ trắng, nền đen
nhạt): Đó là “đêm giao thừa” của lịch miền Bắc mà ngày 31-1-1968 đã xác định đó
là giờ nổ súng-đây là quyết định lần một, nhưng thực tế không có một đơn vị nào
nổ súng. Vậy chắc phải có một quyết định khác.
Lịch Dương
|
Lịch
Âm miền Bắc (múi 7)
|
Lịch
Âm miền Nam (múi 8)
|
||
28-1-1968
|
29 tháng Chạp Đinh Mùi
|
29 tháng Chạp Đinh Mùi
|
||
Đêm a
|
Đêm 28 rạng sáng 29
|
Giao
thừa miền Bắc
|
||
29-1-1968
|
1 tháng Giêng Mậu Thân
|
30 tháng Chạp Đinh Mùi
|
||
Đêm b
|
KH ban đầu
|
Đêm 29 rạng sáng 30
|
Đêm mồng 1 rạng sáng 2 Tết
|
Giao thừa miền Nam
|
30-1-1968
|
2 tháng Giêng Mậu Thân
|
1 tháng Giêng Mậu Thân
|
||
Đêm c
|
Hoãn lại thành
|
Đêm 30 rạng sáng 31
|
Đêm mồng 2 rạng sáng 3 Tết
|
Đêm mồng 1 rạng sáng 2 Tết
|
31-1-1968
|
3 tháng Giêng
Mậu Thân
|
2 tháng Giêng Mậu Thân
|
Đêm b (chữ trắng, nền
đen): Đó là “đêm mồng 1 rạng sáng ngày
mồng 2 Tết” của lịch Âm miền Bắc. Tuy không có văn bản nào ghi rõ lệnh này,
nhưng theo suy luận của chúng tôi thì: Sát ngày nổ súng có một lệnh được truyền
đạt bằng miệng-quyết định lần hai, đã chọn thời điểm này làm ngày nổ súng. Đây
là ý đồ (theo tính toán ban đầu) của ta, là “giờ G”, là “đáp số”. Một số địa phương
tại Nam Trung Bộ (Quân khu 5) đã nổ súng theo mốc thời gian này.
Đêm c (chữ đen, nền đen
nhạt): Đó là “đêm 30 rạng sáng ngày 31”.
Lệnh “mới” này theo lịch Dương: Có nhấn mạnh là “lùi lại 1 ngày”-quyết định lần
ba, chọn thời điểm này làm giờ nổ súng. Nó cũng hé mở rằng có một lệnh khác ứng
với quyết định lần hai. Các đơn vị nổ súng vào thời điểm này có thể có hai
trường hợp: Thứ nhất, đa phần là các
địa phương nổ súng vào thời điểm này theo tinh thần của lệnh cũ đã truyền đạt
bằng miệng là: “Đêm mồng 1 rạng sáng
ngày mồng 2 Tết” (theo lịch miền Bắc) nhưng hiểu nhầm thành ra theo lịch
miền Nam. Thứ hai, một số các địa
phương còn lại ở Quân khu 5 nổ súng vào lúc này theo “lệnh mới” với nội dung
“lùi lại 1 ngày”.
Bảng đối chiếu lịch mấy ngày cuối tháng
1-1968
4-Sự
lúng túng trong một vài bài viết.
Như
chúng tôi đã viết, khá nhiều tư liệu viết về Tết Mậu Thân sai về ngày do không
có lịch trong tay.
+
Câu trích dẫn từ NTBKC ở trên là một
dạng sai: Tác giả không tra cứu lại lịch nên viết sai cả 2 ngày Tết của miền
Nam và miền Bắc (đều chậm hơn thực tế 1 ngày).
+
Trong bài Những điều còn ít được
biết đến, Dương Duy Ngữ viết: “Cuối năm 1967, Nha Khí tượng VNDCCH đề nghị Chính phủ công bố ngày mồng
một Tết Âm lịch Mậu Thân chậm
hơn lịch cũ một ngày vì
lý do khoa học (tức nhân dân ta ăn
Tết vào ngày 30-1-1968. Trong lúc đó nguỵ
quyền Sài Gòn vẫn theo lịch cũ ăn Tết vào ngày 29-1-1968). Giờ nổ súng được quy định đúng đêm giao
thừa trên toàn chiến trường cho nên việc đổi lịch đã dẫn đến tình trạng các địa
phương, các chiến trường đánh lệch ngày theo dự định ban đầu”13.
*
So với bảng trên, ta thấy tác giả đã
nhầm lẫn giữa lịch miền Bắc với lịch miền Nam, rõ ràng tác giả cũng không tra
cứu cả hai lịch mà chỉ viết theo trí nhớ sai của mình. Có thể dẫn ra nhiều bài
viết có sai sót khi đối chiếu 2 hoặc 3 lịch (lịch Dương, lịch miền Bắc, lịch
miền Nam) với nhau, may ra có thể đúng một lịch.
IV-Thực tế việc nổ súng trên chiến trường.
1-Không có địa phương nào nổ súng vào đêm “Giao thừa” của miền Bắc, ngay
sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc Tết vào đêm a, tức đêm 28 rạng sáng ngày 29-1-1968. Rõ ràng không phải thời
điểm Bác Hồ chúc Tết được chọn làm hiệu lệnh nổ súng.
2-Nhiều nơi nổ súng theo “lệnh cũ” (đêm b-quyết định lần hai) là “đêm 29
rạng sáng ngày 30”:
“Đêm
29 rạng sáng ngày 30 tháng 1 năm 1968 (tức đêm giao thừa theo lịch miền Nam),
quân và dân các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung và Tây Nguyên đã đồng loạt
tiến công vào các thành phố, thị xã...
của địch, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trên khắp chiến
trường miền Nam.
23 giờ ngày 29 tháng 1: Nha Trang. 0 giờ ngày 30 tháng 1: Tuy Hòa. 0 giờ 30
phút ngày 30 tháng 1: Tân Cảnh. 0 giờ 45 phút ngày 30 tháng 1: Buôn Ma Thuột. 0
giờ 55 phút ngày 30 tháng 1: Plây Cu. 1 giờ ngày 30 tháng 1: Đà Nẵng, Hội An. 1
giờ 15 phút ngày 30 tháng 1: Quy Nhơn, Công Tum...
Tại Tây Nguyên, vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 30 tháng 1 năm 1968... đã nổ súng đánh vào Tân Cảnh.
Tại các tỉnh đồng bằng ven biển Khu 5, lực lượng vũ trang ta tiến công vào một
loạt các thành phố, thị xã như Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn,
Tuy Hòa, Nha Trang và hơn 40 thị xã, quận lỵ...
Còn ở thành phố Đà Nẵng, cuộc tiến công và nổi dậy gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó Sư đoàn 2 bộ binh chủ lực Quân khu 5 có nhiệm vụ đánh ra phía
Nam Đà Nẵng do nhận được lệnh hoãn ngày nổ súng tiến công đã lùi về phía sau …”14.
Hoặc theo Đoàn Thêm:
“30-1-1968
- Quá nửa đêm qua [29
sang 30-1-68] sau giao thừa [miền Nam], tại Cao Nguyên và Trung Phần, các tỉnh
lỵ và thị xã Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột, Qui Nhơn, Nha Trang, Hội An bị tấn
công dữ dội và đột nhập ồ ạt. Đồng thời, phi trường Đà Nẵng cũng bị pháo kích"15.
Theo cuốn Lịch sử Quân đội nhân dân
Việt Nam: "Các tỉnh Quảng Đà,
Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa không nhận được (lệnh) nên vẫn nổ súng theo kế
hoạch ban đầu là đêm 29 rạng ngày 30 tháng 1 năm 1968”16.
Đó là các đơn vị không nhận được lệnh hoãn phát đi từ chiều ngày 29-1.
3-Các đơn vị nổ súng theo “lệnh mới” là đêm
c, đêm 30 rạng sáng ngày 31-1-1968, quyết định lần ba:
Tác giả Hồ Khang viết: “24 giờ
sau [tức đêm 30 sáng 31-1 (LTL)]... Bộ
binh, đặc công, pháo binh ta ngay từ phút đầu đã đánh mạnh, đánh trúng các mục
tiêu trọng yếu của địch ở Sài Gòn, Huế, Quảng Trị, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Phan
Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Tây Ninh, Bến Tre, Biên Hòa, Mỹ Tho, Cần Thơ, Trà
Vinh, Châu Đốc, Vĩnh Long, Cà Mau, Sóc Trăng, Rạch Giá...
Tại Mặt trận Huế..., vào 2 giờ 33 phút ngày 31 tháng
1 năm 1968, pháo binh của ta đồng loạt dội đạn xuống các mục tiêu của địch ở
khu Tam Giác, khu Phan Sào Nam, Phú Bài, Động Tòa, Đông Ba...
Ở Quảng Trị, mặc dù địch
bố trí lực lượng phòng thủ khá dày đặc nhưng đêm 30 rạng ngày 31 tháng 1, ta
đánh mạnh vào phía Đông Nam thị xã,… ”17.
Đoàn Thêm viết: “31-1-68 [tức
đêm 30 sáng 31]. Đêm nay, VC pháo kích, đột nhập, tấn công vào Đô thành Sài Gòn
và phụ cận, cùng 28 thị xã tỉnh lỵ hoặc căn cứ lớn trên toàn quốc: Biên Hòa,
Long Bình, Hậu Nghĩa, Trảng Bàng, Bình Dương, Phước Tuy, Mỹ Tho, Cần Thơ, Vĩnh
Long, Kiến Hòa, Vĩnh Bình, Châu Đốc, Sóc Trăng, Rạch Giá, Ân Xuyên, Quảng Trị,
Huế, Phú Bài, đèo Hải Vân, Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Darlac, Kontum, Pleiku v.v…”18.
V-Những tiền đề mấu chốt để bàn về giờ G.
1-Chỉ đạo chiến tranh miền Nam dùng
lịch miền Bắc, nhưng chỉ đạo Tết Mậu Thân, cơ quan chỉ đạo lại dùng lịch Âm.
Theo chúng tôi, có thể việc chỉ đạo
chiến tranh miền Nam là từ Bộ Tổng tư lệnh đặt tại Hà Nội, nên mọi mốc
thời gian đều tính tại Hà Nội. Bình thường thì ít khi chúng ta phải bận
tâm đến vấn đề này, có chăng chỉ khi nào vượt Trường Sơn vào Nam hay ra Bắc,
cán bộ chiến sĩ phải vặn đồng hồ nhanh lên hoặc chậm lại 1 giờ. Toàn bộ cuộc
kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trừ Tết Mậu Thân, là như vậy. Một vài mốc thời
gian liên quan đến ngày 30-4-1975 mà chúng tôi đã bàn đến trong bài Việc xác định mốc thời gian một số sự kiện
lịch sử dưới góc độ lịch pháp19 chỉ là nêu diễn biến cụ thể
trên chiến trường tại Sài Gòn và là về giờ chứ không phải về ngày và không liên
quan đến việc chỉ đạo từ Hà Nội. Chúng tôi có bàn cũng chỉ là để xác định rõ
từng thời điểm như những dấu mốc lịch sử và để xác định đúng hành động của các
nhân chứng trong cái khung thời gian đó. Còn ở đây-Tết Mậu Thân, tuy rằng chúng
tôi viết là bàn về "giờ G", nhưng thực chất là bàn về ngày, liên quan
đến lịch chứ không liên quan đến đồng hồ. Vì chiến dịch được quyết định tại Hà
Nội, nên Tết Mậu Thân được chỉ đạo theo lịch Âm thì chính là dùng
lịch Âm miền Bắc. Nói chung, nếu sử dụng lịch Dương thì sẽ không có
chuyện hiểu nhầm mệnh lệnh để bây giờ chúng ta phải bàn.
Một nhược điểm trong công tác chỉ đạo chiến dịch
là dùng
lịch Âm để quy định “giờ G”.
Bình thường thì không sao, chỉ do thời điểm đó 2 lịch khác nhau mới nảy sinh
vấn đề. Chính việc Tổng hành dinh dùng lịch Âm để chỉ đạo chiến dịch đã nói rõ
cơ quan này không tính đến việc có 2 lịch khác nhau, nhất là khác nhau về ngày Tết
giữa hai miền nên không có sự chỉ dẫn rõ cho người nhận lệnh.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi với Thượng tướng Trần Văn Quang, một trong những
vị chỉ huy cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Huế Xuân Mậu Thân 1968 cho thấy,
ông không được chỉ dẫn gì về 2 lịch khác nhau, thậm chí khi ông phát hiện điều
đó, điện ra Hà Nội cũng không được giải thích. Về việc dùng lịch Âm, tác giả Hồ
Khang viết: “Đến ngày 21 tháng 1 năm
1968, thời điểm nổ súng mở màn cuộc tổng công kích-tổng khởi nghĩa mới được xác định đúng vào
đêm giao thừa”20, tức dùng lịch Âm. Tác giả gợi ý: “Sau
này, đã có những ý kiến cho rằng, việc dùng lịch âm mà không dùng lịch dương để
quy định ngày giờ nổ súng rất đáng được đem ra phân tích”21.
2-Truyền lệnh bằng miệng.
Một nhược điểm nữa cũng được tác giả Hồ Khang đề cập là “Để giữ bí mật, chủ trương và kế hoạch tác chiến thật chỉ được
phổ biến cho các chiến trường trực tiếp bằng miệng (LTL nhấn
mạnh), thông qua phái viên của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam hoặc
cán bộ giữ cương vị chủ chốt ở chiến trường phái ra Hà Nội nhận lệnh chứ không
hề có văn bản”22. Nhược điểm này có thể sẽ không gây ra một trục trặc
nào đáng kể, nếu như dùng lịch Dương.
3-Lệnh hoãn: Lùi lại 1 ngày. Có thể
coi đây là quyết định cuối cùng và là quyết định lần ba.
Trong cuốn Khu 5 – 30 năm chiến
tranh giải phóng23 có ghi: “Phát hiện tình hình này (việc
các chiến trường sẽ đánh lệch ngày giờ), Bộ Tổng Tham mưu lệnh cho các địa
phương nổ súng trước lùi lại (một ngày) cho thống nhất”24. Câu này viết
không lôgich. Đã nổ súng rồi thì sao còn có thể lùi lại được nữa. Thật ra, lúc
này (chiều 29-1-1968) chưa đơn vị nào nổ súng. Tuy vậy, nó cho ta biết là có
một lệnh hoãn và hoãn 1 ngày. Cuốn Lịch
sử Quân đội nhân dân Việt Nam, tập II25 cho biết: “Chiều
ngày 29 tháng 1 năm 1968, Quân khu 5 nhận được điện hoãn cuộc tiến công sang
đêm 30 rạng ngày 31 tháng 1”26. Như vậy, lệnh hoãn được phát đi
trước khi “lệnh cũ” có hiệu lực từ 7 đến 10 tiếng đồng hồ. Đây lại thêm một nhược điểm nữa. Bức điện gửi đi lệnh hoãn này đã quá
muộn nếu như đặt trong điều kiện chiến trường ác liệt lúc đó; phương
tiện thông tin liên lạc của ta lúc đó chưa thật hiện đại. Cho nên, trên thực
tế, lệnh hoãn ngày nổ súng trên đây, quả thực cũng “chỉ kịp báo cho Sư đoàn 2,
Sư đoàn 3, Trung đoàn 10 và hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi”[1],
còn lại, “các tỉnh Quảng Đà, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa không nhận được
(lệnh) nên vẫn nổ súng theo kế hoạch ban đầu là đêm 29 rạng ngày 30 tháng 1 năm
1968”27.
VI-Một số nhận xét
1-Còn có một lệnh “x” “không hề có văn bản” sau lệnh ký ngày 21-1-1968!
Chúng tôi tạm coi đây là lần ra quyết định đầu tiên: quyết định lần một là ngày 21-1 “xác định” thời điểm nổ súng
“vào đêm Giao thừa”-chưa phải là quyết định cuối cùng. “Xác định” đó mang tính áng chừng và có thể có ghi biên bản.
Như giả định chúng tôi đã nêu ở mục V, Giao thừa được nói đến ở đây phải là
Giao thừa miền Bắc, tức là đêm 28 rạng sáng ngày 29-1-1968, tức là đêm a trong
bảng đối chiếu lịch đã nêu. Ta thấy trong cuốn Khu 5 - 30 năm chiến tranh giải phóng28
có viết: “Trong hội nghị tổng kết
cuộc Tiến công và nổi dậy Xuân 1968, từ ngày 1 đến ngày 8 tháng 3 năm 1986 tại
Thành phố Hồ Chí Minh, các đồng chí ở Cục Tác chiến khẳng định: lệnh viết rõ là
Giao thừa (miền Nam). Nhưng vì một số địa phương không nghiên cứu kỹ nên làm
sai”29. Điều này không lôgich, bởi vì: nếu có địa phương
nào “làm sai” do “không nghiên cứu kỹ” thì họ chỉ có thể là theo Giao thừa miền
Bắc, nhưng vào thời điểm đó không địa phương nào nổ súng, tức là không địa
phương nào “làm sai”. Theo chúng tôi, quyết định lần một là có văn bản và không
hề “viết rõ” là “Giao thừa (miền Nam)”; bởi Hồ Khang dẫn ra như thế30,
tức là tác giả Hồ Khang đã được đọc văn bản này mà không thấy hai chữ “(miền
Nam)” trong ngoặc đơn. Vì "giờ G" là một dấu mốc quan trọng, nếu Bộ
Tổng tham mưu biết có 2 lịch khác nhau, 2 Tết khác nhau tất đã có chỉ thị riêng
cùng với các “chủ trương và kế hoạch tác chiến thật” mỗi khi “phổ biến bằng miệng-thông qua phái viên của Bộ Tổng
tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam hoặc cán bộ giữ cương vị chủ chốt ở chiến
trường phái ra Hà Nội nhận lệnh”31. Và khi Thượng tướng Trần Văn Quang
điện hỏi có thể cho biết luôn, ngắn gọn là “miền Nam”. Vả lại, nếu quả thật có
một lệnh “viết rõ” là “Giao thừa (miền Nam)” như thế thì Cục Tác chiến đã có
thể nêu ra được đó là lệnh số bao nhiêu, do ai ký, vào ngày nào. Đứng về mặt
khoa học, giờ đây chúng ta hoàn toàn có thể tìm thấy được mệnh lệnh ấy, nếu
có.
Theo lập luận trên của chúng tôi, phải có một quyết định lần hai và là một
quyết định quan trọng, nó được “phổ biến bằng miệng… không hề có văn bản”[2] đến
toàn bộ các chiến trường vào “gần sát nút”-đó là một “giờ G thật sự” là mệnh
lệnh tác chiến theo tính toán ban đầu với nội dung: “đồng loạt nổ súng vào Đêm mồng 1 rạng sáng ngày mồng 2 Tết”
(theo lịch miền Bắc). Theo lịch Dương đó là đêm 29 rạng sáng ngày 30-1-1968.
2-Còn có một lệnh “x” trước lệnh truyền đi “chiều ngày 29-1-1968”!
+ Mấu chốt vấn đề nằm ở 2 đoạn đã trích dẫn “các địa phương nổ súng trước
lùi lại (một ngày)”28 và “chiều ngày 29 tháng 1 năm 1968,
Quân khu 5 nhận được điện hoãn cuộc tiến công sang đêm 30 rạng ngày 31 tháng 1”29.
Từ đó rút ra được 2 vấn đề cơ bản sau:
(1)-“Lệnh mới”: Nổ súng vào “đêm 30 rạng sáng ngày 31” theo lịch Dương,
đó chính là đêm c trong bảng đối chiếu lịch của chúng tôi. Theo chúng tôi, đây
là quyết định lần ba.
(2)-Như vậy phải có một “lệnh cũ”
(kế hoạch tác chiến ban đầu)-cái quyết định “không hề có văn bản” mà chúng tôi
suy ra, với hàm ý là “đêm 29 rạng sáng ngày 30”, trước thời điểm của lệnh mới 1
ngày, tức là: “Đêm 29 rạng sáng ngày 30”. Đây là quyết định lần hai.
+ Vậy là, theo quyết định lần hai, người chỉ đạo chiến dịch ở Hà Nội, ra
lệnh miệng dùng lịch Âm của miền Bắc là: Nhất loạt nổ súng vào “đêm mồng 1 rạng sáng ngày mồng 2 Tết”
theo lịch miền Bắc, tức là vào đêm b. Nhưng khi đó lại là “Giao thừa của lịch
miền Nam”. Cái từ “Giao thừa” này chính là tin tức từ chiến trường Quân khu 5
phát ra sau khi thấy súng nổ, nó đi vào lòng người, lưu lại trong tâm trí và
ngày nay chúng ta vẫn nhớ: “nổ súng vào đêm Giao thừa”, nhưng nhiều người lại
không chú ý rằng đó là Giao thừa theo lịch miền Nam, không phải đêm Giao thừa
Bác Hồ chúc Tết.
3-Như vậy, theo lập luận của chúng tôi ở điểm 1 thì SAU ngày 21-1-1968 còn
có một ngày phát ra một lệnh “x” với nội dung hàm ý “nổ súng vào đêm 29 rạng
sáng ngày 30-1-1968”; đó cũng là kết quả của suy luận thứ 2 của chúng tôi về
một lệnh “x” phát ra TRƯỚC buổi chiều ngày 29-1-1968. Cái lệnh “x” không phải
là “Giao thừa” theo “xác định” vào ngày 21-1-1968 cũng không phải là “đêm 30
rạng sáng ngày 31” phát ra vào chiều 29-1. Lệnh “x” phát ra sau ngày 21-1,
trước ngày 29-1, được truyền bằng miệng theo lịch Âm miền Bắc và cụ thể là: Nổ
súng vào “đêm mồng 1 rạng sáng ngày mồng
2 Tết”.
VII-Tóm lại
Theo chúng tôi, có ba lần xác định
giờ G. Nói cho cùng lần nào cũng lấy lúc nửa đêm, tức là tối hôm trước rạng
sáng ngày hôm sau làm giờ nổ súng. Các mốc này cách nhau 1 ngày.
a) Lần một, ngày 21-1-1968 xác định
là vào đêm Giao thừa30. Tuy
không chỉ rõ theo lịch nào, nhưng theo chúng tôi, đây là theo lịch Âm miền Bắc.
Lệnh này chỉ phác ra một cách áng chừng khi vạch kế hoạch chứ chưa phải là lệnh
tác chiến.
b) Lần hai, đây là lệnh tác chiến, phát ra sát ngay
trước Tết, vẫn dùng lịch Âm miền Bắc và quyết định lấy đêm mồng 1 rạng sáng ngày mồng 2 Tết, tức là chậm lại 1 ngày. Lệnh
được “truyền miệng” đến tư lệnh các chiến trường. Lúc này Bộ Tổng tư lệnh chưa
biết có 2 lịch khác nhau nên vẫn chỉ đạo bằng lịch Âm và cụ thể là theo lịch Âm
miền Bắc. Lệnh này được truyền đạt cùng với các chỉ thị khác theo tinh thần
“đến sát ngày nổ súng, các chỉ thị chỉ được phép truyền đạt bằng miệng tới các
tư lệnh chiến trường”31. Khi nhận được lệnh, các tư lệnh
chiến trường hiểu một cách khác nhau tùy theo họ có lịch nào trong tay. Có thể
Quân khu 5 chỉ có lịch miền Bắc nên hiểu đúng ý cấp trên. Một nửa của Quân khu
5, do đó và còn do không nhận được lệnh sau (quyết định lần ba), nên vẫn theo
lệnh này mà nổ súng. Theo
lịch Dương thì lệnh này được hiểu là đêm 29 rạng sáng ngày 30-1-1968. Nửa còn
lại của Quân khu 5 do nhận được lệnh mới “lùi lại 1 ngày” nên hôm sau mới nổ
súng cùng toàn Miền.
c)
Lần ba, ngay trước đêm nổ súng, tức là chiều ngày 29, cụ thể trước giờ dự định
nổ súng khoảng 7 đến 10 tiếng đồng hồ thì có lệnh: “lùi lại 1 ngày”. Đó là khi Bộ Tổng tư lệnh biết có 2 lịch Âm khác
nhau, việc nổ súng sẽ không đồng bộ, nên chuyển sang chỉ đạo theo lịch Dương và
quyết định “lùi lại 1 ngày” cho đồng bộ, cụ thể nội dụng của “lệnh mới” này là
“đêm 30 rạng sáng ngày 31-1”32.
Trong điều kiện chiến trường ác liệt với phương tiện liên lạc truyền tin lúc
đó, lệnh mới này không đến được tất cả các chiến trường. Tuy vậy, đa phần tư
lệnh các chiến trường, do dùng lịch miền Nam, hiểu “lệnh cũ” thành nội dung
“lệnh mới” nên nổ súng theo đúng “lệnh mới” này-quyết định lần ba. Điều đáng
tiếc là một nửa Quân khu 5 do dùng lịch miền Bắc lại không nhận được lệnh này
nên nổ súng trước.
VIII-Còn những khả năng
khác
Trên
đây là một giả định chính của chúng tôi dựa vào việc cho rằng Bộ Tổng tư lệnh
chỉ đạo Tết Mậu Thân theo lịch Âm miền Bắc, không tính đến có một lịch Âm miền
Nam với ngày Tết đến chậm hơn 1 ngày.
Còn
có nhiều khả năng khác nữa mà một trong số đó đã được nêu ra:
Đó
là, theo tác giả Hồ Khang: “Dưới góc độ nghiên cứu một sự kiện lịch sử đã diễn
ra hơn 30 năm qua, chúng tôi nghĩ rằng, việc quy định âm lịch và việc “đổi
lịch” mà ngay sau đó, một số địa phương ở chiến trường Quân khu 5 đánh sớm hơn
một ngày so với toàn Miền tự thân nó, đã là một HÀNH ĐỘNG NGHI BINH tầm chiến
lược, thu hút tâm trí và lực lượng địch vào chiến trường không phải là trọng
điểm trong kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968… Vả chăng, lực
lượng tiến công trong ngày đầu ở các địa phương Quân khu 5, thực ra cũng mới
chỉ chủ yếu là bộ đội địa phương và dân quân du kích…”33. Đây chỉ là
phác họa một ý kiến nằm trong một ghi chú của cuốn sách, chưa phải là kết luận
cuối cùng của tác giả Hồ Khang; bởi thế cần được thảo luận thêm với đầy đủ mọi
lý lẽ. Chẳng hạn, sơ bộ ta cũng thấy trong cuốn Khu 5 - 30 năm chiến tranh giải phóng có ghi: “Bộ Tổng Tham mưu lệnh cho các địa phương nổ súng trước lùi lại (một
ngày) cho thống nhất”34. Đoạn này cũng có thể hiểu rằng có
“các địa phương” được trù tính theo kế hoạch cũ là sẽ “nổ súng trước” toàn
Miền; nay thôi, không đánh trước nữa mà “lùi lại 1 ngày” cho “thống nhất” toàn
chiến trường. Không phải ngẫu nhiên mà Quân khu 5, nơi có địa phương Sẽ đánh
trước là nhận được lệnh HOãN. Cho nên, điều này cũng có thể đúng, nhưng còn cần
nhiều luận chứng để biện minh cho nó. Viết ra điều này, chúng tôi muốn nói
rằng, giả định của chúng tôi cũng chưa hẳn đã là đúng, còn có thể có những khả
năng khác mà ý kiến của tác giả Hồ Khang là một thí dụ.
IX-Kết luận
Chỉ mấy ngày sau Tết,
ngày 5 tháng 2 năm 1968, Thường vụ Trung ương Cục và Quân ủy Miền họp, trong
Nghị quyết35 có viết: “Nhưng cuộc tấn công ở khu trọng điểm Miền
chưa đạt yêu cầu về quân sự và chính trị… Rõ ràng, ta đã lỡ mất một thời cơ cụ
thể để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang do Trung ương giao cho”. Khi phân tích
nguyên nhân, Nghị quyết còn có đoạn viết: “… chưa nắm thật vững và làm thật tốt
khâu then chốt lúc đó là truyền đạt mệnh lệnh về thời gian, tổ chức tiếp cận
mục tiêu và tổ chức hiệp đồng giữa các đơn vị mũi nhọn và giữa đơn vị mũi nhọn
với các đội biệt động”36. Có lẽ mệnh đề “chưa nắm thật vững
và làm thật tốt khâu then chốt lúc đó là truyền đạt mệnh lệnh về thời gian” là
có ý nói đến việc chỉ đạo về giờ G.
Bài
viết này nhằm tìm kiếm giờ G đó. Chúng tôi hy vọng rằng ít nhất bài viết đã đưa
ra được một bảng đối chiếu 3 lịch với nhau một cách rõ ràng, có thể giúp cho
các nhà nghiên cứu khi viết lịch sử, các vị tướng lĩnh khi viết hồi ký bớt lúng
túng; sau nữa là đưa ra một giả định về việc có một lệnh “x” dùng lịch Âm miền
Bắc truyền đi bằng miệng sát trước ngày nổ súng (sau ngày 21-1, trước ngày
29-1) là: Nổ súng vào “đêm mồng 1 rạng
sáng ngày mồng 2 Tết (theo lịch miền Bắc)”. Chúng tôi hy vọng rằng giả định
này đã tiến gần đến sự thật về giờ G của Tết Mậu Thân, góp một phần đi đến xác
định đúng dấu mốc lịch sử này và rất mong các ý kiến cùng trao đổi để cùng làm
rõ về vấn đề này./.
Nguồn: Tạp chí LSQS số 2
và 3-2008.
1
Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt
lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb QĐND, 2005, tr.101.
2
Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt
lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb QĐND, 2005, tr.103.
3
Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt
lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb QĐND, 2005, tr. 135.
4
Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968 tại miền Nam
Việt Nam, Nxb QĐND, 1998.
5 Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước, Nxb QĐND, 2005, tr.118.
7
Nguyễn Mậu Tùng, Lịch Việt Nam 1901-2010,
Nxb KH&KT, 1992, tr.13.
8
Lê Thành Lân, Lịch và niên
biểu lịch sử hai mươi thế kỷ (0001-2010), Nxb Thống kê, H, 2000.
9
Lê Thành Lân, Đối chiếu lịch Dương với
lịch Âm-Dương của Việt Nam và Trung Quốc 2030 năm (0001-2030), Nxb Giáo
dục, H, 2007.
10
Nguyễn Mậu Tùng, Lịch Việt Nam 1901-2010,
Nxb KH&KT, 1992, tr.13.
11
Tiết Trọng Tam và Âu Dương Di, Lưỡng
thiên niên Trung Tây lịch đối chiếu biểu. Sinh hoạt, Độc thư, Tân trí tam
liên thư điếm, 1956
12 Đoàn Thêm, Việc từng ngày. Tủ sách Tiến bộ, Cơ sở
xuất bản Phạm Quang Khải, Sài Gòn, 1969.
13
Dương Duy
Ngữ, Những điều còn ít được biết đến đăng trên Báo An
ninh thế giới, số Xuân Mậu Dần 1998.
14
Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt
lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sđd, tr.135-137.
15
Đoàn Thêm, Việc từng ngày, Sđd, tr.39.
16
Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt
lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sđd, tr.135-136.
17
Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt
lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sđd, tr.138-141.
18
Đoàn Thêm, Việc từng ngày, Sđd, tr.39-40.
19
Lê Thành Lân, Việc xác định mốc thời gian
một số sự kiện lịch sử dưới góc độ lịch pháp, Tạp chí LSQS, số tháng
4-2007,tr.20-24.
20
Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt
lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sđd, tr.136.
21
Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt
lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sđd, tr.136.
22
Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt
lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sđd, tr.125.
23 Bộ Tư lệnh Quân khu
5, Khu 5 - 30 năm chiến tranh giải phóng,
tập 2, 1989.
24
Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt
lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sđd, tr.125.
25
Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam,
tập II, Nxb QĐND, H, 1994.
26
Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt
lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sđd, tr.135.
[1] Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước, Sđd, tr.135.
27
Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt
lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sđd, tr.135.
28 Bộ Tư lệnh Quân khu
5, Khu 5 - 30 năm chiến tranh giải phóng,
tập 2, 1989.
29 Hồ Khang, Tết Mậu
Thân 1968-Bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sđd, tr.135.
30 Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước, Sđd, tr.135.
31
Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt
lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sđd, tr. 101.
[2] Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước, Sđd, tr. 125.
28
Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Khu 5 - 30 năm
chiến tranh giải phóng, tập 2, 1989.
29
Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam,
tập II, Sđd.
30
Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt
lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sđd, tr.101.
31
Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt
lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sđd, tr. 103.
32
Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt
lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sđd, tr. 135.
33 Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt lớn của cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sđd, tr.136.
34 Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt lớn của cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sđd, tr.135.
35 Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết của Thường vụ Trung ương Cục và
Quân ủy Miền ngày 5 tháng 2 năm 1968. Trong Văn kiện Đảng toàn tập, tập
29, Nxb CTQG, H, 2004.
36 Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt lớn của cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sđd, tr.286.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!