Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

TIẾP VẬN ĐƯỜNG KHÔNG CỦA MỸ CHO CĂN CỨ KHE SANH NĂM 1968


Tiếp vận đường không được Mỹ sử dụng phổ biến trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Phương thức tiếp vận này giúp quân đội Mỹ tránh được những đòn phục kích của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam mà tiếp vận bộ thường gặp; đồng thời, còn có thể cơ động lực lượng nhanh; qua đó, giành lợi thế chiến thuật để xoay chuyển tình thế trên chiến trường. Tuy thế, trong không ít trận chiến, tiếp vận đường không của quân đội Mỹ đã bị Quân Giải phóng làm cho khốn đốn, không thể tiếp vận nhanh, hiệu quả như mong đợi. Tiếp vận của lực lượng không quân của quân đội Mỹ trong trận Khe Sanh từ ngày 21 tháng 1 đến ngày 8 tháng 4 năm 1968 là một trường hợp như vậy.
1- Căn cứ Khe Sanh nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Trị, do 1 trung đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ cùng lực lượng phụ trợ đồn trú. Phần lớn lực lượng này đóng trong căn cứ Khe Sanh; còn lại, khoảng 20% quân số, đóng  rải rác trên các điểm cao bên ngoài phía Bắc, Tây Bắc căn cứ, như cứ điểm 1015, 905, 861, 881 Bắc, 881 Nam và 558. Cuối năm 1967, căn cứ Khe Sanh bị Quân Giải phóng bao vây, cắt đường giao thông bộ. Tình hình đó được Bộ Chỉ huy Mỹ ở miền Nam Việt Nam xem là cơ hội để dùng sức mạnh không quân tiêu diệt đối phương và kế hoạch dùng không quân oanh tạc xung quanh Khe Sanh được vạch ra. Bên cạnh đó, chuẩn bị cho tình huống tiếp vận cho căn cứ Khe Sanh bị tấn công, đầu tháng 1 năm 1968, lực lượng không quân vận tải của Mỹ ở Nam Việt Nam đã thực nghiệm thả dù hàng và hạ cánh tần xuất cao xuống sân bay của căn cứ này.
Đêm ngày 20, rạng sáng ngày 21 tháng 1 năm 1968, trận Khe Sanh mở màn. Căn cứ Khe Sanh cùng các cao điểm ngoại vi bị Quân Giải phóng tập kích, pháo kích nhiều giờ đồng hồ. Đạn pháo phá hủy nhiều công sự, hầm hào, xe cộ của Thủy quân lục chiến Mỹ, nhà kho chứa 1.500 tấn đạn dược (chiếm 98% lượng đạn dược dự trữ) cũng bị pháo phá hủy[1]. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Mỹ ở miền Nam Việt Nam triển khai chiến dịch Niagara; đồng thời, tổ chức tiếp vận khẩn cấp cho căn cứ Khe Sanh và các cao điểm ngoại vi. Lực lượng tham gia tiếp vận gồm các đơn vị vận tải của Không quân và Thủy quân lục chiến Mỹ ở chiến trường Nam Việt Nam với các loại máy bay vận tải cánh cố định C-7A, C-123, C-130, máy bay trực thăng vận tải CH-34, CH-46, CH-53 và máy bay trực thăng vũ trang UH-1E[2]. Máy bay vận tải cánh cố định đảm nhiệm tiếp vận cho căn cứ; trong khi đó, các máy bay trực thăng vận tải có nhiệm vụ tiếp vận cho các cao điểm ngoại vi.
Cuộc tiếp vận của lực lượng không quân Mỹ gặp khó khăn ngay từ giờ phút đầu: Đường băng bị hư hỏng nặng nên trong hai ngày đầu khai trận chỉ có máy bay trực thăng và máy bay vận tải loại nhỏ C-123 hạ cánh được với một tiểu đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ và khoảng 160 tấn hàng đi cùng – ít hơn nhiều so với mức tiếp vận mà các nhà quân sự Mỹ đặt ra cho căn cứ Khe Sanh khi bị tấn công là 185 tấn hàng mỗi ngày[3]. Một vài chiếc trong số máy bay hạ cánh được (ở cả trong căn cứ và các cao điểm bên ngoài) bị pháo, cối, rocket của Quân Giải phóng bắn hư hại. Riêng trong hai ngày đầu, không quân Mỹ đã mất ít nhất 3 máy bay trực thăng vận tải  (1 chiếc CH-34 và 2 chiếc CH-53)[4]. Tình hình đó đã khiến một bộ phận lãnh đạo, chỉ huy cấp cao Mỹ lo lắng về việc bị cắt cầu không vận và căn cứ Khe Sanh sẽ trở thành một Điện Biên Phủ thứ hai. Bộ Chỉ huy Mỹ ở miền Nam Việt Nam vội cho nghiên cứu một kế hoạch mở đường tiếp vận bộ, thậm chí nghiên cứu khả năng dùng vũ khí hủy diệt hàng loạt để giải cứu căn cứ Khe Sanh; đồng thời, triển khai ngay một số biện pháp tăng cường năng lực tiếp vận. Để giảm thiệt hại cho máy bay vận tải, Không quân Mỹ chuyển địa điểm lấy hàng tiếp tế cho các cao điểm ngoại vi từ căn cứ Khe Sanh sang căn cứ Đông Hà; khẩn trương nhận hàng khi máy bay hạ cánh, còn từ ngày 24 tháng 1, sau khi đường băng sửa chữa xong, loại máy bay tải trọng lớn C-130 được sử dụng chủ yếu trong tiếp vận.
Thông qua điều chỉnh cách thức hoạt động như vậy, hiệu quả tiếp vận đường không cho căn cứ Khe Sanh và các cao điểm ngoại vi được nâng lên đáng kể. Tính từ ngày 24 đến 31 tháng 1, trung bình mỗi ngày có 20 chuyến máy bay hạ cánh xuống Khe Sanh (riêng máy bay C-130 hạ cánh 18 lần/ngày) với 250 tấn hàng. Ngày 27 tháng 1, các máy bay vận tải đã vận chuyển đến căn cứ này Tiểu đoàn biệt động 37 của Việt Nam Cộng hòa[5]; trong khi đó, tính trong 4 ngày cuối tháng 1, trực thăng vận tải vận chuyển đến các cao điểm ngoại vi ít nhất 20 tấn hàng và đưa được một số binh lính thương vong về hậu cứ[6]. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã có thể yên tâm về hoạt động không vận cho chiến trường Khe Sanh. Trong tuần cuối tháng Giêng, các thử thách mới lại xuất hiện - máy bay trực thăng vận tải tiếp tục bị đạn pháo của Quân Giải phóng bủa vây, gặp khó khăn và chịu nhiều thiệt hại khi hạ cánh xuống các cao điểm, nhất là các cao điểm khu vực phía Tây Khe Sanh (như cao điểm 861 và 881). Bên cạnh đó, các máy bay vận tải cánh cố định, nhất là C-130 (những loại máy bay cần đường băng dài để hạ cánh) thỉnh thoảng vẫn phải hủy, hoãn chuyến cất, hạ cánh do đường băng của sân bay Khe Sanh bị pháo bắn hư hại hoặc do bản thân các máy bay bị trúng đạn pháo phải sửa chữa gấp. Hiện thực u ám đó càng làm cho nỗi lo bị cắt đường tiếp vận cho Khe Sanh gia tăng mạnh mẽ trong giới chỉ huy, lãnh đạo Mỹ. Để hạn chế thiệt hại và đảm bảo tiếp tế cho căn cứ Khe Sanh thông suốt, người Mỹ đã đưa ra các phương án điều chỉnh cách tiếp vận đường không như dùng máy bay C-7A hay tiếp vận vào ban đêm hoặc tiếp vận bằng thả dù. Hai phương án đầu không được Thủy quân lục chiến chấp thuận vì sức vận tải của máy bay C-7A không lớn còn việc tiếp vận đêm gây nhiều khó khăn trong nhận/chuyển người và hàng. Trong khi đó, phương án thả dù hàng hóa, vật liệu, khí tài tuy được xem là khả thi vì đã được thử nghiệm thành công ở chính căn cứ Khe Sanh nhưng cũng không giành được sự đồng thuận cao bởi nó không giải quyết được vấn đề tải thương và gây nguy hại cho những hàng hóa dễ vỡ như đồ quân y, thức ăn, nước uống.
2-Trong lúc Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ còn đang lúng túng và chưa thống nhất về một phương án tiếp vận đường không hiệu quả, an toàn hơn thì vào đầu tháng 2, việc tiếp vận cho căn cứ Khe Sanh ngày càng trở nên khó khăn, căn cứ bị pháo kích mạnh hơn. Số đạn pháo rót vào nơi này tăng từ khoảng 200 quả mỗi ngày lên khoảng 600 quả mỗi ngày. Đặc biệt, từ tuần thứ hai của tháng 2, khi Quân Giải phóng thực hiện chiến thuật vây lấn, đưa súng cối, rocket vào gần căn cứ hơn thì cơ sở hạ tầng và các mục tiêu lộ thiên của Thủy quân lục chiến Mỹ ở bên trong cũng bị tấn công mạnh mẽ và hư hại nặng nề. Đường băng, hệ thống dẫn bay liên tục bị trúng đạn buộc sân bay Khe Sanh phải tạm ngừng hoạt động ít nhất bốn lần trong hai tuần đầu của tháng. Việc tạm đóng cửa sân bay cùng với thời tiết thường có sương mù dày vào buổi sáng khiến nhiều chuyến bay tiếp vận bị hoãn, hủy. Số lần hạ cánh trung bình mỗi ngày của máy bay tiếp vận vào đầu tháng 2, theo đó, giảm một nửa so với số lần hạ cánh trung bình mỗi ngày cuối tháng 1, còn khoảng 10 chuyến mỗi ngày[7], số hàng được vận chuyển đến, nhìn chung cũng giảm tương ứng. Tính từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 2, số hàng tiếp vận trung bình mỗi ngày chỉ đạt khoảng129 tấn. Cá biệt, trong hai ngày ngày 10 và 11 tháng 2, số hàng mà căn cứ Khe Sanh nhận được chỉ ở mức hai con số, lần lượt là 32 và 53 tấn hàng[8]. Không chỉ thế, trong 6 ngày liên tiếp (kể từ ngày mùng 5-2 trở đi), mức thiệt hại của lực lượng không quân tiếp vận Mỹ bởi đạn pháo Quân Giải phóng cũng nặng nề hơn. Máy bay tiếp vận không chỉ bị hỏng hóc ở mức độ có thể sửa chữa, khôi phục được mà bị phá hủy, loại khỏi vòng chiến đấu hoàn toàn. Điển hình là ngày 10 tháng 2, một máy bay KC-130 chở dầu của Thủy quân lục chiến bị trúng đạn súng máy phòng không 12,7ly đã nổ tung khi lao xuống đường băng.
Sự gia tăng thiệt hại về máy bay và việc gián đoạn trong hoạt động tiếp vận đã khiến việc đảm bảo an toàn cho lực lượng tiếp vận cũng như việc đáp ứng nhu cầu được tiếp tế của quân đồn trú ở Khe Sanh trở thành những vấn đề bức thiết cần có phương án khẩn trương giải quyết của Bộ Chỉ huy Mỹ ở Nam Việt Nam. Sau nhiều cuộc bàn thảo, Bộ Chỉ huy Mỹ quyết định tăng cường oanh tạc bằng không quân xung quanh căn cứ Khe Sanh để hạn chế sự tấn công của pháo binh Quân Giải phóng[9]; đồng thời, nhất trí tiến hành hoạt động tiếp vận bằng cách cho máy bay mạo hiểm hạ cánh xuống đường băng kết hợp thả dù; trong đó, tiếp vận bằng dù đóng vai trò chính (máy bay C-130 hạ cánh để tải thương, còn chuyển hàng dễ vỡ do máy bay C-123 đảm nhận)[10]. Việc thả dù bắt đầu từ ngày 13 tháng 2 và ban đầu chỉ là thả dù tầm cao (từ 1.8km) xuống bãi đáp ở rìa đầu phía Tây đường băng. Đến ngày 16 tháng 2, Không quân Mỹ triển khai thêm thả dù tầm thấp xuống đường băng để đáp ứng những nhu cầu tiếp vận về hàng nặng cồng kềnh như tấm ghi đường băng, vật liệu để làm công sự… Nhờ sự hỗ trợ của hệ thống ra đa dẫn đường từi căn cứ Khe Sanh, phần lớn các dù được thả đã rơi vào khu vực dự định.
Song, thả dù là một chuyện, tiếp nhận dù lại là một chuyện khác. Khu vực dù đáp (ở cả bãi đáp bên ngoài và trên đường băng) bị tập trung pháo kích cả ngày lẫn đêm. Pháo binh trong căn cứ Khe Sanh và máy bay ném bom của Mỹ phối hợp phản công nhưng không hiệu quả[11]. Rút cục, Thủy quân lục chiến Mỹ buộc phải đi thu hàng dưới làn đạn bắn chặn của pháo binh Quân Giải phóng, hoạt động tiếp nhận hàng do đó bị gián đoạn liên tục. Lực lượng mặt đất của Mỹ phải mất đến gần một giờ đồng hồ để thu hồi một dù hàng rơi đúng khu vực qui định và không thể triển khai nhận dù khi trời tối do khó khăn trong vận chuyển, quan sát, trú tránh đạn pháo bắn tới. Đến đây, một vấn đề nan giải mới nảy sinh: Do hạn chế về năng lực tiếp nhận hàng hóa của quân đồn trú, việc thả dù của Không quân Mỹ bị giới hạn về thời gian. Mỗi đợt thả dù phải giãn cách đến vài giờ đồng hồ và hàng ngày hoạt động thả dù chỉ kéo dài đến 15 giờ chiều để lực lượng mặt đất có đủ thời gian thu/nhận hàng trước khi trời tối. Những qui định về thời gian thả dù ấy đương nhiên khiến nhiều chuyến bay tiếp vận của Không quân Mỹ buộc phải đình hoãn; số dù được thả trung bình mỗi ngày theo đó chỉ đạt khoảng 10 chiếc (chứ không phải 16 chiếc như yêu cầu của căn cứ Khe Sanh), còn lượng hàng chuyển đến từ ngày 13 tháng 2 đến ngày 22 tháng 2, chỉ đạt trung bình mỗi ngày khoảng 150 tấn (chứ không phải 235 tấn như nhu cầu thực tế của quân đồn trú)[12]. Hậu quả là quân Mỹ ở căn cứ Khe Sanh lâm vào cảnh thiếu thốn nhiều nhu yếu phẩm, vật dụng cho sinh hoạt và chiến đấu hàng ngày.
Tương tự như tình hình tiếp vận cho khu vực trung tâm, hoạt động tiếp vận cho các cao điểm ngoại vi vào đầu tháng 2 cũng gặp những khó khăn to lớn. Mây mù và hỏa lực pháo binh của Quân Giải phóng làm cho mỗi chuyến bay của trực thăng tiếp vận đến các cao điểm ấy trở thành hành trình vào khu tử địa. Số máy bay trực thăng của Không quân Mỹ bị tiêu diệt bởi hỏa lực của đối phương vào giữa tháng 2 lên tới 3 chiếc mỗi ngày[13]. Tình hình bi đát đó khiến việc tiếp vận cho các cao điểm liên tiếp bị hủy, hoãn hoặc phải mất gấp đôi thời gian theo lệ thường mới có thể thực hiện được. Cá biệt, việc chuyển hàng cho cao điểm 905 còn bị ngưng trệ trong 9 ngày liền và quân Mỹ nơi này đã bị thiếu lương thực, nước uống một cách trầm trọng.
3-Trước tình hình tiếp vận ảm đạm như thế, Bộ Chỉ huy Mỹ ở Nam Việt Nam phải thêm một lần nữa điều chỉnh cách thức tiếp vận đường không cho Thủy quân lục chiến ở Khe Sanh. Họ tăng hỏa lực đường không yểm trợ cho tiếp vận các cao điểm ngoại vi[14] và quay lại dùng cách cho máy bay C-130 hạ cánh tiếp vận cho căn cứ Khe Sanh - những điều chỉnh ấy được triển khai vào tuần cuối của tháng 2 khi bầu trời Khe Sanh bớt mây mù. Nhờ tăng hỏa lực yểm trợ, trực thăng vận tải chuyển được hàng đến các cao điểm với mức thiệt hại nhẹ hơn[15]; trong khi những chuyến hạ cánh của máy bay C-130 xuống căn cứ Khe Sanh kịp mang đến cho Thủy quân lục chiến những viên đạn cỡ 90 và 106mm mà lực lượng này đang cần gấp do vụ nổ kho đạn ngày 23 tháng 2. Những chiếc C-130 đáp được xuống sân bay cũng đã chuyển được một lượng lớn binh sĩ thương vong về tuyến sau. Tuy thế, nỗ lực trên của lực lượng không quân Mỹ chỉ giải tỏa được phần nào cuộc “khủng hoảng” tiếp vận mà họ đang phải đối mặt. Máy bay trực thăng tiếp vận cho các cao điểm ngoại vi vẫn bị pháo binh, phòng không Quân Giải phóng bắn chặn mãnh liệt khiến phải lao nhanh vào khu vực bãi đáp để thả hàng mà không thể thực hiện các chuyến tải thương[16]. Ở hướng tiếp vận cho khu trung tâm, dưới áp lực mạnh mẽ của hỏa lực pháo phòng không từ Quân Giải phóng, từ ngày 25 đến ngày 29 tháng 2, trung bình mỗi ngày máy bay C-130 chỉ hạ cánh được 3 chuyến với hơn 50 tấn hàng[17], một mức tiếp vận thấp kỷ lục, thấp hơn cả mức tiếp vận bằng dù khiến không ít yêu cầu tiếp tế của căn cứ bị bỏ qua. Tất yếu, quân Mỹ- một đội quân vốn quen với sự sung túc về vũ khí, đạn dược và nhu yếu phẩm cho sinh hoạt, đã phải sống những ngày khó khăn chồng chất tại căn cứ trong làn đàn bủa vây tứ bề.
Trước những bất cập đó, ngày 29 tháng 2, sau khi 1 máy bay C-130 bị pháo bắn hư hại nặng, Bộ Chỉ huy Mỹ ở Nam Việt Nam quyết định quay lại cách tiếp vận bằng dù là chính cho căn cứ Khe Sanh. Quay lại cách tiếp vận chủ yếu bằng thả dù có nghĩa là hoạt động tiếp vận của Không quân Mỹ cho căn cứ Khe Sanh tiếp tục phụ thuộc nhiều vào năng lực nhận hàng của Thủy quân lục chiến ở dưới mặt đất. Trong khi đó, từ cuối tháng 2 năm 1968, hoạt động của Thủy quân lục chiến Mỹ ở căn cứ Khe Sanh bị hạn chế một cách đáng kể bởi Quân Giải phóng áp sát hàng rào phòng thủ ngoài cùng, sử dụng súng bộ binh, nhất là súng trường bắn tỉa hết sức hiệu quả, khiến phần lớn các vị trí thuộc khu vực đường băng và bãi thả dù nằm trong vòng kiềm tỏa. Tình cảnh đó của Khe Sanh khiến người Mỹ không khỏi liên tưởng tới thảm họa bị vây lấn của Điện Biên Phủ năm nào. Nỗi sợ hãi trước nguy cơ Thủy quân lục chiến ở căn cứ Khe Sanh bị chặn nguồn tiếp tế khi các hình thức tiếp vận đường không bị vô hiệu hóa khiến Nhà trắng buộc tìm một cách tiếp vận khác - mở đường tiếp vận bộ, một kế hoạch vốn được nghiên cứu từ cuối tháng 1-1968. Trên cơ sở kế hoạch mang tính giải quyết  tình huống này, ngày 2 tháng 3 năm 1968, Tư lệnh Bộ Chỉ huy tiền phương Mỹ ở vùng I chiến thuật, Tướng Abraham và Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ ở Nam Việt Nam, Tướng Cushman nhất trí việc mở đường tiếp vận bộ, giải vây cho căn cứ Khe Sanh thông qua một cuộc hành quân không – bộ mang tên Ngựa bay, song do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan khác nhau, Bộ Chỉ huy Mỹ ở miền Nam Việt Nam vẫn thể chưa triển khai ngay cuộc hành quân dự định này.
Cùng lúc, việc tiếp vận bằng dù nảy sinh thêm một số khó khăn ở cả khâu thả dù. Vào tuần đầu của tháng 3, máy bay bay tới khu vực Khe Sanh bị hoả lực phòng không của Quân Giải phóng bắn mạnh hơn khiến mỗi chuyến bay tiếp vận cho căn cứ Khe Sanh cần phải có máy bay cường kích hộ tống[18], Bên cạnh đó,  việc thả dù tầm thấp bị thiếu phương tiện một cách nghiêm trọng (do bị pháo của Quân Giải phóng bắn hư hại khá nhiều) nưhng phương pháp thả dù mới dự định thay thế (thả dù sát đất) chưa thể triển khai ngay, nên mỗi ngày chỉ có 2 chuyến dù tầm thấp được thả xuống căn cứ Khe Sanh[19]. Có nghĩa là nhiều nhu cầu về đạn dược cỡ lớn, về cấu kiện công binh cho gia cố công sự, về vũ khí, thuốc men, đạn dược... không được đáp ứng đủ. Tới đây, Bộ Chỉ huy Mỹ ở miền Nam Việt Nam không thể chần chừ, so đo thêm giữa hai phương thức tiếp vận đường không và đường bộ được nữa. Ngày 10 tháng 3, Tướng Westmoreland phê chuẩn cuộc hành quân Ngựa bay và ngay ngày hôm sau (ngày 11 tháng 3), công tác chuẩn bị cho cuộc hành quân này được gấp rút triển khai. Đến ngày 1 tháng 4 năm 1968, sau gần một tháng chuẩn bị, cuộc hành quân Ngựa bay được thực hiện và tới ngày 8 tháng 4, đường bộ đến căn cứ Khe Sanh được khai thông. Trong thời gian ấy, lực lượng không quân Mỹ vẫn đảm nhận tiếp vận cho căn cứ Khe Sanh và các cao điểm ngoại vi với mức tiếp vận tăng đáng kể nhưng nhìn chung ít ngày có số lượng vượt con số 235 tấn và mức dự trữ khẩu phẩn ăn không phải lúc nào cũng đạt ngưỡng 30 ngày như thời gian trước khi trận đánh nổ ra.
Nhìn chung lại, tính từ ngày 21 tháng 1 đến ngày 8 tháng 4 năm 1968, các máy bay vận tải của Mỹ đã thực hiện hơn 1.000 chuyến bay tiếp vận, vận chuyển gần 15.000 tấn hàng đến căn cứ Khe Sanh; riêng các máy bay của Không quân bay 1.128 chuyến với 12.430 tấn hàng[20]. Dưới áp lực của hỏa lực từ Quân Giải phóng, toàn bộ hoạt động tiếp vận ấy diễn ra với rất nhiều thay đổi phương thức vận chuyển, chịu không ít tổn thất cả về người và của.
*                          *
*
Như vậy, trước những bất lợi xuất phát từ tự nhiên và hoạt động chiến đấu của Quân Giải phóng, lực lượng không quân Mỹ đã phải nhiều lần thay đổi phương thức tiếp vận, song vẫn không tránh khỏi những khó khăn về đảm bảo vật tư, vũ khí, khí tài và quân lực cho căn cứ Khe Sanh cũng các cứ điểm lân cận. Thế “tiễn thoái lưỡng nan” đó buộc Bộ Chỉ huy Mỹ ở Nam Việt Nam phải viện tới cách tiếp vận bằng đường bộ vốn chứa đựng nhiều rủi ro vì luôn đứng trước nguy cơ rơi vào những bẫy phục kích của Quân Giải phóng. Thực tế đó không chỉ cho thấy, tiếp vận đường không vốn được coi là phương thức tiếp vận thế mạnh của quân đội Mỹ đã không thể phát huy tác dụng trong ma trận Khe Sanh, mà còn cho thấy rằng, không phải lúc nào sức mạnh cơ giới, kỹ thuật quân sự cũng là yếu tố quyết định. Chiến tranh Việt Nam luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ đối với người Mỹ- những bất ngờ không thể giải thích bằng những định lý, những quy luật thông thường. Thực vậy, khi mà “phía bên kia” ung dung đi vào cuộc chiến, bình thản đối đầu với bom đạn và sự hủy diệt với một niềm tin sắt đá vào tính chính danh của cuộc chiến ấy, thì sức mạnh quân sự đơn thuần của Mỹ chỉ còn là vô nghĩa.



[1] Shawn P. Callahan, Close air support and the battle for Khe Sanh, History Division, United States Marines Corps, Quantico, Virginia, 2009, p 65.
[2] Gồm: Sư đoàn không vận 834, Không đoàn 315 của Không quân;  Phi đội 152, Liên đội 36 và Liên đội 16 của Thủy quân lục chiến.
[3] Bernard C. Nalty, Air power and the fight for Khe Sanh, Special Studies, Office of Air force history, United States Air force, Washington, D.C 1986, p 25-26; Ryan F. Ferrell, Airlift's role at Dien Bien Phu and Khe Sanh, https://www.globalsecurity.org/military/library/report/1991/FRF.htm; Sam Mc Gowan, Trash haulers, The story ò the C-130 Hercules troop carrier/tactical airlift mission, Author House, Bloomington (USA), 2011, p 226-227; Jack Shuliman, Leonard a. Blasiol, Charles R. Smith, David A. Dawson, U.S Marines in Vietnam, The defining year 1968, History and Museums Division, Headquarters, U.S. Marines Corps, Washington, D.C 1997, p 261, 265; Ray L. Bowers, Tactical airlift, Office of Air force history, United States Air force, Washington, D.C 1983, p297.
[4] Dick Camp, Assault from the sky, U.S. Marine corps helicopter operations in Vietnam, Casemate Publishers, Philadelphia & Oxford 2013, p 125, 131.
[5] Ray L. Bowers, Tactical airlift, Office of Air force history, United States Air force, Washington, D.C 1983, p 298.
[6] Ray L. Bowers, Tactical airlift, Office of Air force history, United States Air force, Washington, D.C 1983, p 299.
[7] Ray L. Bowers, Tactical airlift, Office of Air force history, United States Air force, Washington, D.C 1983, p 301
[8] Tổng hợp từ các báo cáo của Tướng Westmoreland gửi Bộ Tham mưu liên quân và Tổng thống Mỹ trong hai tuần đầu tháng 2, http://www103.pair.com/adsd/khe-sanh.
[9] Từ giữa tháng 2, lực lượng không quân Mỹ, nhất là lực lượng không quân chiến lược với máy bay B-52, gia tăng cường độ oanh tạc xung quanh căn cứ Khe Sanh.
[10] Máy bay KC-130 của Thủy quân lục chiến tiếp tục hạ cánh, mang xăng dầu đến căn cứ nhưng đến ngày 22 tháng 2, sau khi thêm 2 chiếc khác bị hư hại, đội ngũ máy bay này cũng ngừng đáp xuống sân bay Khe Sanh.
[11] Jack Shuliman, Leonard a. Blasiol, Charles R. Smith, David A. Dawson, U.S Marines in Vietnam, The defining year 1968, History and Museums Division, Headquarters, U.S. Marines Corps, Washington, D.C 1997, p 268.
[12] Ray L. Bowers, Tactical airlift, Office of Air force history, United States Air force, Washington, D.C 1983, p 303; Tổng hợp từ các báo cáo của Tướng Westmoreland gửi Bộ Tham mưu liên quân và Tổng thống Mỹ từ ngày 13 đến ngày 22 tháng 2, http://www103.pair.com/adsd/khe-sanh.
[13] Jack Shuliman, Leonard a. Blasiol, Charles R. Smith, David A. Dawson, U.S Marines in Vietnam, The defining year 1968, History and Museums Division, Headquarters, U.S. Marines Corps, Washington, D.C 1997, p 483.
[14] Việc tăng hỏa lực đường không yểm trợ cho trực thăng tiếp vận các cao điểm ngoại vi thường được gọi là chiến thuật Bầy ngỗng (Super Gaggle) vì dùng đến 12 máy bay cường kích A4, 4 máy bay trực thăng vũ trang UH-E hộ tống cho khoảng 8 máy trực thăng vận tải.
[15] Ngày đầu thực hiện chiến thuật Bầy ngỗng (24/2) có 1 máy bay trực thăng vận tải bị trúng đạn không thể trờ về căn cứ xuất phát. Hai ngày sau, 26 tháng 2, có 2 chiếc trực thăng vận tải bị phá hủy. XemJack Shuliman, Leonard a. Blasiol, Charles R. Smith, David A. Dawson, U.S Marines in Vietnam, The defining year 1968, History and Museums Division, Headquarters, U.S. Marines Corps, Washington, D.C 1997, p 485; Báo cáo số 22 của Westmoreland gửi Bộ Tham mưu liên quân và Tổng thống Mỹ, ngày 26 tháng 2 năm 1968, http://www103.pair.com/adsd/khe-sanh
[16] Gregg Jones, The enduring debate over Khe Sanh, Jan. 19, 2018, https://www.nytimes.com/2018/01/19/opinion/enduring-debate-khe-sanh.html
[17] Ray L. Bowers, Tactical airlift, Office of Air force history, United States Air force, Washington, D.C 1983, p 304.
[18] Vào tuần đầu tháng 3, có ít nhất 3 máy bay vận tải C-123 bị hư hại, trong đó có 1 chiếc bị nổ tung, mất 49 người đi cùng. Xem Ray L. Bowers, Tactical airlift, Office of Air force history, United States Air force, Washington, D.C 1983, p 307.
[19] Ray L. Bowers, Tactical airlift, Office of Air force history, United States Air force, Washington, D.C 1983, p 311.
[20] Ray L. Bowers, Tactical airlift, Office of Air force history, United States Air force, Washington, D.C 1983, p 315.