Vũ Bá
Đăng*
Cách đây vừa tròn 40 năm, ngày 7 tháng 2 năm 1968, Bộ đội
Thiết giáp (nay là Tăng thiết giáp - TTG) sau gần 10 năm thành lập (5-10-1959),
lần đầu tiên xuất trận, Tiểu đoàn 198 Trung đoàn xe tăng 203 được cấp trên sử
dụng tham gia chiến đấu trong đội hình binh chủng hợp thành (BCHT) giành thắng
lợi giòn giã tại trận then chốt, tiến công địch phòng ngự ở cụm cứ điểm Làng
Vây, trong đợt 1 chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng
Trị. Thắng lợi trận đầu của bộ đội xe tăng là một sự kiện lịch sử làm nức lòng
quân, dân cả nước, kẻ thù bàng hoàng, khiếp sợ. Ngay sau chiến thắng, Bộ Tổng
tư lệnh đã gửi điện khen. Trong bức điện có đoạn viết:
"... Bộ
Tổng tư lệnh nhiệt liệt biểu dương các đồng chí đã đánh thắng trận đầu oanh
liệt, góp phần xây dựng truyền thống vẻ vang của bộ đội thiết giáp nhân dân
Việt Nam nói riêng và các lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Việt Nam nói
chung: "Hễ ra quân là đánh thắng, đã nổ súng là tiêu diệt địch giòn giã".
Để có được trận đầu ra quân, đánh thắng, dưới sự lãnh
đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu (BTTM), mà
trực tiếp là của Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh (BTL), cán bộ, chiến sĩ Binh chủng
TTG đã triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng, huấn luyện kỹ thuật,
chiến thuật, từng bước nâng cao khả năng chiến đấu. Vào những năm 60, BTTM, Cục
Khoa học quân sự (KHQS), nay là Cục Khoa học công nghệ và Môi trường
(KHCN&MT), chỉ đạo, tổ chức nhiều cuộc diễn tập chiến thuật thử nghiệm cách
đánh của TTG cùng với Sư đoàn bộ binh 308, Sư đoàn bộ binh 325..., pháo binh,
công binh và các đơn vị khác trên các địa hình rừng núi, trung du, đồng bằng.
Đối tượng tác chiến là quân đội Mỹ, đồng minh, quân Sài Gòn được hoả lực mạnh
của không quân, pháo binh chi viện. Kết quả, kinh
nghiệm qua thực tiễn huấn luyện đã chứng minh khả năng tác chiến của TTG trong
điều kiện địa hình, nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam và trình độ tổ
chức, chỉ huy, tác chiến BCHT của quân đội ta. Ngày 7 tháng 5 năm 1965, đến làm
việc với Binh chủng, đồng chí Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng, thay
mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã xác định rõ vai trò và phương
hướng sử dụng:
"Bộ đội xe tăng là lực lượng đột kích quan trọng của lục
quân Quân đội nhân dân Việt Nam. Bộ đội xe tăng được xây dựng và sử dụng trong
trường hợp địch mở rộng chiến tranh ra miền Bắc là chủ yếu và khi đó chiến
trường của bộ đội xe tăng là toàn nước Việt Nam, đối tượng tác chiến của bộ đội
xe tăng sẽ là quân đội đế quốc Mỹ và quân đội các nước tay sai".
Đồng thời với tổ chức
xây dựng, phát triển lực lượng và huấn luyện, Binh chủng đã tích cực, chủ động
tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu bảo vệ miềnBắc xã hội chủ
nghĩa cấp trên giao và đã lập được chiến công, bắn rơi máy bay, bắt sống giặc
lái Mỹ, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhưng mong muốn cháy bỏng của cán bộ, chiến sĩ
toàn binh chủng vẫn là được đưa xe TTG vào chiến trường miền Nam cùng với các
đơn vị BCHT đánh Mỹ.
Cuối năm 1967, Bộ Tư
lệnh TTG được cấp trên giao nhiệm vụ đưa xe tăng vào chiến trường miền Nam phối
hợp tác chiến cùng các lực lượng khác. Nhận
nhiệm vụ, BTL chỉ đạo cho Trung đoàn xe tăng 203 tổ chức Tiểu đoàn 198 gồm 2
đại đội (3, 9) trang bị 22 xe tăng bơi nước loại PT.76. Sau thời gian ngắn làm
công tác chuẩn bị với tinh thần cố gắng, tích cực, ngày 15 tháng 10 năm 1967,
Tiểu đoàn 198 làm lễ xuất quân tại Lương Sơn, Hoà Bình. Đường hành quân của
tiểu đoàn theo các trục đường số 6, 12A, 15, 30, 8, 21, 20, 128... dọc dãy
Trường Sơn trùng điệp, là đường quân sự mới mở, mặt đường hẹp, gấp khúc,
nhiều ngầm vượt sông, suối, nhiều đèo, dốc quanh co, lại bị không quân địch
đánh phá ác liệt nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho
tiền tuyến miền Nam, nhất là ngăn chặn việc hành quân cơ động lực lượng, binh
khí kỹ thuật vào chiến trường, trong đó có TTG. Sau gần 50 ngày đêm hành quân,
vượt qua muôn vàn khó khăn, vất vả, sự đánh phá ác liệt của không quân Mỹ, đến ngày 21 tháng 12 năm 1967, Tiểu đoàn 198 đã vượt chặng đường 1.350km
đến khu tập kết chiến dịch bảo đảm 100% quân số, trang bị. Đến nơi, toàn tiểu
đoàn bắt tay vào công tác chuẩn bị chính trị, kỹ thuật, hậu cần để khi
có lệnh là bước vào chiến đấu được ngay.
Tháng
1 năm 1968, Tiểu đoàn 198 Trung đoàn xe tăng 203 nhận lệnh phối thuộc cho bộ binh đánh
trận then chốt của đợt 1 chiến dịch, trên hướng tây, hướng tác chiến chủ yếu
chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh. Thực hiện nhiệm vụ, đêm ngày 23 tháng
1 năm 1968, Đại đội 3 Tiểu đoàn 198 phối thuộc cho Trung đoàn bộ binh 24 Sư
đoàn 304 tiến công tiêu diệt địch phòng ngự ở cụm cứ điểm Huội San, mục tiêu
chủ yếu là cứ điểm Tà Mây trên đất bạn Lào, mở đường cho các lực lượng BCHT
tiếp cận, tiến công địch phòng ngự ở cụm cứ điểm Làng Vây. Trong khoảng thời
gian 2 giờ, xe tăng và BCHT đã bất ngờ, đột phá tiến công vào cứ điểm, tiêu
diệt một bộ phận lực lượng địch, số còn lại hoảng loạn, phải rút chạy, co cụm
về Làng Vây. Đêm 6 rạng sáng ngày 7 tháng 2 năm 1968, Bộ Tư lệnh chiến dịch
giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 198 gồm 2 đại đội tăng, 16 xe PT.76 (không đủ 22 xe
theo biên chế do bị hỏng sau hành quân và chiến đấu tại Tà Mây) cùng BCHT tiến
công địch phòng ngự ở cụm cứ điểm Làng Vây, tập đoàn cứ điểm Khe Sanh, huyện Hướng
Hoá, tỉnh Quảng Trị.
Cứ điểm Làng Vây nằm
tại tọa độ 16036'35'' độ
vĩ Bắc, 106041'46'' độ kinh Đông, thuộc Vùng 1 chiến thuật của địch, ở tây bắc tỉnh Quảng Trị, trên
địa hình rừng núi hiểm trở; cách khu phi quân sự về phía nam là 35km, cách sông
Sê Pôn 1,5km sát đường biên giới Việt - Lào. Đây là cụm cứ điểm phòng ngự
mạnh, xây dựng trên 2 điểm cao 320 và 230, án ngữ phía tây và cách tập đoàn cứ
điểm Khe Sanh do lính thủy đánh bộ Mỹ chốt giữ khoảng 8km. Trước ngày xe tăng
và BCHT tiến công, ở cứ điểm Làng Vây có lực lượng đặc biệt A-101 của Mỹ hoạt
động ở Vùng 1 chiến thuật, do đại úy Mỹ chỉ huy. Lực lượng địch gồm một tiểu
đoàn biệt kích thám báo quân đội Sài Gòn, khoảng 1.000 tên ngụy (tính cả tàn
quân từ Tà Mây chạy về) và khoảng 30 tên cố vấn Mỹ. Hướng phòng ngự chủ yếu
của địch là hướng tây, theo trục đường số 9 từ Lao Bảo đến Làng Vây. Trên
hướng này địch bố trí như sau: Điểm cao 230 là điểm cao tiền tiêu, nằm sát trục
đường số 9, án ngữ phía tây cụm cứ điểm Làng Vây, do Đại đội biệt kích 103
chốt giữ. Hướng phòng ngự thứ yếu là hướng nam, nơi có sông Sê Pôn bao bọc và
hướng về cụm cứ điểm Tà Cơn, tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Trên hướng này địch bố trí như sau: Điểm cao 320, có các đại đội
101, 102, 104, sở chỉ huy, khu vực bố trí của cố vấn Mỹ và trận địa hỏa
lực. Lực lượng phòng ngự của địch được bảo vệ bằng hệ thống lô cốt xi măng,
cốt thép, bên ngoài còn có bao cát, được nối với nhau hệ thống giao thông hào.
Khu trung tâm có hầm ngầm bê tông do quân Mỹ xây dựng. Xung quanh cứ điểm có
hàng rào kẽm gai từ 5 đến 6 lớp, hàng rào bùng nhùng kết hợp với mìn chống bộ
binh, thùng chứa chất cháy để chiếu sáng.
Hỏa lực của địch
trong cụm cứ điểm có: 16 khẩu cối 60mm, 4 khẩu cối 81mm, 4 khẩu cối 106,7mm, 2
khẩu ĐKZ-57, 75, nhiều súng chống tăng M-72, 30 súng AR15 và 300 khẩu các bin.
Địch ở cứ điểm Làng Vây được hoả lực không quân, pháo binh ở căn cứ Tà Cơn,
quận lỵ Hướng Hoá chi viện đến mức tối đa và lực lượng bộ binh, thiết giáp bố
trí trong các cứ điểm, cụm cứ điểm thuộc
tuyến phòng thủ đường số 9 - Khe Sanh sẵn sàng tăng viện, ứng cứu khi
cần thiết.
Lực lượng binh chủng
hợp thành tiến công cụm cứ điểm Làng Vây gồm: Trung đoàn 24 Sư đoàn 304 được
tăng cường Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 101 Sư đoàn 325, một tiểu đoàn pháo binh của
Trung đoàn pháo binh 45, hai tiểu đoàn công binh, hai đại đội đặc công và Tiểu
đoàn 198 Trung đoàn 203 cùng một số đơn vị binh chủng khác. Quá trình tác chiến
được nhân dân các dân tộc huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị chi viện, giúp đỡ.
Theo ý định tác chiến
BCHT, Tiểu đoàn 198 được phối thuộc cho Sư đoàn bộ binh 304, được sự chi viện
trực tiếp hỏa lực pháo binh, đảm bảo cơ động của công binh, có nhiệm vụ đột phá
tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Làng Vây trên hai hướng. Hướng chủ yếu (hướng
nam), Tiểu đoàn 3 Sư đoàn bộ binh 325 được tăng cường Đại đội 9 Tiểu đoàn 198,
hai đại đội đặc công, bí mật vào chiếm khu vực tập kết chiến đấu tại Làng Con,
cơ động theo sông Sê Pôn chiếm tuyến triển khai xung phong tại Làng Troài. Đột
phá vượt qua cửa mở, dẫn dắt bộ binh đánh chiếm các mục tiêu của các đại đội
biệt kích 101, 104 trong cứ điểm, tập trung vào mục tiêu chủ yếu là sở chỉ huy
địch trên điểm cao 320. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cơ động theo sông Sê Pôn
về tập kết tại Làng Con.
Hướng đột phá thứ
yếu (hướng tây), Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 24 Sư đoàn 304 được tăng cường Đại
đội 3 Tiểu đoàn 198 có nhiệm vụ cơ động theo trục Đường số 9, tiến công tiêu
diệt đại đội biệt kích 103 trên điểm cao 230, phát triển đánh chiếm sở chỉ huy
địch trên điểm cao 320 cùng với các lực lượng tiến công trên hướng chủ yếu.
Với sức đột kích mạnh, xe tăng trên cả hai
hướng bí mật, bất ngờ, cùng bộ binh đột phá tiêu diệt địch trong thời
gian ngắn (khoảng 4 giờ), hiệu suất chiến đấu cao, tỷ lệ thương vong địch 6 ta
1. Đây là trận then chốt duy nhất mà BCHT và TTG ta đạt chỉ tiêu chiến dịch đề
ra là tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn địch trong đợt 1 chiến dịch Đường 9 - Khe
Sanh. TTG cùng bộ binh tiêu diệt 400 và bắt 253 tên địch (trong đó có 5 tên
Mỹ), thu toàn bộ vũ khí trang bị, làm chủ đoạn đường số 9 từ Cà Lu đến biên
giới Việt - Lào, mở rộng bàn đạp cho BCHT vây hãm Tà Cơn và triển khai các hoạt
động tác chiến tiếp theo của đợt 2 chiến dịch. Trận đánh đầu tiên của Tiểu đoàn
198 thắng lợi, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý:
Một là, chủ trương đưa xe
tăng vào chiến trường đánh Mỹ của Bộ Tổng tư lệnh là chính xác. Cấp trên đã căn
cứ vào nhiều yếu tố để sử dụng xe tăng đúng thời cơ chiến lược, chiến dịch,
chiến đấu.
Sử dụng xe tăng đúng
thời cơ có ý nghĩa rất to lớn là một nguyên tắc cần phải được quán triệt sâu
sắc, nhất là thời kỳ đầu xe tăng tham gia tác chiến. Về vấn đề này ta thấy: Vào
những năm 60, khi Binh chủng TTG được thành lập, phương hướng sử dụng TTG tác
chiến hiệp đồng binh chủng trong điều kiện chiến trường Việt Nam, nghệ thuật
chiến tranh nhân dân Việt Nam và trình độ tổ chức chỉ huy tác chiến của đội ngũ
cán bộ BCHT vẫn còn là vấn đề chưa được thống nhất. Có ý kiến cho rằng tuy xe
tăng có sức đột kích mạnh, khả năng cơ động cao, nhưng lại là phương tiện chiến
đấu to lớn, cồng kềnh, tiếng động cơ lớn dễ lộ bí mật; cơ động phải theo các
trục đường, công tác bảo đảm kỹ thuật đòi hỏi cao. Trong khi đó điều kiện chiến
trường miền Nam phức tạp, đường cơ động khó khăn, lại bị sông suối chia cắt,
cho nên chưa thật sự tin tưởng vào khả năng tác chiến của xe
tăng, ngại sử dụng xe tăng tham gia chiến đấu. Chính vì thế binh chủng TTG thành lập từ năm 1959, nhưng phải đến năm 1968, sau gần 10 năm xây dựng, phát triển lực lượng, huấn luyện mới có thời cơ để cấp trên sử dụng cùng BCHT tác chiến trên chiến trường. Đưa xe tăng vào chiến trường, cấp trên đã dựa vào các điều kiện sau đây:
tăng, ngại sử dụng xe tăng tham gia chiến đấu. Chính vì thế binh chủng TTG thành lập từ năm 1959, nhưng phải đến năm 1968, sau gần 10 năm xây dựng, phát triển lực lượng, huấn luyện mới có thời cơ để cấp trên sử dụng cùng BCHT tác chiến trên chiến trường. Đưa xe tăng vào chiến trường, cấp trên đã dựa vào các điều kiện sau đây:
Điều
kiện khách quan, là tình hình địch vào cuối năm 1967 phải ngừng cuộc phản
công chiến lược lần thứ ba, chúng không còn khả năng đưa quân đi "tìm,
diệt" mà phải đưa quân về phòng ngự, giữ các vùng trọng điểm, tăng quân
cho vùng chiến thuật 1, củng cố tuyến phòng thủ đường số 9. Tuy vậy, địch vẫn
có ưu thế hơn ta về lực lượng (hơn 1 triệu tên Mỹ và ngụy), về trang bị, nhất
là về không quân, pháo binh, thiết giáp. Do vậy, để đạt được mục đích tiêu hao,
tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, làm chuyển biến tình hình, tiến tới tiêu
diệt phần lớn lực lượng địch, giành thắng lợi hoàn toàn, kết thúc chiến tranh,
chúng ta phải tổ chức các đòn tiến công chiến lược, chiến dịch bằng tác chiến
hiệp đồng binh chủng quy mô ngày càng lớn, có lực lượng tăng thiết giáp tham
gia.
Điều kiện chủ quan,
sau khi thành lập cho đến cuối năm 1967, với
khoảng thời gian gần 10 năm, Binh chủng TTG đã tích cực, chủ động trong
xây dựng phát triển lực lượng, xác định ý chí quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng
lên đường chiến đấu. Cán bộ, chiến sĩ đã được huấn luyện chuyên môn kỹ thuật,
huấn luyện chiến thuật sát với thực tiễn tác chiến trên chiến trường, nhất là
được huấn luyện tác chiến hiệp đồng với các lực lượng bộ binh, pháo binh, công
binh và diễn tập thực nghiệm cách đánh của TTG trong đội hình tác chiến BCHT.
Vì thế năng lực tổ chức chỉ huy, hiệp đồng tác chiến của đội ngũ cán bộ BCHT và
TTG từng bước được nâng lên, đáp ứng với đòi hỏi của nhiệm vụ tác chiến trên
chiến trường. Mặt khác địa bàn chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh chọn gần hậu
phương lớn miền Bắc, thuận lợi cho công tác tổ chức chuẩn bị bảo đảm chiến dịch
tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn và nhất là mở đường đưa binh khí, kỹ
thuật (trong đó có xe tăng), vật chất hậu cần, kỹ thuật vào tham gia chiến
dịch. Đây là cơ sở có tính thuyết phục để Bộ Tổng tư lệnh quyết địch đưa xe
tăng vào tác chiến trên chiến trường cùng các lực lượng BCHT.
Hai là, sử dụng tập trung lực lượng xe tăng vào
hướng, nhiệm vụ chủ yếu, đánh trận then chốt của chiến dịch. Trong tác chiến,
cách đánh của xe tăng vận dụng phù hợp với cách đánh chung BCHT và xác định
đúng hướng tiến công.
Trong chiến dịch tiến công BCHT lần đầu tiên có lực lượng
xe tăng tham gia trên chiến trường, việc sử dụng tập trung lực lượng trên hướng
chủ yếu, vào nhiệm vụ chủ yếu, đánh trận then chốt chiến dịch đã được quán
triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt. Thực tiễn đợt 1 chiến dịch Đường 9 - Khe
Sanh, với phương thức tác chiến của BCHT là đánh điểm diệt viện, Bộ chỉ huy
chiến dịch quyết định chọn cụm cứ điểm Huội San, mục tiêu chủ yếu là Tà Mây làm
điểm tiến công khêu ngòi chiến dịch. Tuy cụm cứ điểm chỉ có 1 tiểu đoàn ngụy Lào chốt giữ, nhưng với tính chất quan trọng của
trận đánh nhằm đánh đòn phủ đầu mạnh, ta đã sử dụng 1 đại đội xe tăng (11 xe)
phối thuộc cho bộ binh tiến công. Trong đội hình tác chiến BCHT, xe tăng
đã vận dụng cách đánh đột phá địch phòng ngự trong công sự vững chắc. Mặc dù
chỉ có 2/11 xe tăng đột phá được vào cứ điểm (do bị sa lầy và hỏng hóc kỹ
thuật), nhưng chỉ trong ít giờ chiến đấu (khoảng 2 giờ), lực lượng BCHT và xe
tăng đã làm chủ hoàn toàn trận đánh.
Khi tiến công cụm cứ điểm Làng Vây, Bộ Tư lệnh chiến dịch
sử dụng tập trung toàn bộ Tiểu đoàn tăng 198. Trong đội hình BCHT, cách đánh
của xe tăng vận dụng là: Lợi dụng kết quả hoả lực pháo bắn chuẩn bị, các hoạt
động ém sẵn của đặc công, bộ binh, xe tăng từ khu vực tập kết bí mật cơ động
triển khai đội hình, phát huy hoả lực chi viện cho bộ binh, công binh mở cửa,
sau đó dẫn dắt bộ binh xung phong, đột phá đánh chiếm mục tiêu đầu cầu, phát
triển tiến công địch trên ba hướng (trong đó xe tăng tiến công trên hai hướng,
mỗi hướng một đại đội tăng, không tổ chức lực lượng dự bị), tập trung đánh
chiếm mục tiêu chủ yếu là sở chỉ huy địch.
Trong trận then chốt đánh địch ở cụm cứ điểm Làng Vây, ta
chọn hướng chủ yếu hướng nam là chính xác. Hướng này, địch cho rằng xe tăng ta
không thể tiến công vì có sông Sê Pôn bao bọc, cho nên khi xe tăng ta đột phá
vào đây, đã gây bất ngờ lớn cho chúng và nâng cao hiệu quả chiến đấu của xe
tăng cũng như các lực lượng BCHT.
Trong 2 trận tiến
công địch trong công sự ở cứ điểm Tà Mây và cụm cứ điểm Làng Vây, xe tăng đã
phát huy được sức mạnh đột kích, hiệp đồng chặt chẽ cùng bộ binh và các đơn vị
bạn, nhất là công binh, pháo binh đột phá mạnh, nhanh chóng làm chủ chiến
trường, tiêu diệt gọn từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch. Đây
là cơ sở thực tiễn đầu tiên, đặt nền móng cho sự hình thành nghệ thuật sử dụng
lực lượng xe tăng trong tác chiến chiến dịch cũng như trong chiến đấu ở các
giai đoạn sau này.
Ba là, để sử dụng xe tăng
đạt hiệu suất chiến đấu cao, cần phải triệt để phát huy yếu tố bí mật, bất ngờ.
Bí mật, bất ngờ là một trong những yếu tố quan trọng tạo
nên thế và lực, có tác động rất lớn đến khả năng giành thắng lợi. Trong chiến
dịch Đường 9 - Khe Sanh, sử dụng xe tăng tiến công cứ điểm Tà Mây khiến địch
hoàn toàn bị bất ngờ, dẫn đến đối phó bị động, hoảng loạn và nhanh chóng tan
rã. Chỉ sau trận Tà Mây ít ngày, xe tăng lại tham gia đánh trận Làng Vây. Do
vậy, địch đã biết có xe tăng ta tham gia chiến đấu, yếu tố bất ngờ đối với
chúng là không còn. Song BCHT nói chung, lực lượng xe tăng nói riêng vẫn tạo ra
được yếu tố bí mật bất ngờ, nhờ áp dụng rất thành công các biện pháp bảo đảm bí
mật ở cả cấp chiến dịch và chiến thuật. Trong chuẩn bị và thực hành tác chiến,
xe tăng đã lợi dụng yếu tố địa hình, tích cực ngụy trang, giữ nghiêm kỷ luật
nên mặc dù địch có phương tiện trinh sát hiện đại cả trên không và mặt đất cũng
không phát hiện ra xe tăng trên đường cơ động, khu vực tập kết chiến dịch chiến
đấu và khu vực tạm dừng.
Yếu
tố bí mật, bất ngờ là một trong những nguyên tắc tác chiến cơ bản của lực lượng
vũ trang trong đó có lực lượng xe tăng góp phần giành và giữ quyền chủ động của
người chỉ huy. Đây là nét sáng tạo, đặc sắc trong nghệ thuật sử dụng xe tăng
được vận dụng thành công ngay từ lần đầu tiên tham gia chiến dịch BCHT. Do vậy,
trong chiến dịch cũng như trong chiến đấu, người chỉ huy phải áp dụng nhiều
biện pháp, thủ đoạn khác nhau để tạo nên bí mật, bất ngờ hoặc không còn hoàn
toàn bí mật nhưng vẫn tạo nên bí mật, làm cho địch hết bất ngờ này đến bất ngờ
khác, phải bị động đối phó, đánh theo cách đánh của ta. Có như vậy, bí mật, bất
ngờ mới phát huy được giá trị thực tiễn, là yếu tố tăng thêm sức mạnh đột kích
và hiệu suất chiến đấu của xe tăng.
Bốn
là, tổ chức chỉ huy thống nhất, liên tục, mưu trí sáng tạo. Hiệp đồng
chặt chẽ giữa xe tăng với các lực lượng khác BCHT nhất là với bộ binh, pháo
binh, công binh và lực lượng địa phương tại chỗ.
Lần đầu tiên xuất trận, lực lượng xe tăng đã được người chỉ huy cấp trên
sử dụng theo hình thức phối thuộc cho các trung đoàn bộ binh, do người chỉ huy
bộ binh trực tiếp chỉ huy. Về tổ chức chỉ huy xe tăng trong chiến dịch Đường 9
- Khe Sanh nói chung, trận then chốt tiến công địch ở Làng Vây nói riêng, đã
triển khai rất cơ bản, có những nét sáng tạo. ở cấp chiến dịch, để chỉ huy xe
tăng hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ trong lần đầu tham gia chiến dịch BCHT,
Bộ Tư lệnh TTG tăng cường một thủ trưởng Bộ
Tư lệnh và một số cán bộ các cơ quan chính trị, tham mưu, hậu cần, kỹ thuật,
nhân viên chuyên môn..., hình thành sở chỉ huy nhẹ đi cùng chỉ đạo Tiểu đoàn
tăng 198, kịp thời giải quyết khó khăn cho đơn vị trên đường hành quân và làm
tham mưu cho tư lệnh chiến dịch chỉ huy xe tăng chiến đấu. ở cấp chiến thuật,
ngoài số cán bộ chỉ huy trực tiếp trong đội hình trung đội, đại đội, Tiểu đoàn
tăng 198, còn tổ chức đại diện xe tăng, mang theo phương tiện thông tin bên
cạnh người chỉ huy BCHT, nơi xe tăng đến phối thuộc, nhằm nắm chắc tình
hình của xe tăng, kịp thời làm tham mưu cho người chỉ huy BCHT. Hình thức tổ
chức chỉ huy xe tăng trong chiến dịch, chiến thuật vận dụng trong chiến dịch Đường
9 - Khe Sanh là cơ sở đầu tiên, rất phù hợp và có hiệu quả, được vận dụng rộng
rãi trong các chiến dịch, chiến đấu sau này của cuộc chiến tranh giải phóng và
chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Về công tác hiệp đồng tác chiến với bộ binh, công binh, pháo binh và
nhân dân địa phương, cán bộ BCHT và xe tăng đã nhiều lần trinh sát địch trên
các hướng, nắm chắc nhiệm vụ, tổ chức hiệp đồng trên thực địa. Khi tiến công
Làng Vây, để thực hiện tiến công từ hướng nam, cán bộ Đại đội tăng 9 đã hai lần
cùng cán bộ công binh dùng mảng nứa bí mật thăm dò lòng sông Sê Pôn, xác định
đường, bến, phương án lái trên sông... và đề ra các biện pháp khắc phục cụ thể.
Những đoạn sông có nhiều đá ngầm, bộ đội công binh rải quân dọc hai bên, ngâm
mình dưới nước giá buốt để làm lộ tiêu chỉ đường cho xe tăng bơi. Nhờ những sự
nỗ lực cố gắng của bộ đội công binh trong khắc phục vật cản bảo đảm đường cơ
động mà xe tăng ta đã tiến công được từ hướng nam, gây bất ngờ lớn cho địch.
Với pháo binh, bộ đội xe tăng đã hiệp đồng thống nhất từ giai đoạn pháo hoả
chuẩn bị để ngụy trang tiếng động cơ cho xe tăng xuất kích lên chiếm tuyến
triển khai xung phong. Với thông tin, bộ đội xe tăng thường xuyên hiệp đồng,
bảo đảm thông tin liên lạc với sở chỉ huy và các đơn vị bạn. Trong quá trình
tác chiến, bộ đội xe tăng đã được lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân các
dân tộc huyện Hướng Hoá hết lòng giúp đỡ. Đồng bào đã nhường lương thực, thực
phẩm cho bộ đội, tập trung lực lượng, dùng xuồng độc mộc và các phương tiện
khác vận chuyển đạn, khí tài bảo đảm cho xe tăng.
Năm là, sử dụng xe tăng trong tác chiến phải chuẩn bị chu đáo, bảo đảm các mặt
đầy đđủ, kịp thời.
Để tham gia chiến dịch, bộ đội xe tăng phải có thời gian chuẩn bị. Tiểu
đoàn 198 nhận lệnh chuẩn bị chiến đấu đến khi nổ súng có thời gian gần 2 tháng.
Thời gian chuẩn bị, người chỉ huy cần tổ chức cho phân đội chấn chỉnh, kiện
toàn biên chế, trang bị; chuẩn bị công tác kỹ thuật, hậu cần; triển khai các
mặt công tác hiệp đồng chiến đấu. Có thời gian chuẩn bị và chuẩn bị chu đáo
toàn diện sẽ tạo điều kiện cho xe tăng hoàn thành nhiệm vụ.
Khi tham gia chiến dịch, BCHT đã sử dụng một trung đoàn công binh cùng
với xe tăng đi trinh sát địa hình, xác định đường cơ động, phá đá dưới lòng
sông, làm ngầm cho xe cơ động. Do vậy, đã đảm bảo cho xe tăng vào vị trí tập
kết và vị trí chiếm lĩnh bí mật, an toàn; triển khai đội hình, phát triển tiến
công thuận lợi.
Công tác bảo đảm kỹ thuật cho xe tăng hết sức phức tạp, khối lượng công
việc lớn, đòi hỏi nhiều công sức thời gian, bộ đội TTG đã làm tốt công tác bảo
đảm kỹ thuật cho xe trước khi bước vào chiến đấu. Mặc dù vừa qua chặng đường
hành quân, phụ tùng xe chưa chuyển vào kịp, bộ đội tăng đã dồn, lắp hoàn chỉnh
cho 16 xe tham gia chiến đấu. Các mặt bảo đảm hậu cần cho xe và kíp lái được
bảo đảm theo xe: lương thực, thực phẩm, thuốc quân y... đủ cơ số đáp ứng yêu
cầu chiến đấu dài ngày, liên tục.
Lần đầu tiên được tham gia chiến dịch tiến công Đường
9 - Khe Sanh, bộ đội xe tăng đã hoàn thành nhiệm vụ tác
chiến cấp trên giao, góp phần cùng BCHT hoàn thành mục đích đề ra là: Tiêu diệt
một bộ phận lực lượng, buộc địch ở tuyến phòng thủ đường 9 phải điều lực lượng
cơ động ra tăng viện, ứng cứu tạo điều kiện cho các hoạt động tiến công, nổi
dậy đồng loạt trên toàn chiến trường miền Nam trong Tết Mậu Thân 1968. Đối với
bộ đội TTG tham gia chiến đấu BCHT đánh thắng trận đầu, tiêu diệt địch phòng
ngự trong công sự vững chắc trên điểm cao ở Làng Vây, huyện Hướng Hoá, tỉnh
Quảng Trị, không những gây được tiếng vang lớn, tạo được niềm tin vào TTG của
BCHT, mà còn có ý nghĩa thực tiễn khẳng định chiến trường miền Nam có thể sử
dụng được TTG, trong tác chiến TTG có vị trí quan trọng và mở đầu cho truyền
thống "Đã ra quân là đánh thắng".
Phát huy truyền thống vẻ vang đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang, nhân
kỷ niệm sự kiện lịch sử 40 năm ngày ra quân đánh thắng trận đầu, hơn lúc nào
hết cán bộ, chiến sĩ bộ đội TTG cần phải chủ động, sáng tạo, cố gắng hơn nữa
trong việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo cương vị, chức trách của mình. Nếu như trong xây
dựng, phát triển lực lượng và chiến đấu đánh thắng trận đầu cũng như hàng trăm
trận chiến đấu trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc trước đây, bộ đội
TTG đã đạt được nhiều thành tích, xây lên truyền thống "Đã ra quân là đánh
thắng", thì trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ
quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay, mỗi một cán bộ, chiến sĩ TTG lại càng phải thấm
nhuần sâu sắc "chất thép" (như lời căn dặn của Tổng Bí thư Nông Đức
Mạnh), để "chất thép" ấy biến thành hành động cụ thể, tạo thành sức
mạnh tổng hợp, khắc phục và vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng lực
lượng TTG "chính quy, cơ bản, tinh nhuệ, từng bước hiện đại", cùng
toàn Đảng, toàn dân, toàn quân sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm
vụ mà Đảng, Chính phủ, nhân dân giao phó.
Nguồn: Sách “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân 1968”, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội,
2008.
Tải bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!