Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

NGUYỄN SƠN NHỮNG NĂM ĐẦU HỌC TẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG Ở TRUNG QUỐC (1924-1945)

Thiếu tá Nguyễn Văn Trí
Nguyễn Sơn là vị tướng đặc biệt của Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, người đã dành phần lớn thời gian hoạt động cách mạng trên đất Trung Hoa. Nhìn chung, thời gian hoạt động của Nguyễn Sơn ở Trung Quốc có thể chia thành hai giai đoạn chính: 1924 - 1945 và 1950- 1956; trong đó, những năm 1924-1945 là quãng thời gian có khá nhiều điểm khá đặc biệt, góp phần làm nên cốt cách một Nguyễn Sơn đa tài cả trên lĩnh vực quân sự và văn hóa.

 Nguyễn Sơn có tên thật là Vũ Nguyên Bác, con một gia đình khá giả ở phố Yên Ninh (Ba Đình, Hà Nội ngày nay). Cha và ông nội của Vũ Nguyên Bắc có liên hệ với nhiều chí sỹ yêu nước, từng ủng hộ khối lượng lớn vật chất cho phong trào yêu nước những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX[1]. Nối tiếp truyền thống ấy, trở thành một trí thức Tây học nhưng Vũ Nguyên Bác lại sớm dấn thân vào công cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc[2]. Năm 1923, khi mới 15 tuổi, trong dịp khảo sát ở Pháp, Vũ Nguyên Bác đã tiếp xúc Nguyễn Ái Quốc, được giới thiệu về chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường cứu nước. Từ đây, ông bắt đầu bước vào con đường đấu tranh cách mạng dưới sự dẫn dắt của Nguyễn Ái Quốc. Ngay khi về nước, vừa tiếp tục học tập (ở Nam Định), Vũ Nguyên Bác vừa tham gia vào phong trào học sinh, sinh viên chống thực dân Pháp. Cuối năm 1924, khi gặp người liên lạc của Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn Công Thu), chàng thanh niên 16 tuổi Vũ Nguyên Bác bí mật vượt biên theo học lớp huấn luyện cách mạng do của Nguyễn Ái Quốc tổ chức ở Quảng Châu, Trung Quốc.
Tại Quảng Châu, để bảo mật, Vũ Nguyên Bác lấy các bí danh là Lý Anh Tự, Hồng Tú. Ban đầu, Hồng Tú ở bên cạnh và làm liên lạc cho Nguyễn Ái Quốc. Từ công việc đó, chàng trai 16 tuổi Vũ Nguyên Bác có dịp tiếp xúc và dần có mối quan hệ gần gũi với một số nhà cách mạng Trung Quốc như Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân, Thái Xương, Trần Kiều Niên... Để tăng cường lực lượng cho cách mạng Việt Nam, tháng 11 năm 1925, Hồng Tú được cử vào học lớp Huấn luyện chính trị đặc biệt (khóa 2) của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên trong khi vẫn đảm nhiệm công tác liên lạc cho Nguyễn Ái Quốc. Hồng Tú tiếp thu nhanh những tri thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, về cách làm cách mạng và cách hoạt động bí mật. Sau khóa học ngắn này, giữa năm 1926, Hồng Tú được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên; đồng thời, được cử đi học ở Trường Quân sự Hoàng Phố cùng Lê Hồng Phong, Phùng Chí Kiên. Tại ngôi trường này, ông không chỉ được tăng cường thêm tri thức về chủ nghĩa Mác- Lênin mà còn được trang bị những kiến thức quân sự hiện đại dưới sự hướng dẫn, dẫn dắt các giảng viên Liên Xô và Trung Quốc. Qua các buổi học tập tại trường, Hồng Tú có thêm những mối quan hệ mới với nhiều nhà hoạt động cách mạng quốc tế khác, trong đó có Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ.
Sự thông minh và tài giao tiếp của Hồng Tú đã làm Nguyễn Ái Quốc chú ý, mong muốn những phẩm chất ấy phục vụ cho việc xây dựng quan hệ cách mạng Việt- Trung. Vì thế, đầu năm 1927, Nguyễn Ái Quốc chỉ thị Hồng Tú ở lại trường Hoàng Phố công tác sau khi hoàn thành khóa học. Ở lại Trung Quốc, Hồng Tú gia nhập Quốc dân Đảng; tuy nhiên, khi Tưởng Giới Thạch quay sang tấn công những người cộng sản Trung Quốc (4/1927), Hổng Tú đã lập tức dời bỏ Quốc Dân Đảng. Vào tháng 8 cùng năm, ông bí mật gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc và tham cuộc khởi nghĩa Quảng Châu do Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động. Cuộc khởi nghĩa thất bại, năm 1928, Hồng Tú phải dời Trung Quốc tới Thái Lan hoạt động trong cộng đồng Việt Kiều.
Sau sự kiện Thượng Hải, cùng với việc phát động khởi nghĩa vũ trang, Đảng Cộng sản Trung Quốc tập trung lực lượng vũ trang về Tĩnh Cương Sơn (Giang Tây) thành lập Hồng quân Công nông Trung Quốc (còn gọi là Hồng tứ quân) phục vụ cho cuộc chiến tranh cách mạng trường kỳ. Tăng cường cán bộ cho xây dựng Hồng quân Công nông và tiến hành đấu tranh vũ trang ở vùng Tĩnh Cương Sơn và Quảng Đông, Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên cho Hồng Tú trở lại Trung Quốc.
Tiếp tục chủ trương xây dựng mối quan hệ cách mạng Việt-Trung và nhằm rèn luyện cán bộ phục vụ cho cách mạng Việt Nam sau này, Nguyễn Ái Quốc cử Hồng Tú tới Trung Quốc công tácv à tháng 6 năm 1928, Hồng Tú có mặt ở Hồng Kông. Sau một thời gian tham gia tổ chức phong trào công đoàn thủy thủ tại đây, đầu năm 1929, Hồng Tú tới Quảng Đông. Ở Quảng Đông, ông được bổ nhiệm làm chính trị viên đại đội trong đội hình Quân đoàn 11 của Hồng quân Công nông. Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết cách mạng, người chiến sĩ quốc tế Hồng Tú đã chỉ huy, động viên bộ đội Hồng quân chiến đấu nhiều trận như một người Trung Quốc thực thụ. Khẳng định tinh thần cách mạng, quyết tâm chiến đấu của mình, năm 1930, Vũ Nguyên Bác đổi tên thành Hồng Thủy- tên gọi mà quân Quốc dân Đảng thường dùng để ám chỉ những người cộng sản Trung Quốc. Sự hăng hái và nỗ lực động viên bộ đội chiến đấu ấy của Hồng Thủy cho thấy ở ông không chỉ có những phẩm chất của một người chỉ huy dũng cảm xông pha tuyến đầu, mà còn có khả năng tuyên truyền, vận động quần chúng. Nhận ra điều đó, năm 1931-1932 các nhà lãnh đạo, chỉ huy Hồng quân công nông đã đề bạt ông vào chức Chính ủy Trung đoàn 102, rồi Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 34, Quân đoàn 12.
Thêm nữa, nhằm phát huy khả năng tuyên truyền của Hồng Thủy, thời gian này, các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc còn cử ông làm Trưởng phòng tuyên truyền văn hóa thuộc Câu lạc bộ nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và giáo viên chính trị Trường Quân chính Trung ương. Đúng sở trường, Hồng Thủy có điều kiện phát huy tính tích cực, sự chu đáo, trách nhiệm trong công tác giảng dạy. Nếu như sự nhiệt tình, khả năng thuyết giảng của Hồng Thủy trong giảng dạy “gây cho mọi người một ấn tượng sâu sắc”, thì trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, ông đã góp phần quan trọng làm cho đời sống văn hóa trong khu căn cứ của Hồng quân sôi nổi hẳn[3]. Cuối năm 1932, Hồng Thủy cùng Lý Bá Chiêu, Triệu Thẩm Tam Đoàn lập Đoàn kịch Lam San (Công nông kịch đoàn) - đoàn kịch đầu tiên của Hồng quân. Trên sân khấu của Đoàn kịch Lam San, Hồng Thủy (Trưởng đoàn kịch) tích cực dạy đàn, hát, múa cho nhiều lớp cán bộ, chiến sĩ Hồng quân. Đặc biệt, phát huy thắng lợi trước quân Nhật của quân dân Thượng Hải (2-1930), Hồng Thủy dựng vở kịch “Khói lửa Thượng Hải” và đóng nhân vật chính. Vở kịch đã thu hút được đông đảo khán giả khu “Thủ đô đỏ” Thụy Kim (Giang Tây), trong đó có các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Chu Đức…
Thành tích trong công tác, nhất là trên mặt trận văn hóa đã khẳng định tài năng vận động quần chúng đấu tranh của Hồng Thủy; đồng thời, làm cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc chú ý, tin tưởng ở ông hơn. Vì thế, tháng 1 năm 1934, Hồng Thủy được cử dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ hai của nước Cộng hòa Xô viết Trung Hoa và được bầu làm Ủy viên Trung ương.
Dũng cảm trong chiến đấu chống quân thù, đồng thời là một người có khí phách, Hồng Thủy đã thẳng thắn đấu tranh phê bình những quan điểm tả khuynh trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc và bị những nhân vật theo phái tả khuynh quy là “đặc vụ cao cấp”. Đó là một trong những nguyên nhân khiến chẳng bao lâu sau khi vừa trở thành một lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hồng Thủy đã bị khai trừ khỏi Đảng vào cuối năm 1934 [4], bị chuyển công tác đến Đoàn cán bộ Trung ương. Bị hiểu lầm và bị đối xử thô bạo[5] nhưng Hồng Thủy không nao núng, tiếp tục dấn thân vào công cuộc đấu tranh của nhân dân Trung Quốc. Cuối năm 1934, Hồng Thủy theo cánh quân của Lưu Bá Thừa, Chu Đức dời khu Xô viết Giang Tây, thực hiện cuộc “trường chinh” lịch sử lên phía Bắc. Tháng 1 năm 1935, trên đường trường chinh, Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định xét lại “vấn đề” Hồng Thủy, xóa bỏ án sai và khôi phục đảng tịch cho Hồng Thủy. Quyết định nêu trên của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cổ vũ tinh thần và tăng thêm sức mạnh cho người chiến sĩ cộng sản Việt Nam. Hồng Thủy cùng các chiến sĩ Hồng quân kiên cường chiến đấu chống các cuộc vây ráp của quân Quốc dân đảng, vượt qua những cung đường khắc nghiệt như mỏm núi cao quanh năm tuyết phủ của dãy Giáp Kim Sơn hay thảo nguyên mênh mông chỉ có cỏ dại và sình lầy ở Mao Nhĩ Cái.
Được tôi rèn trong gian khó, Hồng Thủy vững vàng hơn trước những khó khăn khách quan và sự tin tưởng của những người đồng đội Trung Quốc càng khích lệ ông mạnh mẽ hơn trong đấu tranh chống những quan điểm sai trái. Tiêu biểu là mùa Thu năm 1935, khi các chỉ huy cánh quân tả của Hồng quân bất đồng về cuộc trường chinh, Trương Quốc Đào cho quân quay về Nam mà không muốn tiếp tục con đường Bắc tiến đầy chông gai để kháng Nhật, Hồng Thủy đã cùng Chu Đức, Lưu Bá Thừa phản kháng gay gắt. Kết quả là Hồng Thủy bị Trương Quốc Đào ghép tội “gián điệp quốc tế” và bị khai trừ khỏi Đảng một lần nữa. Thế nhưng, sự vùi dập ấy lại được Hồng Thủy xem như là những thử thách đối với bản lĩnh, ý chí cách mạng của mình. Ông kiên định: “Nếu một người đã có quyết tâm tham gia cách mạng thì phải chịu được mọi loại thử thách và đả kích, kể các khi bị đồng chí của mình làm sai”[6]. Và một lần nữa ông lại cùng đồng đội trèo núi tuyết, vượt thảo nguyên quay về Nam. Khi cánh quân tả bị quân Quốc dân đảng tấn công, chịu nhiều thiệt hại, đơn vị của Hồng Thủy bị đánh tan, ông một mình Bắc tiến, lần thứ ba vượt núi tuyết và thảo nguyên. Đến đầu năm 1936, Hồng Thủy tới Diên An, Thiểm Tây, nhập vào lực lượng do Mao Trạch Đông trực tiếp chỉ huy, kết thúc cuộc trường chinh dài hơn 10.000 km[7].
Những nỗ lực vượt khó, cùng sự kiên định con đường cách mạng của Hồng Thủy ngày càng được nhiều những nhà hoạt động cách mạng Trung Quốc nể phục và tin cậy hơn. Vì thế, ở Diên An, Hồng Thủy được khôi phục đảng tịch, được học tập tại trường trường Quân chính Hồng quân công nông. Đến đầu năm 1937, phát huy năng lực tuyên truyền của Hồng Thủy, Đảng Cộng sản Trung Quốc điều ông về công tác tại Bộ Dân vận thuộc Tổng bộ chính trị Hồng quân công nông.
Giữa thập niên 30 của thế kỷ XX, Nhật Bản gia tăng nỗ lực xâm lược Trung Quốc. Tháng 7 năm 1937, Tokyo gây sự biến Lư Cầu Kiều, tiến đánh Bắc Kinh. Sang tháng 8, quân Nhật mở rộng phạm vi đánh chiếm xuống Sơn Tây khiến Quân Quốc dân Đảng ở đây lần lượt thua trận, rút chạy. Trước tình hình đó, để bảo vệ sườn Đông Bắc của Diên An, các nhà lãnh đạo cách mạng Trung Quốc chủ trương phát động chiến tranh du kích chống Nhật ở Sơn Tây. Phục vụ cho chủ trương đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc xây dựng căn cứ du kích ở huyện Ngũ Đài, tỉnh Sơn Tây (căn cứ Tấn Sát Ký) và tháng 9 năm 1937, Hồng Thủy theo Bộ Dân vận, Tổng bộ chính trị Bát lộ quân (tên mới của Hồng quân Công nông) có mặt ở Ngũ Đài, Sơn Tây. Ở huyện Ngũ Đài, Hồng Thủy được phân làm Phó Bí thư Đặc ủy Tấn Đông Bắc kiêm Trưởng Ban Tuyên truyền. Theo chủ trương của Đặc ủy, Hồng Thủy tới khu bốn huyện Ngũ Đài để lập Hội đồng động viên địa phương, phát động quần chúng đứng lên kháng Nhật.
Ngũ Đài là huyện có nhiều núi cao hiểm trở, cư dân nghèo, còn nhiều tập tục lạc hậu, trọng nam khinh nữ (phụ nữ ít được tham gia công tác xã hội). Nơi này, các thế lực của Diêm Tích Sơn (Tổng tư lệnh chiến khu 2 của Quốc Dân Đảng) nắm đặc quyền, nhân dân ít có cảm tình với cách mạng. Trong hoàn cảnh đó, vừa tới địa bàn khu bốn, Hồng Thủy tập hợp quần chúng giải thích đường lối kháng chiến của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bác bỏ những luận điệu nói xấu Bát lộ quân. Để vận động quần chúng sâu rộng, nhất là phụ nữ, Hồng Thủy đưa Trần Ngọc Anh (Trần Kiếm Qua, người sau này trở thành vợ ông) vào công tác ở Hội đồng động viên khu - sáng kiến này đã phát huy tác dụng mạnh mẽ. Bằng sự thấu hiểu tình cảnh những người phụ nữ, Trần Kiếm Qua đã vận động được nhiều phụ nữ tham gia bảo đảm quân trang cho bộ đội, gây dựng phong trào phụ nữ trở thành “Chiến sĩ thi đua” chi viện cho tiền tuyến[8].
Như đã trình bày trên, Ngũ Đài là địa bàn ảnh hưởng của các thế lực Diêm Tích Sơn, nhiều gia đình khá giả, có nhiều súng ống nhưng lại không tự nguyện cấp súng, chi tiền của cho du kích chiến đấu. Thực tế này gây bất bình trong dân chúng, đồng thời gây khó khăn cho công tác vận động nhân dân đấu tranh mà Hồng Thủy được phân công phụ trách[9]. Để giải quyết vấn đề, Hồng Thủy dựa vào khế ước đóng góp theo nhân khẩu do chính người nhà Diêm Tích Sơn đề ra, tổ chức quần chúng đến nhà anh em của Diêm Tích Sơn lấy súng, lấy vải vóc.
Việc buộc thế lực Diêm Tích Sơn phải chịu gánh vác trách nhiệm kháng chiến chẳng những giải quyết được một phần khó khăn về trang bị, quân nhu cho lực lượng du kích khu căn cứ, mà còn làm cho tinh thần đấu tranh của nhân dân lên cao. Quần chúng tin tưởng hơn vào sức mạnh của Bát lộ quân trong sự nghiệp phản đế, phản phong. Song, thắng lợi ấy lại chọc đúng vào “tổ ong bò vẽ” Diêm Tích Sơn – ông ta đã trả thù bằng cách gửi phản kháng đến Bát lộ quân. Để giữ vững chính sách đoàn kết kháng Nhật, lãnh đạo quân khu Tấn Sát Ký buộc phải kỷ luật Hồng Thủy và một lần nữa ông lại bị khai trừ khỏi Đảng, bị điều về báo “Kháng địch” - cơ quan ngôn luận của Cục chính trị quân khu Tấn Sát Ký. Ở đây, với cương vị Phó chủ nhiệm kiêm chủ trì công tác hàng ngày, Hồng Thủy đã tổ chức khôi phục tờ báo sau khi bị bom Nhật phá hủy. Không những thế, ông còn quan tâm hiện đại hóa việc in ấn tờ báo thông qua việc tranh thủ huy động các thiết bị in ấn hiện đại hơn như chữ chì, máy in tipô Bút Khai.
Những nỗ lực của Hồng Thủy đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền kháng chiến trong biên khu Tấn Sát Ký và được Tư lệnh biên khu Nhiếp Vinh Trăn đánh giá cao[10]; do đó, khoảng cuối năm 1938, Hồng Thủy được khôi phục đảng tịch. Sau sự kiện này, đầu năm 1939, Hồng Thủy được điều về công tác tại Phân hiệu hai trường Đại học kháng Nhật (Linh Thọ, Hà Bắc) với cương vị Phó Chủ nhiệm Khoa Giáo dục chính trị. Từ đây, công tác của Hồng Thủy ở Trung Quốc ổn định hơn, ông vừa lãnh đạo, vừa giảng dạy và chiến đấu, góp phần đào tạo cán bộ và bảo vệ biên khu Tấn Sát Ký.
Năm 1941, Chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định giương cao ngọn cờ dân tộc, động viên toàn dân tiến tới lên giành chính quyền. Tập trung lực lượng cho nhiệm vụ tối cao ấy, Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương nhiều lần đề nghị Đảng Cộng sản Trung Quốc giải quyết cho những chiến sĩ người Việt, trong đó có Hồng Thủy về nước công tác. Những tháng ngày hoạt động cách mạng ở Trung Quốc đã góp phần tạo lên một chiến sĩ quốc tế Hồng Thủy có tài thao lược và giàu kinh nghiệm chiến đấu cũng như kinh nghiệm xây dựng lực lượng vũ trang. Truyền đạt những tri thức đó về Việt Nam hẳn là điều mà các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc mong muốn, song họ cũng đồng thời muốn truyền bá những quan điểm, tư tưởng về xây dựng Đảng của mình về Việt Nam. Vì thế, Hồng Thủy chưa được điều về Việt Nam mà  được lệnh về trường Đảng Trung ương ở Diên An học về chỉnh đốn tác phong của Đảng (chỉnh phong) với nội dung chính là chống tư tưởng chủ quan và chủ nghĩa bè phái (tháng 4 năm 1943)[11]. Đến tháng 8 năm 1945, khi Hồ Chí Minh một lần nữa thiết tha đề nghị cho các chiến sĩ Việt Nam về nước, Hồng Thủy mới được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn y cho về quê hương chiến đấu. Từ đây, ông bắt đầu một chương khác trong đời hoạt động cách mạng của mình với tên mới Nguyễn Sơn.
Như vậy, theo tiếng gọi của non sông Việt Nam, theo chỉ thị của Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Đông Dương, Nguyễn Sơn đã dành hầu hết tuổi thanh xuân của mình để học tập và chiến đấu ở Trung Quốc. Trong những ngày tháng gian khổ những rất đỗi hào hùng ấy, Nguyễn Sơn đã không ngừng phấn đấu trở thành một người cộng sản đầy năng lực, được cấp trên tin cậy, được đồng đội mến mộ. Đối với cách mạng Việt Nam và cả cách mạng Trung Quốc, ông là người có những đóng góp to lớn, có công tạo dựng những nền móng ban đầu. Trong hàng ngũ Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, Nguyễn Sơn đã xông pha trên nhiều trận tuyến, trong đó nổi trội nhất là mặt trận tuyên truyền và giáo dục.
Có thể nói, từ năm 1924 đến năm 1945, hoạt động tại Trung Quốc, Nguyễn Sơn đã đóng góp đáng kể vào việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng và phát động chiến tranh nhân dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sự lớn mạnh của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc thời kỳ này là một trong những cơ sở quan trọng cho thành công của cách mạng Trung Quốc sau này. Sự phát triển của cách mạng Trung Quốc đã tạo ra những  thuận lợi to lớn cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam. Thực vậy, từ năm 1950 đến năm 1954, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là nguồn viện trợ chủ yếu cho nhân dân Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp.
Hơn 20 năm hoạt động ở Trung Quốc, được tôi rèn và trưởng thành vượt bậc từ trong thử thách, gian khó, Nguyễn Sơn đã trở thành một người chỉ huy tài ba, giàu kinh nghiệm thực tế. Những kinh nghiệm công tác tích lũy được và bản lĩnh lãnh đạo vượt trội, trở về Việt Nam công tác, Nguyễn Sơn đã dành nhiều tâm  sức phát triển các trường quân sự, đào tạo cán bộ, phát huy tính thi đua và tinh thần tập thể trong huấn luyện bộ đội. Ông cũng được biết đến như là một người đứng đầu có sức lan tỏa, từng  tập hợp nhiều văn nghệ sĩ đi theo và cống hiến cho kháng chiến, góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ kháng chiến, làm cho văn hóa thực sự là một mặt trận, soi đường cho quốc dân đi.
Vẫn còn nhiều điều mà giới nghiên cứu chưa biết đầy đủ về hoạt động ở Trung Quốc của Nguyễn Sơn trong khoảng thời gian từ năm 1924 đến năm 1945. Bởi thế, không có gì lạ khi còn nhiều đánh giá, nhận thức khác nhau về thời gian hoạt động tại đây của vị lưỡng quốc tướng quân này. Song, có một điều ít ai tranh cãi và phủ nhận là những năm đầu ở Trung Quốc, Nguyên Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một người chiến sỹ cộng sản, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của cả Trung Quốc và Việt Nam. “Lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn - Hồng Thủy không chỉ là nhà chỉ huy quân sự tài ba, mà còn là một nhà hoạt động văn hóa có tư duy đi trước thời đại. Ông đã hoàn thành xuất sắc vai tròtín sứ của cách mạng Việt Nam và Trung Quốc những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc.




[1] Trần Kiếm Qua, Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương- Tôi và Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn, Hồi ký, Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại dịch, Nxb Văn Học, Hà Nội 2004, tr 102.
[2] Vũ Nguyên Bác tốt nghiệp trường Sư phạm Bắc Kỳ năm 1924.
[3] Trần Kiếm Qua, Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương- Tôi và Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn, Hồi ký, Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại dịch, Nxb Văn Học, Hà Nội 2004, tr 112-113.
[4] Trần Hàn Phong, Một con người đã cống hiến trọn đời cho cách mạng Trung Quốc, trong Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Văn Khoan,…, Nguyễn Sơn-Lưỡng quốc tướng quân, Nxb Thông tấn, Hà Nội 2006, tr 337.
[5] Trần Hàn Phong, Một con người đã cống hiến trọn đời cho cách mạng Trung Quốc, trong Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Văn Khoan,…, Nguyễn Sơn-Lưỡng quốc tướng quân, Nxb Thông tấn, Hà Nội 2006, tr 337.
[6] Trần Kiếm Qua, Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương- Tôi và Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn, Hồi ký, Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại dịch, Nxb Văn Học, Hà Nội 2004, tr 119.
[7] Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh 2006, tr 627.
[8] Trần Kiếm Qua, Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương- Tôi và Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn, Hồi ký, Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại dịch, Nxb Văn Học, Hà Nội 2004, tr 85.
[9] Xem Trần Kiếm Qua, Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương- Tôi và Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn, Hồi ký, Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại dịch, Nxb Văn Học, Hà Nội 2004, tr 129.
[10] Trần Kiếm Qua, Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương- Tôi và Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn, Hồi ký, Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại dịch, Nxb Văn Học, Hà Nội 2004, tr 158.
[11] Xem Trần Kiếm Qua, Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương- Tôi và Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn, Hồi ký, Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại dịch, Nxb Văn Học, Hà Nội 2004, tr 215-216.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!